Trả lời câu hỏi: “Nếu chỉ dừng ở việc công khai mình là Người đẹp của dao kéo trên TTVH & Đàn Ông, chị đã đứng vào vị trí của người dám sống thật. Nhưng vì công khai tràn lan trên các báo (sau đó), nên chị đang bị xếp ở vị trí khác: là người đánh bóng tên tuổi bằng con đường scandal?”, Phi Thanh Vân thẳng thắn thừa nhận: “Đúng, và đó là… sự thật! Vì người mẫu là hầu như ai cũng muốn được lên báo, và tôi cũng muốn.
Nhưng tôi bị đi lạc hướng, đơn giản vì không có ai chỉ cho tôi những bước đi đầu tiên. Không đến mức rơi xuống đầm lầy, nhưng con đường lạc đó làm tôi té ngã tùm lum. Bị mang tiếng đi lên bằng con đường tà đạo là không hay. Nhưng chính đạo hay tà đạo cũng đã thế rồi. Bây giờ tôi phải dừng lại thôi”.
Tuy nhiên, qua cuộc phỏng vấn dưới đây, có thể nhiều người sẽ nói “Người đẹp của dao kéo” chưa chịu… dừng lại, nhưng (tôi thấy) Phi Thanh Vân đã nói đúng những điều “mắt thấy tai nghe” và “một thời” của mình. Điều quan trọng là qua câu chuyện của Phi Thanh Vân, có thể thấy thêm một mặt rất trái và cũng là thực tế của rất nhiều “tín đồ vũ trường”.
Từng ấy tiền người yêu mua rượu cho tôi, giờ tôi có thể cất được căn nhà
Chị tự nhận mình từng là “tín đồ của vũ trường”, vậy quan niệm thế nào về tín đồ của vũ trường?
Những tín đồ của vũ trường không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, đẳng cấp. Vũ trường dành cho người bình thường – tôi không nói người nghèo, và những người khá, người giàu. Từ 2001 đến cuối 2003, tôi là tín đồ của các bar và vũ trường, mà không phải một mình tôi đâu, đó là lối sống hiện tại của một bộ phận giới trẻ Sài Gòn.
15 – 16 tuổi họ đã tập tành vào vũ trường, vì bố mẹ làm ăn có tiền, mà cuộc sống bây giờ cứ cuốn bố mẹ vào công việc làm ăn, lại thời mở cửa, nên 9 giờ con cái lên giường ngủ chỉ là số ít. Bố mẹ dễ dãi với con, nên cuối tuần các em vào vũ trường là chuyện bình thường.
Làm sao biết được bên ngoài chiếc áo sơ mi rất đẹp, bên trong là cái áo dây hở ngực, dù ngực của các em mới bằng trái chanh? Nó là trào lưu rồi, và họ cứ đi chơi như thế cho đến khi tìm được bạn trai.
Nếu bạn trai là người đứng đắn, sẽ dẫn họ đi đúng đường, còn những cô gái khác thì cả cuộc đời kiếm tiền ở trong bar và vũ trường, mà người ta vẫn gọi là “gái gọi” hay “gái đứng bàn”. Giờ trẻ thì kiếm tiền trong vũ trường, mai mốt già thì làm má mì. Hoặc may mắn kiếm được ông chồng Việt kiều, “bay” đi nước ngoài.
Chị thuộc nhóm nào trong những cô gái vũ trường?
Tôi thuộc nhóm “rửng mỡ”, mà đúng là tôi “rửng mỡ” thật! Nhưng sự thật là ngày xưa tôi đi chơi không có tốn tiền. Hồi đó tôi quen một số người, và họ chẳng ngại gì để mua cho cô bồ 5 – 6 chai rượu, được tặng thêm 2 chai và để đó, gọi là “em cứ uống từ từ những ngày anh về nước, buồn thì em có thể dẫn bạn bè theo”.
Đó là lý do một cô người mẫu quen anh Việt kiều thì luôn có những cô người mẫu đi chơi chung, vì uống rượu “chùa”. Không riêng người mẫu, mà ca sĩ, diễn viên cũng vào trong đó rất nhiều.
Vũ trường, Việt kiều và những cô gái có mối liên hệ với nhau như thế nào?
Vũ trường là gì? Là nơi Việt kiều về Việt Nam chơi, chơi hai tháng thì họ chỉ dành vài ngày về quê thăm họ hàng, gọi là có. Còn lại, cuộc sống của họ, ban ngày là ngủ trong khách sạn hoặc đi massage đâu đó, và buổi tối là vào vũ trường.
Đó là thực tế đã có, đang có và sẽ có. Và sẽ tiếp tục có những cô gái không nghề nghiệp, ăn không ngồi rồi để chờ cơ hội cưới được ông Việt kiều.
Những cô gái đó sống ở đâu? Họ sống ban đêm trong vũ trường, vì chỉ có vào vũ trường họ mới có những cơ hội đó. Đó là thị trường cung và cầu. Cũng có một phần vào vũ trường để giải stress. Rồi những người làm kinh doanh, sau khi ăn uống, họ dẫn nhau vào vũ trường chúc tụng. Nói là đi tiếp khách, nhưng cuối cùng cũng là ăn chơi.
Tôi thấy trong vũ trường, bàn này hay cạnh tranh với bàn kia, và họ thường cạnh tranh bằng rượu, dù ở đó rượu bán với giá rất cao, nhưng phần lớn lại là đồ giả!
Theo chị, tại sao vũ trường có khả năng tạo ra các “tín đồ”?
Một người đã quen đi vũ trường, nếu không đi sẽ bị điên lên, ở nhà cảm thấy thiếu cái gì đó – nói chính xác là thói quen có vũ trường. Như tôi đã nói, ở vũ trường, phần lớn là rượu giả, hàm lượng cồn cao.
Nếu đi vũ trường một tuần 3 – 4 ngày thì có nghĩa 3 – 4 ngày người của bạn lại cần chất cồn, không đi thì lại cảm thấy khó chịu chứ không phải thiếu nhạc.
Chị cũng vậy?
Ai cũng vậy! Ai đã từng đi vũ trường và đã từng uống rượu uống bia thì nó là như thế, không loại trừ ai. Đó là chưa kể thành phần chơi thuốc lắc. Họ lết ở vũ trường, ói trong toilet và lết về nhà.
Sẽ khó tin nếu chị nói mình không “cắn” thuốc lắc?
Làm sao mà chơi được, vì tôi đã giải phẫu quá nhiều. Trong người tôi, lượng thuốc tê và thuốc mê gom lại có thể làm được 1000 viên thuốc lắc! Thuốc lắc được làm từ các loại thuốc kích thích thần kinh, mà trong người tôi những loại thuốc làm ức chế thần kinh hoặc làm tê liệt thần kinh đã đủ lắm rồi.
Nên nếu tôi không muốn bị khùng thì tốt nhất là đừng có chơi mấy thứ đó. Tôi bây giờ sợ giải phẫu một lần nữa, tôi sợ mình sẽ bị điên, huống hồ là chơi thuốc lắc. Dùng thứ thuốc đó là cách hay nhất để tôi tự tử.
Chị có thấy vũ trường là “khắc tinh” của nhan sắc? Cũng có người nói bụng của chị là bụng ăn chơi?
Đi vũ trường bị tăng vòng bụng là có. Trước đây bụng tôi chắc và nhỏ, bây giờ thì không được như trước. Một phần là tuổi tác, đó là chưa kể một thời gian tôi “cắm trại” trong vũ trường. Vào vũ trường chỉ một năm thôi sẽ thấy xuống sắc cỡ nào.
Một năm trở lại đây ai cũng khen nhìn tôi trẻ ra và hỏi tôi có làm gì trên mặt không? Nhưng không, đơn giản vì thời gian này tôi không đi vũ trường, không thức đêm và không nốc rượu…
Vũ trường còn là nơi người ta thường sống phô trương, phù phiếm?
Đúng. Họ phù phiếm, phô trương, xa hoa, tiêu những khoản tiền không đáng tiêu. Công nhân bình thường làm quần quật cả tháng kiếm được 1 vài triệu đồng, người bình thường kiếm được 3 triệu một tháng là nhiều.
Còn trong vũ trường người ta bỏ ra 200USD mua rượu là bình thường, và người ta có thể “boa” cho anh này 100 ngàn, cô bé kia xinh quá “boa” 200 ngàn cũng là chuyện thường. Đó là chưa kể trong vũ trường còn đánh lộn nhau.
Cái thời “đêm màu hồng”, Việt kiều đánh nhau rất vô duyên: bên bàn này có cô gái đẹp hơn, bên kia “cướp” bằng cách gọi rượu nhiều hơn, và thế là đánh lộn nhau.
Chị cũng là người phù phiếm, xa hoa khi đặt chân vào đó?
Không, chưa bao giờ tôi phải trả cho các chầu đó cả. Tôi uống bằng tiền của người yêu tôi! Nhưng làm sao biết được, không có tôi đi thì anh ấy cũng trả tiền như thế thôi.
Mà ngày xưa tôi xấu nhưng chảnh lắm. Gia đình không đến mức giàu, nhưng cũng có cho tôi chảnh, nên khó có ai qua bàn mời tôi một ly. Mà trước tôi dại lắm, từng ấy tiền người yêu mua rượu cho tôi, giờ tôi có thể cất được căn nhà đấy!
Tôi đã thấy có nhiều cô gái bị trả giá trong vũ trường
Chị có thấy mình đã chọn một lối sống buông thả, thiếu lành mạnh?
Tôi công nhận thời gian trước tôi hay đi vũ trường và bar, và đó là lối sống không lành mạnh. Nhưng tại sao? Vì tôi sinh ra trong thời điểm này, với những điều kiện như vậy. Nếu ở quê, tôi không bao giờ phải đi giải phẫu thẩm mỹ và tôi dám chắc cuộc sống của mình sẽ không bước vào bar, vũ trường.
Nhưng thử hỏi, trong giới người mẫu, có bao nhiêu cô không đi vũ trường? Đúng là một phần tôi đã sống buông thả. Đơn giản vì tôi thích đi chơi, thích đi vũ trường, và bạn trai cũng chiều tôi nữa. Đặc biệt đi vũ trường, tôi cảm giác mình giống bà hoàng vậy, được người ta cung phụng, chiều chuộng.
Sao chị không chọn cuộc sống có trách nhiệm với bản thân?
Giới trẻ chúng tôi mới lớn, đang sung sức, đang muốn trải nghiệm và chơi nổi, nên đôi khi bị đi vào luồng đó, mà luồng đó rất dễ đi. Ăn roi vọt, chịu đựng đắng cay, đi vào lò lửa nghe có vẻ khó.
Đằng này ăn diện đẹp, trang điểm đẹp, làm tóc, đi vào vũ trường nghe nhạc, uống rượu… Có thích không? Thích! Thật sự đó là con đường dụ dỗ giới trẻ. Mà giới trẻ là gì? Bốc đồng, xốc nổi, muốn chứng tỏ mình, trong khi môi trường dẫn họ đi tới điều sa đọa lại quá đẹp, nên rất khó để không sa ngã, mà vào trong đó cũng thiếu gì những “ông già” sa ngã?!
Ý thức được điều đó sao chị vẫn vào?
Bây giờ ngồi đây nói chuyện với chị là cô Phi Thanh Vân 25 tuổi. Còn Phi Thanh Vân của năm 2001 mới 19 tuổi. Hai con người đó khác nhau. Nếu tôi không thay đổi, không trưởng thành, vẫn ngồi trong vũ trường thì liệu chị có phỏng vấn tôi không? Mà bây giờ còn ngồi trong vũ trường, chiếc máy ghi âm này sẽ thu toàn nhạc, không khéo còn bị đổ rượu vào nữa!
Điều gì khiến chị thay đổi – không đi vũ trường nữa?
Vì tôi lớn, tôi biết nhận thức và thấy được mặt trái của việc đi vũ trường. Cũng là nhờ chồng tôi nữa. Thật ra chẳng phải anh ấy khuyên bảo đâu, mà anh ấy đi vũ trường một tháng đầu là chiều tôi.
Nhưng tôi phát hiện ra anh ấy bị “đơ”, vì bạn tôi toàn nói tiếng Việt, mà anh ấy là người nước ngoài, nên không hiểu gì. Khi xỉn tôi ôm đầu bám cổ bạn và bỏ anh ấy một góc, cuối cùng thì anh ấy lủi thủi móc tiền ra trả và đưa tôi về. Mưa dầm thấm lâu, từ từ tôi thấy tội nghiệp anh ấy, nên không đi nữa.
Tôi bắt đầu đến những nơi có bạn của anh ấy, là những người Pháp, họ ở đây lâu, đã có vợ, hoặc có người yêu là người Việt Nam. Các ông chồng nói tiếng của họ, còn tôi và những bà vợ ngồi nói chuyện với nhau. Từ từ tôi quen với nếp sống đó, nó không ồn ào và phô trương nữa.
Chị có thấy mình may mắn vì “rút” chân ra sớm, không phải trả một cái giá gì đó?
Đúng là tôi may mắn, nhưng tôi cũng thuộc dạng biết điểm dừng sớm. Vì đi vũ trường 3 năm mà dừng là sớm đấy. Tôi đã thấy có nhiều cô gái bị trả giá trong vũ trường.
Vừa rồi đi dự sinh nhật, tôi và chồng có vào trong vũ trường. Tôi vẫn thấy nhiều cô gái vẫn đang đi tìm “một nửa” tại đây. Có thể hình dung thế này: trong vũ trường có khoảng 50% những cô gái vì duyên phận – có thể anh Việt kiều gặp cô đó, đầu tiên chỉ là ăn chơi qua đường, nhưng sau tìm ra được điểm chung gì đó nên yêu và cưới.
Cũng có thể cô gái đó bằng mọi cách, thủ đoạn, giở những trò hạ lưu đê tiện, làm anh ta tưởng đó là “một nửa” của mình để “bốc” cô ta qua Mỹ, qua được Mỹ rồi thì cô ta cho anh Việt kiều kia “lên đường”.
Một nửa thì còn lại – tôi không nói tới “gái” nhé, dẹp họ sang một bên, vì họ mãi mãi “đi khách”, già thì ra đứng đường. Việt kiều về đây khôn lắm, nhìn ai làm “gái” họ biết liền, vì “gái” nhìn không sang, và lúc nào cũng có một “mẹ già” đi tới đi lui, là má mì đấy.
Một nửa còn lại tôi muốn nói đến là những cô xui xẻo, tới giờ vẫn ngồi trong vũ trường. Bởi đàn ông vào vũ trường đâu có định tìm vợ, họ chỉ định ăn chơi, nói đúng hơn, họ nghĩ đó là một trò chơi!
Thực sự, lần vừa rồi vào tôi thấy có những người ngày xưa bây giờ nhìn lại sao già quá! Còn họ khen Vân dạo này nổi tiếng nên trẻ ra. Không phải tôi trẻ ra, mà là tôi ngủ đủ, không thức đêm ngủ ngày, không bị hiện tượng ngủ dậy đầu rất nặng, ong ong, không suy nghĩ được cái gì cả!
Dù đã “thoát” khỏi cuộc sống vũ trường và đã đính hôn, nhưng nếu không may mắn gặp anh ấy, chị có nghĩ mình sẽ khó lấy chồng không?
Đúng. Một người yêu bình thường hỏi tôi về quá khứ, liệu tôi có dám ngồi kể như thế này không? Dù anh ấy yêu tôi cỡ nào, nếu tôi kể thì chắc ngày mai anh ấy cũng… tránh mặt tôi luôn!
Những người cao thượng lắm mới có thể tha thứ và trở lại, nhưng những người đàn ông cao thượng đó chắc hiếm lắm! Nhưng xin khẳng định, lối sống của tôi bây giờ rất tốt. Tôi đi làm, đi chụp hình, mở lớp dạy Anh văn, cũng kiếm được tiền. Tôi cũng biết nấu ăn.
Lối sống này có thể cưới được cả đàn ông Hà Nội, dù họ khó tính, nhưng tôi không biết họ sẽ ở với tôi được bao lâu?!
Dương Thúy |