Cơn sốt phim âm nhạc đang trở lại
Ngay khi được công chiếu, “La La Land” trở thành một trong những từ khóa “hot” nhất trên mạng, thậm chí, người ta còn sục sạo tìm kiếm mọi thông tin từ diễn viên cho đến những chuyện hậu trường của bộ phim. Âu đó cũng là lẽ thường, nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu thiếu đi phần âm nhạc tuyệt đẹp, liệu “La La Land” có làm nên “cơn bão” như vậy không? Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần nhìn vào cách những ca khúc trong phim được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và chiếm lĩnh vị trí cao tại các bảng xếp hạng âm nhạc là thấy.
Phim hoạt hình “Sing”
Tương tự, phim hoạt hình “Sing” cũng đang hốt bạc tại nhiều phòng chiếu. Lấy ý tưởng về cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình, dàn diễn viên lồng tiếng sở hữu chất giọng không thua kém các ca sĩ chuyên nghiệp đã trình diễn hơn 80 ca khúc trong phim. Quả là một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn trên màn ảnh.
Hai đại diện tiêu biểu này (xét cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật) khiến khán giả khấp khởi về sự trở lại của dòng phim âm nhạc. Những màn nhảy múa hát ca đã vắng bóng trên màn ảnh rộng từ khá lâu – 5 năm kể từ khi “Les Misérables” khuấy đảo những giải thưởng điện ảnh và âm nhạc quốc tế; xa hơn nữa, thời hoàng kim của dòng phim âm nhạc, với “Moulin Rouge” hay “Chicago” là từ những năm đầu thế kỷ 21.
“Beauty and the Beast”
Phim âm nhạc – thời đỉnh cao hay theo trào lưu?
Đầu tiên, phải kể đến một loạt bộ phim theo công thức quen thuộc của Hollywood những năm gần đây: phim kinh điển làm lại + chút yếu tố tân thời + một ê kíp sản xuất sáng giá. Rầm rộ nhất thời điểm hiện tại là “Beauty and the Beast” (Người đẹp và quái vật) với sự góp mặt của kiều nữ Emma Watson, “Mary Poppins Returns”, “Matilda”, “West Side Story” – những cái tên kinh điển trong lịch sử điện ảnh, khiến khán giả không thể không kì vọng.
Chuyển thể nhạc kịch lên màn ảnh rộng, giống con đường của “Les Misérables”, sức hút của “những phù thủy xứ Oz” với khán giả đại chúng dường như không có điểm dừng, khi “Wicked” tiếp tục là tựa phim được đông đảo công chúng chờ đợi; hay “Beautiful: The Carole King Musical” cũng gây chú ý sau khi phiên bản nhạc kịch giành được giải thưởng Tony danh giá, chưa kể bộ phim còn có sự tham gia của nam tài tử Tom Hanks trong vai trò nhà sản xuất.
“Les Misérables”
Tuy vậy, các tựa phim trên có quá nhiều yếu tố thuận lợi đảm bảo cho độ ăn khách khi ra rạp, nên khó đánh giá được âm nhạc sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong những tác phẩm này. Muốn đo lường hiệu quả thực sự, có lẽ chúng ta phải theo dõi chặng đường chinh phục khán giả của những tựa phim nguyên bản như “The Greatest Showman”. Đáng tiếc, không nhiều nhà đầu tư dám đặt cược vào cuộc chơi liều lĩnh này. Dù “La La Land” hay “Sing” có là đột phá của năm 2016, thì 2017 vẫn chưa phải là thời điểm thuận lợi để “chơi lớn” trong mắt của các nhà làm phim.
Cách “La La Land” gây sốt có phần hao hao trào lưu phim 3D mà “Avatar” đem lại cuối thập niên trước, khi hàng loạt tác phẩm điện ảnh sau đó cố ý thêm hiệu ứng bề nổi để được gắn mác 3D. Nếu chúng ta đã trải qua một thời kỳ ra rạp chỉ để trải nghiệm cảm giác… đồ vật bay thẳng vào mặt, thì có lẽ tiếp theo sẽ là lúc khán giả xem phim vì muốn thưởng thức âm nhạc.
“Avatar”
Thời hoàng kim của phim âm nhạc khó trở lại, nếu chỉ dựa trên sự hứng thú nhất thời của khán giả và sự đầu tư dè dặt của nhà sản xuất. Dường như mọi thứ chỉ đang diễn ra theo quy luật “có cầu – có cung” của ngành công nghiệp điện ảnh mà thôi. Nếu thêm chút âm nhạc, nhảy múa mà phim hút khán giả hơn, thì tại sao không? |
Nhìn từ khía cạnh nhà đầu tư thì thế. Còn đối với nhà làm phim mà nói, đó chưa hẳn là tín hiệu vui. Việc được tự do quyết định làm phim âm nhạc khác hẳn với chuyện sử dụng âm nhạc để thỏa mãn thị hiếu. Nhiều khả năng các đạo diễn sẽ không đầu tư chất xám cho một thứ “gia vị” chỉ mang tính chất trào lưu. Đừng quên rằng đã 8 năm sau “Avatar”, chưa có một tác phẩm 3D thứ hai nào thực sự tạo được dấu ấn, dù công nghệ ngày nay đã phát triển vượt bậc hơn rất nhiều so với thời điểm 2009.
Chính bởi thế, thời hoàng kim của phim âm nhạc khó trở lại nếu chỉ dựa trên sự hứng thú nhất thời của khán giả và sự đầu tư dè dặt của nhà sản xuất. Dường như mọi thứ chỉ đang diễn ra theo quy luật “có cầu – có cung” của ngành công nghiệp điện ảnh mà thôi. Nếu thêm chút âm nhạc, nhảy múa mà phim hút khán giả hơn, thì tại sao không?
Nhu cầu của khán giả không dừng lại, họ sẽ ngày càng khắt khe. Theo thống kê, đã có 20 tựa phim âm nhạc tại Hollywood đang trong quá trình sản xuất, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm sau. Làn sóng này có đủ sức đưa phim âm nhạc trở lại thời kỳ đỉnh cao hay không?
“My Fair Lady”
Như một câu nói nổi tiếng trong bộ phim ca nhạc kinh điển “My Fair Lady”: “Sự khác biệt giữa một quý cô và một gái bán hoa không phải nằm ở cách họ cư xử, mà nằm ở cách họ được đối xử ra sao.”
Có lẽ, “nàng” phim âm nhạc cũng lãng mạn và nhạy cảm hệt như thế.
Bài: Trung Đăng