Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ cũng chia sẻ về thí sinh đặc biệt Mai Ngô: “Mai Ngô có muốn người khác nhìn thấy bản thân bạn ấy ở quá khứ với sự bất cần, ngông cuồng hay muốn người khác nhìn thấy ở mình sự chững chạc, tinh tế, tất cả đều tùy thuộc ở bạn ấy”.
Tôi chưa bao giờ có giúp việc trong nhà
– Gia đình là nơi bắt đầu và nó ảnh hưởng tiên quyết đến mỗi người. Với chị thì sao?
– Ông nội tôi làm thuyền lưới, bố ra đời, nối gót theo truyền thống gia đình. Còn mẹ làm công việc bán cá. Bố mẹ tôi gặp nhau trong hoàn cảnh như thế và trở thành vợ chồng. Gia đình tôi sống bằng nghề chài lưới, cho đến khi làng chài ô nhiễm bố mẹ mới dừng, mẹ đi học rồi chuyển làm công tác bảo hiểm.
Tôi chưa bao giờ tự ti về quá khứ của mình, ngược lại luôn cảm ơn sự nhọc nhằn trong cuộc sống đã tôi luyện bản thân thành một cô gái không dễ nản lòng. Tôi luôn trân trọng mọi thành quả trong cuộc sống và nghiêm túc với mỗi giai đoạn và lựa chọn của mình. Sau khi hoàn thành đại học ở Hà Nội tôi mới vào Sài Gòn và bắt đầu nghĩ đến hướng đi mới cho mình.
– Đổi những nhọc nhằn lấy vương miện – một cú rẽ ngoạn mục, chị có thấy thế?
– Tôi vẫn nhớ giây phút đăng quang mình cảm nhận thật rõ từng thất bại đã qua, từng nỗ lực đã qua đã giúp bản thân chạm tới niềm hạnh phúc này. Nhiều người chiến thắng ngay ở cuộc thi đầu tiên trong đời, còn tôi đã có những thất bại tưởng như sau đó có thể từ bỏ tất cả. Nhưng rồi tôi đã đứng dậy, vực lại tâm trí, quyết thay đổi hình tượng và đã làm được. Vì thế niềm sung sướng của tôi không đến vì ai đó bên cạnh cho mình câu nói “cô ấy xứng đáng” mà tôi thực sự hạnh phúc khi buộc mọi người phải công nhận nỗ lực ấy.
Đến nay tôi không sống dựa vào scandal hay những tin đồn. Sức hút tôi tạo ra từ chính sự tinh tế của mình trước truyền thông và sự nỗ lực của bản thân.
Tất nhiên đôi khi tôi ích kỷ đặt chiếc vương miện của mình cao hơn mọi thứ, ích kỷ vì cho rằng tuổi trẻ mình cần tận hưởng nên đã dành nhiều thời gian chăm sóc nó mà quên đi việc quan tâm hơn đến người thân, gia đình. Cho đến khi cha ra đi (bố Phạm Hương mới mất được 49 ngày – PV) tôi mới hiểu có những thứ quý giá hơn đó những những khoảnh khắc cùng người thân tận hưởng cuộc sống cùng nhau. Bài học cuộc sống luôn đến vào những lúc bất ngờ.
Tất cả sự trải nghiệm đã qua càng khiến tôi tin vương miện không tạo ra hào quang, chỉ mình mới có thể tạo ra hào quang cho vương miện.
– Nhưng trước hết bạn phải có vương miện đã!
– Nhưng nếu bạn chỉ đội vương miện mà không biết cách làm nó tỏa sáng, hào quang sẽ không bao giờ tìm đến. Còn nếu bạn tạo ra hào quang, người xung quanh sẽ thấy bạn lấp lánh.
– Sự lấp lánh của hào quang hay những món quà nhận được từ nó là sức hút mãnh liệt ở ngôi vị hoa hậu, khiến nhiều cô gái ( bao gồm cả những người đẹp đã thành danh như siêu mẫu, quán quân các cuộc thi lớn) phải nộp hồ sơ thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, theo chị?
– Có lúc tôi đã ngồi và tự hỏi tại sao mình lại có sức ảnh hưởng như vậy, và tại sao mọi người lại quan tâm đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ như vậy. Có lẽ tôi tạo ra tiền lệ trở thành hoa hậu khi đã 24 tuổi, đó là một kỳ tích đấy chứ. Chưa kể, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 đã chọn tôi – một cô gái có đủ trải nghiệm sống trở thành người đăng quang. Thành công ấy của mình đã giúp nhiều người nuôi lại giấc mơ cho bản thân.
– Ngoài ra không thể phủ nhận, hoa hậu là “nghề” hái ra tiền!
– Người nổi tiếng nói chung và hoa hậu nói riêng luôn phải ý thức về hình ảnh của mình, bởi thực tế chúng ta được nhận lương từ công chúng. Vì thế, công chúng có quyền khắt khe trong đòi hỏi về nhân vật họ yêu mến. Từ đó mỗi người như chúng tôi phải luôn tự ý thức để hoàn thiện bản thân. Tôi không căng thẳng về nhận định “hoa hậu là một nghề”, tôi chỉ nhắc nhở bản thân có trách nhiệm với mỗi việc mình làm.
Tuy vậy phải thừa nhận danh hiệu đã mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội để thay đổi cuộc sống, giúp tôi kiếm được tiền từ sự giữ gìn hình ảnh khi trở thành đại sứ của các thương hiệu hoặc đi dự event. Tôi nghĩ hoa hậu là một nghề và nghề đó cũng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để được thăng chức, thăng cấp giống như tất cả các nghề khác. Bạn làm nghề nào cũng phải đầu tư chất xám, công sức và có quyền kiếm được lợi nhuận xứng đáng từ sự đầu tư bạn bỏ ra.
– Và cuộc sống riêng của chị đã thay đổi ra sao sau hào quang?
– Sau hai năm đăng quang tôi chưa bao giờ có giúp việc trong nhà. Bản thân luôn tự làm việc nhà, tự trồng cây, tưới cây, giặt đồ, gấp đồ, lau nhà. Tôi luôn nghĩ dù thế nào thì những giá trị trong con người mình cũng sẽ không thay đổi, dù nhiều thứ xung quanh thay đổi. Chưa kể có những ngày tôi làm việc 22 tiếng nhưng không bao giờ cho rằng mình không còn thời gian cho những sở thích cá nhân.
– Và chị đủ khôn ngoan để chưa từng có thị phi về tình cảm nữa. Hoa hậu “cứng tuổi” quả là lợi hại!
Thực sự đời tư của tôi là trọn vẹn ở công việc. Lần về nhà vừa rồi mẹ bảo tôi: “Năm nay con phải kiếm ai mà yêu đi”. Tôi bảo mẹ: “sau 32 tuổi chưa lấy chồng con sẽ ở vậy”. Cho đến bây giờ, chưa bao giờ tôi dẫn bạn trai về nhà, nếu có bạn tôi đã dẫn về trước khi bố ra đi, để ông không phải buồn chứ. Tôi nói thật.
Muốn công chúng thấy sự ngông cuồng hay tinh tế đều là ở Mai Ngô
– Giờ chị đã ở vị thế của người “làm được và nói được”, nhưng có nhiều cô gái mới đang ở chặng đầu chinh phục giấc mơ. Chị hình dung thế nào về cuộc “chạm trán” tới đây với Mai Ngô ở Hoa hậu Hoàn vũ, khi mà hai người từng có những đụng độ căng thẳng ở The Face 2016?
– Lần chạm chán này chắc chắn là tích cực bởi hơn ai hết Mai Ngô sẽ phải là người ý thức rõ nhất bạn ấy tới với Hoa hậu Hoàn vũ mong muốn điều gì, mục đích của bạn ấy liệu có còn là sự trải nghiệm, học hỏi hay sẽ là vương miện. Mai Ngô có muốn người khác nhìn thấy bản thân bạn ấy ở quá khứ với sự bất cần, ngông cuồng hay muốn người khác nhìn thấy ở mình sự chững chạc, tinh tế, tất cả đều tùy thuộc ở bạn ấy.
– Chị có thấy Mai Ngô có tố chất nào để trở thành hoa hậu?
– Tôi không phải là người trực tiếp đánh giá và đưa ra số điểm cho Mai Ngô, hơn nữa đây chỉ mới là chặng đường đầu.
Cá nhân tôi không bao giờ để bụng những phát ngôn của Mai Ngô ở The Face, vì những phát ngôn ở truyền hình thực tế cũng chưa chắc đã phải của bạn ấy mà có thể của nhà sản xuất tác động. Tôi từng là người trong cuộc nên hiểu và thông cảm được về điều này.
– Hoa hậu là danh hiệu ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn bên cạnh vẻ đẹp hình thể, nhưng truyền hình thực tế lại là những kịch bản được dựng lên với mục đích viral (tương tác). Có mâu thuẫn không khi cuộc thi đi tìm vẻ đẹp bên trong lại được xây bằng một chương trình phục vụ cái bề ngoài?
– Truyền hình thực tế Hoa hậu Hoàn vũ khắc họa hành trình đi tới vương miện của một cô gái, sẽ khác các chương trình mang tính giải trí. Mặt tích cực của nó là ghi nhận những cảm xúc và nỗ lực cá nhân của thí sinh một cách chân thực nhất. Thực tế là không ai bắt được người nào đó phải khóc hoặc cười lúc họ đối diện với từng tình huống phát sinh trong cuộc sống. Bằng cách đó ban tổ chức hi vọng tìm ra vẻ đẹp bên trong của thí sinh chính xác hơn.
Tôi tin chương trình sẽ không đưa thí sinh vào một cuộc chiến đấu, không đẩy họ vào hoàn cảnh chúng ta đến đây để đấu đá, trở thành một người khô khan, trở thành một kẻ chiến thắng thế nào. Mà chương trình sẽ hướng đến khắc họa hành trình của một cô gái biết đi qua khó khăn, khắc nghiệt bằng vẻ đẹp nội tâm ra sao, đó cũng là tố chất một người đẹp cần có để bắt đầu với “nghề” mà cô ấy sắp bước vào và những thách thức giúp cô ấy hoàn thiện bản thân với mỗi ngày mà cô ấy sắp đi đến.
– Cảm ơn những chia sẻ của Phạm Hương!