“Trớ trêu” thế nào, tôi lại hẹn Di vào một ngày Hà Nội mưa, lúc Di vừa đóng máy “Sài Gòn nắng” (tên khác: “Cha và con và…“). Hà Nội với Di, từng lãng đãng “chơi vơi” là thế, vậy mà giờ đã kịp là “đất khách”, vì anh đã chính thức “Nam tiến” độ non một năm nay, và đã kịp “lấy lòng” đất mới bằng bộ phim mới. Chưa xong khâu hậu kỳ, đã nhấp nhổm trình làng một dự án khác. Lần này, vẻ như, quyết “đẻ dày”.
Đàn ông U40 thường nghi ngờ, đàn ông U50 thường… tiếc
– Điều gì đã khiến anh trở nên sốt sắng đến vậy? Lúc trước trông anh làm phim thong thả lắm mà?
– Tôi chắc mình không còn quá trẻ để tiêu tốn từ 4-5 năm cho một dự án phim, nếu như không có kế hoạch gối đầu. Kiếm tiền cho phim mất thời gian lắm, mà cơ hội thì đếm trên đầu ngón tay. Nên vừa đóng máy “Sài Gòn nắng”, tôi đã phải ra Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ kịch bản cho dự án phim mới này. Tên của nó là “Tiệc trăng tròn”. “Tiệc” sẽ được bày tại LHP Busan vào tháng 10 này, cùng 29 dự án phim khác từ khắp thế giới được mời trong khuôn khổ của Asian Project Market – nơi các nhà đầu tư và các quỹ tài trợ sẽ đến, sẽ xem xét và quyết định rót tiền vào dự án nào. Nói chung là đường còn dài, còn chông gai và “sân trước” còn chưa thấy “một nhành mai” nào cả (cười).
– Một bộ phim về Hà Nội chăng?
– Phim này sẽ quay chủ yếu tại Hà Nội, với các diễn viên rất giỏi mà nay tôi mới có dịp được làm việc cùng. “Tiệc trăng tròn” là bữa tiệc đoàn viên của những người bạn cùng lớp nay đã U50. Có tiệc ắt phải có rượu. Thế rồi “rượu vào, lời ra”, thôi thì tầm này, ở đây, bí mật bí miếc nói quách ra cho rồi, giữ trong người mà làm gì! Nói ra rồi mới biết, đời hóa ra cũng chả mấy anh được yên thân. Dù có chuyện thoạt nghe rất buồn cười. Có anh “đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở”, lại có anh “đời rất niềm nở nhưng vẫn thấy… dở”, vì giàu có, thành đạt là một chuyện, còn mấy chuyện tình cảm yêu đương, nó lại là một lẽ khác, không cứ thế này là sẽ được thế kia… Nói chung là còn mệt chán!
– Nghe chừng là phải “sống gấp” đấy nhỉ, may ra thì kịp?
– Cái đấy thì cũng còn tùy. Nhưng nhìn chung, nếu như đàn ông U40 thường bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về mình, sự nghiệp của mình, con đường của mình…, thì đàn ông U50 lại thường bắt đầu thấy tiếc, và lúc này có thể không phải là sự nghiệp nữa mà là một tình yêu nào đó từng đánh mất của mình. Cứ bảo tuổi xuân của đàn ông dài, nhưng thực ra, 20, thậm chí 30 năm đầu đời của họ cũng trôi qua rất nhanh, cho đến khi sự nghiệp được coi là tạm ổn, thì cũng chính là lúc họ chợt cảm thấy mình bất ổn. Họ bỗng thấy thiếu một cái gì đó, một tiếng nói chung với ai đó, hay đôi khi, là với xã hội. Sau hành trình mệt nhoài theo đuổi những thứ mà đàn ông thường được cho là phải nắm giữ được nó: vật chất, quyền lực…, đôi lúc họ không khỏi hoang mang chứng kiến sự không còn thanh xuân về cơ thể, lẫn tâm hồn của họ…
– Ô hay, ra là đàn ông các anh cũng có mấy nỗi sợ “tầm thường” và “tầm phào” đến thế sao?
– Không hẳn sợ. Mà đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy thôi, và không thể không thừa nhận. Khác chăng là cùng một phát hiện ấy, đàn bà thì vội chạy đi bôi kem chống nhăn, còn đàn ông thì vẫn tiếp tục rủ nhau đi nhậu, bất chấp bụng bia, vậy thôi!
– “Tiệc trăng tròn”, tưởng là vui, hóa ra cũng… buồn nhỉ?
– Thì như người ta vẫn nói, mỗi độ trăng tròn cũng thường là dịp ma quỷ rủ nhau tề tựu nơi dương thế. Và trong mỗi gã đàn ông bên bàn nhậu, cũng bất chợt có một con quỷ xồ ra, xô hết bí mật bấy lâu chôn chặt của họ ra ngoài, khiến họ nói gì cũng như đúng rồi, không sao đỡ nổi. Một đời người cũng thế thôi, mọi kế hoạch, kể cả là hoàn hảo nhất luôn có thể bị một con quỷ số phận chực chờ trong bóng tối, sẵn sàng phá hủy và làm đảo lộn hết tất cả.
– “Khi tôi 20”, “Chơi vơi”, “Bi đừng sợ” “Cha và con và…” và giờ là “Tiệc trăng tròn” – Rõ là anh định phủ sóng từng giai đoạn sống của một đời người đấy nhỉ?
– Đúng là thế đấy! Thế nên, tôi gần như dám chắc tầm 10, 15 năm nữa, nếu còn làm phim, tôi sẽ làm một phim về những người trong “Tiệc trăng tròn” hôm nay, đã về già và đang học cách nói chuyện với con cháu hay chính người bạn đời đầu gối tay ấp của họ…
Say thì ối lần, nhưng quyết không phải là một tên nát rượu!
– Có chuyện: Một ông bố gọi cho con, báo hung tin việc bố đã quyết định ly dị mẹ. Đứa con thắc mắc: Bố đã sống với mẹ được ngần ấy năm, giờ còn sống được bao nhiêu lâu nữa mà còn? Và ông bố trả lời: Đấy, thì chính bởi thế mà mới càng không thể chần chừ. Nào, anh thấy ai có lý?
– Cái lý của sự ích kỷ, thì có bao giờ là không… có lý! Có điều, kể mà rốt ráo được thì nên rốt ráo ngay từ đầu. Tốt nhất là nên đưa ra những quyết định đúng thời điểm. Đàn ông, lại càng cần phải biết dứt khoát và lựa chọn thời điểm thích hợp. Như thế, vừa đỡ thiệt cho mình, mà cũng đỡ làm khổ người khác, khi mọi sự với mỗi người chưa quá muộn. Ngay như chuyện làm phim của tôi cũng vậy thôi. Tôi không thể đến năm 50 tuổi mới nổi hứng đi làm phim được, vì nó cần một quá trình dài chuẩn bị, trong đó có cả chuyện “giơ đầu chịu báng”. Rộng ra, một xã hội, nếu mà đưa ra được những quyết sách dứt khoát, đúng thời điểm, thì chắc chắn cũng sẽ bớt lùng nhùng rối rắm hơn vậy.
– Anh chả vừa bảo: Mọi kế hoạch hoàn hảo luôn có thể bị một con quỷ nhảy xổ ra là gì?
– À, thì đã đành! Là cứ phải nhắc nhở nhau thế, để cho con người ta tỉnh táo, và khi chẳng nhỡ may mà xảy ra chuyện, thì cũng đỡ bất ngờ, dáo dác, có phải hơn không?
– Anh quyết “Nam tiến”, có phải cũng vì để sống “rốt ráo” hơn, thay vì chôn chân mãi ở một mảnh đất tù túng, chật hẹp, một năm mất đến mấy tháng “ngủ đông” và rất dễ ươn người?
– Ô, phàm đã là người thì cũng có lúc phải ươn, chứ lúc nào cũng phừng phừng có mà chết à? Ngủ đông cũng có cái hay của nó chứ, kể cả đờ đẫn cũng hay. Nhiều lúc mong đờ đẫn mà chả được ấy chứ! (cười phá lên). Sài Gòn, nói thế thôi, sôi động thì sôi động thật đấy, nhưng không mấy hợp với những người làm công việc sáng tạo. Cái sự ổn định, đều đều, trong cách một ngày nắng là nắng, mưa là mưa của nó thường khiến mình cảm thấy mình như là người của công sở hơn là một người làm sáng tạo. Hà Nội khác, có hôm mở cửa ra mới biết là có nắng, hay ngược lại, đang mưa, hay tưởng nóng, lại lạnh; tưởng khô, lại ướt… – cái sự đỏng đảnh, thất thường ấy nó khiến đầu óc mình cũng trở nên linh hoạt theo. Công việc sáng tạo cũng thế, sốt sắng quá không được, mà bình tĩnh quá cũng không được. Nên đôi lúc, tự dưng là, mình cũng muốn được nôn nao theo thời tiết, may ra thì túm được một cơn điên rồ nào đó, và nghĩ ra được một cái gì đó quái quái…
– Có câu: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa/Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Vậy mà cái kẻ từng bước chân lên thảm đỏ Cannes này nghe nói từng không ít lần vứt xe, thậm chí, quăng thân ngoài đường vì… quá chén?
– Ừ thì cũng phải say chứ! Biết làm sao, khi mình tự dưng thuộc về cuộc sống đó, từ thời còn trẻ. Cũng may bên cạnh những lúc say sưa, mình cũng là một gã chịu đọc, chịu nghĩ, và có một sự quan tâm tự nhiên với những tác phẩm thuộc về đỉnh cao, cả trong văn chương lẫn điện ảnh. Những cái đó dần dần nó thấm vào mình, như rượu, cho mình một nhãn quan, một sự bất cần nhất định để tưởng tượng và sáng tạo. Và cũng như rượu, những thứ này, đều có giá trị cả đấy, nếu nó… đi vào đúng người, ở đúng thời điểm. Nhưng nó cũng có tác dụng phụ. Với rượu, nó là trạng thái bỗ bã, lắm lời. Còn với sáng tạo, khi đã biết cái gì là giá trị, mình sẽ rất dễ trầm cảm nếu sáng tạo của mình chưa tới, mình không tự lừa mình được. Nói chung bỗ bã với rượu một chút cũng không sao. Nhưng với sáng tạo thì tuyệt đối không được, và vì thế nhiều khi nó làm mình rất căng.
– Tóm lại, đâu là gạch nối giữa hai gã say này?
– Gạch nối, là sự hết mình và… say bét nhè. Đã vui là phải say, không có chuyện lịch sự nửa vời, không sợ gan hỏng, cũng không cả chuyện giữ hình ảnh. Theo đuổi một dự án làm phim cũng vậy, phải đi đến tận cùng. Khi mình đã có khả năng… vứt xe nằm ngủ bên đường kệ thây sự đời thì mình cũng có thể đồng thời là một người không ngại khó, không sĩ diện hão khi tìm từng chút cơ hội làm phim và quyết theo đuổi bằng được dự án của mình. Tôi không chịu được trạng thái phải sống căng thẳng vì cầm chừng. Được cái, thực ra, tôi không hề là một tên nát rượu, nghiện rượu, vì tôi không uống hàng ngày, tôi thậm chí có thể suốt vài tháng không hề nhấp một ngụm rượu nếu thời gian đó bận đi phim, không có lúc nào sểnh ra mà đi gặp và bù khú với bạn bè.
– Nghe đồn, có lần bên bàn nhậu, anh từng bị mấy thằng bạn thân nhất chỉ vào mặt bảo: “Xem phim của ông, tôi… éo hiểu gì!”. Cảm giác của anh lúc đấy thế nào?
– Một khi đã say thì làm gì còn cảm giác (cười). Dù thực ra, đến câu đấy là ngay lập tức tỉnh như sáo. Cũng có chút buồn. Và kể mà có lúc nào đấy rảnh, cũng muốn tìm cách tống cổ “bọn khốn” đấy vào một cái lớp học cấp tốc về phim ảnh, để giảng cho chúng nó hiểu bằng được thế nào là phim ảnh mới thôi. Chỉ sợ là chúng nó cũng không chịu học và có khi càng học càng… không hiểu. Mà thôi, bạn mình nó chán phim mình cũng được, miễn là vì tình thân, khi phim mình ra chúng nó vẫn chịu khó mua vé đi xem, coi như mình cũng lừa được bọn nó một “vố” vậy!
– Lạy Chúa, đi về đâu được chứ, một nền nghệ thuật phải… chú thích?
– Không sao cả, miễn sao khán giả có nhu cầu! Nghệ thuật nhiều khi cũng là khúc xương khó nhằn, cũng cần phải giải thích để nó mềm ra một chút!
Yến trông vậy mà không hề phù phiếm!
– Thêm lần nữa, anh lại đồng hành với Đỗ Thị Hải Yến. Tới giờ này, gọi cô ấy là “nàng thơ” của anh được chưa?
– Bây giờ tôi mà gọi Yến là “Nàng thơ” chắc Yến sẽ cười khanh khách đấy! Quen biết Yến đã lâu, tôi chỉ thấy rằng Yến thực sự là một người phụ nữ đáng kể trong cách cô ấy vượt qua mọi chuyện. Trông thế thôi, nhưng Yến không hề phù phiếm nhé! Càng không lơ đãng. Trong khi đàn ông có thể chạy theo những cái tầm phào thì từ trong sâu xa, kiểu phụ nữ như Yến dường như lại có một niềm tin rất mạnh vào những giá trị căn bản. Cái hay nhất ở Yến là điều gì cô ấy tin, cô ấy sẵn lòng cam kết. Hẳn hoi là một cam kết. Cam kết đến tận cùng. Đã nói là làm. Cái đấy, nó hay lắm!
– Làm nghệ thuật, ai chả muốn cam kết. Có điều, cơm áo nó có đùa không đã! “Nàng thơ” của anh thì đấy, ơn giời, đang mát số…
– Cũng chẳng hẳn. Con người ta, biết thế nào là đủ. Đây cũng không phải chuyện đủ đầy đến mức nào đó để có thể cam kết, vì khối người đủ đầy hơn thế mà họ có buồn cam kết đâu. Rất ít người dám đi những bước chậm mà chắc, biết lui vào khi thấy mình không thích hợp. Những cái đó, tôi cho là nó thuộc về gu của từng người, trước khi là chuyện đủ đầy đến đâu.
– Thời điểm “phải lòng”, chính xác là khi nào?
– Là khi tôi xem Yến trong “Chuyện của Pao”, vai diễn đẹp nhất cho đến giờ của Yến, và rất đáng kể về mặt xi-nê, rất đáng tự hào của Yến, theo như tôi cảm thấy. Tôi thấy cô ấy thật là vừa vặn với bối cảnh xung quanh: cái nắng vàng như mật, đồng cải, cái khăn cô ấy choàng, cách cô ấy ngước lên, nước da người con gái đang yêu ánh lên cái mơn mởn của một người trẻ chưa phải trải qua sự căng thẳng trong đời sống… Một vẻ đẹp rất khó lặp lại với ngay cả chính người sở hữu nó!
– Cái đấy thì rõ rồi, bộ phim của tình yêu, lại đúng lúc đang tràn đầy háo hức với nghệ thuật!
– Ôi, Yến bao giờ chả háo hức với nghệ thuật! Háo hức đến mức nhiều lúc trông rất buồn cười. Cái đó, nó rất là duyên nhé!
– Trong “Sài Gòn nắng”, Yến thế nào?
– Vai của Yến lần này có cái khó: không có gì là cao trào, kịch tính, để có thể diễn mạnh tay. Nhưng cũng nhờ vậy mà thêm lần nữa, Yến lại phát huy sở trường là lối diễn tưng tửng, thanh thoát.
– Đâu là lý do chính khiến anh luôn muốn đồng hành?
– Đúng, nhưng điều hay nhất ở Yến, có lẽ là sự âu yếm với nghề. Mỗi lần đến trường quay, cô ấy mang theo cả một luồng năng lượng nhẹ nhõm, trong mỗi dáng điệu cô ấy ngồi hóa trang, chờ đến cảnh quay hay trò chuyện với các thành viên trong đoàn. Cái văn hóa làm phim, cái duyên trường quay ở Yến rất lôi cuốn. Cô ấy vừa có thể dồn hết tâm lực, không phân tâm, lại vừa luôn đủ thời gian, tâm trí dành cho mọi người trong đoàn, truyền được cái vui thơ trẻ ấy sang cho họ và làm họ cảm thấy được vui lây. Cái đấy, tôi không cho là thái độ nữa, đó hẳn phải là một thứ năng lượng, sinh khí, được tỏa ra một cách rất duyên, rất tự nhiên…
– Một con chim chích? Vậy nhưng, đã bao giờ anh nghĩ, nếu như anh cần ở Yến một cái sải cánh của một con đại bàng, để có được những nét diễn sắc bén hơn, thì liệu có thể?
Phan Đăng Di và Đỗ Thị Hải Yến thực ra chỉ mới cộng tác với nhau trong dự án đầu tiên vừa đóng máy có tên “Sài Gòn nắng” (tên cũ “Cha và con và…”), nhưng có cảm giác họ đã là tri kỷ từ lâu, dù hỏi Yến có phải là nàng thơ của Di không thì cả hai đều phá lên cười. Để nhận xét về Yến, Di bảo, “Trông Yến thế mà không phù phiếm”. Để nói về Di, Yến nhận xét, “Di là đạo diễn mơ mộng, nhưng ngồi yên một chỗ, nên rất… béo”. Cây bút phỏng vấn hàng đầu Thư Quỳnh đã đối thoại với họ từ Sài Gòn đến Hà Nội để mang đến cho độc giả hai chân dung không mới nhưng rất lạ, nhất là khi họ nói về nhau…
Bài liên quan
– Đỗ Thị Hải Yến: “Di gúp tôi vượt qua nỗi sợ”
– Tôi chưa hình dung ra là có lúc nào đó mình lại cần một phụ nữ uy lực trong phim của mình. Nhưng tôi cũng không nghĩ, trong diễn xuất, đó lại là cái dở của Yến. Diễn xuất là thứ không ai có thể nói trước được. Tôi chưa thử (cái đó phải cho đạo diễn thử đã nhé!) nhưng tôi tin là nếu cần, Yến cũng sẽ làm được. Có điều, đến giờ này, tôi chưa thấy có lý do gì để không bằng lòng về cách cô ấy đi qua phim một cách nhẹ nhàng như thế, mà quyết không phải nhẹ hều.
– “Đi qua phim” – Đấy, thực ra tôi cũng có cảm giác đấy, khi xem Yến diễn, nên đôi lúc hơi bối rối trong đánh giá. Tôi tưởng, diễn viên là phải đi… vào phim?
– Cũng có thể Yến không hợp với một cái gì đó phải diễn quá. Yến có lẽ chỉ nên dừng lại ở đó, cứ nhè nhẹ như thế, và thế thôi cũng đã đủ khiến người ta bối rối. Chả mấy ai có được đôi mắt khói mơ màng như đang ở trên mây thế đâu mà, tội gì không thoải mái với nó. Cái đấy là giời cho, không cố mà được đâu! Và điện ảnh nhiều khi cần cái hơi thở nhè nhẹ ấy, để khơi gợi cao nhất trí tưởng tượng của người xem.
– Nếu để phân biệt các vai trước giờ của Yến bằng những mảng màu, anh sẽ chọn màu gì?
– Phượng (Người Mỹ trầm lặng): tím nhạt. Pao (Chuyện của Pao): màu vàng mọng của nắng. Sương (Cánh đồng bất tận): ghi xám. Vân (Sài Gòn nắng): Chịu! Có phải màu mây không nhỉ? Màu trắng? Cũng không hẳn! Tím thì đúng hơn, tím đậm ấy, nhưng lại không phải là tím lịm…
– Còn màu gì anh muốn phết lên cô ấy nữa không?
– Màu đen chăng? Và là đen óng ánh ấy, kiểu như son môi hay sơn móng tay vậy.
– Trong hội họa, hình như màu đen được coi là không màu thì phải?
– Ừ, thế mới hay chứ nhỉ?’
Text: Thu Quynh
Photo: Tuan.Fr
Producer: Dinh Nguyen
Stylist: Julie
Assistant: Ly Binh Son
Make up: Tung Chau
>> Đọc thêm: Nguyễn Hoàng Điệp: “Tôi không tin vào hạnh phúc của phụ nữ”