– Sáng chị ăn gì chưa đấy?
– Ăn ké được của cu Kem một mẩu bánh mì.
Đặng Châu Anh
– Nhà này ăn mỳ tôm Gấu nhé!
– Thằng cu nhà chị tên Gấu à? Ăn ké mì của Gấu?
– Ui giời, thế mà cũng gọi là giám khảo Đồ Rê Mí, chả cập nhật “thời sự trẻ em” gì cả! Nói tới mỳ tôm bây giờ thì cứ phải là Gấu Đỏ hoặc Gấu Yêu thì mới là… “gấu” nhé!
– Thảo nào tôi cứ thấy cái tên mỳ Gấu nghe quen quen!
– Chuyện! Báo chí cả đợt rồi chả “đánh” ầm ầm: hết Gấu Đỏ tính kiếm lợi bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn, lại Gấu Yêu mạnh mồm tuyên bố “chính sách 3 không”: Không chất bảo quản – Không phẩm màu – Không chất điều vị, mà thực ra là “3 có”… Đúng là mỳ tôm bây giờ… “gấu” thật!
– Khổ quá, chị hỏi ai không hỏi, lại hỏi đúng cái chị chả ăn mỳ tôm bao giờ!
– Ơ, thế nhà chị không đọc báo à?
– Giờ tôi mới nhớ lại đây! Các bác Gấu Đỏ, tôi thậm chí còn được “diện kiến” rồi là khác! Vì là, một đôi lần, đâu như trước Tết ta vừa rồi thì phải, quả đúng là họ đã ghé cái lớp học Hy Vọng của bọn tôi ở Bệnh viện Nhi TƯ, để tài trợ cho lớp học và tặng quà cho các em học sinh là những bệnh nhi phải nằm viện lâu ngày ở đó… Đúng là họ làm từ thiện thật đấy, ít ra là trong những lần chính mắt tôi chứng kiến!
– Vậy chứ chị làm gì ở đấy?
– Tôi dạy các em môn cảm thụ âm nhạc, tuần một buổi. Bằng nghệ thuật, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các em tìm lại được niềm vui sống để vượt qua những cơn đau. Cũng là một cách để chúng tôi tìm thấy niềm vui sống cho mình, ở một nơi mà không có chỗ cho sự tính toán, cân nhắc thiệt hơn…
– Làm từ thiện mà hát bài “lặng lẽ nơi này” sao? Phải hét to lên cho bàn dân thiên hạ nghe: “Tôi đang làm từ thiện!” mới… đúng mốt chứ!
– Thực ra, lúc đầu, tôi làm từ thiện chỉ là vì… “ích kỷ”. Là vì muốn điều tốt cho con mình, như người ta vẫn bảo “phúc đức tại mẫu”. Nhưng sau vào cuộc, mới thấy điều cho đi ấy đã giúp mình được nhận lại bao điều. Đó là một tâm thế sống yêu đời hơn, yêu mình hơn, vì giá trị của những điều tốt đẹp. Bấy nhiêu vì thế đã là quá đủ để mà phải hét to!
– Vậy khi nhìn thấy tấm pano quảng cáo mì Gấu Đỏ, với hình ảnh một bệnh nhi bị ung thư, chị có thấy phản cảm? Rằng, dường như, lòng trắc ẩn đã bị lợi dụng?
– Có thể vì tôi thuộc tuýp người thiên về lối nghĩ tích cực, hay làm dấu cộng mà ít khi dùng dấu trừ, nên đập vào mắt tôi chỉ đơn giản đó là một gương mặt sáng, một nụ cười tươi, dù thoáng chút gượng gạo, khó khăn vì cơn đau nhưng vẫn lấp lánh niềm hy vọng. Chuyện này, tôi thấy có gì đâu mà phải ầm ĩ thế nhỉ? Chẳng phải trong khi mọi người đang chưa biết làm gì để giúp được người khác thì chỉ cần đơn giản là mua một gói mỳ để ủng hộ các bệnh nhi, thông qua một doanh nghiệp, thì có sao đâu chứ?
– Không ăn mỳ mà bênh Gấu Đỏ quá nhỉ! Coi chừng “chết vì cả tin” đấy bà chị!
– Chẳng phải bênh và kể cả là muốn bênh đi nữa thì cũng cần phải biết người đưa ra lời hiệu triệu đó có làm đúng lời hứa của họ không đã, tâm nguyện của họ không đã. Nhưng dù gì thì tôi vẫn nghĩ: Thà làm một việc gì nhỏ có ích (thậm chí có thể là lợi ích “3 trong 1”), thì cũng còn hơn là một thái độ bàng quan, thay vì xắn tay áo là ngồi một chỗ nghi ngờ lòng tốt của người khác. Nếu không tin người khác, thì sao không tự mình làm một việc nhỏ khác đi, miễn là tốt cho cộng đồng? Còn nếu chỉ là phê phán suông mà không làm gì, thì tôi thấy, còn tệ hơn cả làm từ thiện một cách ầm ĩ. Chưa nói, có những lúc cũng cần phải “ầm ĩ”, nếu như ảnh hưởng của người đưa ra lời hiệu triệu là đủ sức lan tỏa và giúp cho món quà đến tay người nhận được lớn hơn…
– Chả biết có phải vì sắp đến mồng 1/6 không mà thời sự tuần rồi toàn liên quan đến con em chúng ta thế bác nhỉ? Hết trẻ trường Quốc tế phải ăn… bơ Việt mà không phải bơ Pháp (có mẹ gọi đó là “đầu độc” và đêm đêm nằm khóc thương con), lại còn hộp bơ có chân gián, rồi thì chuyện trẻ 18 tháng bị bắt ăn xôi… tới chuyện nhiều trẻ sơ sinh bị chết oan ở nơi lẽ ra phải là chốn an toàn nhất cho sự ra đời của bé… Hic, đúng là đau hết cả đầu, bác nhỉ!
– Làm nghề thì quả thật, khó tránh khỏi có lúc sơ sẩy, vì lẽ này hay lẽ khác. Nhưng nếu là vì sự tắc trách, vào đúng lúc diễn ra một sự kiện quan trọng với cả một gia đình, một cộng đồng và với cả một đời người như sự ra đời của một đứa trẻ, thì quả là khó chấp nhận.
Còn vụ Trường Quốc tế, thì nhà này cũng có em Cốm đang học ở trường Quốc tế Pháp đây! Đúng là ở lứa tuổi mẫu giáo, chuyện ăn uống của con thật sự là quan trọng vì nó liên quan mật thiết đến sự phát triển trí tuệ, thể chất nên việc các mẹ lo lắng (dù có thể có lúc hơi thái quá), âu cũng phải! Nhưng ở góc độ một người làm sư phạm và có điều kiện tiếp xúc nhiều với trẻ em, có lẽ là vì “bệnh nghề nghiệp” nên tôi thường quan tâm nhiều hơn đến định hướng giáo dục và đó là điều tôi hết sức hài lòng ở trường của con. Với một thế hệ mà con thì toàn con hiếm (khi mỗi nhà thường chỉ sinh từ 1 – 2 con), bố mẹ lại có điều kiện chăm sóc, yêu chiều, thì mối lo thường trực của tôi không phải là chuyện con ăn không đủ no, đủ ngon mà là thái độ tiếp nhận tình cảm một cách thụ động ở trẻ. Một thế hệ thụ động, nghèo nàn cảm xúc – đó chẳng phải là điều đáng lo ngại hơn sao?
– Em thuộc dạng ăn xổi nên chả lo xa được đến như bác! Thú thật với bác, giờ em chả sợ gì, chỉ sợ phải… nghe nói suông. Vậy hôm nay bác có qua lớp học Hy Vọng không đấy, để nhà em còn qua kiếm pô ảnh làm… bằng chứng?
– “Bằng chứng” thì khó gì! Chiều nay đi vậy, mời chị qua Viện Bỏng Quốc gia giúp tôi, bộ ba giám khảo Đồ Rê Mí sẽ có mặt ở đấy từ lúc hai giờ rưỡi trong vòng tour của chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” do ca sĩ Thái Thùy Linh khởi xướng. Còn lớp học Hy Vọng, thì là chiều thứ 4 hàng tuần, tại Bệnh viện Nhi TƯ…
– Khi gieo hy vọng, chị nghĩ gì?
– Bạn có thể nghĩ gì, trước một lớp học mà sĩ số của nó luôn không ổn định? Có em nghỉ học vì hôm đó phải đi truyền, có em thậm chí vừa mới hôm qua còn cười nói, vậy mà… Luôn luôn, tim bạn có thể nhói đau sau câu hỏi có phần thảng thốt: Ơ hôm nay bạn Thủy đâu, bạn Tiến Anh đâu…? Vì câu trả lời có thể là một trong hai tình huống hoặc cực tốt hoặc cực xấu: hôm nay bạn ấy được ra viện, hoặc bệnh bạn ấy trở nặng, hay thậm chí, tệ hơn…
Bạn có thể nghĩ gì, trước câu nói “khảng khái” này của một em bé, khi được cô giáo khuyên là con nên nghỉ vì trông con có vẻ mệt: “Con không thể là một em bé học dốt mà chết được!”. Câu nói đó, dù chỉ nghe kể lại, vẫn thực sự là một ám ảnh đối với tôi. Thực sự là, tôi nghĩ là tôi đã không nghĩ được gì cả, và nếu có, chỉ có thể nghĩ bằng cảm xúc…