Phạm Quốc Dũng: Cháy hết mình đến tận than đen!

Chiến dịch “Chúng ta là chiến binh!” của Đẹp khởi xướng đã và đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đẹp rất vui mừng, vì mỗi ngày lại nhận thêm những câu chuyện sẻ chia của bạn đọc gửi về tòa soạn. Đẹp xin lần lượt trích đăng từng câu chuyện về những chiến binh quả cảm ấy.

Đẹp mong bạn đọc viết về những chiến binh bạn gặp, bạn chứng kiến và cảm phục trong cuộc sống. Hoặc, bạn chỉ cần nhấn nút chia sẻ những bài viết trong dự án này. Như vậy bạn đã góp phần nhân lên tinh thần chiến binh đẹp đẽ, từ đó góp thêm một tiếng nói ủng hộ hàng triệu người đang phải đối diện với cuộc chiến chống lại những căn bệnh hiểm nghèo.

Xin trân trọng cảm ơn bạn!
Bài và ảnh xin gửi về địa chỉ email: toasoan@dep.com.vn

Lần cuối cùng gặp gã (xin phép được gọi anh là gã, như anh vẫn thường tự gọi mình), là vào một ngày mùa đông mưa lạnh, gã nằm một mình không có ai bên cạnh ở Bệnh viện Ung bướu tỉnh Nghệ An. Không còn là chàng trai cao to như ngày nào, gã lúc này gầy gò và hốc hác.

Nhưng có một thứ về gã chẳng bao giờ tôi có thể quên được – đó là nụ cười. Sau một năm trời chống chọi với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, nụ cười gã vẫn tỏa sáng đến lạ kỳ.

Biết mình mắc ung thư gan giai đoạn cuối lúc đang lo lắng chạy chữa ung thư cổ tử cung cho mẹ và kiếm tiền lo cho cha và em trai ốm nặng, gã sốc. Cùng một lúc, cả nhà gã đổ bệnh như một tai ương. Ai cũng lo lắng gã sẽ suy sụp. Thế nhưng, mọi người đã lo thừa. Bởi vì sau cú sốc, gã đã lấy lại tinh thần, vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm sóc bản thân. Gã bảo, bây giờ mà gã ngã thì ai đứng dậy, ai sẽ chăm sóc mẹ, ai sẽ lo cho bố và em. Gã còn vợ nữa chứ.

 

Bác sĩ chẩn đoán gã chỉ còn 6 tháng. “Nhưng bác sĩ đã nhầm, hai đứa thấy đấy, anh đã chiến đấu gần một năm trời rồi và thần chết vẫn chưa thể đưa anh đi”, gã đã nói với vợ chồng tôi như thế trong lần gặp cuối ấy. Gã thường tự gọi mình là gã mục đồng nghèo thích du ca. Quả thật, gã đã được du và cũng đã được ca những bài ca của riêng mình.

Vài lần gặp gỡ trong quá trình điều trị, gã đã kể về những cơn đau khủng khiếp của mình trong những lần hóa trị, xạ trị, uống thuốc lúc thì đau như bị cạo xương, lúc thì như bị bò đá, đến thở mạnh còn đau nói gì đến ngáp, ho hay hắt xì… Gã cũng kể cho chúng tôi nghe những chuyến đi từ Ninh Thuận, Khánh Hòa rồi về Nghệ An, chạy ra Hà Nội chữa chạy theo lời mách bảo của mọi người. Cứ nghe tin ở đâu có người chữa trị được là gã tới, kể cả chỉ có một mình, gã vẫn không ngại rong ruổi. Trên quãng đường đi ấy, có những lần gã gần như không đứng vững bởi những cơn đau hành hạ nhưng tuyệt nhiên không hề thấy gã có lời nào oán thán số phận. Gã coi những chuyến đi chữa trị là những chuyến trải nghiệm, để biết thêm, hiểu thêm. Và dù có nói về bệnh của mình, gã cũng đều hướng người khác về những suy nghĩ tích cực và lạc quan.

Dạo ấy, gã thường xuyên cập nhật và thông báo với anh em, bè bạn tình hình của mình qua facebook. Gã thường viết về niềm vui hơn là nỗi buồn, niềm vui được gặp người bạn cũ, niềm vui mua được thuốc mới hay niềm vui khi nhận được quà. Bất cứ lúc nào cảm thấy đỡ, gã lại hò hẹn bạn bè, gã vẫn nhiệt tình, hệt như dạo còn khỏe mạnh. Tôi nhớ, trong một lần ra Hà Nội chữa trị, hơn 11 giờ đêm, gã vẫn còn cố gắng qua để thăm vợ chồng tôi ở nhà trọ và không quên mang quà cho con gái tôi. Gã thậm chí còn thường gửi cho chồng tôi những bài hát yêu thích để cùng nhau thưởng thức và chia sẻ.

Bệnh tật đã có thể làm cơ thể gã hao gầy từng ngày, nhưng tâm hồn gã vẫn lãng mạn lắm. 14/2 cuối cùng, gã vẫn còn viết thư tình cho vợ. Bức thư đong đầy yêu thương và sự dằn vặt mà ai đọc cũng phải ứa nước mắt.

Tôi cũng nhớ, gã đã đi xăm – hình xăm con nhện mà gã gọi là “góa phụ đen”, xăm chỉ vì gã thích.

Tôi tin rằng, gã đã làm rất nhiều điều gã thích và sống trọn vẹn từng giây phút trong quãng đời ngắn ngủi của mình.

Tháng 3/2013, mẹ gã ra đi. Gã không những đã không gục ngã mà còn là chỗ dựa tinh thần cho gia đình. Một tháng sau, biết mình khó lòng trụ lại, gã gửi lời tạm biệt mọi người.

Gã đã chiến đấu quả cảm tới tận hơi thở cuối cùng như chính gã từng viết “dù chập chờn vẫn cháy hết mình đến tận than đen”. Và tôi biết rằng, những giây phút cuối cuộc đời gã, gã vẫn mỉm cười, vẫn yêu đời, yêu người tha thiết và vẫn hát những bài du ca.

Cho đến bây giờ, đã gần 2 năm kể từ ngày gã ra đi, thỉnh thoảng, những người em, người bạn và vợ gã vẫn vào facebook của gã để chia sẻ, để tâm sự. Thật kỳ lạ, gã mục đồng ấy, đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều người, bất kể lúc nào.

Trong những ngày cuối năm, khi Đẹp thực hiện chuyên đề “Chúng ta là chiến binh!”, người đầu tiên tôi nhớ đến là gã, gã là một chiến binh thực thụ. Xin được trích một đoạn trong bài hát “Đời cho ta thế” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà gã rất thích để kết thúc những dòng suy tư về gã.

“Đời cho ta thế cứ hãy cất bước đi mọi nơi
Gặp nhau trong phố xin yêu không nguôi những thân người
Đời cho ta thế cứ hãy sống tới như mọi ai
Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi…” (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Gã tên Phạm Quốc Dũng, sinh năm 1980

Gã từng là đồng nghiệp của chúng tôi – nhân viên phòng sales tại Le Media trong 2 năm. Gã từng bị đau rất nhiều lần nhưng vẫn cố chịu đựng trước khi phát hiện mình ung thư gan giai đoạn cuối tháng 6/2012 và đã kiên cường chiến đấu tới 4/2013.

Mẹ gã là cô giáo trường tiểu học Lê Lợi, Tp.Vinh, bị ung thư cổ tử cung mất 3/2013, trước gã 1 tháng.

Bố gã là Phạm Văn Mười, bị u tinh hoàn. Em trai là Phạm Thanh Phương bị bệnh tim hiện đã mất. Hiện bác Mười đang sống trong một căn nhà nhỏ ở thành phố Vinh (Nghệ An).


From the same category