Phân tích của NS Đỗ Bảo về ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”

Câu chuyện ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP, người đang có lượng fan trẻ hùng hậu ở Việt Nam bị nghi đạo nhạc làm nóng dư luận thời gian qua. Hiện Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sau khi thẩm định đã đưa ra kết luận: ca khúc này là một sản phẩm đạo nhạc. Đơn vị này cũng đồng thời gửi công văn đến Cục Bản quyền tác giả, đề nghị “không cho lưu hành ca khúc này” Để rộng đuờng dư luận, Đẹp Online sẽ đưa ra ý kiến nhiều chiều về phán quyết của đơn vị đại diện có chuyên môn này.(Đây chỉ là kiến nghị, chưa có ý nghĩa như một quyết định từ đơn vị có thẩm quyền)

Ý kiến phân tích của NS Đỗ Bảo mà Đẹp Online giới thiệu dưới đây là một quan điểm riêng của nhạc sĩ. Chúng tôi mong nhận được đóng góp ý kiến của những người có chuyên môn để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều về sự việc này.

(Mọi ý kiến, bài vở gửi về địa chỉ e-mail: sennt.editor@lemediavn.com)

Bố cục và hòa âm tương đồng một cách chính xác.

2 bài “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng và ca khúc “Because I miss you” của  Yung Yong Hwa – Hàn Quốc sáng táccùng 1 gam chủ là đô trưởng, cùng tốc độ và nhịp điệu 6/8, có tiến trình hòa thanh gồm cả phần bass của hòa âm ở từng đoản khúc A và B hay cầu nối được tiếp diễn giống nhau gần 100%, bố cục phần hòa âm và giai điệu là tương đồng một cách chính xác, đặc biệt nhất là sự xuất hiện và khuôn khổ của đoạn cầu nối cùng hòa thanh của đoạn này cũng lại giống nhau một cách bất thường.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

“Tôi cho là đã có một sự vay mượn nghiêm trọng, cậu ấy đã ứng tác các câu hát của mình trên nhạc đệm của bài nhạc Hàn kia”.

Thêm một chi tiết nhỏ đáng ngờ là 1 mô típ tiết tấu móc giật giống nhau tuy nằm ở 2 đoạn khác nhau, mô típ giống nhau này tuy nhỏ nhưng trong tương quan với tổng thể nhạc đệm nhiều chi tiết giống nhau thì nó trở nên lộ liễu. Ngoài ra hơi hướm để phát triển hay dừng mỗi câu nhạc ở trước và sau mỗi câu trống báo giống nhau, giai điệu của đoạn B lại được khởi đầu chính xác với cùng những mô típ chuỗi nốt nhạc 3 nốt giống nhau. 

Đây là tôi mới nghe 2 lần mỗi bài. Sự tương đồng tách riêng ở từng chi tiết có thể khó tránh khỏi bởi âm nhạc vốn chỉ có 7 nốt nhạc, nhưng với một tiến trình phát triển âm nhạc có từng đó sự tương đồng cùng phối hợp đồng thời diễn ra ở cùng thời điểm trong hai bài thì điều này là bất thường, vốn không bao giờ xảy ra ở hai tác phẩm độc lập, nó như 2 người khác nhau nhưng lại có dấu vân tay y chang. Tôi cho là đã có một sự vay mượn nghiêm trọng, cậu ấy đã ứng tác các câu hát của mình trên nhạc đệm của bài nhạc Hàn kia. 

Nét giai điệu vẫn có những chi tiết khác nhau.

Riêng về tổng thể đường nét giai điệu của 2 bài vẫn có những chi tiết khác nhau, nói một cách khác là cậu ấy cũng có đầu tư ứng tác (chứ không thể gọi là sáng tác) giai điệu một cách tuyến tính trên nền nhạc vay mượn. Thế nên sẽ là phũ phàng nếu kết luận hay hiểu ngắn gọn rằng cậu ấy đạo nhạc hay ăn cắp nhạc. Thích hợp và công bằng nhất thì tôi cho đây có thể gọi đây là một kiểu đạo nhạc mới, đạo beat để ứng tác giai điệu, và tôi hoàn toàn phản đối cách làm này. 

Ca sĩ Sơn Tùng, đồng thời tác giả của ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”.

Một ví dụ nữa thế này, anh chỉ xây những bức tường của riêng mình dựa trên thiết kế kỹ thuật móng khung và thiết kế phối cảnh của người khác rồi khai sinh ngôi nhà rằng anh thiết kế xây dựng ra nó, thì việc đó thật phản sáng tạo. Bây giờ thời thông tin bùng nổ, dĩ nhiên không mấy ai dám ngang nhiên đạo nhạc kiểu truyền thống “copy paste” 100% nữa, thay vào đó là cách đạo beat rồi ứng tác giai điệu thế này bởi nó có thể không quá lộ liễu, các bạn trẻ hay nhiễm cách này và bởi cũng có những người lớn đã làm thế. Tôi cho rằng thói quen làm âm nhạc lệch lạc này chắc chắn sẽ gây thêm những hậu quả xấu cho nhạc Việt.

Bài: Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Ảnh: Tạp chí Đẹp

logo


From the same category