Phan Đăng Di: Đi mãi rồi cũng quay về... - Tạp chí Đẹp

Phan Đăng Di: Đi mãi rồi cũng quay về…

Sao

Như ngày 14/3 này, “Bi, đừng sợ!” sẽ chính thức được công chiếu trên khoảng 100 rạp của nước Pháp rải rác trong suốt 3 tháng, và thế là Di lại phải đến Paris…


Nổi loạn

Thói xấu mà tôi ghét nhất (và chắc không chỉ mình tôi) là sự trễ hẹn. Tiếc thay, trong vô số thói xấu của Phan Đăng Di – kẻ được “Đẹp+…” “ngắm bắn” lần này, sự trễ hẹn đứng đầu bảng. Thế rồi tựa như hiệu ứng domino, lời hứa này xô ngã lời hứa khác. Như kịch bản “Cha, con và những câu chuyện khác” đáng lẽ phải xong từ lâu như nó cần phải thế, nhưng đến tận giờ nó vẫn khiến Di loay hoay và kéo theo chuỗi trễ hẹn khác khiến thời gian này, Di thực sự bị stress.

Sống ở Hà Nội gần 20 năm, có nhà riêng xe riêng, thói quen sống, thói quen quán xá “rặt” Hà Nội. Thế nhưng cái giọng nói cứ hễ cất lên thì 100% xứ Nghệ hiển hiện. Dù Di luôn nhẹ nhàng, luôn từ tốn, luôn kiên nhẫn kể cả trong tình huống khẩn cấp nhất như nhà sắp cháy hoặc bạn gái đau bụng, sinh đến nơi. Cái tính ấy cộng với sự bảo thủ thỉnh thoảng xuất hiện không đúng lúc đã khiến nhà văn P.T.V.A có lần phải chửi: “Di đúng là đồ Nghệ gàn!”

Chọn điện ảnh vì… vô tâm

Gốc xứ Nghệ – điều này còn lưu dấu những gì ở anh, một kẻ “tha hương” đã gần 20 năm?

Tôi chưa bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi này vì tôi thấy mình vẫn là một người Nghệ. Vốn dĩ, tôi là một người mơ mộng và ưa tưởng tượng bẩm sinh, hay nghĩ đến những điều xa xôi và thích phiêu lưu. Nhưng đồng thời, đặc tính đó cũng có rất nhiều ở những “Nghệ nhân” khác. Người Nghệ dù căn cơ với thực tế, rất biết bờ dậu nhà mình nhưng cũng hay nhìn ra bờ dậu nhà người (nhà người đây không chỉ là hàng xóm đâu mà đôi khi là một chốn nào đó rất xa). Chắc họ nghĩ về nó rất nhiều, nên đến một ngày đẹp trời, đã thấy họ ở đó rồi. Tất nhiên, để đi xa như vậy thì phải cứng đầu, không biết sợ và khôn ngoan nữa…

Không có ai trong gia đình anh làm nghệ thuật, nhưng anh thì ngay sau khi rời cánh cổng trường phổ thông đã lập tức xác định theo nghề phim ảnh. Là may mắn được bố mẹ cưng chiều hay là bởi anh kiên định?

Tôi kiên định đấy, và cả vô tâm nữa. Khi chọn điện ảnh năm 18 tuổi tôi chẳng biết lương giáo viên của ba mẹ được bao nhiêu. Mà cũng không màng đến thực tế là điện ảnh Việt lúc ấy đã xuống đến đáy rồi. Cả thành phố Vinh nơi tôi sống có 4 rạp thì đóng cửa hết 3, còn cái rạp duy nhất ở trung tâm hễ mưa xuống thì hàng ghế đầu nước ngập đến mắt cá, chuột chạy rào rào. Chẳng ai muốn ướt mông và bị chuột cắn khi ở nhà đã có video. Điện ảnh thành một thứ không thực tế và lỗi thời mà chẳng cha mẹ nào muốn cho con em mình đặt chân vào cả. Tôi không biết ba mẹ tôi lo lắng thế nào trước quyết định của tôi. Chỉ biết rằng sau này khi nhập học rồi, nhìn cảnh trường điện ảnh xác xơ tiêu điều như một nhà kho hợp tác xã mùa giáp hạt, tôi ngớ người nhưng chẳng dám phàn nàn với ba mẹ câu nào.

Hình như sau lần rớt thi chuyển giai đoạn ở trường điện ảnh, anh đã định rẽ sang hướng khác?

Khi ta 20 tuổi, trải qua hai năm đại học trong một trạng thái mông lung, lổn nhổn những kiến thức thu được, chẳng thấy có thần tượng, luôn uể oải đờ đẫn với những thứ rượu pha cồn vào mỗi cuối tuần… Rồi bắt đầu vướng chuyện tình cảm, thế là mọi quyết tâm với hoài bão lặn đâu mất, thấy chẳng còn gì quan trọng nữa, ngay cả việc bỗng nhiên định thi vào một trường khác đơn giản cũng chỉ vì thấy rỗi rãi quá thì thi thôi.

Không phải là một sinh viên quá nổi bật nhưng một số trò điên rồ của anh thì các bạn học còn nhớ. Bây giờ nghĩ lại, anh thấy sao?

Đó là phản ứng để chống lại sự nhàm chán thôi. Hồi trẻ tôi là người mơ mộng và sống với tưởng tượng nhiều nên khi đối diện với thực tế cứ thấy khó xử thế nào đó. Cảm giác như mình đã lớn rồi mà cứ phải mặc quần áo của trẻ con, cựa quậy thế nào cũng thành kì cục hết.

Trong ký ức của các bạn học cùng trường với anh hồi đó, tôi nhớ nhất có một người từng kể, anh nói rằng, mong ước của anh sau này là yêu được một cô gái… câm! Vì là lời kể, nên tôi muốn hỏi, mong ước đó có thật không?

Làm sao tôi nhớ được là mình đã từng nói những gì trong suốt những năm lơ mơ ấy. Đó có thể là phản ứng tức thời của tôi khi gặp phải một ai đó nói nhiều thôi. Nhưng suy nghĩ này cũng gần với bản tính của tôi, tôi không thích “lời thoại”, tôi sợ nhất là những bộ phim nói quá nhiều, lời nói vung vãi quá luôn có một vẻ tầm thường làm tôi sợ hãi.

Không ít người chơi với Di còn nhớ hình ảnh Di khi làm việc ở Cục Điện ảnh. Chiếc xe máy Future màu xanh (vẫn đi đến bây giờ, nghĩa là đã hơn 10 năm) của Di hồi ấy bầm giập y như người. Di triền miên trong những cơn say bia, say rượu. Những cuộc nhậu có thể diễn ra bất cứ lúc nào và kết thúc có khi sau cả chục tiếng. Đã có lần tôi chứng kiến Di cùng 4 người bạn uống bia hơi ở quán Hải xồm đường Giảng Võ, trong chưa đầy một tiếng đã hết 154 cốc bia. Di ngã xe liên tục. Mà trời phú, da Di lành nên sau một tuần nát tươm (có lần cái tai bên trái còn bẹp dính sát vào da đầu), Di lại sạch sẽ bóng loáng.

Thời ấy, lúc nào muốn gặp Di, bạn bè sẽ luôn tìm thấy Di đang ở trong căn phòng bé tí hơn 2m2 như một cái ngách cầu thang của Cục Điện ảnh, với cái màn hình đang chạy dở một công văn nào đó, vô số sách báo tài liệu… và Di, béo ục ịch tóc bù xù hoặc cạo nhẵn, mặt mũi đờ đẫn vì sắp “hôn mê” hoặc vừa ngủ dậy. Một khoảng đời kéo dài 5, 6 năm ấy, những tưởng Di sẽ mãi thế, nếu như không có khóa học master về điện ảnh của Hội Điện ảnh tổ chức mà giảng viên khi đó là đạo diễn Trần Anh Hùng…

“AQ” Là liệu pháp

Quãng thời gian làm một viên chức mẫn cán ở Cục điện ảnh với anh có phải một giấc ngủ êm đềm?

Đúng là êm đềm và nhàn tản. Tôi nhẫn nại thực hiện mọi công việc không tên của một công chức bậc thấp một cách vui vẻ và vô lo, bởi sau một thời gian khá dài loay hoay, tôi đã nhìn thấy đường đi của mình chính từ vị trí mà tôi đang đứng lúc đó. Một vị trí giúp tôi hiểu rất rõ nền điện ảnh Việt Nam, cả ở khía cạnh bế tắc lẫn cơ hội vừa hé mở của nó. Đây cũng là thời gian tôi được yên tĩnh để xem phim một cách có hệ thống và bắt đầu nghĩ về những bộ phim tương lai của mình. Buồn cười là chúng không ở đâu xa mà đến từ chính những lời nói, hành động lộn xộn, nhiều khi tối nghĩa và lặp lại của tôi cũng như bạn bè trong cuộc sống thường ngày, trong cả những cuộc nhậu dai dẳng đã vẽ nên một phần gương mặt của thế hệ hôm nay…

Người ta hay nhắc nhiều đến Trần Anh Hùng như một “người thầy tinh thần” của anh, và hình như anh Hùng cũng chính là cú hích khiến anh rời Cục điện ảnh (dù đã kịp giành được một suất trong kỳ thi công chức). Lựa chọn “giải phóng” bản thân mình có phải là một trong những lựa chọn không dễ dàng với anh?

Anh Hùng còn kỳ lạ hơn một nghệ sĩ, đó là người chỉ với vài lời đã ở trong bản chất của vấn đề rồi. Chính xác thì đó là trạng thái của người đã “giác ngộ”. Trên thực tế, tôi không có nhiều dịp gặp hay trao đổi với anh ấy, anh ấy càng không đơn giản là một cú hích để tôi rời bỏ một cái gì cụ thể như công việc cũ chẳng hạn. Vấn đề của “giải phóng” ở đây chính xác là bỏ đi những cái rườm rà giống với điện ảnh để tiến đến một thứ ngôn ngữ điện ảnh thuần khiết mà tôi có thể quan sát thấy trong công việc làm phim của anh ấy. Đây là một sự “giải phóng” của sáng tạo. nó vừa trừu tượng vừa khắc nghiệt và chưa bao giờ là dễ dàng với tôi cả. So với nó thì sự “giải phóng” chị vừa nhắc đến đơn giản hơn nhiều.

Sự dịch chuyển theo phương diện địa lý đem lại xáo trộn đáng kể nào trong con người anh?

Tôi dịch chuyển nhiều nhưng chưa bao giờ đến được nơi nào thách thức cả. Những nơi tôi từng qua đều văn minh như dập từ một khuôn. Cùng một kiểu chào ấy trong khách sạn, một thứ mùi cà phê công sở, một trật tự chính xác nơi công cộng, không hẳn thân thuộc nhưng tiện nghi và an toàn để mình dễ dàng hòa nhập vào. Xáo trộn đầu tiên đến với mình là khi mình đặt câu hỏi: “Bao giờ nước mình mới được thế này?”. Hỏi như thế rồi thì mình sẽ buồn mất một lúc vì biết chắc câu trả lời là: Rất xa. Xong lại tự an ủi: Văn minh thế này thì đâu cũng chỉ một kiểu à, chỉ có sự lộn xộn mới muôn hình muôn vẻ. Ngụp lặn trong đó dù có làm mình điên đầu thì cũng rõ ràng ra một cảm giác sống, mới giúp mình sáng tạo được. Tóm lại cuối cùng bao giờ mình cũng AQ được vậy.

Dù đã có thời gian “sống thử” với Sài Gòn, “sống thử” với Paris, nhưng hình như anh vẫn từ chối các “bản hợp đồng hôn nhân” nhằm hợp pháp hóa việc sống thử đó thành sống thật… Là lý do gì vậy?

Sống thật thì phải hợp mới sống được. Paris thì như một người đẹp, mình thấy dễ chịu và hãnh diện lắm nếu sống cùng. Nhưng cả thế giới cũng thấy thế nên nàng đương nhiên là quá đắt giá. Sài Gòn thì vô tư, trẻ trung và vồn vã nhưng rồi cứ vậy mãi chẳng chịu già đi cùng mình thì thấy trước có ngày mình cũng oải. Xét ra chỉ còn Hà Nội nửa quê nửa tỉnh, tính tình cáu cẳn, ấm lạnh thất thường mà mình đã chịu đựng 18 năm là có vẻ ổn nhất, hợp với mình nhất.

Một năm sau khi “Bi, đừng sợ!” giành 2 giải thưởng ở LHP Cannes, Phan Đăng Di đã đi gần như khắp thế giới. Cuốn hộ chiếu còn vài năm nữa mới hết hạn nhưng đã sắp phải đổi vì chỉ trong một năm mà nó đã phủ kín gần hết các trang. Di mê ẩm thực và… nhậu nhẹt nên những chuyến đi nước ngoài không phải khi nào cũng là niềm vui đối với con người béo tốt này. 3 tháng ở Paris để làm hậu kỳ cho “Bi, đừng sợ!”, Di đã phát ngán với món Tây. Mua đồ ăn về nấu thì Di lại không thạo nên muôn năm hầu như chỉ biết làm món luộc hoặc cháo. Vào một tiệm bán thịt của người Thổ, vì họ không biết tiếng Anh nên Di đành giả tiếng heo kêu éc éc. Người bán thịt thông thái ngay lập tức mang ra… con gà. Vào chọn tận nơi thì Di lại lấy nhầm thịt heo thành thịt cừu, may mà cũng ăn được! Ám ảnh… ăn uống ở trời Tây đã ít nhiều khiến cho Di ngán nước ngoài tận cổ, đi đâu cũng chỉ mong về Hà Nội, để được ăn vỉa hè, nhâm nhi những món ngon quen thuộc dù có vì nó mà Di phải còng lưng cõng cái tên “Di béo”.

Thế giới bé nhỏ thôi!

Kịch bản phim dài của anh với tên “Tận cùng là biển”, “Đi mãi rồi cũng quay về” rồi “Chơi vơi” nhưng anh lại bắt đầu với “Khi ta 20” – một phim ngắn. Thời gian đã chuyển động thế nào qua những tên phim?

“Khi ta 20” và “Chơi vơi” đi mãi thì thấy “tận cùng là biển”. Bơi trên đó một chặp thì ta nhận ra phải “quay về”, thế là ta về. Về đến nhà gặp thằng Bi chơi ở cửa, ta trấn an nó:

“Bi, đừng sợ! Tao đã đi một vòng khắp thế giới và thấy nó cũng nhỏ bé thôi, chẳng có gì ghê gớm cả!”.

Nhưng vì nó còn nhỏ quá nên ta không thể nói cho nó hiểu rằng thực sự bây giờ với ta chỉ có “Cha, con và những câu chuyện khác…” mới là đáng kể.

Anh luôn khiến người ta dễ chịu với thái độ cầu thị hoặc giống như cách anh từng nói về đạo diễn Charlie Nguyễn: “nhũn nhặn”! Nhưng nhiều đồng nghiệp của anh lại tiết lộ, chẳng dễ chịu gì khi làm việc chung với anh?

Có lẽ vì bản thân tôi vẫn bị căng thẳng với việc làm phim. Quay một bộ phim nghệ thuật không đơn giản là xây một ngôi nhà với một bản vẽ chi tiết đã có và cứ thế mà xây cho xong. Dù mình có chuẩn bị sẵn một bản vẽ thì khi xây có nhiều lúc mình vẫn thấy mình bị lạc đường, mình phải dừng lại hoặc xây đi xây lại. Đây là vấn đề của mình nhưng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Dù mình nhận lỗi thì mọi người vẫn có cảm giác là họ đã làm gì đó chưa tốt nên mới phải làm đi làm lại như thế. Tôi đã gặp phải chuyện này trong tất cả những bộ phim đã quay. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ức chế nhưng làm sao để khắc phục thì tôi chịu.

Nhưng rồi vinh quang! Anh có buồn không khi một cộng sự của anh trong dự án “Bi, đừng sợ!” đã than thở rằng: Khổ cực thì chịu chung mà đứng trên thảm đỏ để cười tươi trước hàng trăm ống kính thì chỉ một mình anh hưởng? Đó có phải là sự nghiệt ngã của điện ảnh, bởi có rất nhiều người hi sinh cho một bộ phim ra đời nhưng người ta thường chỉ nghĩ đến đạo diễn và diễn viên chính?

Biết sao được, cuộc đời đôi khi phải chấp nhận một số thực tế nghiệt ngã vậy thôi. Chúng ta chẳng bao giờ được không cái gì cả. Nếu bây giờ tôi đề nghị ai đó gánh hộ những áp lực và cay đắng tôi đã trải để sau đó đứng vào chỗ của tôi vài giây trước ống kính máy ảnh chắc gì đã có ai chịu.

Với “đôi hài vạn dặm” “Bi, đừng sợ!”, anh đã ngộ ra điều gì?

Tôi đã từng nghĩ về điều này trong một buổi chiều ngồi trong khuôn viên của đại học Irvine (Mỹ) trước giờ giới thiệu phim của mình. Đó là một trường đại học công thông thường như bao trường đại học khác, nghĩa là rộng thênh thang với cỏ xanh mướt, các sườn dốc thoai thoải trồng thông và nở đầy hoa, những tòa nhà đẹp đẽ sáng bừng trong nắng, sinh viên nằm dài trên cỏ đọc sách hay trượt patin. Tất cả đều thư thái, thoáng đãng và tự do… Nhìn cảnh đó mình buồn hết sức và nghĩ, dân mình mà được sống và học trong những không gian thế này thì sự căng thẳng mình vẫn ném vào nhau hàng ngày chắc sẽ ít đi rất nhiều và cơ hội cho phim ảnh hay mọi sáng tạo sẽ nhiều hơn rất nhiều. Nghĩ vậy rồi thì bao nhiêu bực bội mình gặp phải ở nhà bỗng tan biến hết.

Có một chuyện về nước Mỹ với Di mà ít người biết. Đó là trong tuần phim “New voices from Vietnam” do Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ tổ chức năm 2010, “Bi, đừng sợ!” được chọn chiếu khai mạc. Trong buổi chiếu đó sẽ có phần Q&A dành cho đạo diễn, vậy mà Di suýt nữa thì bị rớt lại chỉ bởi vì khi đi phỏng vấn xin visa ở sứ quán Mỹ, Di đã trả lời một cách chán chường đến mức sứ quán Mỹ ngay lập tức từ chối. Biết là trượt visa, Di về viết một email gửi Viện hàn lâm đầy thống thiết rằng mình sẽ không qua được Mỹ, gửi lời chào đến khán giả Mỹ… trước khi thông báo cho người phụ trách tuần phim này biết căn nguyên. Một cú điện thoại can thiệp đơn giản từ Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ, Di được sứ quán Mỹ mời đến và được cấp visa B2 ngay lập tức. Thế là lại phải đi Tây…

 

Nếu muốn đi được xa thì phải ăn được nhiều món

Anh luôn dành những lời khen ngợi cho các đạo diễn phim thương mại khi được hỏi đến họ, nhưng rất nhiều lần anh đã tỏ ra không thể chịu nổi các phim thương mại, phim Tết được chiếu. Người Nghệ có tài ngoại giao chăng?

Nói chung làm phim ở Việt Nam là một hành động rủi ro lên đến 90%, không chỉ là tài chính mà còn búa rìu dư luận. Thế nên anh làm ra một kiệt tác hay một bãi thảm họa thì xác suất bươu đầu mẻ trán đều như nhau thôi. Cho nên dám làm đã là đáng phục rồi. Dám làm và làm xong được một bộ phim dở thì càng đáng phục hơn nữa vì thần kinh phải bằng thép mới làm được thế. Đó là lí do của sự khâm phục nhưng thần kinh tôi không phải bằng thép nên đôi khi xem phim dở tôi không tài nào giấu nổi cảm xúc, như chị thấy.

Người ta hay bảo, cách nhanh nhất để được Tây chú ý đến trong nghệ thuật (đầu tư tiền, trao giải…) là phải biết đưa ra các món đậm mùi đặc trưng nhất của dân tộc mình. Nhưng khi về lại “ao nhà”, phim của anh lại bị “chê” là hơi Tây và ít được khán giả việt thích. Nếu là khán giả, anh có thể nói gì?

Chuyện khán giả không thích nhiều khi lí do chẳng phải vì Tây hay không Tây. Người Việt mình vẫn bị cho là sính ngoại, nếu phim của tôi thực sự Tây chắc phải được cổ súy mới đúng chứ. Vả lại với tôi khán giả là một khái niệm quá rộng và họ cũng luôn khác nhau mà tôi chẳng bao giờ có thể hiểu hay đo lường chính xác được. Để đơn giản, tôi luôn lấy mình làm khán giả mẫu. Và kinh nghiệm của một khán giả mẫu như tôi là: xem phim (hoặc thưởng thức nghệ thuật nói chung) cũng như làm một chuyến du hành, nếu muốn đi được xa thì phải ăn được nhiều món nếu không muốn gặm mãi mì tôm hay vác theo cái bếp và chạn thức ăn của nhà mình.

Thôi tạm quên “Bi” đi! “Cha, con và những câu chuyện khác” thì sao? Khi “Bi” dường như đã ngốn của anh toàn bộ vốn sống?

Phim này thì cũng là một kiểu trải nghiệm khác của bản thân tôi. Nhiều phần là thực bên cạnh tưởng tượng. Nó có cả những mặt tăm tối lẫn sung sướng. Một cuộc chơi mà mình lại phải tiếp tục lấy mình ra để đánh cược. Nhưng tôi cũng chẳng ngại, đằng nào mình cũng đã dám ngả bài ở mấy ván trước rồi.

Cảm ơn Di vì “trễ hẹn mãi rồi cũng trả lời”! Tôi thật không thể viết thêm gì!

Và những câu trả lời khôn ngoan mang tính “quan điểm”

Cách gì để “đừng sợ” khi “chơi bi”?

Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, không cáu giận, không bao giờ được cáu giận.

Có một đạo diễn khá nổi danh ở trong cái làng điện ảnh Việt chật hẹp này luôn tìm mọi cách chê bai, chế giễu và thậm chí là bêu riếu anh và các tác phẩm của anh. Nếu có một lần phải đối mặt không cách gì né tránh, anh chọn cách xử sự thế nào?

Tôi không tin là có một nghệ sĩ nào lại xử sự như vậy cả.

Chọn làm phim nghệ thuật nhưng cuộc sống riêng của anh không vì thế mà nhọc nhằn với cơm áo gạo tiền như người ta vẫn nghĩ. Vì anh “tỉnh” hay vì anh được “tổ đãi”?

Đúng ra là vì tôi không phải nuôi ai và nuôi mình thì cũng ở mức tùng tiệm. Tôi cũng không háo hức lắm với tiện nghi nên chẳng phải tiêu nhiều. Áp lực về tiền chỉ đến khi làm phim thôi, còn kiếm đủ sống thì sao phải quá nhọc nhằn.

Khi nào anh chợt biết, mình đã chọn đúng điện ảnh và khi nào anh thấy mình cười mỉm, rằng điện ảnh cũng đã biết chọn anh?

Tôi không cười mà khóc. Hai năm trước đây thôi, trong một phòng chiếu nhỏ tại Paris, khi tôi cùng với quay phim Phạm Quang Minh và các chuyên gia âm thanh, in tráng người Pháp kiểm tra lại bản in cuối “Bi, đừng sợ!” trước khi in hàng loạt. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi khóc được với phim này.

Dành cho diễn viên Đỗ Thị Hải Yến một vai quan trọng, vì thế anh đã phải quyết định viết lại kịch bản… Lý do gì cho sự thay đổi này?

Tôi muốn một gương mặt đẹp và có những nét tương đồng với nhân vật nam chính trong phim. Yến thì còn hơn thế và nổi tiếng nữa. Sẽ rất hay cho phim. Một lí do nữa, phim này là một phiên bản khác của “Chơi vơi”, và Yến sẽ là một sự nối kết làm tôi thích thú.

Đạo diễn Trần Anh Hùng có nói “những người làm phim nghệ thuật đôi khi mắc nợ người làm phim thương mại bởi họ chính là người tạo ra khán giả”, còn anh thì sao?

Tôi thì thấy mắc nợ nhà đầu tư của mình chừng nào chưa hoàn được tiền cho họ.

Anh sống một mình, cũng không có ý định lấy vợ và nhiều lần nói rằng lựa chọn có một đứa con không nằm trong suy nghĩ của anh. Tại sao?

Tôi đôi khi cũng nói ra những câu mà tôi không dám chắc đấy.

Bài Hạnh Duyên
Nhiếp ảnh Trọng Tùng
Stylist NICK D.

Thực hiện: depweb

08/03/2012, 11:33