Phim Tết: Sự tò mò đang mất … - Tạp chí Đẹp

Phim Tết: Sự tò mò đang mất …

Review

Những lời đồn thổi đầu tiên về “Đẻ mướn” tôi được nghe là từ mấy đứa bạn trong lớp. Bọn chúng nói về phim vừa hào hứng, như thể được xem phim này là bằng chứng đặc quyền cho sự trưởng thành, vừa với chút rụt rè như muốn che giấu một bí mật thầm kín nào đó của tuổi mới lớn. Việc học hành mấy ngày sau Tết vẫn còn rất làng nhàng, nên tôi nghĩ mình có thể kiểm chứng lời đồn thổi của mấy đứa bạn sau buổi học.

 

Rạp chiếu phim ở Buôn Ma Thuột vốn trước đây là một bãi giữ xe chan hòa ánh sáng tự nhiên dành cho người đi chợ. Người ta chỉ hấp tấp đập đi làm rạp chiếu phim cho Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14. Nhưng sau khi Liên hoan phim kết thúc, mọi thứ lại đâu vào đấy. Quanh năm, rạp phim im lìm, thỉnh thoảng đêm đêm mới thấy bảng hiệu sáng đèn leo lét. Chỉ đến dịp Tết Nguyên đán, rạp phim mới sinh động hơn chút đỉnh.

Bước vào rạp với cái đầu hơi cúi cúi, tôi chọn cho mình một chỗ hàng đầu trên gác lửng. Rạp phim lốn nhốn, tiếng cắn hạt dưa lách tách suốt buổi chiếu. Hễ khi đến những cảnh “nóng bỏng” là những tiếng ồ lên, tiếng cười khúc khích lại dậy sóng. Thú thật, những gì ngày hôm nay tôi có thể nhớ về bộ phim ấy là hình ảnh diễn viên chính trong phim trần truồng đi trước ống kính và bầu không khí nhốn nháo trong rạp. Mặc dù có thổi phồng thêm bớt nhưng cơ bản tụi bạn tôi không bịa đặt, đó là kết quả tôi có rút ra sau khi xem. Tụi nó nói đúng. Nhưng điều đúng này ngẫm nghĩ thì ngậm ngùi quá!

Như một lẽ tự nhiên, giờ đây “phim Tết” không còn là một điều gì đó quá xa lạ, được bàn tới bàn lui như lúc nó mới xuất hiện. Cũng đã đủ lâu để khái niệm “Phim Tết” có một vị trí riêng cho nó. Nhưng cho đến tận giờ “phim Tết” vẫn chưa trưởng thành. “Phim Tết” vẫn đến với công chúng dường như chỉ theo một chiều và một màu: phim giải trí và phim để cười.

Nhưng có lẽ, điều đáng tiếc nhát là việc những bộ phim được làm ra để chiếu vào mùa Tết đã tiên đoán được tuổi thọ của nó ngay trước khi đến với người xem. Một tuổi đời ngắn ngủi gói gọn trong những ngày đầu xuân, khi công chúng được nghỉ Tết và học sinh còn rủng rỉnh tiền lì xì trong túi. Những bộ phim được làm ra để lấp đầy sự trống trải lúc nhàn rỗi. Và khi cuộc sống thường nhật quay lại, khi ngày làm 8 tiếng, đường phố kẹt xe vào giờ tan tầm, những bộ phim ấy rơi vào quên lãng. Không một ai chiếu và xem lại bộ phim từng được chiếu vào dịp Tết nếu đó không phải vào lúc Tết.

 

Dàn sao “bự” trong phim “Đẻ mướn”

Nếu lấy cột mốc là năm 2003, khi “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng mở lối thoát cho một thời kỳ dài mê man của thị trường phim ảnh Việt Nam là điểm khởi đầu cho trào lưu “phim Tết”, thì đã 10 năm trôi qua, và nếu có một sự thống kê giản đơn nào đó với những bộ “phim Tết” thì có lẽ kết quả của bảng thống kê sẽ được lấp đầy bởi những dấu x tương đồng. Với mục đích được làm ra khá rõ ràng, phim Tết luôn dao động trong một biên độ với những câu chuyện, phong cách, màu sắc, nhân vật … giống nhau. Cách làm này được xem như an toàn nhưng chính sự an toàn này lại vô tình biến những bộ phim trở nên dễ chìm lẫn vào nhau và dễ đoán đối với người xem. Sự tò mò đã giảm bớt và sự bất ngờ cũng không còn là điều để mong chờ.

Sự tò mò đã đưa đẩy tôi ngượng ngừng bước vào rạp xem “Đẻ mướn” khi tôi chưa đủ 16. Nhưng sự tò mò chỉ có thể đến một lần duy nhất, để sau đó hoặc là cảm giác thỏa mãn hoặc là thất vọng. Tôi không nhớ rõ cảm giác của mình khi xem xong bộ phim, cũng 7 năm qua rồi còn gì, nhưng từ đó về sau tôi không bao giờ mua vé xem bất kỳ bộ phim chiếu Tết nào nữa.

Phim ảnh thu hút người xem có lẽ ở chính sự huyền bí và khó đoán trước, luôn đến với người xem mới mẻ như lúc ban đầu. “Gót chân Asin” của phim ảnh chính là khi nó tự nguyện lặp lại chính mình, tước đi mất sự tò mò trong tâm hồn người xem. Phim Tết đang dần làm được điều này.

Trương Minh Quý (theo Sành điệu)

Thực hiện: depweb

09/01/2013, 16:06