Trăm điều lạ, ngàn mối khó
Cho đến hiện tại, phim ca nhạc Việt vẫn chỉ đang ở những bước dò dẫm đầu tiên. Tính tiềm năng, vì thế cũng khá lớn. Tuy nhiên, khai thác tiềm năng đó như thế nào lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Thực tế, từ nhiều năm trước, khái niệm “phim ca nhạc” chỉ dừng lại ở những phim xuất hiện một vài cảnh quay nhân vật hát một ca khúc nào đó, như Em còn nhớ hay em đã quên, Sài Gòn tình ca, Em muốn làm người nổi tiếng… Giờ đây, khái niệm đó đã nhanh chóng được thay đổi khi thị trường phim ảnh Việt được tiếp cận nhiều phim ca nhạc của thế giới. Với điện ảnh, “Những nụ hôn rực rỡ” gần như là phim Việt đầu tiên mang thể loại này, dù chưa rõ nét. Với truyền hình, khán giả vẫn nhớ tới “Cho một tình yêu”, “Hát ca bềnh bồng”… được xem như là những phim truyền hình ca nhạc đầu tiên.
Nhạc sĩ Huy Tuấn đảm đương một phần âm nhạc cho phim “Những nụ hôn rực rỡ”
Tuy nhiên, dù đã được điểm mặt, gọi tên, nhưng tính sơ khai của phim ca nhạc Việt vẫn cứ như ngày đầu. Bởi, như bất kỳ sự mới mẻ nào khác, phim ca nhạc cũng vấp phải sự ngỡ ngàng từ thói quen xem phim của người Việt trước nay, khi sự đối thoại được thể hiện bằng ca khúc. Nếu sự tiếp cận với thể loại nhạc kịch ngay từ bé khiến khán giả nước ngoài có một sự thẩm thấu tầm cao dành cho thể loại này, thì tại Việt Nam, đây vẫn là điều lạ lẫm đầy khác biệt. Bên cạnh đó, phim ca nhạc còn gặp vấn đề khá lớn về kinh phí khi phải gồng mình gánh thêm một khoản không nhỏ cho sáng tác ca khúc. Với phim truyền hình, số lượng ca khúc đó thường phải ở hàng trăm: “Cho một tình yêu” là 70 ca khúc, “Vết xước” 120 ca khúc, “Hạnh phúc quanh ta” 160 ca khúc, “Hát ca bềnh bồng” 120 ca khúc… Gần như, chấp nhận sản xuất phim ca nhạc cũng là chấp nhận một cuộc chơi không được phép tiếc tiền, dù điều đó là không thể, nhất là trong bối cảnh hiện tại.
Nhưng ngay cả khi bỏ qua vấn đề kinh phí, phim ca nhạc cũng chưa hẳn là hết khó khăn, bởi một diễn viên của phim ngoài việc phù hợp với tính cách nhân vật trong diễn xuất còn phải biết hát. Trong bối cảnh hiện tại, gần như Việt Nam không có diễn viên nào thực sự đáp ứng được điều đó. Sự xuất hiện của Lân Nhã, Hồng Kim Hạnh… trong “Vết xước”; Mỹ Tâm, Quang Dũng, Tuấn Hưng… trong “Cho một tình yêu” không phải là không có lí do, tuy nhiên, tiếc thay đây không hề là lựa chọn tối ưu, vì những gương mặt này lại có nhiều hạn chế về diễn xuất. Ngoài ra, cho dù có nhạc thoại hay, diễn viên diễn tốt lẫn hát khá vẫn chưa đủ. Để có những cảnh quay giàu nhạc điệu trên khung hình, cần phải có sự đồng bộ của nhạc, của giọng hát, của diễn xuất, của vũ điệu cũng như của cả cách quay và dựng. Sự đồng bộ của tất cả các khâu đó là điều mà nghệ thuật thứ bảy Việt Nam chưa có. Trong tất cả phim ca nhạc của Việt Nam, có lẽ chỉ có “Cho một tình yêu” và “Những nụ hôn rực rỡ” là đáp ứng khá tốt về yếu tố quay, dựng, vì Nguyễn Tranh và Nguyễn Quang Dũng là 2 cái tên đạo diễn khá quen thuộc với các video clip ca nhạc trước đó. Còn lại, hầu hết đều có vẻ vụng về, làm giảm khá nhiều yếu tố âm nhạc của cảnh quay.
Ca sĩ Phương Thanh tham gia một vai phụ trong phim ca nhạc “Những nụ hôn rực rỡ”
Đạo diễn âm nhạc: người ở “khúc” nào?
Năm 2011, việc ca sĩ Mỹ Tâm tham gia phim “Cho một tình yêu” trở thành sự kiện của làng nhạc Việt bởi cô không chỉ là diễn viên chính mà còn đảm đương luôn trọng trách đạo diễn âm nhạc của phim. Và, cho dù không được đánh giá cao trong vai trò diễn viên, nhưng nhiều ca khúc trong phim của cô trở thành hit sau đó. Tuy nhiên, nếu cho rằng Mỹ Tâm là một đạo diễn âm nhạc giỏi thì đã quá vội vàng. Thực tế, Mỹ Tâm không hề “nhạc hóa” lời thoại cho phim, mà kịch bản phim “Cho một tình yêu” đã phải “chạy” theo nhiều ca khúc có sẵn của cô (trong 70 ca khúc của phim thì chỉ có 10 ca khúc là mới, trong đó cô sáng tác 6 ca khúc), để sao cho nhân vật, tình tiết và lời thoại “nhập” vào các ca khúc đó một cách ngọt ngào nhất; phân bổ số lượng ca khúc đó cho các tập phim một cách cân bằng nhất… Chính vì thế, rất dễ dàng nhận ra rằng “nhạc thoại” trong phim này chỉ dành cho những trường đoạn tình yêu, và chỉ dành cho tuyến nhân vật chính. Trong khi đó, vốn dĩ nhạc thoại là dành cho tất cả nhân vật, tất cả những mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… trong đường dây của cả câu chuyện phim.
Ca sĩ Tuấn Hưng và ca sĩ Mỹ Tâm trong phim ca nhạc “Cho một tình yêu”
Có thể nói, đạo diễn âm nhạc của phim ca nhạc không hề giống với vai trò của người viết nhạc phim. Để hoàn thành vai trò đạo diễn âm nhạc phim “Hát ca bềnh bồng”, Văn Tứ Quý phải nghiền ngẫm kịch bản, thảo luận với nhóm biên kịch và đạo diễn, đồng thời tham gia cả khâu casting… chỉ để có những nhạc thoại phù hợp nhất. Nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam, người đảm đương âm nhạc cho phim “Biệt đội hy vọng” (đang phát sóng trên HTV7), sau khi nhận được kịch bản, phải nghiền ngẫm để có được những track nhạc hợp lý nhất…
“Diễn tả một cách nôm na thì việc viết nhạc phim chỉ diễn ra khi đã có toàn bộ hình ảnh phim, nghĩa là nó nằm ở giai đoạn hậu kỳ. Còn đạo diễn âm nhạc cho phim ca nhạc thì phải tham gia từ giai đoạn tiền kỳ lẫn hậu kỳ, và phải ra cả hiện trường”, nhạc sĩ Huy Tuấn – người cùng với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đảm đương phần âm nhạc cho phim “Những nụ hôn rực rỡ” cho biết. Cũng theo anh, việc sửa chữa, viết lại các ca khúc là chuyện bình thường: ”Nhiều khi ra hiện trường, lại thấy nó không ổn, thế là lại chạy về nhà sửa, sửa và sửa”. Văn Tứ Quý, khi gửi bản demo cho nhà sản xuất, cũng bị yêu cầu phải sửa khá nhiều trước khi phim quay. Thực tế, không phải nhà sản xuất nào cũng hiểu được sự quan trọng của đạo diễn âm nhạc. Nhiều phim, để cho kịp tiến độ, nhà sản xuất dùng phương án đặt hàng nhiều nhạc sĩ cùng lúc, tuy nhiên, vì thế “màu sắc” âm nhạc của phim khó có thể nhất quán. Và đạo diễn âm nhạc, lúc này chỉ đóng vai trò như một người viết lời thoại có giai điệu, không hơn không kém.
Với những hiện trạng còn bỏ ngỏ đó, phim ca nhạc Việt vì thế mãi vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Và khi phim ca nhạc vẫn chỉ đơn giản là cuộc chơi của sự can đảm và liều lĩnh nhưng thiếu tầm nhìn cùng sự đầu tư tổng thể hơn nữa từ phía hãng sản xuất và cả các bên liên quan, trong bối cảnh chung của cách làm phim hiện tại, e rằng còn rất lâu nữa tiềm năng đó mới được khai thác đúng.
Bài: Đại Dương (theo Sành điệu)