Phê bình chốn công sở cũng cần phải có nghệ thuật - Tạp chí Đẹp

Phê bình chốn công sở cũng cần phải có nghệ thuật

Sống

nghe-thuat-phe-binh-noi-cong-so-2

Khi bạn là người đưa ra lời phê bình

Đánh giá vấn đề, không chỉ trích con người

Hãy nhớ rằng, ai cũng có thể mắc sai lầm trong công việc dù họ có giỏi tới mức nào đi chăng nữa, vì thế, lời phê bình của bạn phải hướng tới việc mà họ làm sai chứ không phải bản thân họ. Ví dụ, thay vì chỉ trích người khác là lười biếng hay kém cỏi thì bạn nên vạch ra những điểm cụ thể như “phần số liệu của bản báo cáo chưa rõ ràng” hay “bài thuyết trình chưa đủ thuyết phục ở mục a, b, c”. Như vậy, người nhận lời phê bình sẽ không có cảm giác tiêu cực, từ đó họ sẽ sửa đổi và cải thiện tốt hơn.

Khen trước, chê sau

Có một nguyên tắc trong giao tiếp, đó là hãy nói những gì đối phương muốn nghe trước khi đưa ra yêu cầu của bạn, và việc phê bình cũng vậy. Với một số người, việc bị phê bình dễ khiến họ tự ái, vì vậy, hãy cố gắng đưa ra một vài lời nhận xét mang tính tích cực trước rồi mới nói đến những gì họ làm chưa tốt. Chẳng hạn, cảm ơn vì họ đã bỏ công sức và dành thời gian cho công việc, sau đó mới chỉ ra những vấn đề tồn đọng cần khắc phục.

Phê bình riêng

Trong một số trường hợp, việc phê bình công khai không phải là lựa chọn tối ưu. Thay vào đó, hãy trò chuyện riêng và đưa ra lời nhận xét một cách khéo léo để ý kiến của bạn vẫn được tiếp thu mà không khiến người bị phê bình cảm thấy xấu hổ.

Khi bạn nhận được lời phê bình

Hiểu đúng khái niệm “phê bình”

Bạn cần hiểu rằng khi một ai đó phê bình bạn, điều đó không có nghĩa là họ đánh giá thấp hay muốn làm bạn bị bẽ mặt mà đơn giản, họ chỉ muốn bạn trở nên tốt hơn, công việc hiệu quả hơn. Hiểu đúng mục đích của việc phê bình sẽ giúp bạn không cảm thấy tự ái và khắc phục được một cách tốt nhất những lỗi sai mắc phải.

Kiểm soát cảm xúc của bản thân

Bạn nên làm “công tác tư tưởng” với bản thân trước: tự kiểm điểm những gì mình đã làm (công việc đã hoàn thành như thế nào, còn điều gì bạn chưa hài lòng hay không…). Sau đó, cố gắng giữ tâm lý thoải mái, bình tĩnh khi tiếp nhận lời phê bình.

Thể hiện sự biết ơn với người phê bình

Lời phê bình, nhìn từ góc độ tích cực, chính là những góp ý chân thành giúp bạn trở nên tốt hơn. Tuân Tử đã nói: “Người chê mà chê phải là thầy ta”, vậy nên, hãy cảm ơn những ai đã cho bạn lời phê bình mang tính đóng góp, bởi họ cũng chỉ muốn tốt cho bạn mà thôi.

Thực hiện: depweb

19/06/2018, 08:29