Phim hay không bằng bán giỏi

Mê Thảo thời vang bóng chiếu tại rạp nhà (Cinebox) không đầy tuần đã bị out vì vắng khách, trong khi không ít người tiếc rẻ chưa được xem. Mệt mỏi, ấm ức chuyện này khiến nữ đạo diễn Việt Linh đổ bệnh!

Mùa len trâu khí thế hơn, hiện giờ vẫn ngao du trời Tây, trời Mỹ. Còn trong nước mới, cứ nhắc tới kế hoạch công chiếu rộng rãi là Hãng phim Giải phóng lại ngại ngần, không khéo rơi tiếp vào vết xe đổ của không chỉ một Mê Thảo thời vang bóng.

Có phim hay như có hàng tốt. Thời buổi chen chúc các thể loại nghe nhìn giải trí, không tiếp thị – marketing- bán hàng giỏi thì chưa chắc sở hữu phim hay đã là có tất cả. Khắc nghiệt nữa, đặc thù của điện ảnh là “hàng nóng”. Phim hoành tráng hấp dẫn mấy, nếu vì lý do nào đó không ra mắt khán giả khi còn “nóng”, dù có “hâm” lại sau này cũng khó thành công.

Người Mỹ trầm lặng là một nỗi đau loại này của nhà sản xuất. Cuộc chiến Iraq đã khiến mối quan tâm về chiến tranh của người Mỹ xoay chiều. Dù được đánh giá hấp dẫn hơn hẳn phim cùng chủ đề sản xuất trước đó, Người Mỹ trầm lặng cũng thất bại ở thị trường quan trọng nhất là Mỹ.

Trong chuyện này marketing khôn ngoan mấy cũng chẳng lại được với… giời! Nhưng chiến sự Iraq chỉ là nhất thời. Còn đối với các nhà làm phim, nói như một lão làng phát hành phim Việt Nam: Tiếp thị không thể thiếu đối với điện ảnh! Nhưng rồi ông cũng quàng thêm: Nhưng nếu tiếp thị không trúng thì chính là vực tử thần!

Muôn vàn chiêu tiếp thị

Hình ảnh chiếc xe loa phát ông ổng chạy trên đường đúng giờ tan tầm; trẻ con ôm từng chồng áp phích dúi tận tay các bà các cô nơi sạp chợ; panô kẻ vẽ màu mè đôi khi cực kỳ vụng dại và ngây ngô treo chềnh ềnh nơi cửa rạp…

Thời buổi chen chúc các thể loại nghe nhìn giải trí, không tiếp thị-marketing-bán hàng giỏi thì chưa chắc sở hữu phim hay đã là có tất cả. Khắc nghiệt nữa, đặc thù của điện ảnh là “hàng nóng”. Phim hoành tráng hấp dẫn mấy, nếu vì lý do nào đó không ra mắt khán giả khi còn “nóng”, dù có “hâm” lại sau này cũng khó thành công.

Tất cả đều gợi lại hình ảnh “công nghệ tiếp thị phim” của mươi năm trước, gắn liền với thời kỳ “phim mì ăn liền”. Khi hãng Anet của Hàn Quốc nhảy vào Việt Nam giữa lúc thị trường chiếu bóng như bánh đa nhúng nước, người Hàn đã áp dụng đúng sách lược của các nhà sản xuất “phim mì” Việt Nam để khuấy động thị trường.

Anet không tiếc tiền in tờ bướm giới thiệu phim và điểm chiếu, thuê sinh viên tiếp thị tại siêu thị, thậm chí tận nhà. Và kèm vào lời mời xem phim đôi khi là những món quà khuyến mại xinh xinh như dầu gội đầu, kem đánh răng, sữa tắm, giá trị qui ra thóc không đáng là bao nhưng cũng khiến người nhận phải nhớ.

Nhưng bây giờ chiêu của Anet cũng đã nhàm. “Thời làm mì”, nhà sản xuất còn nghĩ cách gấp tờ rơi vào hộp bánh Trung thu, hoặc in tên phim lên bóng bay cho trẻ con thả khắp phố. Bây giờ quà khuyến mại kèm vé xem phim đắt giá hơn nhiều.
Nhờ dầu gội đầu X’men của tài tử Brad Pitt, cả trăm lượng vàng đã được đúc thành giải thưởng ngựa gỗ thành Troy. Vé đi du lịch Hollywood kèm vào vé Nữ tướng cướp. Điện thoại Nokia làm mồi mua đĩa DVD chân dài. Đồng hồ và mỹ phẩm kèm vào vé xem Bọ cạp đen…

Song quảng cáo và khuyến mại lúc phim ra rạp chỉ là “liều thuốc cuối cùng”. Tiếp thị phim hiện được nâng lên thành “công nghệ lăng-xê”, được bắt đầu ngay từ khi xây dựng dự án làm phim.

Ông Thái Hòa, Phó Giám đốc kinh doanh Hãng phim Giải phóng tổng kết: Trước khi phim bấm máy, công việc tiếp thị phải trả lời được những câu hỏi: Phim thể loại gì? Khán giả có thích hay không? Ngôi sao nào đóng? Chiếu lúc nào và ở đâu? Đạo diễn là ai? (riêng câu hỏi này hiện chưa thích hợp lắm với thị trường Việt Nam).

Mấy chục năm lăn lộn với phát hành cho ông một kinh nghiệm xương máu: Ngày chiếu đầu tiên vô cùng quan trọng. Nó là thuốc thử cho biết phim “ăn” hay không? Nếu thấy “nguy hiểm” nhà sản xuất sẽ “buông” ngay mà không đầu tư quảng cáo tiếp, vì đã biết chắc sẽ mất cả chì lẫn chài.

Đây chính là kinh nghiệm trị giá bạc tỷ của Hãng phim Phước Sang dịp Tết vừa qua. Khi đàn ông có bầu đúng kế hoạch khởi chiếu ngày 30 Tết. Nhưng để tạo cơn sốt cho ngày mở hàng, nhà sản xuất chi hàng trăm triệu đồng để lấy rạp 4 “ngày liệt” – từ 26 đến 29 Tết, free toàn bộ vé. 4 ngày kỵ húy của phát hành lại trở thành cú đề-pa có một không hai của bầu Phước Sang, thu về hơn 10 tỷ đồng khiến các nhà phát hành khác phải bái phục.

Ngay từ khi rục rịch kịch bản, nhà sản xuất đã nghĩ ra đủ trò gây chú ý: ồn ào tuyển diễn viên (trong khi chọn xong rồi), thi thiết kế poster, lập website, chọn tờ báo làm “đơn vị bảo trợ thông tin”, cố tình làm rò rỉ những thông tin nửa mật nửa không. Thôi thì đủ cả, nhưng…

Công nghệ… vẫn xa vời

Trước hết, nó vẫn còn xa vời đối với phần lớn các hãng phim Nhà nước. Ở nơi này, hiện tại người ta vẫn chỉ tập trung vào khâu sản xuất, còn quảng bá lăng-xê phó mặc cho… các dịp lễ lạt. Nghĩa là, phim nào phát hành vào dịp lễ thì còn được ra mắt đoàn làm phim và các báo nhận được thông cáo báo chí từ Cục điện ảnh.

Những bộ phim đầu tư hàng tỷ tới chục tỷ đồng, nhưng chi phí cho quảng bá chỉ tính đến tiền… triệu (bằng vài phần trăm chi phí sản xuất). Gái nhảy là phim đầu tiên được một nhà sản xuất Nhà nước chi tới 50 triệu đồng để quảng cáo. Đến Lọ lem hè phố con số này đã xấp xỉ 200 triệu đồng. (Còn kỷ lục về quảng bá hiện nay thuộc về Khi đàn ông có bầu, hơn 700 triệu đồng).

Nhưng ngay cả đối với các hãng tư nhân, việc lăng-xê quảng bá mới dừng lại ở những chiêu thức nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, bất kể cạnh tranh thiếu lành mạnh. Hiện tại, thị trường nội địa vẫn hết sức nhỏ bé so với số dân. (Phim đột biến mới thu hút cỡ vài trăm ngàn lượt người).

Thị trường ấy đang rất cần cú hích để lôi cuốn thói quen xem phim rạp, bên cạnh việc tập trung sức thu hút vào 1, 2 bộ phim cụ thể. Đã có công ty đưa ra ý tưởng trở thành một đơn vị chuyên về marketing cho phim, gửi lời chào hàng tới một hãng phim Nhà nước nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Hoặc có thể hãng phim Nhà nước kia còn phân vân trước hình thức cộng tác mới rất thị trường như thế.

Có dịp quan sát một góc nhỏ “công nghệ tiếp thị phim” ở New York (Mỹ) và London (Anh), người viết bài thấy một số điều rất quen mà lạ (dĩ nhiên là lạ với ta thôi).

Đập vào mắt công chúng xem báo hàng ngày là những trang quảng cáo dày đặc lịch chiếu phim rạp (cả lịch biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác) để họ có thể hoàn toàn yên tâm lựa chọn.

Tại khu vực giải trí trung tâm quảng trường Trafagal ở London, bên cạnh cụm rạp lớn chuyên phim mới là một vài rạp nhỏ chiếu phim chậm vài tuần, với giá vé giảm một nửa. Với member có đóng hội phí thì được giảm nữa, thậm chí một số suất miễn phí. Tại rạp, đều có bảng điện tử chạy liên tục thông tin về các suất chiếu. Họ tìm mọi cách để mời mọc khán giả tới rạp…

Tất nhiên có những hội đoàn đứng ra làm chuyện này, kết nối thông tin và có kế hoạch tiếp cận khán giả chung… Đấy là chưa nói đến những gì các hãng phát hành phim lớn của Hollywood đang làm trong nền công nghiệp điện ảnh của họ. Ở ta thì không thế.

Theo đúng chức năng, Fafilm Việt Nam chính là hãng phát hành lớn nhất trên thị trường nội địa, cũng là nơi phát hành phim Việt ra nước ngoài. Hai chữ “phát hành” ở đây bao gồm cả khâu tiếp thị.

Thế nhưng từ nhiều năm nay Fafilm gần như hoàn toàn bất lực. Một bộ máy kềnh càng chỉ thực hiện gần như duy nhất một việc: phim ai đưa đến thì Fafilm đem ra rạp chiếu, chấm hết.

Các hãng tư nhân hiện nay hầu như xuất phát từ gốc công ty quảng cáo. Cách thức quảng bá phim của họ tích cực và bước đầu bài bản, tiếc là nhỏ lẻ vì mạnh ai nấy làm.

Kết quả là vài mẩu quảng cáo theo dạng “nhờ vả” phóng viên một số tờ báo xuất hiện lọt thỏm giữa muôn vàn mẩu thông tin hàng ngày. Băng rôn quảng cáo phim cái nọ chen lấn cái kia. Quà khuyến mại rất to, nhưng một điều rất nhỏ là tôi muốn coi bộ phim X. hôm nay thì tới rạp nào, suất chiếu mấy giờ, liệu còn vé không thì quả thực là rất mất công mới biết được.

Khán giả thời bận rộn, nếu phải mất công thế, tốt nhất chọn giải pháp đi mua đĩa về nhà coi!

Sản xuất phim đã nắm tay nhau rồi. Bây giờ, công nghệ lăng-xê phim cũng đang cần lắm những cái bắt tay hợp lực./.


From the same category