Phim võ hiệp: Mộng ước của những "già gân" điện ảnh - Tạp chí Đẹp

Phim võ hiệp: Mộng ước của những “già gân” điện ảnh

Giải Trí

Đối trọng đáng kể của Hollywood

Với nền tảng võ học lâu đời, điện ảnh Hoa ngữ đã có một kho tàng phim võ hiệp đặc sắc. Ngọn cờ đầu là Hồng Kông, nơi sản sinh hàng ngàn tác phẩm, đưa dòng phim võ hiệp đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, đặc biệt từ năm 1990, trở thành một đối trọng đáng kể với dòng phim hành động, vốn là thế mạnh của Hollywood.

Sau thời đại của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long, hai hãng phim Thiệu Thị và Gia Hòa với đạo diễn Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm, chỉ đạo võ thuật Hồng Kim Bảo và Viên Hòa Bình đã thay nhau làm nên những tác phẩm đỉnh cao giúp lăng xê một thế hệ ngôi sao Hoa ngữ mới có sức ảnh hưởng toàn cầu như Châu Nhuận Phát, Lâm Thanh Hà, Chu Tỉ Lợi…

ly-tieu-long
Lý Tiểu Long

Phim võ hiệp cũng là mảnh đất màu mỡ cho nhiều tên tuổi của điện ảnh Hoa ngữ tìm đường nổi tiếng, trong đó phải kể đến Thành Long, Châu Tinh Trì, Lý Liên Kiệt hay các quyền lực mới như Chân Tử Đan, Triệu Văn Trác, Ngô Kinh… đều có xuất thân từ lò võ chuyên nghiệp.

Hàn Quốc – một bá vương khác của điện ảnh Châu Á cũng không hề thờ ơ trước sức công phá của dòng phim võ hiệp. Có lợi thế là mảnh đất khai sinh các môn võ đối kháng như taekwondo, hapkido… các nhà làm phim Hàn Quốc đã rất khéo léo trong việc xây dựng những bộ phim võ hiệp cổ trang, lồng trong đó lịch sử Hàn Quốc và tinh thần xả thân vì lí tưởng với phong cách lãng mạn và hiệu ứng hình ảnh đẳng cấp. “Vô danh kiếm” của Yong-gyun Kim là một ví dụ điển hình cho phong cách này.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim Hàn Quốc cũng sẵn sàng chi mạnh để có những bộ phim võ hiệp hợp tác quốc tế đặc sắc. Tiêu biểu nhất là “The kick” (Cú đá) có đạo diễn là Prachya Pinkaew – người Thái (nổi tiếng với phim “Ong-Bak”) kể về hai người Hàn Quốc tình cờ tìm được một cổ vật của hoàng gia Thái Lan và bị truy lùng. Bộ phim với ê-kíp chuyên nghiệp cùng hiệu ứng tốt ngay từ quá trình sản xuất, mang đến màn trình diễn võ thuật theo một phong cách mới mẻ mà vẫn giữ được tinh thần Á Châu.

Mảnh đất củng cố sự nghiệp của những tên tuổi lớn

Dường như mỗi nhà làm phim Châu Á đều mang mộng ước làm một phim võ hiệp. Thực tế cho thấy, rất nhiều đạo diễn từng thành công ở các thể loại phim khác đều bắt tay thực hiện một bộ phim võ thuật vào thời điểm chín muồi về tuổi nghề.

crouching_tiger_hidden_dragon

Nhà làm phim tâm lý Vương Gia Vệ có “Đông Tà Tây Độc” mượn chuyện võ công để kể chuyện tình. Đạo diễn Lý An sau những bước tiến vững chắc tại thị trường Âu Mỹ với các bộ phim tâm lý đã mang đến “Ngọa hổ tàng long”, một phá cách về lối kể, đánh dấu sự tái xuất rực rỡ của Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh cùng việc phát hiện ngôi sao mới Chương Tử Di.

Như một cú hích từ hải ngoại, thế hệ đạo diễn thứ 5 của Trung Quốc liên tiếp cho ra đời các phim võ hiệp hướng đến thị trường quốc tế. Phải kể đến Trương Nghệ Mưu với phim “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”, “Hoàng Kim Giáp”; Trần Khải Ca với phim “Vô cực”, “Đạo sĩ hạ sơn”; Phùng Tiểu Cương với “Dạ yến”; Ngô Vũ Sâm với “Kiếm vũ”…

Khác biệt hẳn đi có Trần Khả Tân với bộ phim “Wu Xia” (Võ hiệp). Đây là bộ phim mang màu sắc chính thống kết hợp nhiều màn đả đấu lôi cuốn chân thực, mang hồn cốt đậm chất võ hiệp Trung Hoa. Một bất ngờ thú vị là đạo diễn của dòng phim nghệ thuật, từng chinh phục các giải thưởng quốc tế Hầu Hiếu Hiền cũng thực hiện một bộ phim võ hiệp – “Nhiếp Ẩn Nương”, với sự tham gia của Thư Kỳ, Trương Chấn, Ngô Ngạn Tổ. Tiết tậu chậm, tối giản tình tiết mang đậm phong cách của Hầu Hiếu Hiền mang đến một phong vị lạ cho dòng phim kiếm hiệp, và mang lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Cannes cho ông.

vo-danh-kitm-cha-yong-gyun-kim

Con đường nào cho phim võ hiệp Việt?

Chất võ hiệp của điện ảnh Việt chưa đủ để tạo thành hẳn một dòng phim riêng nhưng hầu hết các bộ phim Việt đều ít nhiều có yếu tố về anh hùng, võ thuật.

Charlie Nguyễn ngay khi về Việt Nam đã thực hiện “Dòng máu anh hùng”, lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; anh đã đưa nhiều thế võ độc đáo của nền võ thuật Việt vào tác phẩm của mình. Bộ phim đã tạo cảm hứng cho các nhà làm phim Việt khác dấn thân vào dòng phim võ thuật, và tạo được một đội ngũ chủ chốt cho phong trào làm phim sau này như: đả nữ Ngô Thanh Vân, tài tử – chỉ đạo võ thuật Johnny Trí Nguyễn, đạo diễn Dustin Nguyễn, phó đạo diễn Lê Thanh Sơn… Để rồi chúng ta có “Lửa Phật”, “Bẫy rồng”, “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền thoại bất tử”… Trong giai đoạn này, bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ nổi lên như một tác phẩm võ hiệp Việt Nam với đầy đủ tình tiết hấp dẫn từ bối cảnh lịch sử đến mối tình hiệp khách giang hồ. Anh cũng là người sẽ đưa “Lôi báo”, một câu chuyện siêu anh hùng đầu tiên của điện ảnh Việt đến với công chúng trong thời gian sắp tới. Đây là một quyết định mạo hiểm của Victor Vũ nhưng thực sự cần thiết nhằm khơi gợi niềm tự hào dân tộc khi hiện nay màn ảnh rộng ngập tràn các phim siêu anh hùng từ các nền điện ảnh khác.

Điều thú vị là hầu hết các đạo diễn có tên tuổi ở Việt Nam hiện nay như Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Lưu Huỳnh, Lê Thanh Sơn đều đã dành nhiều năm trong lò võ hoặc có hiểu biết sâu về đề tài này, giống công thức chung của các đạo diễn châu Á khác. Vậy nên, làm một bộ phim về hiệp khách giang hồ ở vào độ chín của tuổi đời, tuổi nghề chẳng qua là cách những “già gân” sống lại giấc mơ một thời thanh niên sôi nổi của mình.

thien-menh-anh-hung

 

Thực hiện: depweb

02/10/2017, 07:00