Phép thử đỏng đảnh - Tạp chí Đẹp

Phép thử đỏng đảnh

Sống
Chưa đầy một tuổi, các bé đã bắt đầu mày mò để tìm hiểu năng lực của bản thân (“Mình sẽ cầm được cái chén này hay sẽ đánh rơi nhỉ?“); để dò la độ kiên nhẫn của bố mẹ (“Mình đổ nước ra sàn thì mẹ có cáu không?”); hoặc thử khả năng chịu đựng của người khác (“Tít có khóc nhè không nếu mình phá tan lâu đài cát của cậu ấy?“). Và chính qua những trò phá bĩnh này các bé muốn khẳng định bản thân, nâng cao lòng tự tin, tính quả quyết, sự kiên định – những phẩm chất mà người lớn chúng ta vẫn bỏ chung vào một cái “rọ” mang tên “bướng bỉnh”.

Là cha mẹ, bạn cần phải xác định xem mình có thể ủng hộ “phép thử” của con đến mức nào để có thể tránh nguy hiểm cho con mà không kìm hãm sự phát triển của con. Tất nhiên, ứng xử với “phép thử” này ra sao phải tùy vào độ tuổi của bé.

Bé dưới 1 tuổi

Mới 7-8 tháng tuổi bé đã hiểu được một số nguyên tắc ứng xử của người lớn rồi. Ví như ý nghĩa của từ “không!”. Tuy vậy, dù hiểu rằng mẹ cau mặt và nói “không” nghĩa là mẹ không đồng ý, nhưng bé chưa chắc đã vâng lời mẹ đâu. Vì bé chưa đủ khả năng làm theo lời người khác căn dặn và rất hạn chế trong việc kiểm soát bản thân.

Nói chung, mẹ chớ hy vọng các bé ở tuổi lẫm chẫm ngoan ngoãn tuân theo những mệnh lệnh bằng lời của ba mẹ! Thường là mẹ sẽ phải giở chiêu “nghi binh” nhằm đánh lạc hướng bé hoặc trực tiếp lôi bé rời khỏi chỗ bất an. Trong các tình huống thật sự nguy hiểm (ví như bé định thò tay vào ổ điện) mẹ cần nghiêm mặt nói “Không!”, tỏ thái độ hoảng hốt và kéo bé ra xa. Còn để đánh lạc hướng bé thì cũng đơn giản thôi – bất kỳ thứ gì màu sắc rực rỡ, âm thanh rộn ràng đều có thể thu hút bé.

Mạo hiểm là trò đặc biệt hấp dẫn đối với trẻ nhỏ. Bé Nin cứ lăm le bò về phía cánh cửa mở ra ban công. Mẹ Nin hét to: “Không!” và lao tới kéo Nin lại. Nin la khóc ăn vạ. Mẹ đành thả ra, Nin lại tiếp tục bò đến cánh cửa ấy với niềm phấn khích… Nói chung các bé tuổi này rất khoái những trò ly kỳ, đầy xúc cảm. Và càng bị cấm bé càng thích “thử nghiệm” xem phản ứng của người lớn ra sao. Lời khuyên cho cha mẹ ở đây là hãy thường xuyên cùng con chơi những trò tạo phấn khích, nhưng trong bối cảnh an toàn và với tâm trạng khác hẳn – vui vẻ, không bực bội, âu lo. Trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt này, sẽ cảm nhận được tâm trạng của người lớn đồng thời cũng được thỏa mãn ham muốn chơi những trò phấn khích.

Bé từ 1-3 tuổi

Chập chững biết đi và bi bô tập nói là hai “thành tựu” khiến thế giới xung quanh thay đổi hoàn toàn đối với bé. Bé bắt đầu leo trèo khắp nơi, khám phá đủ mọi thứ để thử xem đâu là giới hạn đối với mình. Bởi vậy, đây chính là lúc cha mẹ cần đưa ra những phân định rõ ràng: hành vi nào được phép và hành vi nào không được phép.

Có một thực tế là thái độ của cha mẹ đối với hành vi của con trẻ phụ thuộc nhiều vào tâm trạng của họ ở thời điểm đó. Cùng một hành vi nhưng khi đang vui thì họ có thể khuyến khích (“Con thử tự đạp xe xuống dốc xem nào? Can đảm lên!”), nhưng khi đang bực lại quát mắng (“Con lao đi đâu thế? Muốn chết hả?”) khiến trẻ rất hoang mang. Hơn nữa, nên hiểu rằng hầu hết các hành vi của bé (nhiều khi rất kỳ quái kiểu như dùng son môi của mẹ vẽ lên tường hay thả điện thoại của bố vào chậu nước) đều bị thôi thúc bởi tính hiếu kỳ, ham hiểu biết chứ không phải do bé bướng bỉnh, thích “trêu ngươi” người lớn đâu.

Bởi vậy, hãy cố gắng đừng la mắng hay đánh đòn trẻ vì những hành vi dại dột ấy. Bình tĩnh, kiên nhẫn, không “giận cá chém thớt” là “toa thuốc” mà chuyên gia tâm lý khuyên các bậc cha mẹ có con dưới 3 tuổi hãy thường xuyên xài – không phải hàng ngày, hàng giờ, mà từng phút. Theo đó, khi đặt ra bất kỳ quy định nào đối với trẻ, cha mẹ cần có thái độ nghiêm nghị nhưng nên bình tĩnh chứ không thịnh nộ, ầm ĩ. Đồng thời, bạn đừng quên đưa ra một giải pháp thay thế hợp lý, kiểu như: “Con không được vẽ lên tường mà hãy vẽ vào cuốn sổ này”.

Bé đã trên 3 tuổi

Dần dần bé bắt đầu nhận thức được những nguy hiểm xung quanh và kiềm chế bớt thói tò mò. Từ độ tuổi này, trẻ sẽ thử thách lòng kiên nhẫn của cha mẹ không chỉ bằng những trò mạo hiểm mà còn bằng chiêu mè nheo ở chốn đông người, kiểu như: “Mua bim bim cho Na!”, “Cún thích siêu nhân cơ!”. Bạn phải làm gì nếu giữa siêu thị hay trong nhà hàng mà con mình lại trở thành tâm điểm khiến mọi người phải nhăn mặt ngoái nhìn? Đối phó ra sao với những la khóc, giậm chân và thậm chí là lăn đùng ra ăn vạ? Trước hết, hãy bình tĩnh tìm hiểu cơn cớ nào đã khiến nhóc đỏng đảnh như vậy? Đòi món này món nọ đôi khi chỉ là cái cớ. Nguyên nhân chính rất có thể là bé cảm thấy nóng bức, khát nước hoặc mệt mỏi (việc lang thang lâu trong đám đông rất dễ khiến trẻ nhỏ mệt mỏi).

Sau đó, bạn hãy đưa bé ra chỗ ít người và yên tĩnh hơn. Khi bé đã bình tâm lại, hãy nói với con rằng bạn rất thương bé vì bé bị mệt hay khát, nhưng phản ứng của bé là không chấp nhận được.

Bạn cũng cần cho bé thấy rõ hậu quả của những hành vi sai quấy ấy. Ví dụ, vì phải rời khỏi siêu thị nên chiều nay nhà mình sẽ không được ăn món mì Ý như dự định; hay vì bé đã “đại náo” mà hai mẹ con buộc phải về sớm thay vì được ở lại ăn cỗ ở nhà ông bà ngoại, v.v… Khi nhận thấy rằng những hành vi sai của mình đều bị “trả giá”, bé sẽ rút kinh nghiệm và dần biết khép mình vào khuôn phép nhất định.

Bài: Bình Minh Mưa

Bạn có mẹo hay trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần các con yêu? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc của Đẹp Online bằng cách gửi thông tin về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn.

Thực hiện: depweb

28/03/2013, 16:57