Phan Đăng Di ư? Đích thực là một kẻ “lù đù ôm lu mà chạy”. Bề ngoài trông hiền lành với nụ cười rất hồn nhiên nhưng khó đoán được những suy nghĩ bên trong và khiến người ta té ngửa khi xem phim bởi những cái nhìn sâu sắc, tinh tế nhưng không kém phần táo bạo. Một đạo diễn âm thầm viết kịch bản, âm thầm đi gom tiền tài trợ để làm phim, âm thầm hoàn thành bộ phim và âm thầm đi vòng quanh thế giới để nhận giải thưởng. Một cựu thủ thư mẫn cán của Cục Điện ảnh trở thành một kẻ nổi loạn!
Khi xem “Sen” và “Khi tôi 20”, hai phim ngắn của Di, tôi nghĩ: “Lại một đạo diễn khác cố gắng bắt chước theo phong cách của Trần Anh Hùng”. Nhưng khi xem “Bi, đừng sợ” thì tôi thấy đó là Di. Khi quen Di hơn, tôi càng tin đó là Di. Có một điều gì đó rất đồng điệu giữa Di, một người lần đầu tôi gặp đang làm thủ thư ở Cục Điện ảnh, trông rất “cán bộ” rồi bỗng thực hiện những bộ phim gây nhiều tranh cãi như “Khi tôi 20”, với chính bộ phim của Di, “Bi, đừng sợ”. Đó là cảm giác về sự “yên bình” bề ngoài nhưng lại đầy sóng gió bên trong. Khi xem “Bi, đừng sợ” lần đầu tiên tại Mỹ, với bản phim không bị kiểm duyệt, tôi bị sốc khi thấy sự táo bạo quyết liệt trong cách đẩy nhân vật đi đến cùng cảm xúc của Di, bởi tôi chưa từng dám nghĩ sẽ có một phim Việt Nam dám táo bạo đến vậy.
Tôi không nghi ngờ việc “Bi, đừng sợ” bị chê bai ở Việt Nam. Tôi thậm chí còn tin rằng có lẽ không nhiều người dám khen bộ phim này. Thế nhưng tôi vẫn thấy buồn khi thấy người ta “đập” bộ phim không thương tiếc. Buồn đến mức gửi email cho vài người bạn thân thiết tâm sự rằng, có lẽ tôi sẽ chẳng còn muốn làm phim nữa, vì những người làm phim chân chính ở Việt Nam thật cô đơn khi họ phải đối mặt với dư luận. Thật ra, khen hay chê một bộ phim là lẽ rất thường tình, nhưng nếu người ta nhìn nhận nó ở khía cạnh chuyên môn, thay vì đem những giá trị đạo đức (thủ cựu) ra để làm thước đo. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy vui bởi ít ra, “Bi, đừng sợ” cũng tạo nên dư luận, bởi sợ nhất khi làm phim chính là không được ai nhắc đến, dù khen hay chê.
Ba điều mà tôi “học” được từ Di, xem như cũng là “bài học” mà Di đem đến cho điện ảnh Việt Nam nói chung:
1. Nếu đã dám “chơi” thì “chơi” tới cùng.
2. Làm phim “độc lập” ở Việt Nam không có nghĩa là phải làm phim kinh phí thấp.
3. Luôn luôn có những người tốt đứng về phía những người làm phim nghệ thuật chân chính, miễn sao anh có một tác phẩm tốt.