Phiên bản lạnh hay lịch sử lặp lại - Tạp chí Đẹp

Phiên bản lạnh hay lịch sử lặp lại

Sống

Dầu cù là xức vào màng nhĩ

Hàng quán mọc lên nhan nhản khắp nơi nhưng để có một bộ váy áo đẹp hoàn hảo như ý thật không dễ chút nào. Có khi bạn phải lang thang qua hàng chục shop, có khi bạn phải thử hàng chục bộ và kèm theo nó là các phụ kiện. Dĩ nhiên bạn phải kéo theo một người sành ăn mặc để ngắm nghía nhận xét giùm nữa. Bạn muốn mình thật nổi bật trong buổi họp toàn thể công ty trong ngày mai. Trong tâm trí bạn thật sự chỉ cần như thế khi lượn vòng các shop suốt ngày chủ nhật.

Oa, bạn đã đạt được ý nguyện. Bạn khiến tổng giám đốc phải giật mình đánh rơi tập tài liệu và các chàng đáng tuổi em mình phải khựng lại khi bạn làm như tình cờ chạm ánh mắt. Bạn mãn nguyện, bạn lâng lâng trên đường về nhà… và nảy ra ý nghĩ tinh nghịch… Cú giật mình của chồng ra sao? Bạn đứng trước cửa nhà, thay vì tra chìa khóa vào ổ thì bạn nhấn chuông, lại còn cố tình kéo cái mũ sụp xuống trán nữa chứ, không quên xức thêm chút nước hoa. Người giúp việc chạy ra “Cô hỏi ai? Ơ… trời ơi trời ơi… là cô ạ? Sao hôm nay…”. Tuyệt. Bạn đi vào nhà, tiến về phòng riêng với cơn nong nóng sau gáy vì ánh mắt ngưỡng mộ của bà già giúp việc. Phòng không khóa, là chồng đã về rồi, bạn đẩy cửa, làm ra vẻ bình thản như việc mình rực rỡ hôm nay là bình thường thôi.

Đúng là bình thường thật. Chồng lơ đãng nhìn bạn: “Họp gì mà về trễ vậy?”. Chấm hết.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi có diễn đàn đưa ra tình huống “Giữa một ông chồng đùng đùng đòi đi ăn nhà hàng vì món canh vợ nấu mặn quá và một ông chẳng bao giờ khen vợ nấu món này ngon quá hoặc chê món kia đắng (cay), bạn bỏ phiếu cho ai?”. Nan giải. Rất nguy hiểm là có nhiều nàng bỏ phiếu cho trường hợp thứ hai để được an toàn, tôi cũng từng bỏ phiếu cho trường hợp thứ hai để rồi thấu hiểu sâu sắc bài học lịch sử ngày xưa về cuộc chiến tranh hương liệu, một khi chàng vào bếp hoặc ngồi vào mâm mà không hít hà là giá băng đã ngự trị trong tổ ấm của bạn rồi, chắc chắn.

Cách đây không lâu, trang web Chuyện Vợ Chồng đưa ra cuộc thi mà dữ kiện chỉ duy nhất một câu nói của người vợ “Suốt đêm qua con bị sốt”. Chồng sẽ nói gì? Câu nào được bạn đọc bình chọn hay nhất sẽ được thưởng rất cao. Cuộc thi định chỉ diễn ra trong hai tuần nhưng rồi phải kéo dài tới hai tháng vì không tìm được thủ khoa, may quá, cuối cùng cũng có câu trả lời xứng đáng được trao giải xuất sắc là “Cảm ơn em đã thầm lặng chăm sóc con cho anh được ngủ ngon”. Sau mới biết, người thắng cuộc là… một phụ nữ tuổi bốn mươi lăm rất mê phim Hàn. Thế mới hiểu tại sao người ta thích phim Hàn. Thế mới biết phim Hàn còn có chức năng làm dầu cù là xức vào màng nhĩ.

Chỉ có mỗi vết thương do nhổ răng sữa

Nhiều cuộc phân tích mổ xẻ cho rằng bệnh lạnh lùng băng giá có thể đến từ vết thương của tuổi ấu thơ. Thế là các bà vợ âm thầm truy về thời thơ ấu của chồng với hy vọng tìm đúng nguyên nhân (nếu không chữa trị được thì cũng có cái mà tự an ủi mình), nhưng than ôi, cậu bé – chồng ngày xưa được cha mẹ ông bà nội ngoại hai bên hôn hít nựng nịu đến xệ cả hai má, những tấm ảnh còn lưu lại cho thấy cậu bé – chồng lúc nào cũng cười tươi như hoa, có phải nếm mùi đau đớn chăng là những lần phải nhổ răng sữa, là bà nội nói vậy, và vết thương đó chắc chắn không để lại sẹo. Lục lọi tìm kiếm đỏ cả hai con mắt vẫn không tìm ra dấu vết nào đủ sức gây nỗi tổn thương tinh thần kéo dài dằng dặc khiến chồng phát bệnh băng giá dửng dưng.

Vậy thì tại sao? Ngẫm đi ngẫm lại, câu hỏi bỗng hiện ra, hồi đó cái quái gì mà mình đâm đầu yêu một kẻ như thế đến nỗi lấy làm chồng? Tình yêu mù quáng ư? Ai mù quáng? Mình hay chồng?… Lại nhớ đến những bộ phim Mỹ, anh chàng cao bồi ngạo nghễ lạnh lùng mà khiến các cô gái đẹp phát cuồng lên. Ừ, hồi đó mình trẻ con quá cho nên nảy ý chinh phục. Lại là tự an ủi rồi.

Nhức cả đầu, nhưng mà thôi, chồng không nhận cũng không cho thì mình trút vào con cái vậy. Này hôn hít, này nựng nịu, này khen ngợi, này nay chè mai cháo mốt phở kia bún riêu… mẹ nấu có con khen ngon thì đời cũng chưa đến nỗi nào. Lại còn “Đến trường đón con mẹ nhớ mặc đồ đẹp nhé”. Ồ, con trai của mẹ đã lớn rồi, đã biết muốn mẹ mình thật xinh trong mắt cô bạn học cùng lớp có đôi mắt đen nhánh long lanh.

Các bà mẹ biến cổng trường thành sân khấu cuộc thi Hoa Hậu Mẹ, rất vui. May mà có con đời còn dễ thương. Đừng giống cha, con nhé.

        

Thoắt cái, mắt đen nhánh long lanh đượm buồn hỏi: “Cho con hỏi… Hồi đó… nhà con có vết thương tinh thần nào không hả mẹ?”. Câu hỏi khiến mình giật thột. Lịch sử lặp lại ư? Di truyền ư? Phiên bản ư? Nhưng mà nó từng dễ thương đến vậy. Không chịu nổi, mình gào lên “Nó chỉ có vết thương do nhổ răng sữa thôi”.

“Hay là anh ấy từng bị cô gái xinh đẹp nào phản bội?” Không, thuốc đặc trị không chiết xuất được từ việc đào bới quá khứ đâu con dâu ạ. Nào, gã chồng lạnh lùng của con là con trai của mẹ cho nên con không đơn độc đâu.

Danh ngôn có câu “Tôi thay đổi tôi để thay đổi thế giới”. Hãy thay màu son môi cánh sen này qua màu hồng đậm hơn một chút nhé, thử thay cái váy xếp nếp này bằng một cái váy suông xem sao, mẹ nhớ ngày xưa nó thích mẹ mặc váy suông mà. Và đôi giày nữa, nó không ưa màu nâu con ạ. Con có đồng ý là cái túi xách màu kem sữa là hơi nhàm không? Hãy thay bằng một màu gì đó tươi mới hút mắt nhìn hơn. Và mùi nước hoa, mẹ nhớ là nó từng chê mùi bạc hà giống vị thuốc ho. Bắt đầu tạm như vậy đã nhé, con dâu của mẹ. Hãy kiên nhẫn và can trường lên.

Bài: Nguyên Hương

 

Nếu bạn đang có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình, hãy gửi tâm sự tới Đẹp Online. Biết đâu bạn sẽ có được những tư vấn gỡ rối hữu ích cho bản thân mình.

Thực hiện: depweb

28/03/2013, 16:54