Sau những bộ phim ngòn ngọt, chua chua
dành cho tuổi teen, hay những bộ phim chick – flick nhằm thỏa mãn nhu
cầu “buôn chuyện” của cánh đàn bà, khán giả truyền hình đôi khi vẫn cảm
thấy nhạt miệng vì thiếu đi thứ “nước chè” đắng đắng, gai gai ấy.
Đó chính là những bộ phim dám lích những nhát dao mạnh bạo vào những góc khuất gai góc của đời sống – cái mà các nhà làm phim gọi là dòng phim chính luận (PCL), kiểu như “Ma làng”, “Luật đời”, “Gió làng Kình”…
![]() |
“Gió làng Kình” trước khi “làm nóng” màn hình đã khiến êkip thực hiện vã mồ hôi trên trường quay. |
Áp lực tứ phía, tốt nhất không… dây
Chính luận là mảng đề tài khó, nhiều thách thức, lắm áp lực, lại không dễ kiếm tiền như dòng phim giải trí nên nhiều người quyết không… dính vào. Những bộ phim động chạm đến các vấn đề nóng trong xã hội xưa nay ngoài các hãng phim của nhà nước, hầu như chẳng có ông tư nhân nào dám… dây.
Tiền bạc, áp lực từ doanh thu đến dư luận cùng vô vàn nguyên nhân “tế nhị” khác đang dần làm cho những bộ phim chính luận đề cập đến các đề tài gai góc trong cuộc sống trở thành của hiếm. |
Thời buổi kinh tế thị trường, hai chữ “lợi nhuận” có tiếng nói quyết định với nhà sản xuất thì đương nhiên một hãng phim phải chọn cho mình giải pháp an toàn và tối ưu nhất, chẳng trách được.
Kiếm được một kịch bản PCL cũng chẳng phải dễ, trong khi phim giải trí thì kịch bản ê hề. Bởi những biên kịch “chuyên trị” mảng này dù là những cây viết lão luyện nhưng cũng phải cả năm, thậm chí nhiều năm mới “đẻ” được một kịch bản hay.
Ví như nhà báo, nhà văn Nguyễn Như Phong đã phải tích luỹ kinh nghiệm làm báo cả đời từ những vụ việc thực tế mới “chế” ra được một kịch bản nóng như “Chạy án” từng gây chấn động dư luận cách đây vài năm.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả kịch bản của hàng loạt bộ PCL có tiếng như: “Ma làng”, “Luật đời”, “Ngõ lỗ thủng”, “Gió làng Kình”… lý giải: “Lý do thiếu vắng các kịch bản PCL là vì nó luôn đòi hỏi biên kịch phải có nhãn quan sâu, có khả năng khái quát các vấn đề nóng của xã hội.
Người viết ngoài nhận thức, sự hiểu biết, trình độ chính trị còn phải biết cách xử lý đề tài khéo léo bằng ngôn ngữ nghệ thuật nên những yêu cầu này với những biên kịch trẻ là quá sức. Trong khi đó, điều kiện sản xuất phim thuộc mảng chính luận khó khăn hơn các đề tài khác rất nhiều.
Làm PCL có nghĩa là tự đặt nhiều áp lực vào mình. Đó phải là những vấn đề có tầm mà xã hội chấp nhận được. Khán giả của dòng phim này thì rất kén, trong khi phim giải trí thì hầu như ai cũng có thể xem được. Vì những lý do trên, chẳng có gì là lạ khi PCL lại ít như vậy!”.
PCL vì vậy không chỉ làm khó biên kịch mà còn thách thức đạo diễn. Thế nên, nhiều đạo diễn dù rất có tài nhưng dứt khoát không làm PCL. Làm phim giải trí nhanh hơn, kiếm tiền dễ hơn, doanh thu quảng cáo cũng tốt hơn thì không cớ gì phải làm một bộ phim động chạm đến những vấn đề gai góc, vừa dễ bị “soi”, lại đau đầu vì áp lực dư luận. “Tôi cho rằng nhiều đạo diễn ngại làm PCL vì việc chuẩn bị cho một bộ phim quá phức tạp.
Thêm nữa, kinh phí cho một bộ phim chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của nhà nước vì các nhãn hàng tài trợ chẳng dại gì mà dây vào một bộ PCL làm gì. Thêm vào đó, việc chọn diễn viên cho phim cũng khó hơn nhiều so với phim giải trí.
Ví như bộ phim “Luật đời” của tôi chẳng hạn, nếu như chú Hà Văn Trọng từ chối vai ông bố trong phim thì không biết sẽ phải mất thêm bao nhiêu thời gian để tìm người thay thế bởi không phải ai cũng có thể vào vai ấy. Trong khi với các bộ phim giải trí thông thường, việc tìm diễn viên thay thế đơn giản hơn” – Mai Hồng Phong, đạo diễn nổi tiếng với các PCL như “Đèn vàng”, “Luật đời”… nói.
Đã thế, áp lực từ chuyện thù lao, cát-sê và doanh thu quảng cáo giờ cũng là những lực cản vô hình làm cho các bộ PCL ngày càng vắng bóng. Xét về mặt quyền lợi, khi làm PCL thì biên kịch sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn so với mảng giải trí. Viết kịch bản cho phim giải trí vừa dễ hơn, nhanh hơn, đỡ đau đầu hơn mà nhuận bút lại cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi (9 – 12 triệu/tập, trong khi PCL chỉ 6 triệu/tập).
Thù lao cho đạo diễn cũng chỉ có vài ba triệu/tập, không hơn, dù cho phim có đông người xem, doanh thu quảng cáo tốt đi chăng nữa cũng chỉ có chừng đó. Đã thế, mảng PCL còn phải chịu sức ép về mặt lợi nhuận khi phát sóng. Nếu làm phim về vấn đề nóng nhưng lại không đạt doanh thu quảng cáo đã đề ra thì cũng… toi.
“Nếu một khi đã đặt vấn đề lợi nhuận lên đầu thì phải có cơ chế riêng cho PCL, cũng như phim về đề tài chiến tranh. Tôi đồng ý về nguyên tắc là không bao cấp, tự hạch toán nhưng cũng phải có sự mềm dẻo, phải có khung riêng cho dòng PCL, đừng mang doanh số ra làm áp lực.
Nếu chỉ vì mấy đồng tiền mà PCL vắng bóng thì thật là có tội. Mà nếu làm phim vì tiền thì chúng tôi cũng chẳng hơi đâu lao đầu vào mảng PCL bởi cao hơn thế, chúng tôi coi đó là thương hiệu, uy tín, trách nhiệm người cầm bút”, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nói.
Đạo diễn Mai Hồng Phong đồng tình: “Tôi cho rằng môi trường tư nhân đang tạo nên một cơ chế cạnh tranh rất tốt trong khi các hãng phim nhà nước vẫn chưa có cơ chế khuyến khích cho các tác phẩm hay. Nếu một bộ phim có đông khán giả, doanh thu cao thì cần phải có sự bù đắp trở lại cho những người đã chịu sức ép và bỏ nhiều công sức vào bộ phim đó”.
![]() |
“Cảnh sát hình sự” trở lại với “Đầm lầy bạc” – series phim mới nhất về cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy. |
Vừa làm vừa “ca – mơ – run”
Dòng phim giải trí dễ xem, dễ chấp nhận, dễ chiều lòng khán giả trong khi dòng PCL cứ “hở” ra là bị để ý, bị săm soi, có khi còn bị dừng chiếu nửa chừng. Chính vì vậy, không phải ai cũng sẵn sàng lăn xả vào mảng phim khó xơi này. Nhà văn Thuỳ Linh, Phó giám đốc phụ trách nội dung phim truyện của VFC còn nhớ như in cảm giác những ngày chờ duyệt bộ phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cách đây vài năm.
Chị bảo, đống băng còn nằm trên bàn duyệt ngày nào là ngày đó chị thấp thỏm không yên vì phim đó hoặc dùng, hoặc bỏ, không thể sửa chữa. Vì thế, nếu phim bị “out” thì cũng đồng nghĩa với việc hơn 20 tập phim đem… “kho lên ăn dần” và kèm theo một khoản thâm hụt kinh phí lớn.
Trước khi có được những bộ phim gai góc về mảng đề tài chính luận như: “Đất và người”, “Ma làng”, “Luật đời”…, những người làm phim đã phải gây dựng từ dòng phim “Cảnh sát hình sự” khai thác những mảng tối, vùng nóng, góc khuất bức xúc của xã hội.
Sau những bỡ ngỡ, chệch choạc ở những tập đầu tiên, dần dần dòng phim này cũng tạo được tiếng vang với thành công đáng chú ý của những “Cổ cồn trắng”, “Chạy án” do nhà văn Nguyễn Như Phong viết kịch bản.
Thời gian gần đây, bộ PCL được nhắc đến rất nhiều là “Bí thư tỉnh uỷ” về “ông khoán 10” Kim Ngọc. Đây là dự án phim được nhà văn, nhà biên kịch Thuỳ Linh ấp ủ thực hiện trong 7 năm.
Phim cũng vừa hoàn tất những cảnh quay cuối cùng sau nhiều tháng ròng rã bấm máy. Trước đó, khi phim còn trong giai đoạn chuẩn bị, nhà văn Thuỳ Linh cũng đã nhận được không ít bức thư gửi đến “lưu ý” vấn đề kịch bản. Người ca ngợi, kẻ phản đối nhưng cuối cùng bộ phim vẫn được bấm máy.
Một bộ PCL nếu làm thành công sẽ tạo được dư luận và giúp đạo diễn nổi tiếng nhưng những sức ép mà nó mang lại thì không phải ai cũng dễ vượt qua. Đạo diễn Mai Hồng Phong kể lại rằng dù phim của anh đã lọt cửa kiểm duyệt nhưng mỗi khi lên sóng, anh vẫn “tim đập chân run”.
“Khi làm PCL, đạo diễn phải tiên liệu được rằng khi phát sóng, thậm chí ngay từ giai đoạn sản xuất họ đã phải chịu sức ép như thế nào. Thú thật là sau mỗi tối phim được phát sóng, sáng ra khi ngồi uống cafe ở đâu đó tôi cứ phải liên tục nhìn vào điện thoại xem có số của cái cậu chuyên mang phim đi duyệt gọi đến không. Bạn không biết với những đạo diễn làm các bộ phim có đề tài nhạy cảm thì sự lo lắng khi phim phát sóng khủng khiếp thế nào đâu” – Đạo diễn Mai Hồng Phong tâm sự.
Đấy là với những bộ phim đã hoàn thành và lên sóng “an toàn”. Có không ít dự án phim gặp khó ngay khi còn trong trứng nước. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến kể rằng sau khi viết kịch bản phim “Đất và người”, anh gần như bế tắc trong việc đưa vào sản xuất vì ai cũng ngại động vào. Phải mất rất nhiều thao tác vận động thì phim mới được thở phào đưa vào kế hoạch sản xuất.
“Nếu không có sự nỗ lực mềm dẻo như vậy của những người làm phim thì chắc chắn phim sẽ không ra được. Tôi nghĩ áp lực ở đây không phải là áp lực kiểm duyệt mà là áp lực nội tại rằng kịch bản viết có tới hay không, những vấn đề nóng có đủ tầm không, đủ tầm rồi thì có đủ tâm không?”, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nói.
Càng làm phim về những vấn đề gai góc, những nhân vật nhạy cảm trong xã hội thì càng phải cân nhắc, “đánh tiếng” để đo “phản ứng” trước, rồi mới bắt tay vào làm. Chuẩn bị xong kịch bản rồi thì phải thăm dò, nhờ người đọc thẩm định xem liệu có bị “tuýt còi” không. Khi phim đợi duyệt thì nín thở xem có bị “out” không.
Trên thực tế là nhiều dự án phim được cho là có đề tài động chạm thường chọn cách “kín tiếng” âm thầm chuẩn bị và thực hiện trong vòng bí mật để tránh bị săm soi, để ý quá sớm mà trường hợp cụ thể nhất là “Chạy án” trước đây và “Bí thư tỉnh uỷ” sau này. Xem ra, để có một bộ PCL hay “hầu” khán giả chẳng phải dễ! Thế nên, khán giả truyền hình lắm lúc nếu phải “ăn kẹo” suông mà thiếu “nước chè” thì cũng ráng chịu vậy!
“Bí thư tỉnh uỷ” (BTTU) là bộ PCL đầu tiên của VFC về một nhân vật “người thật, việc thật”, lấy nguyên mẫu từ ông Kim Ngọc, người giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt 20 năm (1958-1978), cha đẻ của chính sách khoán hộ cho nông dân. Phim có dung lượng 50 tập, là bộ PCL nhiều tập nhất từ trước đến nay.
Hiện phim đang trong giai đoạn hậu kỳ và dự kiến lên sóng vào quý 3 năm nay. Quốc Trọng – đạo diễn phim từng gây chú ý với các phim “Hương đất, “Ngõ lỗ thủng”, “Mùa lá rụng”… Phim có sự góp mặt của hàng loạt diễn viên tên tuổi như Dũng Nhi, Minh Châu, Lan Hương… và ca sĩ Mai Hoa, người từng ghi dấu ấn trong bộ phim “Hương đất”. Diễn viên Dũng Nhi, người thủ vai Bí thư Hoàng Kim (lấy nguyên mẫu từ bí thư Kim Ngọc) kể lại rằng một hôm khi đang quay, đoàn làm phim thấy mấy cụ già tới ngồi xem rất chăm chú, thỉnh thoảng lại lau nước mắt. Đó là những nông dân, cán bộ xã từ thời bí thư Kim Ngọc. Một nhân vật hiếm hoi sau ba mươi năm mất đi mà vẫn còn sống động trong tâm trí của rất nhiều người chính là động lực thúc đẩy những người làm phim quyết tâm đeo đuổi BTTU đến cùng. |