Phạm Vĩnh Lộc – “Lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai” - Tạp chí Đẹp

Phạm Vĩnh Lộc – “Lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai”

Sống

Từ Tam Quốc đến Sử Việt 

“Khoảng 10 năm về trước, tôi được đọc và mê như điếu đổ bộ truyện lừng danh “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của Trung Quốc đồng thời rất ái mộ hai nhân vật Quan Công cùng Gia Cát Khổng Minh. Tác phẩm hấp dẫn đến độ tôi đọc đi đọc lại 3 lần, không những vậy còn tìm những cuốn bình giảng và sử liệu về thời đại này.

vinhloc_do-2

Cũng vì “cuồng” tác phẩm dã sử “bảy phần thực ba phần hư” hoành tráng này mà tôi tự đặt câu hỏi: “Liệu Sử Việt có được hấp dẫn như thế này không?” Thế rồi tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu lịch sử nước nhà, từ những cuốn sách lịch sử chỉ vỏn vẹn trên dưới trăm trang cho đến cả những bộ sách lịch sử hoành tráng. Càng đọc nhiều tôi càng tự hào hơn về quá khứ lẫy lừng của cha ông khi ở giai đoạn nào cũng đều không thiếu những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn và hấp dẫn. Từ đây, tôi bắt đầu có mong muốn chia sẻ tinh túy của Sử Việt đến bạn bè của mình, hiển nhiên không phải đưa cho họ một cuốn sách dầy cộm mà là bằng chính những câu chữ của mình.

Để tạo sự khác biệt so với các bạn viết lịch sử khác, tôi chọn cách “Vừa đi vừa kể chuyện”. Ý tưởng này xuất phát từ cụ Lê Quý Đôn. Sau khi họ Trịnh chiếm lấy kinh đô Phú Xuân của họ Nguyễn, Lê Quý Đôn được cử tới làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa. Trong 6 tháng làm quan ở đấy, nhà bác học đã đi quan sát rồi chép lại những điều mắt thấy tai nghe cũng như lịch sử hình thành xứ Đàng Trong từ thế kỷ XVIII trở về trước. Tập bút ký gồm 8 quyển có tên là “Phủ Biên Tạp Lục”.

vinh_locdo-682x1024
“Tôi thường suy nghĩ theo cảm tính nhưng từ khi đọc sử một cách nghiêm túc thì tư duy trở nên logic hơn.”

Viết sách sử như làm xiếc thăng bằng trên dây

“Vài năm trở lại đây, nhiều cá nhân và nhóm các bạn trẻ yêu thích Sử Việt đã cho ra mắt rất nhiều cuốn sách có chất lượng về cả hình thức lẫn nội dung. Việc viết sách Sử tại thời điểm này không nhất thiết bạn phải là học giả hay giáo sư có chuyên môn.

Có cầu ắt sẽ có cung. Mỗi loại hình văn hoá đều sẽ có những độc giả khác nhau. Chính tai tôi từng nghe rất nhiều ý kiến về chuyện người ta chán ghét lịch sử ra sao bởi vì… khó đọc quá. Huống hồ những cuốn đồ sộ như “Đại Việt sử ký toàn thư” (Ngô Sĩ Liên) hay “Đại Nam thực lục” (nhiều tác giả) đủ sức đánh gục những “tay mơ” trong vài phút. Ngay cả những cuốn được cho là dễ như “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20” (Lê Thành Khôi) hoặc “Việt Nam sử lược” (Trần Trọng Kim) cũng rất kén người đọc. Thành thử, cần phải có một thị trường sách lịch sử dành riêng cho giới trẻ và những người “nhập môn”, càng đơn giản, cách viết lôi cuốn thì càng tốt.

Nhưng không phải vì đơn giản mà ta lại dễ dãi với những điều mình viết. Nhất là với sử liệu, loại sách cần sự chính xác dữ kiện về không gian, thời gian, về con người. Do đó viết về Sử cần tham khảo, đối chiếu nhiều tư liệu trong nước lẫn nước ngoài.

Hai yếu tố làm nên một cuốn sách sử có giá trị là: chính xác về dữ kiện và phong cách viết hấp dẫn. Tôi cho rằng cả hai đều quan trọng như nhau và tác giả phải biết cân bằng. Nếu quá thiên về số liệu và dữ kiện thì vô cùng khô khan. Ngược lại, nếu sa đà vào việc phóng tác sẽ thành tiểu thuyết dã sử. Làm được việc này cũng khó như làm xiếc thăng bằng trên dây, nếu không khéo sẽ ngã dập mặt trước độc giả. Do vậy người ta sẽ chọn cách an toàn, một là viết nghiên cứu hẳn, hai là sáng tác truyện.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao lối viết của sử gia Trần Trọng Kim với “Việt Nam Sử Lược”. Giọng văn như kể chuyện, vừa gần gũi thân tình, lại cung cấp đủ thông tin cần thiết cho người đọc”.

vinhloc_do-3

Q&A
-Lịch sử đối với anh là?
Những bài học đắt giá cho tương lai-Nhân vật lịch sử yêu thích?
Gia Long và Quang Trung hoàng đế.

-Giai thoại lịch sử yêu thích?
Gia Long phục quốc

-Muốn quay về thời điểm nào trong lịch sử?
Hồng Đức thịnh thế, Mạc Thái Tông, hoặc thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

-Nhân vật nữ lịch sử yêu thích?
Tống Phúc Lan, chính thê của Nguyễn Phúc Ánh

-Cuốn sách lịch sử thường đọc?
Việt Nam Sử Lược, Vua Gia Long và người Pháp.

-Thích được kể cho người khác nghe triều đại hoặc nhân vật lịch sử nào?
Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn – Chúa Nguyễn.

-Người mong muốn được gặp để cùng bàn luận về lịch sử?
Học giả Nguyễn Duy Chính, nhà biên khảo Thụy Khuê, sử gia Tạ Chí Đại Trường, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

-Địa điểm, di tích lịch sử nào thú vị nhất ở Việt Nam?
Cố đô Huế

-Ngoài Việt Nam, thích tìm hiểu lịch sử nơi nào?
Không cụ thể một nước nào. Có thể hôm nay tìm hiểu người Đột Quyết, hôm sau lại chuyển sang đế quốc Timurid…

-Nếu là đạo diễn sẽ chọn giai đoạn lịch sử nào để làm phim?
Tây Sơn – Chúa Nguyễn, giai đoạn ly kỳ số một của lịch sử Việt Nam.

-Đam mê gì khác ngoài Sử?
Chơi game, tập xà đơn, nấu ăn và sưu tầm sách hiếm.

-Dự án sắp tới?
Hợp tác với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sau khi anh tu nghiệp khóa học làm phim lịch sử ở Trung Quốc.

Danh mục bài viết trong chuyên đề Men & History:

Dũng Phan – Tay ngang viết SửTrần Văn Đại Lợi – Mong ước về một thế hệ trẻ yêu Sử nhà

Phan Khắc Huy – Lan tỏa tình yêu Sử Việt

Hình hài đất nước bao trùm màn ảnh rộng

Tóc xanh chấp bút Sử nhà

Thực hiện: depweb

18/09/2017, 07:00