Phát hiện bằng chứng về hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời

Trong công trình nghiên cứu đang trên tạp chí Astronomical Journal số ra ngày 20/1, hai nhà nghiên cứu Mike Brown và Konstanin Batygin đến từ Viện Công nghệ California (Mỹ) cho biết họ đã tìm ra những bằng chứng “vững chắc” về hành tinh X – ứng cử viên tiềm năng cho danh hiệu hành tinh thứ chín trong hệ Mặt Trời, dựa trên các phép tính và mô hình toán học. 


(Nguồn: nature.com)

Hành tinh này được phỏng đoán có khối lượng lớn gấp 10 lần Trái Đất và gấp 5.000 lần Sao Diêm Vương. Để quay hết một vòng quanh Mặt Trời, hành tinh này có thể phải mất khoảng 10.000 đến 20.000 năm. 
Mặc dù vị trí chính xác của hành tinh X vẫn chưa được xác nhận, song hai nhà khoa học trên nhận định hành tinh X nằm trong vùng vành đai Kuiper có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời xa hơn cả Sao Hải Vương và có lực hấp dẫn chi phối sự chuyển động giống nhau của sáu thiên thể tồn tại ở khu vực này. Khu vực này là khu “xa xăm” thuộc hệ Mặt Trời bao gồm các thiên thể được tạo ra chủ yếu từ băng và những hành tinh lùn nằm ở ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. 
Trao đổi với báo giới, mặc dù thừa nhận đây chỉ là những phát hiện ban đầu, song hai nhà thiên văn học Brown và Batygin đều nhấn mạnh đây là những bằng chứng thuyết phục và đáng tin cây đầu tiên trong hơn 150 năm qua về sự tồn tại của hành tinh thứ chín trong hệ Mặt Trời. Họ cũng cho biết việc công bố những bằng chứng trên là nhằm khuyến khích mọi người cùng hỗ trợ cho công cuộc tìm kiếm và xác định chính xác tọa độ của hành tinh này. 
Trước đó, hồi năm 2006, Mike Brown cũng chính là một trong những nhà khoa học nổi tiếng đã loại bỏ Sao Diêm Vương khỏi danh sách các hành tinh trong hệ Mặt trời sau khi chứng minh được nó chỉ là một hành tinh lùn. 

Phát hiện của ông khiến hệ Mặt Trời chỉ còn lại tám hành tinh thực sự. Nếu hành tinh thứ chín trong hệ Mặt Trời được xác nhận, đây được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử khoa học hiện đại.
Theo VietnamPlus

From the same category