Phố Hoa Hồng

Trong chuyến đi Anh quốc vừa rồi, với tôi, đó là phố Hoa Hồng nơi có những quán bar cổ mà men rượu Scotland từng làm cho những bài thơ tình trở nên nguệch ngoạc, run rẩy trên vách tường, có
vành mũ nhẫn nại nằm ngửa trên lòng phố lắng nghe tiếng vĩ cầm lạ lùng của chủ nhân – một nghệ sĩ đường phố… Đó cũng là nơi đã “kiêu hãnh” đón tôi trong lần sinh nhật năm nay.

Thú thực tôi chỉ phát hiện ra con phố này khi đang đi tìm ngôi nhà số 35 trên đường Pháo Đài – Castle street, nơi mà nhà văn danh tiếng Walter Scott đã cất tiếng khóc chào đời để thỉnh đôi câu tình dao một thời say đắm bao con tim. Đó là một việc thực sự đáng làm khi khám phá Edinburgh, thành phố được UNESCO công nhận là thành phố văn học đầu tiên trên thế giới. Tôi đang cắm cúi bước đi theo sự chỉ dẫn của chiếc bản đồ bất chợt có tiếng violon réo rắt, mê mẩn. Nó rất khác lạ so với nhiều tiếng vỹ cầm tôi đã thỉnh được dưới ga tàu điện ngầm, bên bờ sông Thames hay nhiều ngõ ngách Edinburgh luôn nổi tiếng bậc nhất thế giới về nghệ thuật trình diễn trên đường phố.

Bản nhạc Eine Kleine Nachtmusik đã níu bước chân. Thực lòng với bạn đọc, trước âm nhạc tôi chỉ là dạng con cháu ngu tồi của dòng họ Ngưu ma vương. Tôi không sành điệu đến độ nghe và nhớ đúng tên những nhạc phẩm cổ điển danh tiếng. Nhưng trâu làng lại thường được mục đồng đãi sáo diều.

Tôi rất nhớ bản nhạc này chỉ vì một lần sau khi chụp ảnh cho Đặng Thái Sơn biểu diễn ở nhạc viện Hà Nội hồi năm 2000, một cô gái rất xinh muốn biểu diễn violon bản concerto này để đổi cho tôi chiếc khăn rằn, đồ thời trang thời thượng và làm hàng của dân nhiếp ảnh. Tôi tò mò vì sao lại là Eine Kleine Nachtmusik của Mozart? Cô gái nói rằng bản dạ khúc này Mozart đã sáng tác trong thời kỳ “đen tối” của cuộc đời. Những ngày mà từ Tổng giám mục vùng Salzburg đến công chúng đều cố quên đi một thần đồng âm nhạc, một hiệp sĩ Mozart từng biểu diễn cho Đức Giáo Hoàng ở Roma. Đó cũng là những ngày vô cùng túng bấn phải viết cả nhạc đám cưới, hỏi, sinh nhật để kiếm sống.

Những ngày Mozart phải chứng kiến người tình Alyosa lên xe hoa với kẻ khác.. Vậy mà Mozart đã che giấu rất kỹ, chẳng để lại chút dấu vết đau khổ trên bất kỳ một nhạc phẩm nào. Còn câu hỏi về khăn rằn thì cô gái không nói. Đã 8 năm không hề gặp lại, chẳng hiểu cô gái Hà Nội và cây vĩ cầm nhỏ có giấu tôi điều gì nhưng cho tới hôm nay ngó bé gái Edinburgh dùng ngón tay nhỏ bé vuốt trên dây đàn để tìm kiếm những thay đổi bất ngờ của các nốt nhạc và tiết tấu thì tôi biết mình không bao giờ có thể quên Eine Kleine Nachtmusik.

Tôi lùi dự định đến nhà 35 phố Pháo Đài để tìm kiếm thêm một cái gì đó về phố Hoa Hồng. Con phố dài hơn tôi tưởng, nó bình thản nép trong lòng thành phố Edinburgh cổ kính, thủ phủ của Scotland, nơi có quá nhiều những con phố nổi tiếng. Về danh tiếng phố Hoa Hồng không bao giờ có thể sánh với High street, con đường nối pháo đài cổ mang tên thành phố với lâu đài Holyroodhouse của Nữ
Hoàng. Con đường tập hợp vô số những di sản văn hoá.

Nhưng phố Hoa Hồng giống High street ở chỗ đó là hai con phố duy nhất của  Edinburgh còn giữ nguyên biểu tượng riêng từ xa xưa. High street là trái tim và phố Hoa Hồng là bông hoa hồng mãn khai được ghép bằng nhiều viên đá cổ.

Phố Hoa Hồng chỉ cách đường Hoàng Tử Princes street một cái lắc vai. Đường Hoàng Tử thì sở hữu một bên là trung tâm mua bán sầm uất, ồn ào nhất thành phố cũng như miền Bắc nước Anh, một bên ken dày những công trình văn hoá như đài tưởng niệm Scotland, công viên Hoàng Tử, bảo tàng, gallery nghệ thuật… Nhưng phố Hoa Hồng lại có quyền kiêu hãnh vì sự tĩnh lặng lịch duyệt của nó.

Đến những bức tranh vẽ chân dung của Walter Scott, Robert Louis tevenson- nhà văn có máu lãng tử và được yêu thích nhất ở Anh những năm giữa thế kỷ 19 với tác phẩm “Treasure Island”, “Dr Jekyll and Mr Hyde” hay những bức họa phong cảnh Scotland cũng nép khá kín đáo trên những mảng tường phủ đầy dây hoa đủ màu sắc vui nhộn.

Để có thể luẩn quẩn trong vùng toả sóng của chiếc vỹ cầm, tôi tìm đến quán Milnes ở số 21-25 của phố Hoa Hồng.
Thật may mắn cho tôi, khi biết rằng kể từ năm 1790, đây chính là nơi tụ tập, giao lưu của không biết bao nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Anh. Trên các bức tường còn lưu giữ khá công phu những bài thơ, bút tích cùng ảnh hoặc chân dung sơn dầu của Alexande Scott, George Chambell Hay, David Morrison, Hugh MacDiarmic…

Chẳng còn gì thú vị hơn khi những giọt hổ phách thứ thiệt của Scotland ngấm dần vào mao mạch hưng phấn, trên nền nhạc Mozart lại nghe một nhà văn già người Anh đung đưa cùng những câu thơ phóng túng trong The Faerie Queene của Edmund Spenser, một thi sĩ lớn của thời đại Tudo: Lẩn nhanh vào trong sự dịch chuyển của mỗi ngày/ cuộc sống thật ngắn ngủi/ Lá, chồi và hoa không mãi non tươi/ Hãy ngắt những đoá hồng của tình ái lúc rực rỡ/ Vội vàng lên kẻo nét trinh nguyên sẽ phai tàn./.


From the same category