Cục trưởng CSGT đường bộ – đường sắt Nguyễn Văn Tuyên. Ảnh: Đình Thắng.
Do thiếu tuyên truyền, cách diễn đạt chưa chuẩn đã dẫn tới hiểu sai: Không có chuyện phạt xe không chính chủ, mà phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu đúng quy định. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng CSGT đường bộ – đường sắt) trả lời về vấn đề này.
Mượn xe không bị phạt
– Phạt không chính chủ hay phạt chưa chuyển nhượng quyền sở hữu phương tiện, thưa ông?
– Không ai phạt xe không chính chủ cả. Xe mượn hoặc thuê mà có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì không bị xử phạt.
Ví dụ, nếu người điều khiển phương tiện không chính chủ khi bị CSGT hỏi mà họ chứng minh được mượn của bạn hoặc người quen, gia đình… dù ở tận trong TPHCM rồi đem ra Hà Nội công tác (với đầy đủ giấy tờ) thì không phải đối tượng xử phạt.
Căn cứ để xử phạt ở Thông tư số 36 (ban hành năm 2010 của Bộ Công an). Trong đó quy định về đăng ký xe có quy định trách nhiệm của chủ xe: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán phải có trách nhiệm thông báo việc bán xe cho CSGT và làm các thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu không có nghĩa là vi phạm”.
– Theo như ông nói, làm sao cơ quan chức năng có thể phạt trên đường được khi người ta nói mượn xe?
-Thực tế đúng như vậy. Tuy nhiên, nếu chiếc xe đã quá hạn (30 ngày) chưa sang tên mang đến cơ quan chức năng để làm thủ tục chuyển đổi sẽ bị phạt ngay. Ngoài ra, nếu điều tra được ngay cũng có thể xử phạt.
Trong một gia đình 4 người, nhưng có một xe, 4 người cùng có bằng lái thì tất cả có thể điều khiển phương tiện đó.
– Vì sao một thông tư hướng dẫn xử phạt xe chưa sang tên, đổi chủ có từ năm 2010, nhưng đến nay người dân mới “sốc”?
– Do trong Nghị định (NĐ) 71 Xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ sửa đổi từ Nghị định cũ 34 sẽ xử phạt trường hợp không sang tên đổi chủ đúng quy định với xe máy từ 800.000 – 1,2 triệu, ô tô từ 6-10 triệu đồng.
Thực ra, việc xử phạt chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện đúng quy định không phải đợi đến NĐ 71 mới có. Từ năm 1995 đã có quy định này. Sau đó tới NĐ 34, chưa kể Thông tư 36 (của Bộ Công an).
Như vậy, một quy định đã tồn tại gần 20 năm, chứ đâu có mới mẻ gì mà chả ai để ý. Chỉ khác một điều sau ngần ấy năm là mức phạt tăng lên.
Tới đây, Cục CSGT đường bộ – đường sắt sẽ có kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc xử phạt này.
Sẽ giảm phí sang tên đổi chủ dưới 1%
– Vậy, bộ ngành nào có sáng kiến nâng mức phạt tới 10 triệu đồng, trong khi người dân chưa được tuyên truyền, thưa ông?
– Đây không phải sáng kiến của Bộ Công an hay Bộ GTVT, mà là chỉ đạo từ Chính phủ. NĐ 71 thực chất chỉ là NĐ điều chỉnh, bổ sung một số điều của NĐ 34 chứ không phải thay thế hoàn toàn.
Mục tiêu của NĐ 71 theo chỉ đạo của Chính phủ phải tăng mức phạt một số nhóm hành vi có nguy cơ dẫn đến TNGT cao như: Phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu quá quy định, mua bán xe không sang tên đổi chủ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm…
Việc mua bán phương tiện không sang tên đổi chủ gây khó khăn cho điều tra, giải quyết các vụ TNGT, án hình sự; thất thu thuế của Nhà nước, chưa kể tới việc “phạt nguội” (bằng máy quay phim, máy ảnh…) các phương tiện vi phạm sau này.
Việc tăng mức phạt không phải nhằm tăng ngân sách nhà nước, mà để răn đe, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành luật tốt hơn, cũng như giảm TNGT.
Trước khi Chính phủ thông qua NĐ 71 đã lấy ý kiến các bộ, ngành. Nhiều người thắc mắc phạt nặng như thế lấy tiền đâu ra mà nộp. Tôi nói rằng, phạt nặng để răn đe, giáo dục. Muốn không bị phạt thì đừng vi phạm. Còn xe đã qua 5-7 chủ rồi mà giờ không lần ra được chủ đầu tiên thì cần nghiên cứu tạo điều kiện cho người dân.
– Phạt thì dễ, nhưng để người dân đồng thuận đạt được mục đích xe nào – chủ nấy mới là điều quan trọng?
Đa số người dân ai cũng muốn đi xe mang tên chính mình. Tôi được biết, chủ trương của Chính phủ là sẽ giảm đến tối đa mức lệ phí trước bạ sang tên đổi chủ.
Hiện, mức lệ phí trước bạ từ 10-15% (ô tô dưới 10 chỗ) tùy theo địa phương, nhưng tới đây (sau khi thiếu tướng Tuyên bốc máy điện thoại hỏi han một số nơi- PV), tôi biết sẽ có thông tư hướng dẫn, giảm mức lệ phí này xuống chỉ còn 1 hoặc dưới 1%, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện NĐ 71, cũng như giúp cơ quan chức năng quản lý phương tiện dễ dàng hơn.
Cảm ơn ông!
Bộ Công an bổ sung và nâng mức phạt Được biết, từ thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo NĐ 15/2003/NĐ-CP (ngày 19-2-2003), Bộ Công an đã đề nghị bổ sung quy định xử phạt với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện cơ giới đường bộ của chủ phương tiện. Do đó, NĐ 152 (ngày 15-12-2005) thay thế NĐ 15 bổ sung xử phạt hành vi vi phạm này với chủ xe ô tô, mô tô, xe gắn máy: Xử phạt chủ xe ô tô, tương tự ô tô từ 200.000 đến 300.000 đồng (điểm c, khoản 3, Điều 38); mô tô, xe gắn máy từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 38). Tới năm 2007, NĐ 146 (ngày 14-9-2007) thay thế nâng mức xử phạt cao nhất 2 triệu đồng. Năm 2010, NĐ 34 (ngày 2-4-2010 thay thế tiếp tục quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Trong các năm 2009 – 2010, khi thực hiện các quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định hành vi vi phạm (chụp ảnh, ghi nhận hành vi) thông qua các hệ thống camera, máy chụp ảnh kiểm soát giao thông trên một số tuyến trọng điểm, một số nút giao thông tại thành phố Hà Nội, TPHCM, trạm cân… đã nảy sinh việc khó xác định người điều khiển phương tiện vi phạm bị chụp hình. Do đó, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và Trật tự Xã hội (nằm trong Ban Soạn thảo NĐ 71 đã đề nghị nâng cao mức phạt tiền với hành vi vi phạm này. |
Theo Tiền Phong