Super Hero – “thấy bở đào mãi”
Phim siêu anh hùng (super hero) không mới. Thật ra phim câm “The Mark of Zorro” làm từ năm 1920 với sự tham gia của siêu sao Douglas Fairbanks đã được xem là bộ phim siêu anh hùng đầu tiên. Giống như nhân vật Batman ra đời sau vài thập kỷ, Zorro tự che đậy thân phận của mình bởi mặt nạ và áo choàng đen để chống lại các thế lực đen trong thành phố, trong khi ngoài đời thực, anh lại khoác cho mình vẻ đào hoa, giàu có nhưng vô trách nhiệm. Zorro của thời kỳ 1920 đơn giản hơn Batman rất nhiều khi anh rời khỏi nhà, bận đồ đen, che mặt là có thể chiến đấu ngay. Trong khi Batman của nhiều thập niên sau cần nhiều công đoạn, cần chiếc thắt lưng, nhiều quyền năng và cả những phụ kiện cao cấp hơn để có thể sẵn sàng rời khỏi nhà, lao vào kẻ xấu.
Zorro có nhiều phẩm chất của một siêu anh hùng, nhưng anh vẫn còn “người trần mắt thịt” quá. Phải đến những năm 1928, khi loạt truyện tranh về Superman ra mắt, sau đó là Batman vào năm 1939, và Captain America vào năm 1941, những nhân vật siêu anh hùng thật sự mới xuất hiện. Ra mắt muộn hơn vào thập niên 1960, các nhân vật của Marvel như dị nhân trong “X-Men”, Spiderman, Ironman và Hulk lần lượt làm bao thế hệ độc giả ở nước Mỹ và trên toàn thế giới mê mẩn qua mục truyện tranh của báo giấy hay tạp chí.
Phim siêu anh hùng dần được chiếu trên ti vi vào đầu thập niên 1940, mở đầu với loạt phim “Captain Marvel”, tiếp đó là “Batman”, “The Phantom”, và “Captain America”. Đến năm 1966, bộ phim “Batman: The Movie” đánh dấu lần đầu tiên một anh hùng từ truyện tranh được đưa lên màn ảnh lớn. Năm 1978 là cột mốc cho sự đột phá của dòng phim này khi “Superman: The Movie” trở thành phim có mức kinh phí sản xuất cao nhất giai đoạn đó và đạt được những thành công rực rỡ về doanh thu. Đặt bối cảnh chính của phim ở New York, “Superman: The Movie” khiến người xem có cảm giác gần gũi hơn với nhân vật, khi anh hùng được khắc họa với sự tự tin, đáng yêu, bớt cảm giác thần thánh hay phi hiện thực, dù anh ta có thể bay, tăng tốc, xoay ngược cả trái đất và thậm chí là quay ngược cả thời gian.
Tuy vậy, sau thành công của phần hai, một loạt các phần tiếp theo của “Superman” ra đời không thành công về mặt doanh thu do những sai lầm về kịch bản và định hướng nghệ thuật. May mắn thay, Batman, một nhân vật siêu anh hùng khác, vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Bộ phim “Batman” của đạo diễn Tim Burton ra mắt vào năm 1989 đã trở thành một hiện tượng, trào lưu văn hóa phổ biến mới. Nhân vật Batman không còn màu mè và trẻ con như trong loạt truyện tranh nữa, mà trở nên thô ráp, bạo lực hơn trong hành động, phức tạp hơn về tâm lý.
Sự thành công bất ngờ của X-Men vào đầu những năm 2000 mở ra một hướng mới cho dòng phim siêu anh hùng. Bộ phim được ví như một cuộc tái hiện đầy tính hiện thực về một nhóm các dị nhân, đại diện cho những cộng đồng nhỏ và khác biệt. Không sa đà vào những pha hành động, phim khai thác nội tâm phức tạp của các nhân vật trong nhóm. Các diễn viên không thuộc típ khoe cơ bắp đã có cơ hội tập trung vào diễn xuất. Hugh Jackman, gã cơ bắp duy nhất của phim, trở thành một ngôi sao hành động sau bộ phim. Dù kinh phí khá khiêm tốn so với tiêu chuẩn chung hiện nay, bộ phim đã chứng minh rằng kể cả những anh hùng “ngoài luồng”, vốn chỉ có dân mê truyện tranh thích, cũng có thể trở thành chính thống và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.
Những năm 2000 chứng kiến sự nở rộ của dòng phim siêu anh hùng.
“Spiderman” ra đời sau
“X-Men” hai năm trở thành một cú hích cho loạt phim siêu anh hùng sau đó. Từ một diễn viên làng nhàng, Tobey Maguire trở thành siêu sao khi anh khắc họa thành công một Spiderman bẽn lẽn, nhạy cảm. Dù
“Daredevil” hay
“The Hulk” chỉ tạm ổn về doanh thu, những phần tiếp theo của
“Spiderman” và
“X-Men” vẫn chiến thắng giòn giã. Trên đà thắng lợi, hãng Marvel liên tiếp tạo ra nhiều phần của
“Ironman”, “Thor”, “Incredible Hulk” và
“Captain America”. Điều thần kỳ là tất cả những diễn viên nắm cơ hội vào vai siêu hùng đều trở nên nổi như cồn sau đó.
DC Comics cũng không kém cạnh khi tạo ra một màu sắc riêng, có phần u tối nhưng sâu sắc trong ba tập “Batman” liên tiếp. Với tài nghệ của Christopher Nolan, “Batman” không chỉ là một phim siêu anh hùng mang tính giải trí cao, khiến người xem thích thú với những màn rượt đuổi, chiến đấu mà đã tạo ra một bản sắc riêng, gợi nhiều suy ngẫm về cuộc chiến thiện – ác.
“Buôn có bạn, bán có phường”
Vậy điều gì làm nên một siêu anh hùng? Họ đều có những cái tên “bắt tai”, khơi gợi xuất xứ của họ. Đó có thể là Bat-man người dơi hay Spider-man người nhện. Họ thường có hai cuộc sống tách biệt với hai nhân dạng và tên gọi khác nhau. Họ thường có một kỹ năng đặc biệt trời phú hay do vô tình lượm được bí quyết, như cách Spiderman có thể leo tường nhờ mạng nhện. Họ hấp dẫn hơn với bộ trang phục chiến đấu. Batman yêu thích màu đen, còn Captain America luôn mặc tông màu đỏ – xanh như lá cờ Hoa Kỳ. Họ có những thứ “đồ chơi” đặc biệt, điển hình là Ironman, con người của công nghệ, chẳng có sức mạnh siêu nhiên nào, ngoại trừ bộ giáp tuyệt đỉnh cùng hàng trăm thứ phụ kiện khác. Trong khi đó, một số siêu anh hùng chỉ có vài thứ thô sơ hơn như Captain American với tấm giáp cờ Mỹ và Thor với chiếc búa quyền năng.
Họ đều mang những giá trị rất Mỹ. Chính ước mơ được bảo vệ của những người sống trong một xã hội phức tạp với các nguy hiểm rình rập từ tội ác, khủng bố đã tạo nên những siêu anh hùng.
Nhưng câu chuyện về các siêu anh hùng cũng mang tính lối mòn. Họ đều có vẻ hào hoa và sức hấp dẫn cơ bắp khó cưỡng lại. Họ vừa ngây thơ vừa hài hước khiến ai cũng yêu quý và muốn gần gũi. Họ được phủi bụi và “đánh bóng” đến độ sáng loáng bởi những nhà làm phim. Chính vì vậy, khi Marvel tung ra
“Deadpool” đầu năm 2016 với tất cả sự giễu nhại, trào phúng cho những giá trị của siêu anh hùng, khán giả đã có một phen cười thích thú và giật mình nhận ra mình đang giễu chính mình.
Vậy các siêu anh hùng còn có điểm gì chung? Tất cả đều có vẻ đơn độc, dù có những người bạn đồng hành. Họ thường chiến đấu một mình, đôi lúc lấy việc chiến đấu với kẻ thù thành niềm đam mê, chứ không chỉ đơn thuần vì trách nhiệm. Thế nên, khi Marvel dồn nhiều anh hùng vào “Averngers”, người xem cảm thấy thỏa mãn không chỉ bởi một dàn anh hùng “khủng” nói mỉa, sinh sự hay vui cười cùng nhau, và đó còn là dịp hiếm hoi họ chiến đấu cùng nhau. Để đáp trả Marvel, DC Comics cũng tung ra Batman và Superman trong cuộc đối đầu và hợp tác đầy máu lửa. Hai vị siêu anh hùng vốn bí ẩn và trầm tính nhất trong danh sách nay đã có thêm bạn. Vậy là các siêu anh hùng từ nay không còn cô đơn nữa.
Bài: Trịnh Đình Lê Minh