Phim Việt "phủ kín bìa tạp chí Varity danh tiếng tại LHP Busan 10/2006. Kết quả: giành được giải Phim được khán giả yêu thích nhất cho "Áo lụa Hà Đông" |
Phim “Sài Gòn nhật thực” vừa qua bị báo chí và dư luận trong nước “đánh tơi tả”, nhưng vẫn kịp có tới 2 giải thưởng tại liên hoan phim (LHP) quốc tế. Trước đó, “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” cũng thay nhau gặt hái giải thưởng tại LHP nước ngoài…
Những thông tin chiến thắng từ “đấu trường” quốc tế dồn dập đưa về, làm nức lòng người ở nhà. Nhưng có mấy ai thử tìm hiểu xem giá trị thực sự của những giải thưởng LHP quốc tế ấy là gì và đâu là chỗ đứng thật sự của phim Việt tại các LHP quốc tế?
Nửa bánh mì sự thật
(* Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì.
Một nửa của sự thật thì chưa chắc…)
Ở Việt Nam, đạo diễn được mời tham dự các LHP quốc tế nhiều nhất (đi theo phim của mình) là Lưu Trọng Ninh và Lê Hoàng. Ban đầu thì còn háo hức, nhưng đi mãi hai vị này cũng oải, vì danh tiếng của 95% những LHP mà họ được mời lọt thỏm giữa một “đại dương mênh mông” các LHP trên thế giới. Có người nói vui “Những LHP kiểu này trên thế giới… cân ký lô mãi không hết!”.
Người người… nhà nhà… tổ chức LHP Quốc tế!
Hầu hết các quốc gia, dù hùng mạnh hoặc kém phát triển, đều biết điện ảnh là một trong những con đường tốt nhất để tự “tiếp thị” mình ra thế giới. Nhưng không phải nước nào cũng có “nền điện ảnh”.
Nếu chưa lớn mạnh, thì tổ chức LHP quốc tế là phương thức khả thi và phổ biến nhất. Thậm chí bất cứ thành phố lớn – nhỏ, hoặc tiểu bang lớn – nhỏ nào cũng có thể tổ chức LHP quốc tế, như là một cách để quảng bá và giới thiệu rộng rãi địa danh của mình với cộng đồng thế giới.
Quý vị có biết trên thế giới này có bao nhiêu LHP diễn ra hàng năm không? Khoảng 550 LHP, được phân bổ như sau:
– Châu Phi có 9 LHP.
– Châu Á có 42 LHP – trong đó riêng Ấn Độ có 10 LHP, Trung Quốc (tính cả Hong Kong), Nhật Bản, Hàn Quốc, và… Philipinnes mỗi nước có 4 LHP…
– Châu Âu có 194 LHP – trong đó Anh có 21 LHP, Hà Lan 19 LHP, Đức 16 LHP, Italia 14 LHP, Cộng hòa Séc 11 LHP, Rumani 10 LHP…
– Châu Đại Dương có 16 LHP – trong đó Úc chiếm… 11 LHP.
– Nam Mỹ có 8 LHP.
– Bắc – Trung Mỹ có 34 LHP – trong đó Canada chiếm… 29 LHP.
– Riêng nước Mỹ có 246 LHP với tỷ lệ tiểu bang nào cũng có ít nhất 1 LHP. Tiểu bang nhiều nhất là California với 39 LHP, New York 22 LHP.
Nhiều như vậy, nhưng các liên hoan phim tầm cỡ và giá trị thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể: Cannes (Pháp), Venice (Ý), Berlin (Đức), Toronto (Canada), Sundance (Mỹ), Rotterdam (Hà Lan)… được xếp vào hạng A.
Thấp hơn một chút là Moscow (Nga), Locarno (Thụy Sỹ), St. Sebastian (Tây Ban Nha), Karlovy Vary (Cộng hòa Séc), Mar del Plata (Achentina)…
Điều làm nên uy tín của các LHP hạng A là truyền thống lâu đời, có tiềm lực mạnh về du lịch và kinh tế, và quan trọng nhất là nhiều ngôi sao hội tụ mỗi kỳ tổ chức.
Mấy năm gần đây, các LHP hạng A đã đưa ra một điều kiện gắt gao, là phim phải mới và chưa tham dự bất cứ LHP nào khác. Điều này cũng có nghĩa nhà sản xuất và đạo diễn phải tính trước điểm rơi cho phim của mình, sẽ tham dự LHP nào, chứ không phải như cách đây chục năm, một phim có thể tham dự nhiều LHP khác nhau.
Giải Oscar của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ không phải là LHP như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà chỉ là một buổi lễ trao giải thưởng ghi nhận những thành tựu điện ảnh trong năm, do các thành viên của Viện Hàn lâm (khoảng 5.000 người) bỏ phiếu bầu chọn.
Tuy mục đích chỉ có vậy, nhưng ảnh hưởng quá lớn của điện ảnh Mỹ đã khiến giải Oscar trở thành niềm mơ ước lớn nhất của thế giới điện ảnh. Thậm chí đoạt giải Cành Cọ Vàng (LHP Cannes) còn chưa danh giá bằng… được đề cử Oscar!
Điệu buồn… phim Việt
Điện ảnh Việt Nam đến giờ vẫn còn lúng túng, nếu không muốn nói là hoàn toàn mù mờ về việc đưa phim đến các LHP trên thế giới. Liên hoan rơi vào thời điểm nào, tiêu chí từng năm của LHP, cách thức gửi phim đi, liên lạc với người đại diện nào… hầu như chẳng mấy ai nắm rõ quy tắc cụ thể.
Thế là bấy lâu nay, phim Việt đến các LHP quốc tế chỉ mang tính tự phát và quẩn quanh ở những LHP mà tên gọi phải sục tìm đứt hơi mới thấy vài dòng ngắn ngủi trên Internet. Cơ hội để tiếp cận các LHP danh tiếng trên thế giới cứ mãi là chuyện xa vời mà thật ra chẳng xa đến thế.
Rốt cuộc, giương cao ngọn cờ Việt Nam tại các LHP danh tiếng trên thế giới lại là những những đạo diễn Việt kiều. Họ có lợi thế sau lưng là những nhà sản xuất nước ngoài rất tài giỏi và năng động. Việc của các đạo diễn là cứ làm phim, còn đưa phim đến các thị trường và LHP là việc của nhà sản xuất.
Năm 1993, tại LHP Cannes, Giải Camera Vàng (dành cho phim đầu tay) dành cho một đạo diễn Việt kiều mới ngoài 30 tuổi, Trần Anh Hùng với bộ phim “Mùi đu đủ xanh”. Ngay năm sau (1994), bộ phim này đã được Đề cử Oscar phim nước ngoài hay nhất.
Năm 1995, đạo diễn Trần Anh Hùng lại bước lên bục cao nhất với Giải Sư tử vàng tại LHP Venice qua bộ phim “Xích lô”.
Năm 1999, đạo diễn Tony Bùi lúc đó mới 26 tuổi, thực hiện bộ phim “Ba mùa” đã đoạt 3 giải tại LHP Sundance: Giải thưởng lớn của Ban giám khảo, Giải quay phim và Giải khán giả yêu thích.
Như vậy chỉ riêng trong thập niên 90, cái tên Việt Nam đã 4 lần được vinh danh tại các Giải thưởng và LHP danh giá bậc nhất thế giới, trở thành một trong những nước đứng đầu điện ảnh châu Aæ ở thập niên này.
Những tưởng đó sẽ là cú hích lớn để điện ảnh Việt Nam chuyển mình bước vào thế kỷ 21, xác nhận vị trí đích thực của mình trên thị trường thế giới…
Nhưng không…
Điện ảnh trong nước vẫn ngấm ngầm không công nhận những thành tựu quốc tế kể trên với một quan niệm rằng “phim họ hay vì họ nhiều tiền, ta tiền thế thì phim… thế”. Nhưng chắc chắn vấn đề không chỉ là tiền…
Nếu chỉ tính những phim thực hiện bằng chính nội lực của mình, thì “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến là phim có giải thưởng quốc tế giá trị nhất khi đoạt Huy chương vàng ở LHP Quốc tế Moscow năm 1981.
Nhưng rất tiếc, vào thời điểm đó LHP này lại không được điện ảnh thế giới đánh giá cao, bởi hầu như chỉ là sân chơi của các nước trong khối XHCN (bây giờ LHP này mới được quốc tế công nhận).
Có thông tin còn cho rằng, giải vàng được trao cho “Cánh đồng hoang” mang nặng tính khích lệ và động viên tinh thần của đất nước và nhân dân Việt Nam còn nhiều gian khó. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng bản thân “Cánh đồng hoang” thật sự là một kiệt tác của điện ảnh Việt Nam, nếu có được giải vàng Âu cũng xứng đáng.
Nhưng “Cánh đồng hoang” được làm bằng bao nhiêu tiền? Đó là câu hỏi có lẽ suốt đời không ai trả lời nổi – kể cả Xí nghiệp Phim Tổng hợp (nay là Hãng phim Giải Phóng), nơi sản xuất bộ phim. Bởi lẽ phim được làm trong thời bao cấp, không cần quan tâm đến thời gian, tiền của, miễn sao phim đạt được nhiệm vụ chính trị.
Một nhà sản xuất phim người Mỹ khi xem phim “Cánh đồng hoang” đã ước lượng: “Ở Mỹ 10 triệu USD không làm nổi phim này!”. Thôi cứ cho làm phim ở Việt Nam rẻ hơn 1/3 đi, vậy hiện tại, đạo diễn nào ở Việt Nam dám làm lại “Cánh đồng hoang” nếu được giao 3,5 triệu USD?
Tự huyễn hoặc là tự sát!
Lục tìm trên mạng những bài báo trong nước, vẫn còn thấy bài tung hô phim ngắn “Cuốc xe đêm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải ở LHP Cannes 2000.
Thực chất phim này dự thi ở hạng mục cực kỳ phụ trong hàng lô lốc các giải phụ (hạng mục duy nhất ở LHP Cannes không có trao giải mà chỉ xếp hạng) mang tên Cinefondation Award – Giải của Quỹ hỗ trợ điện ảnh, và “Cuốc xe đêm” được… xếp hạng 3, kèm theo một tấm giấy xác nhận.
Khi về đến Việt Nam… xếp hạng 3 của một hạng mục mang tính khích lệ bỗng trở thành đoạt giải Cannes! Báo chí tung hô không đúng chỗ mà cũng không thấy chủ nhân của giải thưởng này lên tiếng đính chính.
Báo giới Việt Nam cũng không quên một ông đạo diễn điện ảnh thể thao thuộc Ủy ban Thể dục Thể thao, cách đây mấy năm đã “uống thuốc liều” khi tung một quả bom: tuyên bố phim mình vừa đoạt giải Cành cọ vàng phim thể thao ở… Ý
Sau nhiều giây phút xúc động tự hào, có người chợt tỉnh ngộ: Cành cọ vàng là ở Cannes (Pháp) chứ sao lại ở Ý, mà Cannes đâu có giải cho phim thể thao! Bị vạch mặt, ông này nói càn “Thì thấy tờ giấy khen có 2 cành ôliu bắt chéo nên tưởng… Cành cọ vàng, ai dè mấy vị nhà báo nhanh nhảu quá…!”
Từ năm 2000 đến nay, sau những phút thăng hoa ngắn ngủi của “làn gió mới” Việt kiều mang lại, điện ảnh Việt Nam lại tiếp tục sa vào “ma trận” của những LHP trời ơi đất hỡi! “Hạt mưa rơi bao lâu”, “Mùa len trâu”… đoạt ào ạt những giải thưởng tại các LHP quốc tế cứ như “Thành Cát Tư Hãn” đang càn quét thế giới!
Ba phim Việt kiều vừa chiếu trong năm nay, “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng”, “Sài Gòn nhật thực”, phim nào cũng đoạt giải ở LHP quốc tế, nhưng xem ra chỉ có Giải khán giả yêu thích nhất ở LHP Pusan của “Áo lụa Hà Đông” là có giá hơn cả.
Còn Giải thưởng lớn Ban giám khảo LHP Los Angeles châu Á – Thái Bình Dương cho “Dòng máu anh hùng” thực chất là giải chỉ dành cho các nhà làm phim châu Á – Thái Bình Dương có quốc tịch Mỹ.
Riêng Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo LHP WorldFest Houston trao cho “Sài Gòn nhật thực” thì khỏi phải bàn. Chỉ cần xem phim “Sài Gòn nhật thực” thì đủ biết giải thưởng của LHP phim này uy tín thế nào rồi!
Dạo gần đây, điện ảnh Việt Nam rất quan tâm và ưu ái đến LHP Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra hàng năm ở châu Á. Chỉ xin kể một câu chuyện có liên quan đến LHP này. Số là năm 1999, phim “Đời cát” đoạt giải nhất LHP Châu Á – Thái Bình Dương trên sân nhà, trong đó diễn viên Mai Hoa đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Năm 2000, Mai Hoa được chọn đóng một vai trong phim “Người Mỹ trầm lặng”. Khi nhóm sản xuất Úc họp bàn với đại diện nhóm sản xuất Việt Nam về tiền cát-xê của một số diễn viên Việt Nam, trong đó có Mai Hoa, người đại diện phía Việt Nam tỏ vẻ phàn nàn tiền cát-xê của Mai Hoa quá thấp.
Phía ÚC lập luận, Mai Hoa có thể là diễn viên tốt nhưng cô ta chưa có tên tuổi, tiền thù lao thế này là phù hợp. Thuyết phục mãi không được, đại diện phía Việt Nam mới sực nhớ và bảo rằng Mai Hoa vừa đoạt giải cao nhất ở LHP Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhóm sản xuất của Úc ai cũng nhìn nhau lắc đầu vì tên LHP gì… lạ hoắc! Nhưng họ cũng cẩn thận điện về bên Úc để hỏi cho rõ. Lát sau họ nói với đại diện phía Việt Nam đại ý, chúng tôi đã hỏi nhưng không hề biết có LHP này, nhưng thôi nếu ông đã nói vậy thì chúng tôi sẽ nâng cát-xê cô Mai Hoa lên chút đỉnh!
Được tham dự bất cứ LHP quốc tế nào, rồi may mắn đoạt một giải thưởng nào đó – dù nhỏ cũng được, là ước mơ chính đáng và phù hợp với những nước có “nền điện ảnh”… còn nhỏ bé và yếu ớt như Việt Nam.
Nhưng chúng ta phải đủ tỉnh táo lẫn thông tin để nhận biết, thực chất giải mình được nhận giá trị đến đâu, chứ đừng tự huyễn hoặc nhau theo kiểu: Điện ảnh Việt Nam tuy nghèo và yếu… nhưng đã giành nhiều giải thưởng quốc tế! – như một quan chức điện ảnh đã từng hùng hồn tuyên bố!
Mộc Châu |