Trong số 22 phim truyện nhựa tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, có 2 bộ phim nằm trong danh sách những bộ phim Việt Nam đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh VN. Đó là “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng và “Những cô gái chân dài” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Hơn nữa, sự có mặt của “Những cô gái chân dài” của hãng Thiên Ngân còn tạo ra một sự kiện mới mẻ chưa từng có qua 13 lần liên hoan phim VN trước đây – sự góp mặt công khai của hãng phim tư nhân trong một liên hoan phim quốc gia.
Điều này đã đánh dấu một chặng đường mới của điện ảnh Việt Nam – chặng đường chính thức xã hội hóa điện ảnh, đưa điện ảnh hội nhập vào môi trường cạnh tranh của thế giới thị trường. Xem những tác phẩm điện ảnh không chỉ là sản phẩm văn hóa, được thử thách trên thương trường.
Thật ra, ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, hầu hết, nếu không nói là tất cả, các sản phẩm điện ảnh đều được ra đời từ túi tiền của tư nhân, nên doanh thu là yếu tố sống còn. Bên cạnh mục tiêu xây dựng một tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật cao, góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật thứ 7 cho nhân loại, việc nhắm đến lợi nhuận để tái sản xuất là mục tiêu quan trọng hàng đầu của các nhà làm phim trên thế giới.
Điện ảnh cách mạng Việt Nam của chúng ta, ngay từ khi ra đời, đã nhằm một mục tiêu khác: phục vụ chính trị, góp phần đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc, đồng thời phác họa mẫu hình con người mới nhằm tiến tới việc xây dựng một xã hội mới. Do vậy, phim ảnh được coi như là một công cụ tuyên truyền, một sản phẩm văn hóa thuần túy, không nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Suốt nhiều chục năm qua, điện ảnh cách mạng VN đã đạt được nhiều thành quả cho mục tiêu này với những tác phẩm không chỉ người xem trong nước yêu thích mà còn khiến cho khán giả, bạn bè trên thế giới ngưỡng mộ. Nhưng từ hơn 10 năm nay, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống khá lên, món ăn tinh thần mà con người đòi hỏi cũng khác xưa thì nền điện ảnh VN bắt đầu cảm thấy lúng túng. Con đường cũ bỗng trở nên quá chật hẹp. Những bộ phim làm theo lối xưa đã trở nên lỗi thời. Người ta không chỉ tìm đến phim ảnh để học tập, để làm theo mà còn để mở rộng tầm hiểu biết, để được giải trí, được khóc, được cười…
Con đường của điện ảnh Việt Nam còn trở nên chật hẹp hơn nữa trước sự xâm nhập ồ ạt của đủ loại phim ảnh nước ngoài. Sự ra đời và thành công phần nào của những bộ phim một thời được khoác cho cái áo “mì ăn liền” vào những năm đầu thập kỷ 90 vừa qua là một sự bột phát tất yếu. Giữa lúc điện ảnh quốc doanh với cơ chế bao cấp nặng nề, chậm chạp, khó xoay chuyển thì một số tư nhân nhạy bén với thị trường đã nhảy vào tham gia lĩnh vực sản xuất phim. Là bởi vì đây là lĩnh địa độc quyền của nhà nước nên các nhà sản xuất phim tư nhân này đã phải mua nhãn hiệu dưới bóng của các hãng phim quốc doanh. Hầu hết các sản phẩm điện ảnh này được phỏng theo cách làm của những bộ phim nước ngoài đang được thả nổi vào thị trường trong nước.
Đang từ chỗ phải động não để tư duy những điều lớn lao, phải “tham gia” từ những chiến dịch này đến những chính sách khác, người xem bỗng được nhẹ nhàng trở về với đời sống riêng của mình với những mối quan hệ gần gũi, tình yêu, gia đình, con cái… thậm chí còn có đôi lúc được “buông thả” thân xác, được sống với con người thật bình thường với những hỉ, nộ, ái, ố… Chính vì biết cách thỏa được cơn khát này mà loạt phim thị trường này đã có được người xem. Tuy nhiên, những bộ phim bắt chước này nhanh chóng trở nên nhàm chán vì không có gì mới và trình độ nghệ thuật không cao. Tất yếu của phong trào làm phim “mì ăn liền” càng khiến cho người ta dè dặt với loạt phim thương mại. Những nhà sản xuất phim tư nhân xăng xái nhất cũng dần dà rời khỏi thương trường. Sau 10 năm, kể từ bộ phim cuối cùng trong dòng phim “mì ăn liền” đóng máy.
Đầu thế kỷ 21, một lượng khán giả mới hình thành, được nuôi dưỡng thị hiếu hoàn toàn bằng phim ảnh ngoại nhập. Họ không những quay lưng mà gần như trở nên hoàn toàn xa lạ với những điều mà phim ảnh truyền thống VN đề cập đến, càng dị ứng hơn nữa với trình độ thể hiện còn nhiều non yếu và thiếu vắng kỹ thuật hiện đại của điện ảnh nước nhà. Họ muốn xem những gì thuộc về thế hệ của họ quan tâm. Sự ra đời của “Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố”, “Những cô gái chân dài”… tạo nên cơn sốt nhờ biết đáp ứng yêu cầu của đông đảo người xem trẻ.
Ở đây, không bàn sâu về sự bất cập trong chất lượng nghệ thuật của những bộ phim trên, song phải công nhận rằng ít ra việc chúng kéo được người xem đến rạp cũng là một cú đánh mạnh mẽ vào tư duy của người làm điện ảnh trong nước. Không thể mãi thờ ơ với thái độ của người xem. Việc Hội điện ảnh Việt Nam năm 2002 cho phim “Gái nhảy” giải thưởng Cánh diều bạc, tuy chưa hẳn đã chính xác về mặt thẩm định chất lượng nghệ thuật song đã thể hiện rõ nét khuynh hướng ủng hộ những phim nhắm đến khán giả. Và lần này, phim thương mại “Những cô gái chân dài” của hãng phim tư nhân Thiên Ngân được mạnh dạn sánh vai cùng những bộ phim nghệ thuật khác do nhà nước tài trợ trong liên hoan phim quốc gia, chúng tỏ phim thương mại đã dành được một chỗ đứng trang trọng trong mái nhà chung của điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, tuy là hai đại diện hiếm hoi của dòng phim thương mại, nhưng “Gái nhảy” và “Những cô gái chân dài” đã là cơ sở để Ban tổ chức liên hoan phim hình thành nội dung cho cuộc hội thảo chính của liên hoan – “Bàn bạc, nhận biết và tìm ra con đường đưa phim đến với công chúng”. Một hướng đi mới phù hợp với xu thế thời đại của điện ảnh Việt Nam. /.