Phan Huyền Thư: Sự tham gia của “những cái mồm không hát” đã quá quen rồi - Tạp chí Đẹp

Phan Huyền Thư: Sự tham gia của “những cái mồm không hát” đã quá quen rồi

Sao

Chúng tôi không hướng đến tính giải trí

– Cùng đồng hành với Giai điệu Tự hhào một  năm qua, chị nghĩ mình và ê kíp đã làm được gì cho những bài ca “cần được sống”, sống lại trong lòng công chúng?

–  Thẳng thắn và chân thực nhé! Đúng ra là tất cả mọi người, từ  ê kíp sáng tạo của Giai điệu Tự hào cũng như toàn thể ca sĩ, diễn viên và hội đồng bình luận, nhà đầu tư, nhà sản xuất  và khán giả… chúng ta đều được “nhận quà” từ chương trình.

Biên kịch Phan Huyền Thư

Tôi thấy thú vị với khái niệm mà bạn gọi là “ca khúc cần được sống” và ”sự sống lại” trong lòng công chúng của những ca khúc ấy… Nó có hai đối trọng rất đáng kể: Tác phẩm và công chúng. Nhưng ở đây là “sự sống lại ký ức” của người thưởng thức đã gắn bó với tác phẩm, họ là lớp người đi trước và “sự sống lại thẩm mĩ” của người thưởng thức không có ký ức cùng tác phẩm là khán giả trẻ hiện nay.  

Chúng tôi là những kẻ “dò đá qua sông”, “lật đất tìm đường”… và không hề dễ dàng chút nào với việc đó. Mục đích của chúng tôi luôn bị sức ép vì không thể quá rõ ràng. Đôi khi là vì tác phẩm, đôi khi vì tác giả, đôi khi vì công chúng nhưng đôi khi cũng rất “cực đoan”… chỉ vì thẩm mĩ và nghệ thuật, chúng tôi dám bỏ qua những phản biện.

Giai điệu Tự hào đã làm được gì nhỉ? Chắc chỉ có khán giả mới trả lời câu hỏi này tốt nhất giúp chúng tôi.

– Là người lên ý tưởng kịch bản cho cả chuỗi chương trình, thách thức chị gặp phải trong từng số là gì? Mục tiêu của chị khi bắt tay làm chương trình này là gì?

– Tôi là người luôn muốn hướng tới tinh thần làm việc chuyên nghiệp nên ưu tiên số một là yêu cầu của người đặt hàng. Cụ thể là VTV và Nhà sản xuất.

Điều khó khăn của chúng tôi ở đây không phải là giải mã một  format  nước ngoài mà phải Việt hoá được nó. Khi đã muốn Việt hoá, có nghĩa là phải biết cách thể hiện “cá tính dân tộc hóa” và phải đưa ra những ” phép ứng xử văn hoá” phù hợp với tâm lý khán giả Việt Nam. Khó khăn lớn nhất  là phải dung hòa được tần số cảm xúc và thẩm mỹ của ít nhất “ba đặc thù Vùng miền-Văn hoá” khác nhau trên một lãnh thổ. Tôi chưa dám nói sâu hơn nữa là các tầng lớp khán giả khác nhau sẽ có kiến thức và cảm nhận ở những đẳng cấp khác nhau.

Ca sĩ Kiều Hưng trở lại sân khấu biểu diễn. Trên sân khấu Giai điệu Tự hào, ông cùng song ca với ca sĩ trẻ Anh Thơ

Tôi xin nói đơn giản là: mục tiêu cá nhân của tôi với Giai điệu Tự hào chưa bao giờ muốn hướng đến một chương trình mang tính giải trí mà hướng đến sự thưởng thức và tư duy. Nếu làm được như vậy, khán giả ngổi trước màn hình sẽ thấy được nhận nhiều hơn là xem để giết thời gian, lấp lỗ trống…

– Chị nghĩ, điều làm chị tự hào nhất khi tạo dựng được Giai điệu Tự hào có hình hài như hôm nay là gì?

– Chưa có hình hài gì cụ thể đâu! Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ còn điều chỉnh dần để Giai điệu Tự hào được chấp nhận rộng rãi hơn nữa, thu hút nhiều đối tượng khán giả ở những vùng miền và lứa tuổi khác nhau hơn nữa.

Điều mà cá nhân tôi tự hào nhất là đã có rất nhiều khán giả gặp tôi và nói, họ thường xuyên xem lại Giai điệu Tự hào nhiều lần trên Youtube, trên trang web của chương trình. Họ không muốn bỏ lỡ chương trình nào, thậm chí là thường xuyên xem lại các ca khúc và phần bình luận mà họ tâm đắc, chia sẻ trên trang cá nhân mạng xã hội những gì họ yêu thích… Vậy nên, niềm tự hào của tôi chính là tình yêu mà khán giả đã dành cho chương trình.

Đối thoại giữa các thế hệ và trong cùng thế hệ là chủ đích của người biên kịch chương trình

– Nếu so sánh trong các chuỗi gameshow truyền hình ca nhạc trên VTV, chị nghĩ, điều khác biệt của
Giai điệu Tự hào so với các chương trình khác là gì?

– Thực ra, đâu có quy chuẩn cụ thể nào cho chương trình nghệ thuật trên truyền hình? Tôi xem rất nhiều các thể loại chương trình âm nhạc trên thế giới, đều thấy điều khác biệt lớn nhất chính là format sản xuất của mỗi chương trình. Nếu là game show, reality show, competition show… đều có những đặc thù riêng.

Ở Việt Nam, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, thể loại talk show âm nhạc quá thịnh hành, từ Con đường Âm nhạc, Bài hát Yêu thích, Bài hát Việt… cho đến các loại hình thi cử, giải thưởng… Kể cả các chương trình lấy format  từ nước ngoài như Vietnam Idol, Vietnam Got’s Talent; The Voice… cho đến Đồ Rê Mí, Bài hát  mãi xanh, Gia đình Tài Tử và Sao Mai- Sao Mai điểm hẹn… đều có sự tham gia của “những cái mồm không hát” (đó là chúng tôi ám thị một cách hài hước về huấn luyện viên, giám khảo, bình luận viên, hội đồng thẩm định, tác giả và MC… ) và khán giả của chúng ta đã quá quen với kiểu talk này rồi.

Có chăng, Giai điệu Tự hào chỉ mang đặc thù của một kiểu talk với định dạng là: đối thoại nhiều hơn dẫn dắt; làm khán giả thật sự hơn là làm giám khảo hay huấn luyện viên, chuyên gia. Tôi nghĩ vậy vì chủ đích của tôi khi tham gia với vai trò Giám đốc ý tưởng tôi đã quyết tâm muốn làm như vậy!

Tôi không có so sánh nào cả! Bởi vì, rất có thể cũng chính tôi sẽ tạo ra những format chương trình âm nhạc khác biệt nữa thì sao? Mỗi một tivi show đều có những tiêu chí riêng của mình và các ê kíp sản xuẩt cũng  vẫn đang rất thành công với quy trình và kỹ năng săn lùng ratting theo cách riêng của mình.

Tôi nghĩ hiện không ít khán giả đang nghĩ Giai điệu Tự hào là do VTV sản xuất, là một chương trình hoàn toàn mang tính chất “mậu dịch” nên mới không tiếc tiền ngân sách để tung hô “Nhạc Cách mạng”… nhưng thực ra chương trình đang chơi cuộc chơi xã hội hoá một cách công bằng và lành mạnh.

– Về mặt âm nhạc, theo chị, điều đáng nói nhất ở Giai điệu Tự hào là tạo ra được điều gì khác biệt khi khai thác lại những bài hát cũ?

– Tôi chỉ thấy điều mình chưa được làm kỹ hơn là thân phận và vai trò của người nhạc sĩ sáng tác, cha đẻ của các tác phẩm chưa được chúng tôi tôn vinh đúng mức. Vì vậy, với tôi đó là một thách thức và một định hướng kiếm tìm mới cho Giai điệu Tự hào trên con đường của mình.

Tôi xin lỗi “người làm nghề”

– Nếu so sánh việc làm một gamgeshow ca nhạc như Giai điệu Tự hào với một chuỗi chương trình liveconcert, người làm nghề nhạc sẽ đánh giá cao một liveconcert hơn. Chị có ý kiến thế nào?

– Tôi thấy so sánh này rất  “nghiệp dư”. Nếu Giai điệu Tự hào là một liveshow concert thì mức chi phí đầu tư cho sản xuất, bán vé và tiền lên sóng sẽ đội chi phí lên ít nhất khoảng 5 lần so với việc chúng tôi đang làm rất kỹ từng khâu và biên tập lại để đẩy chất lượng chương trình lên.

Hà Trần trên sân khấu Giai điệu Tự hào

Nếu làm liveshow, chúng tôi vẫn phải chấp nhận có đến hơn 80% khán giả sẽ tự xem lại chương trình nhiều lần trên Youtube hoặc trên trang web Giai điệu Tự hào với chất lượng âm thanh phần audio nhiều rủi ro kỹ thuật. Bản chất Giai điệu Tự hào khi lên sóng đã có lịch phát lại nhiều lần trên nhiều kênh và nhiều khung giờ, vì vậy chất lượng âm thanh, chất lượng âm nhạc rất cần ưu tiên số một.  Hơn nữa, nếu tôn trọng khán giả và Hội đồng bình luận trực tiếp, chúng tôi nên tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đạt chất lượng âm thanh trên sân khấu, tránh rủi ro về kỹ thuật để họ có cơ sở thưởng thức và đối thoại tốt nhất có thể!

Nếu khán giả và giới truyền thông đã xem Gala Giai điệu Tự hào 2015 của chúng tôi, chắc chắn mọi người đã hiểu được những kỹ năng và công nghệ cần thiết để sản xuất  chương trình. Nếu để làm một liveshow chỉ để cho người làm nghề “đánh giá cao hơn” về Giai điệu Tự hào … thì chắc khán giả sẽ không đủ thời gian ngồi ghi hình cũng như đủ tiền mua vé của chúng tôi mất!!! Rất tiếc, nhưng tôi đành phải nói lời xin lỗi “người làm nghề” vì tiêu chí của Giai điệu Tự hào chính là khán giả truyền hình, những người yêu âm nhạc Việt Nam  và công chúng rộng lớn trong xã hội.

– Chị có kỷ niệm nào không thể quên trong chuỗi chương trình đã phát sóng? Và kế hoạch trong năm 2015 của Giai điệu Tự hào là gì?

Năm 2014, trong rất nhiều công việc tôi cùng thực hiện cùng lúc trong suốt cả năm thì Giai điệu Tự hào đánh dấu một show dấu ấn với riêng tôi. Đó là nơi từ người cha đã quá cố của tôi, mẹ tôi, em trai tôi cho tới những người anh, người chị, người em đồng nghiệp và bạn bè thân thiết nhất của tôi như Quốc Trung, Thanh Phương, Việt Tú, Thanh Lam, Hà Trần, Tùng Dương… Có cả những người rất lâu mới gặp như bác Kiều Hưng, cô Ái Vân, những người gắn bó với tôi suốt từ nhỏ tới giờ đều được gặp nhau, chen vai sát cánh trong cùng một gia đình âm nhạc.

Năm 2015 , Giai điệu Tự hào sẽ không có thay đổi gì mang tính đột phá. Nhưng các bạn hãy chờ năm 2016 nhé! Chúng tôi xin hứa đấy!

– Trân trọng cảm ơn chia sẻ của chị!

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Ban tổ chức

logo

Thực hiện: depweb

30/03/2015, 18:55