Phép màu trong nhà bếp - Tạp chí Đẹp

Phép màu trong nhà bếp

Làm Đẹp

Handmade Cosmetics

Làm mỹ phẩm tự chế (handmade cosmetics) khá giống với việc vào bếp. Khi bạn ở nhà, tự nấu ăn thay vì ăn tiệm, bạn biết rõ mình đã bỏ thứ gì vào nồi, đã rửa rau sạch ra sao, đã chọn thịt tươi ngon đến thế nào… Vừa an toàn, vừa rẻ, vừa hợp khẩu vị, lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Chừng ấy lý do không biết đã đủ để bạn mở tiếp trang sau, đọc chuyên đề Handmade Cosmetics của Đẹp, và xắn tay tự làm cho mình những món đồ mỹ phẩm, đồ chăm sóc cơ thể hay chưa?

Thật ra, mỹ phẩm handmade đã có từ xa xưa. Thời Ai Cập cổ đại, phụ nữ đã dùng bồ hóng để vẽ lông mày. Các kiều nữ Trung Hoa dùng bột gạo để làm da trắng mịn. Cung nữ triều đình Huế làm đẹp da từ cây hoa phấn. Hay ông bà ta vẫn thường đun nước bồ kết để gội đầu…

Có những thứ tưởng chừng cao siêu, vời xa, nhưng thật ra tự tay bạn cũng có thể làm được. Nhất là khi, nguyên liệu lại lấy hoàn toàn từ nhà bếp.

Tự làm mỹ phẩm, tại sao không?


Tôi nghĩ cái máu hí hoáy, lọ mọ, cái máu “handmade” đã nằm sẵn trong bất kỳ người phụ nữ nào, chẳng qua người ta có… lười hay không thôi. Ngoài ra, tư tưởng “Cái này khó!” cũng là một lý do để người ta tìm đến đồ mua sẵn. Quần áo may sẵn, thức ăn mua sẵn, mỹ phẩm lại càng nên là đồ được mua ở cửa hàng cửa hiệu, nhấc ra từ tủ kính, bao bì dập nổi toàn tiếng nước ngoài… Bởi phụ nữ, ai chẳng nghĩ rằng mỹ phẩm là phép màu, mà đã là phép màu thì phải trông cậy vào ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới với những bàn tay phù thủy, những máy móc hiện đại, những nghiên cứu – sáng chế đầy tính hàn lâm, phải là chất này, chất kia tinh túy và xa xỉ…

Nhưng sao bạn không thử một lần phản đề? Tại sao không, khi mà mỹ phẩm, dù có được hiểu theo nghĩa xa hoa đến đâu, thì về cơ bản, nó vẫn bắt đầu từ công dụng của những chất liệu gần gũi nhất.

Nước hoa hồng làm se lỗ chân lông, các loại sáp, dầu và bơ thực vật có tác dụng làm mềm da, dưỡng da, chống nẻ, cám gạo làm sáng da, các loại hoa quả làm da tươi mát… Những công dụng đó, hẳn là mọi phụ nữ quan tâm đến lĩnh vực làm đẹp đều đã rõ. Chỉ có điều, chúng ta mới chỉ dừng ở mức dùng những nguyên liệu đó làm chất liệu thô để đắp lên da, chứ chưa biết cách biến chúng thành sản phẩm làm đẹp hoàn chỉnh. Và vì thế, mới cần đến vai trò của những người đi đầu trong xu hướng làm mỹ phẩm handmade.

Giấc mơ về thỏi son trong suốt


Cách đây ba năm, tôi tình cờ nhìn thấy những thỏi son dưỡng môi rất lạ được bán ở một cửa hàng quần áo digan. Những thỏi son này nhìn giản dị, được dán bao bì màu xanh ngắt, khác với vẻ lộng lẫy của những thỏi son thông thường, nó mang lại cảm giác rất “xanh”, sạch và gần gũi với thiên nhiên. Tôi tò mò mua về dùng thử, thấy thích, rồi google. Không ngờ đó là một sản phẩm làm hoàn toàn bằng tay của một cô gái Việt Nam đang du học tại Mỹ.

Đỗ Anh Thư, chủ nhân của Grandpa’s Garden, từng ôm một giấc mơ, một nỗi ám ảnh về việc tự làm được một thỏi son trong suốt. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, cô sang Mỹ du học, và cố gắng biến giấc mơ đó thành hiện thực khi tham gia vào hiệp hội những người làm xà phòng ở Mỹ. Trong quãng thời gian này, cô nghiên cứu và học hỏi các phương pháp làm mỹ phẩm handmade, biến các nguyên liệu thiên nhiên thành sản phẩm phục vụ việc chăm sóc cơ thể, giá thành rẻ và đặc biệt là không độc hại. Những thỏi son đầu tiên lần lượt được gửi về bán ở Việt Nam. Và sau đó, cô cho ra đời các loại nước hoa khô, sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội, tẩy da chết, sữa dưỡng da, bơ dưỡng thể, xà phòng bánh…

 

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc làm và bán sản phẩm, có lẽ sẽ khó để Thư được biết đến như một người khơi lên xu hướng làm mỹ phẩm handmade. Bởi khi đó, một số cá nhân ở Việt Nam cũng đã nhen nhóm hướng đi này, còn trên thế giới, làm mỹ phẩm handmade lại càng không phải là một điều lạ.

Khi về nước, Thư tiếp tục nhập các nguyên liệu làm mỹ phẩm (đã qua kiểm định) từ Mỹ, đồng thời tổng kết các kinh nghiệm làm mỹ phẩm, rồi cung cấp cả hai thứ đó cho những người muốn làm mỹ phẩm handmade tại Việt Nam. Cô mở các khóa học nhỏ về làm son môi, nước hoa khô… tạo thêm nghề tay trái cho những người quan tâm. Không chỉ nữ giới mà cả cánh mày râu cũng bị thu hút bởi công việc này (Nguyễn Phương Nam, chàng trai được biết đến với nghệ danh Nam Handmade Artist là một ví dụ). Từ đó, xu hướng làm và dùng mỹ phẩm handmade đã bắt đầu dấy lên.

Tận hưởng tinh hoa lao động


Làm mỹ phẩm cũng giống như làm bất kỳ món đồ handmade nào, giá trị dễ nhận thấy nhất nằm ở tinh thần của sản phẩm. Thay vì những sản phẩm công nghiệp mang tính rập khuôn, mỹ phẩm handmade là sản phẩm của óc sáng tạo và sức lao động thủ công tỉ mẩn. Khi cầm một thỏi son mang dấu ấn cá nhân, chắc chắn bạn có cảm giác khác hẳn so với khi cầm thỏi son được bán ra với số lượng lớn.

Đó là chưa kể, bạn hoàn toàn có thể làm hoặc đặt hàng sản phẩm theo ý thích và mục đích sử dụng của mình. Mỗi thành phần nguyên liệu cơ bản đều mang những tác dụng riêng, phù hợp với từng loại da, loại tóc. Giả dụ, dầu ô liu đặc biệt tốt cho da khô, dầu cọ và bơ shea để ủ tóc mềm mượt… Bạn có thể tự chọn và pha màu son cho riêng mình, chọn mùi hương (oải hương, trà xanh, bạc hà…). Thậm chí, việc tạo ra nước hoa khô hay body lotion mang hương thơm của các loại nước hoa nổi tiếng như Chanel Chance, Lolita Lempicka, P.S I Love You, Verbena của L’Occitane… cũng không nằm ngoài khả năng của bạn, nhờ vào hương liệu mô phỏng mùi nước hoa của các thương hiệu tên tuổi.

Mỹ phẩm handmade còn đặc biệt ở chỗ, mỗi sản phẩm làm ra đều là “limited edition”. Bạn sẽ khó lòng tạo được hai bánh xà phòng giống hệt nhau, hoặc hai mẻ son giống hệt nhau về công thức. Lý do: rất nhiều! Hoặc do “tai nạn”, hoặc trong quá trình nghiên cứu công thức chuẩn, mẻ sau luôn có sự điều chỉnh so với mẻ trước để hoàn thiện hơn, hoặc do mục đích sử dụng, hoặc vì sở thích và sự ngẫu hứng cá nhân…

Thế mới nói, làm mỹ phẩm handmade cũng giống như nấu nướng: lỉnh kỉnh đủ thứ bát đũa xoong nồi, lựa chọn nguyên liệu này kia, cân, đo, đong, đếm, rồi pha trộn… Dù bạn có nấu thuần thục một món ăn đến mức nào đi nữa, thì mỗi lần tắt bếp bày món ăn ra đĩa lại vẫn là một phiên bản mới hoàn toàn.

 

Sạch đến mức… ăn được

Tự làm mỹ phẩm để dùng là giải pháp dành cho những người bị nhạy cảm với các loại hóa chất có trong mỹ phẩm thông thường, dị ứng với hương liệu, đặc biệt là phụ nữ mang bầu có tâm lý hoài nghi với tất cả những thứ dính dáng đến hóa chất. Nguyên liệu để làm mỹ phẩm handmade được lấy 100% từ thiên nhiên: sáp ong, sáp đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô liu, dầu quả bơ, dầu cọ, cám gạo, bột ngô, bột nở… Chất bảo quản cần dùng cho những sản phẩm dạng nước để đảm bảo chất lượng cũng được dùng với hàm lượng cho phép: 0,5% – 1%.

Tôi biết một cô gái trong cộng đồng làm mỹ phẩm handmade đi theo quan điểm: sạch đến tuyệt đối. Hải Anh, chủ nhân của Đồn Điền Handmade Cosmetic, “sạch” đến nỗi tự tay làm các lọ gốm để đựng sản phẩm của mình. Trước khi cho sản phẩm vào lọ, cô luộc gốm rồi tráng cồn để tiệt trùng 100%. Chất liệu gốm an toàn và không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm dù ở điều kiện nhiệt độ nào. Nguyên liệu của Hải Anh đều là các sản phẩm organic (không thuốc trừ sâu) nhập từ hãng Now Food, có chứng nhận của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ). Cô không dùng hương liệu nhân tạo mà chỉ dùng hương thơm của các loại tinh dầu tự nhiên. Nguyên liệu an toàn đến mức ăn được có nghĩa là bôi lên mặt cũng được.

Nếu bạn còn nhớ, Đẹp số 161 đã từng đề cập đến những chất độc hại có thể gặp phải trong mỹ phẩm cùng với lời cảnh báo: “Đọc để đẹp!”. Trước sự tràn lan của vô số loại mỹ phẩm, phụ nữ nếu không  trang bị đủ kiến thức để nhận biết được “đâu là bạn, đâu là thù”, lại thêm tâm lý ham của rẻ, rất dễ mắc phải hệ lụy từ những sản phẩm không tên tuổi, những nhãn hàng không uy tín. Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, ta có thể ngầm hiểu: cái giá đắt tương xứng với chất lượng tốt. Tuy nhiên, với mỹ phẩm handmade làm 100% từ thiên nhiên, giá cả và chất lượng lại không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với nhau.

Tôi vẫn luôn mê mẩn những sản phẩm của LUSH, một nhãn hiệu mỹ phẩm handmade nổi tiếng của Mỹ. Những bánh xà phòng tắm giống y như một viên kem tươi cả về màu sắc và hình thù, viên tạo bọt bồn tắm hấp dẫn như một miếng bánh sô cô la, hộp son dưỡng môi Latte mang màu cà phê, hoặc đường tẩy da chết màu hồng ngọt ngào có cái tên hết sức ngon – Bubble Gum… có lẽ sẽ khiến phụ nữ muốn “ngốn” hết cả ngày cho việc chăm sóc cơ thể. Rất đẹp, rất ngon, rất ngọt, đến nỗi nhìn là muốn… cắn.

Mà thật ra, cắn cũng được, chả sao!

Bạn có thể học cách làm mỹ phẩm handmade và mua hàng qua các trang web: www.nguyenlieumypham.com
www.myphamhandmade.net/ www.lammypham.vn

www.facebook.com/dondienhandmadecosmetic

Chuyên đề Handmade Cosmetics

Bài viết đã đăng:

>> Phép màu trong nhà bếp

Mời các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề:

>> Tôi mơ “mùi vị hóa” mọi người

>> Tôi đang sống xanh

>> Handmade

Tổ chức chuyên đề: Phạm Hương Thủy
Hỗ trợ thông tin: Grandpa’s Garden, Đồn Điền Handmade


Cosmetics, made by Nam Handmade Artist

Thực hiện: depweb

09/08/2012, 16:51