Phim “Münter & Kandinsky”: Cuộc tình ám ảnh khôn nguôi giữa hai danh hoạ

“Anh muốn sống trong nỗi cô đơn và được gạt ra bên lề những nghịch cảnh của cuộc đời. Phải rồi! Anh biết đó chỉ là sự yếu đuối. Anh biết. Nhưng anh mệt, anh mệt với việc ‘hào hiệp’. Thực ra anh mệt với rất nhiều thứ. Anh sẵn sàng đối đầu với sư tử. Chỉ là anh lại chẳng muốn phải đối đầu với lũ chuột nhắt”, trích một dòng thư của danh họa Wassily Kandinsky gửi cho Gabrielle Münter, người học trò – tình nhân của mình, trong 1.200 trang thư họ trao đổi với nhau. 1.200 trang thư trong khoảng 12 năm. Khoảng thời gian bên nhau là 12 năm, nhưng mối quan hệ ấy còn phủ bóng suốt đời Münter, và có lẽ cả Kandinsky.

Nàng

“Münter và Kandinsky”, tựa phim của đạo diễn người Đức Rosenmüller khá kỳ lạ. Kỳ lạ bởi vì dù trong sách vở hay triển lãm, tên của Kandinsky luôn được đặt trước. Nhớ về Kandinsky là nhớ về cha đẻ của trường phái ấn tượng, vị họa sĩ coi âm nhạc là người thầy tối cao, một nhà giáo tại ngôi trường Bauhaus đã ảnh hưởng lên lớp lớp những người làm nghệ thuật sau ông. Kandinsky là cổ thụ thì Gabrielle Münter chỉ giống như cái bóng của cây cổ thụ ấy. Nhưng bộ phim về cuộc tình của họ lại được kể từ góc nhìn chính của Münter.

Bộ phim vì thế có cùng một mạch với “Priscilla” của Sofia Coppola – kể chuyện từ điểm nhìn của vợ Elvis Presley; “Jackie” của Pablo Larraín – theo chân phu nhân của cựu tổng thống Kennedy sau vụ ông bị ám sát; hay “Tchaikovsky’s wife” của Kirill Serebrennikov – kể về Antonina Ivanovna Miliukova, người vợ của nhà soạn nhạc vĩ đại Tchaikovksy. Những bộ phim như vậy tái chiếm giọng tự sự của người nữ trong mối quan hệ với người đàn ông quyền lực và danh tiếng hơn mình gấp nhiều lần. Không phải để bác bỏ người đàn ông, mà bởi khi đứng từ cây cổ thụ mà nhìn, cái ta thấy là một khung cảnh rộng lớn, sáng sủa nhưng xa xăm; còn khi nhìn từ cái bóng ngước lên, ta sẽ thấy những tiểu tiết, những bóng tối, những hốc, những hố, nhưng u bướu nhỏ thường bị khuất lấp, bị bỏ quên.

Màu sắc

“Münter và Kandinsky” đẹp như một triển lãm tranh. Từng cảnh, từng cảnh đều sống động sắc màu tựa những bức tranh của cả hai trong thời kỳ sáng lập nhóm hội họa Blue Rider ở Munich: cảnh quấn quýt bên hồ nước mùa hè, cảnh khu vườn đơm hoa trong ngôi nhà ở Murnau mà họ gọi là Russenhaus (ngôi nhà nước Nga – quê hương của Kandinsky), những chuyến dã ngoại vẽ tranh bên nhau…

Trong đời thực, Kandinsky yêu màu sắc điên cuồng, ông nghe thấy cả âm thanh của những sắc màu, coi sắc màu là những phím đàn: những nốt trầm trong sắc vàng, những âm cao trong sắc xanh thẫm của mặt hồ. Khi thưởng thức “Lohengrin” của Wagner, trải nghiệm khiến ông bỏ dở sự nghiệp luật sư để trở thành một họa sĩ, ông đã “thấy sắc màu trong tinh thần, trước mắt tôi. Những đường nét hoang dại, gần như điên loạn được phác ra trước mặt tôi”.

Phần lớn bộ phim được nhìn qua ánh mắt của Gabrielle Münter – người phụ nữ trẻ, nổi loạn, tươi tắn, đầy hoài bão về nghệ thuật, mới 25 tuổi khi gặp Kandinsky, người lúc đó 36 tuổi, đã kết hôn được 10 năm với một người chị họ bên nội. Vạn vật trong mắt người phụ nữ đang yêu đều nhuốm ảnh hưởng từ người đàn ông mà nàng kính trọng; cách nàng thi mỹ hóa mối quan hệ đầy sắc thái dữ dội, đẹp đấy mà cũng độc hại vô cùng, giữa cả hai. Đó cũng là cách mà nhà làm phim cho ta thấy: Gabrielle cũng là nghệ sĩ. Nàng là một nghệ sĩ hoàn chỉnh, một thế giới thẩm mỹ riêng biệt, đẹp đẽ vô song.

Những tuýp màu và những điệu jazz

Ống kính thường xuyên bắt cận vào những tuýp màu của Münter và Kandinsky. Những tuýp sơn dầu đặc quánh, nhìn rõ cả những đường vân nổi: tuýp màu vàng “tỏa ra sự ấm áp về mặt tâm linh”, tuýp màu xanh “gọi mời con người tới cái vô hạn, đánh thức trong anh ta khao khát về một thứ thuần khiết, và sau rốt, siêu nhiên”. Sự đậm đặc của những tuýp màu cũng là sự đậm đặc của những cảm xúc giữa đôi tình nhân: yêu say đắm, ghen tha thiết, khổ đau khủng khiếp, ám ảnh khôn nguôi.

Và tất nhiên, một bộ phim xoay quanh Kandinsky, người yêu âm nhạc đến mức nghe Arnold Schoenberg mà sáng lập ra cả một trường phái hội họa, thì âm nhạc cũng phải thật hay. Những bản jazz rải đều xuyên suốt cả bộ phim, trở thành hậu cảnh hoàn hảo cho đời sống nghệ thuật rộn ràng, lấp lánh và sôi nổi của giới nghệ sĩ châu Âu trước hai cuộc chiến tranh thế giới. Một chương rực rỡ trước khi tất cả những hứa hẹn, những sắc màu đều tan biến trong thê lương, bị đày đọa xuống những tầng hầm bẩn thỉu nhất. Một đỉnh cao trước khi thế giới lụi tàn.

Tầng hầm

“Münter và Kandinsky” bắt đầu bằng một cuộc lục soát nhà của Gabrielle Münter, giờ đây ở tuổi trung niên, vẻ ngoài tiều tụy, u ám, và hai mươi năm rồi bà mất liên lạc với Kandinsky, người đã trở về Nga. Đức Quốc xã lùng sục những bức tranh của Kandinsky. Münter cất kín tranh của ông dưới kho ở tầng hầm nhà mình. Ở đoạn kết, Gabrielle Münter một lần nữa ngắm nhìn những bức tranh cất trong kho, và bà đã trở lại với hội họa. Hình ảnh cuối cùng của phim, Münter mở lại tuýp màu cũ còn chưa khô, quẹt một lớp màu, và từ con mắt của ống kính điện ảnh, bà bị lớp màu che khuất. Một lần nữa, bà lại chìm đắm trong hội họa.

Cái gì đã được cất kín trong tầng hầm? Có lẽ không chỉ là những bức họa vô giá của Kandinsky. Có lẽ còn là một mối tình nhiều thăng hoa nhưng những chấn thương cũng nhiều không kém. Có lẽ là tuổi trẻ và giấc mơ của một con người đã từng 20 tuổi, từng có biết bao mộng ước với cái đẹp, với nghệ thuật, và cho rằng nghệ thuật là tất cả, chỉ cần có nghệ thuật là đã đủ – nhưng nghệ thuật là không đủ trong thế giới bạo lực ấy. Có lẽ trong tầng hầm ấy là màu sắc, là âm nhạc, là tình yêu, và cũng là tâm hồn. Nó đã bị giấu kín quá lâu. Đã đến lúc mở cửa để nó ra ngoài trở lại.

Đạo diễn: Marcus O. Rosenmüller
Diễn viên: Vanessa Loibl, Vladimir Burlakov


From the same category