Phim ngoại nhập ngày càng “chịu chơi” - Tạp chí Đẹp

Phim ngoại nhập ngày càng “chịu chơi”

MIX & MATCH


 
 Cùng với “Transformers 2”, “New Moon” đánh dấu việc lần đầu tiên đại diện của Việt Nam được mời tham dự buổi chiếu ra mắt toàn cầu các bộ phim lớn tại Tokyo (Nhật Bản) và Los Angeles (Mỹ) – điều trước đây là không tưởng.

Từ kẻ chầu rìa thành khách mời danh dự của Hollywood

Nếu như trước đây, thị trường phim ngoại nhập ở VN chủ yếu quanh quẩn ở các bộ phim hành động, hài vốn giúp đảm bảo thành công cho chủ rạp về doanh thu thì xu hướng này hiện nay đang dần thay đổi.

Các bộ phim nhập về VN đa dạng về thể loại và phong cách, gần như đáp ứng được mọi thị hiếu của khán giả. Hành động, hài, phiêu lưu, giả tưởng, rùng rợn, kinh dị, phim gia đình mà cụ thể là phim hoạt hình tràn ngập các rạp chiếu phim.

Khoảng cách công chiếu tại thị trường VN sau khi phát hành trên thế giới được thu hẹp dần từ 2 tuần, giảm xuống 1 tuần và tiến đến công chiếu cùng thời điểm. Thậm chí, bộ phim bom tấn 3-D “Avatar” của đạo diễn James Cameron còn được công chiếu tại Việt Nam sớm hơn Bắc Mỹ tới 12 giờ.

Bằng những nỗ lực của các nhà nhập phim mà tiên phong là MegaStar rồi kế đến là Galaxy, thị trường phim ngoại nhập VN đã trở nên sôi động hơn rất nhiều. Khán giả VN luôn được cập nhật các bộ phim mới nhất, nóng nhất, lớn nhất trên thế giới một cách nhanh nhất, không kém khán giả của bất cứ quốc gia nào.

Và cho dù VN chưa có những rạp chiếu IMAX với những màn hình khổng lồ dành cho phim 3-D nhưng nó vẫn được một nhà phát hành lớn đưa về VN vào đúng thời điểm dòng phim này đang bùng nổ trên thế giới.

Sở dĩ có sự chuyển biến dữ dội như vậy là vì các nhà phát hành lớn tại VN đã bắt đầu có sự hợp tác lâu dài với các hãng phim và nhà phát hành lớn trên thế giới, cụ thể là Hollywood. Trước đây hình thức nhập phim chủ yếu là “mua đứt bán đoạn”.

Tức là nhà phát hành phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua bản quyền phim phát hành tại VN trong khi chưa biết phim đó có bán được vé hay không. Do vậy, họ chỉ dám nhập những phim thương mại ăn khách, chắc thắng. Còn hiện tại, hình thức hợp tác chủ yếu giữa nhà phát hành tại VN và studio là “lời ăn, lỗ chịu” nên có thể “thử nghiệm” được nhiều dòng phim khác nhau.

Do vậy, các bộ phim gây sốt tại thị trường thế giới cũng nhanh chóng lan đến đến Việt Nam mà bằng chứng là những “High School Musical 3”, “Twilight” (Chạng vạng), “Harry Potter 6”, “This Is It” (Michael Jackson: Đó là anh)… “New Moon” (Trăng non), “2012” (2012: Năm đại hoạ) – hai bộ phim gây sốt trên thị trường thế giới cùng đến VN vào cuối tháng 11.

Và thời gian gần đây, người ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim đình đám của Hollywood cũng được công chiếu tại VN đồng thời với thị trường Mỹ, từ “Quantum of Solace” đến “Fast & Furious 4”…

Việt Nam cũng đang được các hãng sản xuất cũng như nhà phát hành phim lớn của thế giới nhìn nhận như một trong những thị trường phim tiềm năng và đang ngày càng chứng tỏ được sự lớn mạnh của mình.

Từ việc Việt Nam được đưa vào danh sách phát hành chính thức của các bộ phim lớn, mới đây, lần đầu tiên đại diện của Việt Nam được mời tham dự buổi chiếu ra mắt toàn cầu của các bộ phim lớn như: “Transformers 2” tại Tokyo (Nhật Bản) và “New Moon” tại Los Angeles (Mỹ) – điều mà trước đây gần như là không tưởng.

 
 Không chịu kém cạnh, phim 3D cũng đòi chen vai thích cánh, cho dù tại Việt Nam chưa có những rạp chiếu IMAX với những màn hình khổng lồ dành cho phim 3D. Nhờ vậy mà lần đầu tiên, khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội trải nghiệm phim nổi ngoài rạp với bộ phim bom tấn “Avatar” của đạo diễn James Cameron vào ngày 18/12 tới.

Biến hoạt hình và phim nghệ thành “cơm bình dân”

Cách đây 2 năm, chuyện nhập phim hoạt hình về chiếu rạp bị coi là việc làm điên rồ và từ đó đến nay, vẫn chỉ có duy nhất một nhà phát hành tại VN kiên trì đeo bám dòng phim này. Những bộ phim hoạt hình, dù có ăn khách cỡ mấy tại thị trường nước ngoài cũng bị nhiều rạp chiếu phim ghẻ lạnh.

“Madagascar 1” là một ví dụ. Phim vắng khán giả. Cực chẳng đã, nhà phát hành một mặt vừa phải cố gắng duy trì lịch chiếu tại cụm rạp của mình, đồng thời mang bản phim đến các rạp khác thuyết phục nhưng hoặc là bị chủ rạp từ chối, hoặc phim cũng chỉ được xếp 1-2 suất/ngày vào những khung giờ hiểm. Những bộ phim này hầu như không bao giờ được vào những phòng chiếu lớn và cũng không giành được các suất chiếu vào buổi tối ở những rạp khác.

Khi đó, phim hoạt hình vẫn bị ác cảm nặng nề rằng nó chỉ dành cho… trẻ con và vì vậy, chỉ may ra có được khán giả vào dịp Tết và dịp hè. Mặc dù vậy, hãng phát hành tại VN vẫn kiên trì nhập đều đặn các phim hoạt hình về VN.

Sau thời gian đầu với doanh thu lẹt đẹt, tình hình đã trở nên khác hẳn khi phim hoạt hình đã dần dần chiếm được cảm tình của số đông, trong đó có rất nhiều khán giả không phải là trẻ con. Lợi nhuận trên từng bản phim các phim hoạt hình sau này tăng dần, thậm chí doanh thu phim “Kungfu Panda” còn cao hơn nhiều các bộ phim bom tấn phát hành trước đó.

Và hơn một năm trở lại đây, kể từ thành công của “Kungfu Panda”, khán giả hiện nay đã quen với sự hiện diện của các bộ phim hoạt hình ngoài rạp với tần suất ngày càng dày.

Các bộ phim hoạt hình mới vừa phát hành trên thế giới cũng nhanh chóng được MegaStar, nhà nhập phim hoạt hình duy nhất tại VN đưa về VN từ “Monsters vs. Aliens” đến “Up”, từ “Ice Age 3” đến “Astro Boy” và gần đây nhất là“Christmas Carol”.

Phim hoạt hình đã trở thành một dòng phim có khán giả riêng tại thị trường Việt Nam và quan trọng hơn, nó thay đổi suy nghĩ của chính các chủ rạp lẫn nhiều khán giả khó tính rằng: phim hoạt hình còn dành cho cả người lớn nữa.

Bên cạnh sự xuất hiện của dòng phim hoạt hình, các bộ phim nghệ thuật cũng được phát hành tại thị trường VN với tần suất dày hơn, điều không thể có nếu ngược thời gian về khoảng 2-3 năm trước.

Khán giả có nhiều cơ hội tiếp cận với những bộ phim nghệ thuật được đề cử hay giành nhiều giải Oscar rất được chú ý như: “Atonement” (Chuộc lỗi), “No country for old men” (Không chốn dung thân), “Slumdog Millionaire” (Triệu phú khu ổ chuột)… ngoài rạp.

Ngay cả những bộ phim đình đám tại LHP Cannes 2009 được xếp vào hàng khó xem như: “Inglourious Basterds” (Định mệnh) của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino cũng được nhập về thị trường VN từ giữa tháng 11.

“Tuy những bộ phim này không cho doanh thu tức thì và cũng thấy rõ là đối tượng khán giả rất chọn lọc nhưng không vì thế mà chúng tôi ghẻ lạnh nó. Bởi một rạp chiếu phim phải đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Phim nghệ thuật kén khán giả nhưng về lâu về dài, trải nghiệm sẽ khiến công chúng dần yêu thích nó. Thêm nữa, nếu xét về mặt lợi nhuận thì không hẳn phim nghệ thuật đồng nghĩa với thua lỗ.

Vì những bộ phim trước đây như “Chuộc lỗi”, “Triệu phú ổ chuột” đều có doanh thu tốt, dù chúng tôi không thể phát hành rộng rãi bộ phim này và các chủ rạp cũng không đủ kiên trì giữ nó lâu bởi nó không mang lại hiệu quả về mặt khán giả và doanh thu tức thì”, chị Thùy Vân, chuyên viên phát hành của MegaStar nói.

Chấp nhận phiêu lưu, đặt mục đích lợi nhuận thấp hơn việc thử nghiệm đưa vào thị trường trong nước những dòng phim kén khán giả – đó có lẽ là chuyển biến tích cực nhất của thị trường phim ngoại nhập ở VN hiện nay.

 
 Phim hoạt hình – món xúp từng bị người lớn chê giờ đang “thừa thắng xông lên” ở Việt Nam và tới đây sẽ là “Christmas Carol – “quà tặng Giáng sinh” của hãng Disney.

Khán giả Việt ngày càng “thời thượng”

Tháng 11/2005, tập phim “Harry Potter and the Goblet of Fire” (Harry Potter và chiếc cốc lửa) được phát hành trên toàn cầu. Nhưng khi đó, bộ phim không được phát hành tại thị trường Việt Nam.

Một vài hãng phát hành ở VN cũng rất muốn nhập bộ phim này về nhưng đành chào thua vì hãng Warner Bros. phát ra giá bản quyền 50.000 USD. Không kể phải trả đứt số tiền này để mua bản quyền chiếu tại VN, hãng phát hành còn phải trả tiền cho số bản phim cần nhập, trung bình 1000 USD/bản.

Đó là chưa kể đến chi phí quảng bá và trăm thứ lặt vặt khác cũng mất vài ngàn USD nữa. Khi chiếu xong, lại phải chia doanh thu cho rạp (với tỉ lệ 6/4). Trừ hết chi phí, có khi còn lỗ. Tính toán xong, cuối cùng chẳng có hãng phát hành tại VN dám đùa với “lửa”.

Tuy nhiên, tình hình đã đổi khác sau 4 năm, khi hầu hết các bộ phim lớn của Hollywood, dù của hãng nào cũng được nhập dễ dàng về VN. Sự xuất hiện của các nhà phát hành phim lớn như BHD, Galaxy và MegaStar đã thực sự làm thay đổi thị trường phim ngoại ở VN với tốc độ phát hành của mỗi hãng là 1phim/tuần.

Với những bộ phim bom tấn, việc đàm phán mua phim thường được thực hiện từ khi dự án mới bắt đầu được đưa vào sản xuất. Mỗi nhà phát hành phim đều có những đối tác riêng của mình.

Điều đó đảm bảo cho họ nguồn cung cấp phim thường xuyên, ổn định. Chính vì vậy, thông thường ngay từ đầu năm, mỗi nhà phát hành đều có danh sách các phim dự định sẽ nhập cho cả năm đó.

Nếu như trước đây, khi hệ thống các nhà phát hành phim tại VN chưa phát triển lớn mạnh như hiện nay, việc nhập phim chủ yếu là theo hình thức bảo đảm doanh thu tối thiểu (MINIMUM GUARANTEE). Theo hình thức này thì nhà phát hành địa phương sẽ trả một khoản tiền nào đó theo thỏa thuận với Studio để đưa bộ phim về Việt Nam (thông thường là tiền bản quyền và tiền bản phim).

Do vậy, không phải phim nào cũng có thể mua về VN (như trường hợp “Harry Potter và chiếc cốc lửa” kể trên). Còn hiện tại, hình thức nhập phim chủ yếu là ăn chia theo tỷ lệ (OUTPUT DEAL). Theo cách này, nhà phát hành tại VN không mất tiền mua bản quyền.

Khi khai thác xong mỗi bộ phim và trừ chi phí phát hành, hãng phát hành tại VN và Studio (chủ phim) sẽ phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài ra, kiểu nhập phim theo hình thức mua bản quyền phát hành (FLAT DEAL), nói nôm na là “lời ăn, lỗ chịu” cũng rất phổ biến.

Nếu chịu khó theo dõi một số thị trường phim khác ngoài Mỹ thì thấy thị trường phim ngoại nhập ở VN đã rất phát triển. Ngay tại nhiều nước châu Âu, có rất nhiều bộ phim của Hollywood thậm chí còn được công chiếu chậm hơn tại VN. Nhìn ngay sang Trung Quốc có thể thấy rõ hơn điều này.

Mỗi năm Trung Quốc chỉ cho phép nhập 20 phim nước ngoài chiếu trong thị trường nội địa để bảo hộ cho điện ảnh trong nước. Và các phim được duyệt trình chiếu tại thị trường nổi tiếng khó tính này đều phải trải qua chế độ kiểm duyệt nội dung hà khắc.

Do vậy, không có chuyện phim ngoại nhập xuất hiện tràn lan ngoài rạp và cơ hội để khán giả nước này tiếp cận với hầu hết các bộ phim lớn của Hollywood trong năm là điều không tưởng.

Nói vậy để thấy, riêng về việc tiếp cận với phim ảnh thế giới, khán giả VN có nhiều thuận lợi hơn khán giả của nhiều nước khác. Trong tương lai gần, thị trường phim ngoại nhập về VN sẽ còn bùng nổ dữ dội hơn thời gian qua do chúng ta đã bãi bỏ hạn ngạch nhập phim theo đúng cam kết khi trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Một khi bãi bỏ hạn ngạch, lượng phim ngoại nhập vào Việt Nam sẽ phong phú và đa dạng về chủng loại hơn hiện nay rất nhiều. Chắc chắn số lượng phim nhập khẩu sẽ tăng, còn khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những bộ phim mới nhất của nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Chỉ e, trước cuộc đổ bộ bao gồm nhiều “binh chủng” như vậy, phim nội lại càng dễ tiếp tục bị “át vía”, “bóng đè”…

 
 “Inglorious Basterds” – bộ phim đình đám của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino tại LHP Cannes 2009 nhưng bị liệt vào hàng khó xem cũng đã đánh đường đến được với người xem Việt Nam.
2010 hứa hẹn tiếp tục sẽ là năm bùng nổ của thị trường phim ngoại nhập tại thị trường Việt Nam. Việc khán giả Việt Nam được xem những siêu phẩm điện ảnh đình đám của thế giới cùng thời điểm hoặc trước Bắc Mỹ như trường hợp phim 3-D “AVATAR” sẽ không còn là chuyện hiếm khi vị thế và triển vọng của thị trường phim ngoại nhập Việt Nam ngày càng được các hãng phim lớn của Hollywood biết đến.

Trong năm 2010, nhiều khả năng Việt Nam sẽ giành được quyền đăng cai tổ chức buổi chiếu ra mắt thế giới của một bộ phim Hollywood với sự tham gia của chính dàn diễn viên và ê kíp sản xuất phim.

Mục tiêu này từng được một nhà phát hành phim lớn tại Việt Nam đặt ra và muốn thực hiện trong năm 2009 nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện. Có lẽ điều này sẽ thay đổi sau khi “AVATAR” cán đích mục tiêu là bộ phim Hollywood đầu tiên đạt được doanh thu 1 triệu USD tại Việt Nam.

Với những gì đã thể hiện trong năm qua, 2010 chắc chắn là năm cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà nhập phim khi hãng nào cũng muốn giành quyền phát hành những bộ phim lớn tại thị trường Việt Nam. Và hệ quả của “cuộc chiến” này là khán giả Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh hơn với những cơn sốt phim ảnh mới trên thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường phim ngoại nhập, cộng với việc nhập phim không giới hạn hiện nay càng đặt phim Việt Nam vào một cuộc chiến không cân sức với phim ngoại.

Chưa hết, sự lớn mạnh nhà nhập khẩu phim số 1 hiện nay là MegaStar với mạng lưới 7 cụm rạp đạt tiêu chuẩn quốc tế trên toàn quốc cùng những dịch vụ thời thượng đi kèm ngày càng dồn các rạp chiếu phim cũ và nhỏ lẻ vào thế cạnh tranh khủng khiếp: thay đổi hay là chết!

Rạp chiếu vốn đã xập xệ, lại không được chiếu các bộ phim ăn khách của Hollywood ngay vòng 1 thì việc mất khán giả là đương nhiên. Việc kéo khán giả trở lại rạp có lẽ là bài toán mà các chủ rạp sẽ phải tính kỹ trong năm 2010 này. 

Bài: Quỳnh An

Thực hiện: depweb

12/01/2010, 16:22