Phim nghệ thuật trụ rạp: “Khôn chợ, dại nhà”




Càng “đắt chồng”, càng… “ế”

Rất nhiều bộ phim đoạt giải tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế đã không có được một kết thúc có hậu ngoài rạp chiếu phim dành cho chính công chúng Việt Nam. Với những bộ phim nghệ thuật thông thường, việc bán được vé vốn đã khó. Với một bộ phim từng tham gia các LHP nước ngoài, chuyện trụ rạp lại càng khó hơn gấp bội.

Một bộ phim gây chú ý với giới phê bình quốc tế chỉ khu biệt trong giới làm phim. Nói cách khác nó chỉ mang đến danh tiếng cho đạo diễn, giúp họ thuận lợi hơn khi thực hiện các bộ phim tiếp theo. Còn với khán giả, những bộ phim càng đoạt giải thưởng cao ở các LHP quốc tế, lại càng khó lấy được cảm tình. Chẳng ai dại gì bỏ tiền mua vé vào rạp để xem một bộ phim mà mình chẳng hiểu ra làm sao.

Thời gian gần đây có hai bộ phim rất nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông nhờ việc được mời tham dự hàng loạt các LHP danh tiếng trên thế giới. “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn làm một vòng qua các LHP Dubai, Namur, Băng Cốc, Roma…, còn “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên góp mặt tại rất nhiều LHP hàng đầu thế giới như Venice, Toronto, London, Pusan…

“Chơi vơi” là bộ phim truyện nhựa đầu tiên “made in Việt Nam” được tuyển chọn tham gia LHP lâu đời nhất, Venice, cũng là một trong 3 LHP danh giá nhất thế giới. Bộ phim này cũng đã giành được giải của Hiệp hội phê bình phim quốc tế (FIPRESCI Prize) tại Venice. Đây cũng là bộ phim nghệ thuật được quảng bá tốn kém và rầm rộ nhất từ trước đến nay trước khi công chiếu tại thị trường Việt Nam từ 13/11/2009.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ đầu ra từ một nhà phát hành chuyên nghiệp nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng không khỏi lo ngại về khả năng bán vé của bộ phim. Bởi ngay từ đầu, anh đã xác định “Chơi vơi” không phù hợp với số đông.

“Sự thực là đã có người nói với tôi rằng giải thưởng của Hiệp hội phê bình quốc tế tốt cho bộ phim nhưng chỉ nằm trong giới nhà nghề mà thôi. Nó sẽ rất tốt cho đạo diễn khi thực hiện các bộ phim tiếp theo. Nhưng với khía cạnh thương mại thì phải dè chừng bởi khán giả sẽ không đi xem một bộ phim đoạt giải của giới phê bình. Đơn giản vì nó khó xem. Bản chất của thương mại nó là như vậy!”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thẳng thắn.

Hẳn vậy, mặc dù được khẳng định tại nhiều LHP quốc tế, nhưng “Chơi vơi” vẫn bị hạn chế khả năng đến với khán giả. Tại Hà Nội, bộ phim này không thể bước chân vào những rạp chiếu đơn lẻ bởi không thể cạnh tranh với những bộ phim bom tấn của Hollywood vốn là đảm bảo về mặt thương mại cho các chủ rạp.

Bù lại, “Chơi vơi” tìm được điểm đáp tại hai cụm rạp lớn là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (TTCPQG) và MegaStar. Nhưng ngay cả khi đã xí được chỗ ngoài rạp thì khó khăn vẫn chưa hết bởi tại TTCPQG, “Chơi vơi” chỉ được sắp xếp chiếu vào hai khung giờ “rất hiểm” là: 10h và 12h trưa. Đại diện nhà phát hành cho biết nếu khán giả đông thì có thể đàm phán với chủ rạp tăng thêm suất chiếu cho “Chơi vơi” nhưng khả năng đó rất ít.

Đạo diễn Tất Bình, Giám đốc sản xuất “Chơi vơi” có cách lý giải hết sức hài hước về việc bộ phim được xếp chiếu vào buổi sáng và trưa: “Lúc nào tôi cũng thấy HN và TP.HCM tắc đường, lúc nào cũng đông người, thế thì họ đi đâu nhỉ? Việc chọn chiếu vào khung giờ đó có thể thành công và có thể không thành công.

Nhưng cả bộ phim chúng ta đã thể nghiệm, đã chuẩn bị chấp nhận những điều có thể không như ý muốn thì với việc phát hành, chúng ta cũng nên thử xem, thử đã rồi trên cơ sở thực tế chúng ta có thể điều chỉnh sau 1-2 ngày công chiếu”.

Riêng tại cụm rạp MegaStar Hà Nội, “Chơi vơi” được xếp chiếu vào tất cả khung giờ trong ngày như các bộ phim nghệ thuật từng chiếu trước đây và sẽ phải chấp nhận “out” sớm khi phim không có khán giả.

“Người Việt dùng hàng Việt! Không chỉ riêng các bộ phim nghệ thuật từng đoạt giải cao ở các LHP nước ngoài, MegaStar nhiệt tình với tất cả các phim Việt Nam, không phân biệt phim có giải hay không có giải”, Chị Phạm Thúy Vi, Quản lý cụm rạp MegaStar HN nói.

 
 Mấy ai bỏ tiền mua vé vào rạp để xem một bộ phim mà mình chẳng hiểu ra làm sao?



Giờ vàng vẫn ế

Xin đề cập đến bộ phim nổi tiếng thứ hai vừa nhắc đến ở trên. “Trăng nơi đáy giếng” khi ra rạp tại TP.HCM vào cuối tháng 10/2009 đã… “xuất sắc” trụ lại trong vòng 2 tuần. Nhà sản xuất mừng hú khi bộ phim bán được tới… 2.000 vé sau 14 ngày “tuyên chiến” với các phim bom tấn ngoài rạp.

Bộ phim này đã xin được các suất chiếu tại 3 cụm rạp lớn trong TP.HCM là CineBox, Megastar Hùng Vương và Megastar CT Plaza. Tuy vậy, do lượng khán giả không lớn nên các suất chiếu được rút từ 4 – 5 xuống 2 – 3 suất/ngày và tất nhiên, đều được chiếu vào khung giờ ít khán giả. Ngoài những tấm poster lác đác, không thấy các chiến dịch quảng bá rầm rộ, đã thế phim lại càng kén người xem nên trụ được 2 tuần đã có thể coi là kỳ tích.

Cũng ra rạp Hà Nội lặng lẽ như ở TP.HCM, “Trăng nơi đáy giếng”… bỗng dưng xuất hiện trong lịch chiếu phim của TTCPQG từ ngày 6/11 với vài tấm poster được đặt tại sảnh. Đây cũng là cụm rạp duy nhất tại Hà Nội nhận chiếu bộ phim này. Ban đầu “Trăng nơi đáy giếng” được xếp chiếu 2 suất/ngày nhưng chỉ sau 3 ngày “thử nghiệm”, bộ phim này chỉ còn giữ được duy nhất một suất chiếu trong ngày vào lúc 20h45.

Được biết, chỉ trước ngày “Trăng nơi đáy giếng” ra rạp đúng 3 ngày, TTCPQG mới nhận được đề nghị từ đại diện Hãng phim Giải phóng về việc đưa phim vào rạp. Vì là phim Việt Nam nên bộ phim này đã được ưu ái xếp chiếu vào hai khung giờ vàng là 16h và 20h30.

Vốn là một bộ phim kén người xem, lại không có những chiêu PR bắt mắt nên phim ít tạo được sự chú ý của người xem. Ngay cả trong những ngày cuối tuần (6 – 8/11), thời điểm rạp chiếu đông khách nhất, lượng vé bán ra của “Trăng nơi đáy giếng” cũng vô cùng lẹt đẹt. Phim được xếp chiếu ở phòng 130 chỗ ngồi nhưng chỉ 20 – 30 người xem.

Tối thứ 6 bán được 50 vé, ngày thứ 7 tổng cộng hai suất chiếu chỉ bán được ngót nghét 100 vé. Suất chiếu 20h ngày Chủ nhật 8/11, vốn là “giờ vàng” của TTCPQG nhưng cũng chỉ có 24 khán giả. Sang tới ngày đầu tuần 10/11 thì chỉ bán được 49 vé. Trước tình cảnh “thê thảm” trên, TTCPQG buộc phải sắp xếp lại lịch chiếu và cắt bớt một suất chiếu trong ngày của “Trăng nơi đáy giếng”.

“Ban đầu, chúng tôi xếp lịch cho “Trăng nơi đáy giếng” vào buổi chiều nhưng giờ đó, hầu hết khán giả đến rạp chỉ có sinh viên và thanh niên. Đối tượng này thường ít quan tâm đến phim Việt Nam. Đã thế, “Trăng nơi đáy giếng” lại có tiết tấu chậm, không hợp với thanh niên.

Bộ phim này cũng đã được sản xuất từ lâu và được quảng bá rất chừng mực nên lại càng khó hấp dẫn khán giả trẻ. Do vậy, chúng tôi chỉ xếp cho bộ phim này vào một khung giờ duy nhất là 20h45” – Ông Nguyễn Anh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia giải thích lý do buộc phải rút suất chiếu của “Trăng nơi đáy giếng” tại đây.

Cũng khó có thể trách được ai, khi chính nhà sản xuất cũng không mấy kỳ vọng vào khả năng hút khách của bộ phim. Ông Trần Bảo Tố, Trưởng phòng Kinh doanh Hãng phim Giải phóng, đơn vị sản xuất “Trăng nơi đáy giếng” nói đại ý rằng phim sở dĩ được chiếu trong phạm vi hẹp ở Hà Nội là vì số lượng bản phim rất ít.

“Chúng tôi chỉ dám làm 3 bản phim vì đây là phim nghệ thuật nên Hãng không dám in nhiều. Phim này thật ra cũng rất kén khán giả. Khi “Trăng nơi đáy giếng” chiếu trong Sài Gòn, lượng khán giả cũng không nhiều do phim không dành cho đối tượng tuổi teen…”

Thông thường, các phim thường đứng rạp khoảng 2 tuần nhưng với những phim mà mỗi suất chiếu chỉ có vài người đến xem thì có “thương” chủ phim đến mấy, cũng không chủ rạp nào dám hy sinh cả một phòng chiếu cho một bộ phim không có khách.

Ngay cả với những bộ phim lớn, kể cả các siêu phẩm “bom tấn” của Hollywood hay phim đoạt giải Oscar vẫn có thể “chết” như thường nếu như không có một chiến lược tiếp thị bài bản và rầm rộ. “Trăng nơi đáy giếng” là một bộ phim nghệ thuật kén khán giả, lại ra rạp “không kèn không trống” nên thất bại về mặt doanh thu là chuyện đương nhiên.

“Nếu so với các phim thị trường, chẳng hạn như phim chiếu Tết, thì lượng khán giả đến với các bộ phim Việt Nam thuộc dòng nghệ thuật không đông bằng. “Chơi vơi” được phát hành thông qua một công ty phát hành phim chuyên nghiệp nên còn có hy vọng khách sẽ đến rạp nhiều hơn.

Trước kia, các hãng sản xuất phim tự đưa phim ra rạp luôn mà không thông qua công ty phát hành để làm các công đoạn PR khi phim ra rạp ít được chú ý hơn”, chị Phạm Thúy Vi, Quản lý cụm rạp MegaStar Hà Nội cho biết nguyên nhân chính khiến các bộ phim Việt Nam ít khách.

Có lẽ bài toán này sẽ phải nhiều năm nữa mới giải nổi bởi không phải bộ phim nào cũng có được những bệ đỡ vững chắc là một nhà phát hành chuyên nghiệp như “Chơi vơi”.

 
 “Vung gươm giữa rừng kiếm”…

Đến “Cành cọ vàng” còn không có khán giả

Không chỉ riêng ở Việt Nam, các bộ phim nghệ thuật, đặc biệt là phim độc lập cũng không dễ “đấu” lại với các bộ phim thương mại về quy mô công chiếu cũng như doanh thu từ phòng vé. Do vậy, những bộ phim nghệ thuật thường được chiếu khu biệt ở những rạp chiếu phim chỉ dành cho dòng phim này, cho đối tượng khán giả riêng. Điều này dễ thấy nhất ở châu Âu.

Trên thế giới cũng có những nhà phát hành riêng của dòng phim này mà đơn cử là Fortissimo – hãng đã phát hành phim của nhiều đạo diễn tên tuổi, trong đó có Vương Gia Vệ. Fortissimo cũng đã từng đặt vấn đề mua bản quyền phát hành “Chơi vơi” trong mạng lưới các rạp chiếu phim nghệ thuật toàn cầu nhưng do gặp trục trặc về vấn đề thương thảo nên cuối cùng kế hoạch đổ bể.

Dòng phim nghệ thuật chuyên biệt đến mức có riêng một LHP dành riêng cho thể loại phim này. LHP Sundance thành lập năm 1978 và được tổ chức hàng năm tại Mỹ, là nơi giới thiệu những bộ phim mới của các nhà làm phim độc lập quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng.

Rất nhiều đạo diễn nổi tiếng sau này như Kevin Smith, Robert Rodriguez, Quentin Tarantino, Paul Thomas Anderson, Steven Soderbergh, James Wan, Edward Burns, Jim Jarmusch đều bắt đầu gây chú ý tại LHP này. Tuy nhiên, các bộ phim nghệ thuật thường chỉ có được lượng khán giả rất nhỏ.

Phim càng đoạt giải cao tại các LHP lớn, lại càng khó tìm đến với số đông công chúng và có doanh thu rất hạn chế. Đơn cử như bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2003 là “Elephant” của đạo diễn nổi tiếng Gus Van Sant.

Bộ phim này chỉ thu về 10 triệu USD tiền bán vé từ thị trường hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có rất nhiều nước “Elephant” từng tới để tham dự LHP. Riêng tại thị trường Mỹ và Mexico, bộ phim này chỉ được chiếu trong một số rạp giới hạn.

Tương tự, bộ phim “I’m Not There” năm 2007 về huyền thoại âm nhạc Bob Dylan từng gây chú ý tại mùa giải Oscar 2008. Có chi phí hơn 20 triệu USD, với sự góp mặt của ba diễn viên nổi tiếng Hollywood là Cate Blanchett, Christian Bale, Richard Gere, từng tham gia hơn 20 LHP quốc tế nhưng cũng chỉ được chiếu trong phạm vi rất hạn chế tại thị trường Hy Lạp và chỉ thu về hơn 11 triệu USD từ phòng vé.

Nói vậy để thấy, ngay cả những bộ phim nghệ thuật của Hollywood, được PR đến tận răng, có sự tham gia của những diễn viên nổi tiếng và đoạt giải cao tại các LHP quốc tế cũng thất bại về mặt khán giả như thường.

Một trong những đạo diễn nổi tiếng châu Á theo đuổi dòng phim nghệ thuật là Kim Ki-duk. Nhà làm phim sinh năm 1960 này nổi lên như một trong những đạo diễn tài năng nhất của điện ảnh Hàn Quốc những năm 2000. Năm 2004, Kim Ki-duk gây tiếng vang lớn trong giới làm phim khi giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho hai bộ phim khác nhau tại 2 LHP danh giá là Berlin (với “Samaritan Girl”) và Venice (phim “3-Iron”).

Kim Ki-duk được nhiều khán giả Việt Nam biết đến qua bộ phim “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân” (Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring). Và cũng giống như rất nhiều nhà làm phim nghệ thuật khác, các bộ phim của Kim Ki-duk rất kén khán giả. Phim của anh thường chỉ có chi phí từ vài trăm ngàn USD đến tối đa là 1 triệu USD và thường thì… lỗ do quá ít người xem đến mức doanh thu thực của phim chẳng bao giờ được công bố.

Làm phim nghệ thuật vốn đã không dễ dàng, tìm được tiếng nói chung với số đông lại càng khó. “Khôn nhà dại chợ” đã khổ, “khôn chợ dại nhà” vì vậy cũng đâu có sung sướng gì hơn!

Sau 2 tuần kiên quyết bám trụ (kể từ 6/11) với 1 suất chiếu mỗi ngày từ tuần thứ 2, “Trăng nơi đáy giếng” đã phải rời rạp sau suất chiếu cuối cùng vào 20h50 ngày 19/11. Còn “Chơi vơi”, ra mắt hôm 13/11 đã có được lượng khán giả khả quan sau 3 ngày cuối tuần đầu tiên (13-15/11) nên từ ngày 16-18/11, đã được TTCPQG ưu ái xếp cho 3 suất chiếu vào 10h, 14h và một suất chiếu vào giờ vàng mỗi tối.

Cũng hiếm có bộ phim Việt Nam duy trì 3 suất chiếu 1 ngày trong 2 tuần như “Chơi vơi”. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi trụ được đến tuần thứ 3. Kể từ ngày đầu tiên được công chiếu (13/11), “Chơi vơi” vẫn giữ được 3 suất/ngày.

Thậm chí có ngày TTCPQG còn chiếu 4 suất. Bộ phim này vẫn có trong lịch chiếu của TTCPQG cho đến hết ngày 2/12. Tuy nhiên, tình cảnh của bộ phim này tại cụm rạp MegaStar HN lại không “êm” như vậy. Tuần đầu công chiếu (13-18/11), “Chơi vơi” được xếp 6 suất chiếu 1 ngày.

Ngày 19/11, bắt đầu lịch chiếu của tuần mới, bộ phim này bị rút xuống 5 suất/ngày và từ 20/11, tức là bước sang tuần thứ 2, “Chơi vơi” chỉ còn duy trì được 2-3 suất/ngày vào các buổi sáng do lượng khán giả quá khiêm tốn mặc dù poster phim bắt mắt và xuất hiện khá rầm rộ ngoài rạp.

Bài: Bích Hạnh


From the same category