Phó Đức Phương – “Tôi chỉ cần con là một người thắp nến trong ngôi đền thiêng!”

Nhạc sĩ Phó Đức Phương vốn nổi danh với các bài hát mộc mạc chân quê thấm đẫm không gian của làng quê Bắc bộ như “Những cô gái quan họ”, “Về quê”, những ca khúc liêu trai ám ảnh trong một không gian huyền ảo như: “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Không thể và có thể”… Con trai ông, nhạc sĩ Phó Đức Hoàng (1990), tốt nghiệp khoa sáng tác giao hưởng tại Boston Academy và đang chuẩn bị học cao học tại Mỹ. Tác phẩm của Hoàng được đánh giá cao và hứa hẹn là một tài năng trong lĩnh vực nhạc hàn lâm, kinh điển!

Cha con nhạc sĩ Phó Đức Phương 


Hoàng kiệm lời, nên chọn nhạc không lời!

– Hoàng ra đời, cách hai người chị khá xa, liệu có gì đặc biệt không, thưa ông?

– Tôi cũng không biết nói sao, nhưng chắc chắn là không có sự chiều chuộng thái quá. Chúng tôi tôn trọng con cái thì đúng hơn. Khi Hoàng không thích bố mẹ hỏi han khá nhiều vào việc riêng của mình, tôi hiểu cảm giác đó. Thế nên, tôi cũng không cố hỏi nhiều.

– Liệu nó có gần với sự “bất lực” với thế giới riêng của cậu ấy?

– Đúng thế. Hồi nhỏ, tôi nghĩ, con trai tôi có một thế giới riêng, người khác khó hiểu được nó. Cả ngày cậu nhóc có thể không nói câu nào, chỉ đôi khi nói với mẹ. Thực ra, tôi biết, Hoàng giống tôi hồi trẻ, và có phần cực đoan hơn!

– Hồi trẻ ông thế nào?

– Tôi cũng khá rụt rè, trầm lặng. Thích chìm đắm vào đam mê âm nhạc, và đầy nhiệt huyết với nhạc. Nói chung, chỉ sau này, khi đã kha khá tuổi rồi, không hiểu sao tôi thay đổi: thích hoạt động, và rất tích cực với công việc trong ngành bản quyền âm nhạc. Tôi làm, mà cảm thấy như mình chưa thể nào chạm được vào tận cùng của việc mang lại cho anh em sáng tác những quyền lợi mà họ đáng được hưởng.

– Khi con là người ít nói, không thích giao tiếp nhiều, ông có lo lắng không?

– Chỉ đôi khi thôi. Phần nhiều là đành phải tôn trọng. Vì đứa trẻ, khi không thích điều gì, thì càng bảo, chúng càng không làm. Mà có làm, thì cũng là khiên cưỡng. Tôi biết con phải chịu đựng sự khác biệt đó, có những lúc, tự con cảm thấy khó chịu, lúng túng khổ sở vì con đâu có thích nói chuyện tào lao với nhiều người mà cha mẹ chúng cứ áp đặt.

– Như vậy, có thể hiểu, bố không hề “áp đặt” con chút nào?

– Không. Tôi chẳng “át” gì, mà sao cứ có bố, con chẳng nói năng gì. Chắc do bố cũng thuộc loại vụng về chăng? Bản thân tôi, cứ có rượu vào, thì tôi mới bốc lên. Chứ không có gì, tôi cũng có biết nói gì đâu, ngồi im thôi mà. Thế nên đôi khi tôi nghĩ, con giống tôi phần nào, nhất là cái khoản ngồi im không nói năng!

– Ông có hướng con mình học nhạc ngay từ nhỏ không?

– Không hề. Tôi cũng để con phát triển bình thường và không muốn áp đặt con cái. Khi Hoàng 6 tuổi, tôi mới cho Hoàng học piano. Tôi đâu có sốt ruột và cũng không muốn con phải là một nghệ sĩ piano. Cậu ấy hoàn toàn được tự do theo học những gì mình thích.


Trúng phóc với số mệnh!

Trong thời gian theo học Piano chuyên nghiệp tại nhạc viện Hà Nội, cậu quyết định học khoa Sáng tác. Có lẽ, thời gian này, Phó Đức Phương đã xuất hiện và đúng vai trò của một ông bố – đó là những cuộc nói chuyện như giữa hai người đàn ông trưởng thành với nhau. Người cha đã chỉ cho con mình thấy, có lẽ, nên làm một cuộc thay đổi chính mình, “Nếu con thích nhạc giao hưởng, con nên tìm học ở nước ngoài, ở nơi đó, sẽ có nhiều bài học kinh điển với cách học mới mẻ hiện đại dành cho con”.

– Khi nào thì ông thấy Hoàng bắt đầu “mê” nhạc?

– Thực ra, tôi rất sốt ruột về Hoàng. Đã ít nói, ít giao tiếp, lại có vẻ như không thích đọc sách nhiều, nhưng có đôi lần, tôi thấy con nghe rất nhiều nhạc, mà toàn nhạc không lời, giao hưởng… Cái thứ khá nặng với một cậu bé tuổi còn nhỏ. Sau nhiều lần như vậy, tôi nghiệm ra rằng: Có hai lý do. Có thể do nhạc không lời có sự quyến rũ khiến cho con người thực sự đắm chìm vào thế giới âm thanh đơn thuần. Và sự lựa chọn của mỗi con người, đều xuất phát từ điều kiện cơ năng học, của chính con người đó. Tức là do Hoàng rất ít lời. Không quan tâm tới lời, lâu dần, thành ra quen với thế giới riêng ít lời đó. Nên nhạc, cậu cũng sẽ chọn loại nhạc không có lời. Nó phù hợp với bản tính của cậu ấy.

– Ai là người quyết định trường học cho cậu con trai tại Boston Academy?

– Tôi là người hướng con đi học nước ngoài, còn học ở đâu, học bổng, hay quyết định đi vào thời điểm nào, là do con tự tìm hiểu trên mạng, tự quyết định. Tôi hiểu, nếu học ở trong nước, cậu cũng sẽ phải thích nghi với cuộc sống đời thường, mà điều ấy, Hoàng không có nhiều. Hoàng hầu như cách ly với đời thường, không lăn lộn xông xáo như người bình thường. Mà như vậy, ở đây, sẽ không có đất phát triển. Cứ làm một cú hích, biết đâu, tự Hoàng sẽ biết cách sống cho riêng mình.

– Nhưng làm thế nào để đặt niềm tin vào con cái của ta một cách thật “vững vàng” nhất? Lúc đó, ông có tin vào con đường đi của Hoàng là đúng không?

– Tôi nghĩ, sự chuyên tâm của Hoàng quả thật là hiếm có. Đó là một sự chuyên tâm thành thật và đơn giản. Từ ngày đầu tiên, tới Boston một mình, nói thật, tôi cũng thương con lắm. “Lơ nga lơ ngơ”, có lẽ lớp trẻ khác cánh chúng tôi ở chỗ: chúng tôi đã cùng sống, cùng hít thở với cuộc sống của nhân dân, nên các sáng tác, nó cũng đẫm dân gian. Còn bọn trẻ, chúng được hưởng những ưu việt của thời công nghệ, có thể giỏi hơn chúng tôi về điều đó nhưng trải nghiệm, thì không thể nào bằng lớp chúng tôi. Nếu con mình là người nhanh nhẹn, có thể tôi yên tâm hơn, nhưng Hoàng, rõ là một người khái tính và cả kỹ tính nữa. Muốn có một tương lai tốt thỏa mãn đam mê của mình, thì cần phải tự rèn luyện mình. Có người học xong, hỏng đi, còn cậu này, việc học ở đó, trúng phóc với số mệnh.

– 4 năm học tại Boston, ông thấy con mình đã trưởng thành thế nào?

– Tôi hài lòng, vì thấy con đường của con trai mình đã rõ. Hoàng là người không chịu đi theo thẩm mỹ trung bình, mà là thứ âm nhạc của bác học, sẽ rất khó nghe, khó diễn, khó sống ở Việt Nam. Hai bố con, có hai con đường âm nhạc khác nhau. Có thể, chúng tôi lại tiếp tục khó chia sẻ, mà chỉ lặng thầm cảm nhận về nhau. Tôi chưa bao giờ giúp được Hoàng cái gì về âm nhạc. Có chăng, là các cuộc nói chuyện “vu vơ” với những người bạn của tôi, họ đa phần là nhạc sĩ. Và thi thoảng, trong các cuộc gặp gỡ tình cờ hiếm hoi, những người bạn tôi như Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Mạnh Tuấn, Đỗ Bảo đều tỏ ra khá trân trọng và ủng hộ con đường sáng tác nhạc giao hưởng mà Hoàng đang theo.

– Tôi thấy bố con tuy ít… “giao lưu”, nhưng ông khá hiểu con mình đấy chứ!

– Vâng, nhiều lúc bạn bè tôi cũng bảo, Hoàng nó không muốn nói với bố thôi, chứ “Hoàng hơi bị ghê đấy”. Nói vậy, thì tôi cũng chỉ biết cười thôi!

– Có sự đồng cảm hay mâu thuẫn nào khi hai bố con cùng chia sẻ về âm nhạc hay không?

– Hoàng tôn trọng tác phẩm của bố, nhưng khi hỏi có nhận xét gì về nhạc của bố, cậu bảo: Có lẽ, để bố tự hát tác phẩm của bố thì tốt hơn. Còn tôi, cảm thấy khi con mình toàn tâm toàn ý, tôi rất an tâm, và cậu ấy có quyền phủ định mọi giá trị thông thường, không đi vào lối mòn, mà đi tìm một con đường khó hơn cho mình.

Tóm lại, cậu này vẫn là một ẩn số, vì chặng đường còn dài, thế nên, ẩn số này đầy tiềm năng, đáng để chờ đợi, đáng để vun vén. Tôi chả dám nghĩ gì nhiều về tương lai của con, vì nắm tay sao từ sáng tới tối được, mà tôi chỉ mong con đi được đến tận cùng con đường mà con yêu thích. Không cần con phải là người có chức có quyền, nếu như cả đời con chỉ là người đi thắp nến nhưng thắp ở ngôi đền âm nhạc mà con yêu thích, sống toại nguyện với con đường mình đam mê. Như thế, là được rồi. Đó là cách nghĩ nhẹ lòng, sâu xa, và thực tâm nhất của tôi!

Bài: Codet HaNoi

Ảnh: Lê Lai (LIETA Studio)

Bài viết thuộc bản quyền của Đẹp Eco System. Vui lòng không sao chép, cắt dán, sử dụng nội dung, hình ảnh của bài viết và đăng tải trên các phương tiện khác dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý.


From the same category