Phan Đăng Di: “Mày muốn gì, tên làm phim kia?” - Tạp chí Đẹp

Phan Đăng Di: “Mày muốn gì, tên làm phim kia?”

Sao
Cú ngã ngựa khách quan không là cản trở, ngược lại, dường như nó lại là cú hích cần thiết để tay đạo diễn ít nói, béo mỡ màng chắc chân hơn. 10 năm, “Bi, đừng sợ” đã đến Cannes và “thu hoạch” vô số giải từ các liên hoan phim quốc tế khác. 10 năm, “Cha và con và…” đã trở thành phim Việt duy nhất có tên ở hạng mục dự thi chính thức liên hoan phim quốc tế Berlin. 3 liên hoan phim lớn nhất thế giới đã 3 lần gọi tên Di. Nhưng ở VN, các liên hoan phim nội địa và quốc tế từ chối anh. Phải chăng vì thấm thía cảm giác bị đẩy ra khỏi cuộc chơi của những người làm phim nói tiếng Việt, Gặp gỡ mùa thu của Phan Đăng Di chính là một sân chơi Di tạo ra cho các bạn trẻ yêu điện ảnh, yêu như cách của Di ngày xưa. Của 10 năm, 20 năm về trước…
Mỗi lần thấy cái nghĩa trang, tôi biết mình sắp về nhà…
– 10 năm, khoanh lại như một mốc đáng nhớ, thì với anh, mọi cái đã thay đổi ra sao? Màn ảnh, khán giả?
– Cũng không thay đổi nhiều, và như nhiều lần tôi đã nói, cái câu hỏi về khán giả là một câu hỏi vô nghĩa nhất đối với tôi, ở vị trí của một người làm phim. Tôi không tin vào một quy trình ngược rằng mình phải biết khán giả thích gì trước khi quyết định làm ra một bộ phim. Khán giả, dù là một fan cuồng “opera xà phòng” (soap opera), hay một tay phê bình lão luyện New York Times nọ, chẳng ai đứng cạnh để giúp mình giải quyết những câu hỏi hóc búa trong công việc mình đang làm cả. Cái đó mình phải tự mà trả lời lấy, và nhỡ may một lúc nào đó mình trả lời được, thì cũng chính mình chứ không phải ai khác, thấy thỏa mãn. Cái sự thỏa mãn này nó là động lực để mình làm việc tiếp.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần (không chỉ ở Việt Nam đâu) người ta tung hô những phim làng nhàng và thờ ơ với những phim đáng giá. Chỉ cần vậy là đủ để chấm hết những ảo tưởng về khán giả và nhắc mình quay trở về với câu hỏi bản chất nhất: Vậy, mày muốn gì, tên làm phim kia. Muốn bình tĩnh tin vào mình hay muốn chạy theo những thích thú thất thường của một đám đông mày không bao giờ biết rõ?
– Và 10 năm cũng đủ để anh sống rồi làm phim cả ở Hà Nội và Sài Gòn. Cảm hứng của 10 năm cũ với 2 vùng đất đã trở thành cũ ấy, với anh…?
– Tôi không làm phim vì cảm hứng về Hà Nội hay Sài Gòn. Khi làm phim Hà Nội hay Sài Gòn đều chỉ là chất liệu, và vì thế nó cũng giống như rừng đước ở Cần Giờ tôi vừa quay trong “Cha và con và…” hay một nơi nào đó trên núi cao tôi sắp quay trong “Tiệc trăng tròn” thôi. Khác chăng là cảm giác khi mình sống với mỗi nơi, thì Hà Nội, với số 20 tuổi trẻ, mình đã gắn bó và thân thuộc, mình quen với ngay cả cái xấu xí và thất thường của nó, cái cảm giác nao nao mỗi khi chuyển mùa hay đi đâu xa về, ngồi trên máy bay nhìn xuống đồng ruộng phía dưới, chỗ gần đường hạ cánh Nội Bài, có một cái nghĩa trang nhỏ mình đã quay “Bi đừng sợ” ở đó, mỗi lần thấy cái nghĩa trang ấy mình lại thấy ấm áp, biết là mình sắp về đến nhà.
Nhưng nói về công việc, Hà Nội có quá ít giải pháp và chậm chạp, tư duy bảo thủ tự ti hơi tí đã dương vây nặng nề quá, sống vậy hoài nó làm mình mệt đừ và mất hết năng lượng… không như Sài Gòn, luôn sẵn sàng đẩy một vài phương án cho mình tính, tính không được cái này thì chuyển sang cái kia, cuối cùng không được cái nào nữa thì cũng không ai oán tiêu cực thì đó là cái hay của Sài Gòn.
Thế mà anh vẫn quay về Hà Nội, với dự án thứ ba của mình. Sau 10 năm. Anh sẽ làm gì với “Tiệc trăng tròn”, tại sao lại là Hà Nội nhỉ? Tại sao là chuyên họp lớp? Đây có phải là cái móc giữ “Bi, đừng sợ” và “Cha và con và…” không?
– Nó không hẳn là về Hà Nội, dù Hà Nội là bối cảnh quan trọng của phim. Bên cạnh Hà Nội, thì còn những ngọn núi heo hút ở phía bắc, hoặc một nơi nào đó gợi được cảm giác về sự hoang dã, tự nhiên, khoáng đạt và bí ẩn. Đây là một phim về sự vô minh và có thể, vô tội của dục vọng, nhưng đồng thời cũng là một phim mà trong đó, gương mặt của dục vọng trở nên lem nhem, tầm thường thậm chí bỉ ổi một cách đáng thương như chính cách mà chúng ta đang sống. Tôi chẳng còn nghĩ gì đến hai phim cũ nữa khi làm phim này, vì phim này tuyệt đối cần một cái đầu sạch để bắt đầu và làm tới.
Sẽ có những thách thức về dựng phim mà tôi chưa từng phải đối mặt từ trước đến nay. Ngoài ra mức độ khó về diễn xuất cũng là một thách thức đáng kể, trong phim này không ai không có tội đồng thời không ai không vô tội chính trong cái tâm thế hoang mang họ đang sống cùng. Nhưng diễn ra được cái hoang mang này là cực khó, ngay cả với những diễn viên giỏi nhất. Trong tâm trí tôi, một buổi “đoàn viên” của những U50 trộn lẫn thành thị và rừng rú, trộn giữa lọc lõi, chán chường hay hoang dã, bản năng hớ hênh thế cùng uống phải một thứ rượu ma làm cho mất hết kiểm soát nó kích thích khủng khiếp. Bất luận một tình huống như vậy thường sẽ là nguồn cơn của bạo lực hay vô luân thì mớ bòng bong nó để lại rất đáng để tôi và các diễn viên của tôi thử sức. Nó cũng giúp đẩy thế giới sáng tạo của tôi đến một giới hạn mới.
– Nghe thật rùng rợn như hứng thú của khán giả hiện tại với thể loại phim kinh dị. Để hỏi thật, này anh có hứng khởi với điện ảnh thị trường?
“Đây là một phim về sự vô minh và có thể, vô tội của dục vọng, nhưng đồng thời cũng là một phim mà trong đó, gương mặt của dục vọng trở nên lem nhem, tầm thường thậm chí bỉ ổi một cách đáng thương như chính cách mà chúng ta đang sống. Tôi chẳng còn nghĩ gì đến hai phim cũ nữa khi làm phim này, vì phim này tuyệt đối cần một cái đầu sạch để bắt đầu và làm tới.” – Phan Đăng Di nói về bộ phim thứ ba sắp khởi quây của anh – Tiệc trăng tròn …

– Tôi có lẽ không nên nghĩ đến việc làm phim giải trí vì cái lưỡi của mình có những gai vị giác khácTôi rất mau chán khi xem phim giải trí, thậm chí ngay cả phim độc lập của Mỹ là một dạng phim đã cố gắng trung hòa giữa công thức ăn tiền và một cái gì hơi có chút khác biệt. Nhưng vẫn có ngoại lệ với Châu Tinh Trì – phim của ông ta có một sự hấp dẫn quái lạ làm tôi khó mà rời mắt được. Đó có lẽ là vì luôn có sự điên rồ nào đó trong cách ông ấy làm phim, cái này nó vượt ra khỏi công thức và là một cái duyên đặc biệt rất hiếm gặp. Nhưng khẩu vị của tôi thì cũng thiểu số, và nó cũng chẳng thể thay thế và thay đổi được…

– Còn sự nỗ lực của anh với “Gặp gỡ mùa thu”, tôi tò mò rằng thực chất đó là cách anh giúp tạo một thế hệ làm phim độc lập mới hay là những người làm phim với bất kể thể loại gì?
– “Gặp gỡ mùa thu” ra đời là một cơn cớ khác. Tôi không lập ra “Gặp gỡ mùa thu” để tìm kiếm những khẩu vị giống mình, thậm chí còn ngược lại, nó phải là nơi tập hợp được nhiều khẩu vị, nhiều phong cách làm phim, nhưng dù là phong cách nào thì nó phải hướng đến một tinh thần văn minh với trao đổi thẳng thắn và rộng lượng và phải có một sự giao thoa thông suốt, tỉnh táo với những gì đang diễn ra trên thế giới. Chúng ta đã đóng cửa quá lâu, đã tự cản đường nhau quá lâu để nhiều thế hệ làm phim bị mất đi nhuệ khí, bị nhỏ nhen hoặc yếu nhược đi. Đã đến lúc cần phải cùng nhau thay đổi việc này. Để thay đổi, thì trước hết phải lắng nghe nhu cầu của các bạn trẻ, những người còn thời gian, hoài bão và cơ hội để cống hiến. Muốn vậy, phải trao cho họ cơ hội, phải đẩy họ đến các thách thức, để họ tự đi đến, đối mặt và khám phá lấy thế giới chứ không thụ động ngồi đó để trở thành nạn nhân của cơ chế hay thói quan liêu, chán chường của xã hội.
Tôi luôn nghĩ, chúng ta có 90 triệu dân mà nhìn vào cái gì cũng yếu thì cuối cùng đó là vấn đề của chúng ta thôi. Gặp gỡ mùa thu cũng mới chỉ đi được đến năm thứ 3 và nói thực, để tồn tại đến giờ phút này nguồn lực tài chính được giúp từ bên ngoài là chủ yếu. Mỗi lần chúng tôi mở miệng để yêu cầu “người ngoài” giúp đỡ, một câu hỏi đắng ngắt bao giờ cũng xuất hiện: “Thế không có hỗ trợ nào từ Việt Nam à?”
Mười năm nữa sẽ ra sao ư?
Người Việt Nam kia, với sự chán chường và ủ dột hiện tại, anh nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu phim, trong đời? Rồi hình dung giúp tôi 10 năm nữa, anh sẽ ra sao, đang ở đâu?
Khoảng 9 phim chăng, hoặc ít hơn, tùy sức khỏe, tài chính và quan trọng là còn cảm hứng với việc này hay không. Tôi nghĩ mình không thuộc dạng đạo diễn mà cứ có kịch bản vào tay là làm phim được. Ngay cả khi không phải lo nghĩ về tiền nữa, thì việc làm phim cuối cùng vẫn là một việc cần nhiều cảm hứng để làm, không thì sẽ rất ngán.

Mười năm nữa sẽ ra sao ư? Cái này sao mà nói được, mình đang sống ở một xứ mà mọi sự chẳng có gì chắc chắn cả, ngay cả sức khỏe của mình còn chẳng do mình quyết định, đùng cái có thể ngỏm củ tỏi vì những lý do rất ất ơ. Mình cũng chẳng trong độ tuổi thanh xuân nữa để mà đùa cợt với chuyện đó. Nhưng chắc là sẽ không ra nước ngoài sống đâu, trừ phi là đi quay phim hoặc làm hậu kỳ ở một nơi nào đó. Việt Nam, dù có là nơi mình bị ngấm độc dần dần thì cũng sẽ là nơi mình chọn để chết ở đó.

Bài: Cát Khuê 
Giám đốc hình ảnh: Lê Đức Hiệp
Sản xuất: Đinh Nguyên 
Nhiếp ảnh: Mạnh Bi 
Stylist: Thi Thi 
Trang điểm: Kunt Lê

Thực hiện: depweb

07/12/2015, 12:27