Phạm Hải Yến và giấc mơ bay - Tạp chí Đẹp

Phạm Hải Yến và giấc mơ bay

Sống

Trong thần thoại Hy Lạp, thần Icarus trốn khỏi nơi lưu đày bằng cách làm đôi cánh bằng lông chim gắn bằng sáp ong, nhưng thật không may, sức nóng mặt trời đã làm cho sáp ong chảy ra, và đôi cánh bị tách rời, Icarus rơi xuống, chết trên biển… Ngẫm lại, bi kịch của Icarus cũng là bi kịch của con người, con người có thể làm được tất cả, trừ một khả năng là bay được như loài chim. Nhưng sự sáng tạo và lòng đam mê của con người đã giúp cho họ đạt được phần nào ước mơ đó…

Nhìn vóc dáng mảnh mai của chị, tôi chợt tự hỏi, tại sao chị chọn môn thể thao nhảy dù mà không chọn cho mình những trò giải trí thông thường khác?

Tôi vốn đam mê nhảy dù từ thuở nhỏ. Một lần thấy anh chị em nhóm nhảy dù luyện tập gần Cung văn hóa Thiếu nhi, tôi mon men đến gần và rất thích thú.

Tôi liền đến gặp chú quản lý xin được theo học, nhưng chú nhìn tôi một cách “thương thương” và bảo rằng: “Cháu còn bé quá, đợi lớn hơn tí nữa nhé, khi nào 14 tuổi và phải 45kg trở lên đấy”.

Niềm đam mê ấy theo tôi suốt cuộc đời. Lúc nào tôi cũng thích được tung cánh và bay lượn trên bầu trời.

Nhân vật Icarus trong thần thoại Hy Lạp đã gắn sáp ong vào bộ cánh chim để bay, còn tôi, tôi phải tự tìm giải pháp thỏa mãn cái sự mê bay, mê cảm giác mạnh, tự do, bay bổng. Đó cũng là cách tôi khẳng định mình.

Cảm giác lần bay đầu tiên của chị như thế nào? Liệu có thấy mình là một thiên thần… đang có cánh không?

Ước mơ bay của tôi đã trở thành hiện thực khi tôi còn là cô bé 15 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khó tả khi lần đầu tiên đeo dù bước lên máy bay, vừa háo hức, hăm hở lẫn lo lắng…

Khi nghe tiếng còi tín hiệu, cửa máy bay mở ra, từng người theo tiếng hô của huấn luyện viên lao vào khoảng không trước mặt, tôi bỗng thấy người nhẹ bẫng như chiếc lá.

Thực sự, không từ nào tả được cảm giác này. 1, 2, 3, 4, 5… Phựt! Dù mở và cảm giác người mình bị treo ngược lên trên. Sau 2 giây với cảm giác mình bị treo lơ lửng giữa trời, tôi bắt đầu cảm thấy mình đang bay, bắt đầu chỉnh sửa đai ngồi và dây lái, hướng mặt về tâm để lái dù và hạ cánh.

Khoảng thời gian trên không thật ngắn ngủi, ước gì được làm thêm một cú nhảy nữa bởi lúc đó mỗi năm câu lạc bộ chỉ có một đợt nhảy dù nên phải chờ đến năm sau, thời gian quá lâu!

Chị đã từng yêu thích nhảy dù từ khi là một cô bé, cho đến khi là vợ, là mẹ của hai đứa trẻ, là giám đốc của một công ty du lịch… Đã có quá nhiều thay đổi trong quãng thời gian đó, chị làm sao để vẫn có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình vào những ngày cuối tuần?

Tôi đi bay đều đặn cho tới khi lập gia đình. Đảm đương trọng trách người vợ, người mẹ và nàng dâu trong gia đình chẳng dễ như mình tưởng. Cũng may, ba mẹ tôi rất chú trọng dạy tôi về mọi mặt từ tri thức đến nữ công gia chánh, nên việc cơm nước chợ búa tôi làm tương đối ổn.

 Ấy nhưng, cứ mỗi độ hè về, nghe tiếng máy bay vè vè trên trời là lòng dạ tôi nôn nao, khao khát được bay trở lại: làm thế nào đi nhảy dù được đây?

Giờ này chắc đám con trai vẫn theo đuổi niềm đam mê và tiếp tục nhảy dù? Sao những lúc như vậy tôi muốn biến thành con trai đi nhảy dù, khi trở về lại làm con gái quá!

Bù lại, nhìn các con lớn lên từng ngày, khỏe mạnh, thông minh và đáng yêu, ý định… làm con trai lại biến mất.

Sau này, tôi quyết tâm sắp xếp để đi bay trở lại. Niềm say mê luôn là ngọn lửa nhen nhóm thành công. Theo tôi, làm bất cứ việc gì cũng cần có tình yêu, lòng đam mê. Có yêu mới làm tốt được!

Liệu chị có mải mê quá với các chuyến đi bay cuối tuần của mình mà quên đi gia đình không?

Một câu hỏi khó! Quả thực công việc của tôi rất linh hoạt, ngày nào cũng có thể là ngày nghỉ và có khi chẳng có ngày nghỉ nào cả! Tất cả phụ thuộc vào công việc và tôi tự sắp xếp, cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi.

Buổi tối thường dành cho gia đình và con cái, chủ nhật đi dã ngoại, lang thang hiệu sách, siêu thị hoặc làm một món gì đó mà từng thành viên trong gia đình thích (mỗi tuần một món do người đến lượt yêu cầu).

Việc dành mỗi tuần một buổi tập dù lượn khoảng 3 tiếng đồng hồ không phải là điều khó khăn với tôi.

Bố mẹ đã từng không đồng ý cho chị nhảy dù vì lo lắng, và bây giờ, ông xã chị thì sao?

Đúng, bố mẹ tôi đã rất lo lắng và sợ hãi, cấm tôi không được tham gia trò chơi mà ông bà cho là mạo hiểm này. Cũng bởi tôi là con một, lại là con gái.

 Nhưng rồi, dần dần, bố mẹ cũng thấy tôi vốn tự chủ được chính mình, nên mãi sau này, mới “đành” để cho tôi… bay nhảy.

Còn ông xã, tuy cũng đôi lần không “ưng” với cái thú tiêu khiển này nhưng anh cũng là một người chiều chuộng và tôn trọng tự do cá nhân của vợ.

Nghe nói đã từng có rủi ro khi tham gia loại hình dù bay. Vậy chị quá mạo hiểm không, khi lấy môn thể thao này để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống?

Rủi ro xảy ra do nhiều nguyên nhân: người chơi chủ quan, chưa nắm chắc kỹ thuật mà đã bay, khi bay tinh thần không được tốt và chưa có kinh nghiệm xử lý sự cố. Còn tôi, vốn ưa mạo hiểm, cho nên chọn cái mà mình yêu để giải tỏa căng thẳng và giải trí cuối tuần, chắc chẳng có gì là khó lý giải!

Chị đã từng nhảy dù và giờ là dù lượn, vậy sự khác biệt, cũng như cảm giác ở hai loại hình dù bay đó như thế nào?

Khác rất nhiều. Dù nhảy có mục đích chính là tiếp đất an toàn, trúng tâm, thời gian rơi thường từ 2 – 5 giây (cao cấp nhất là đến 30 giây) sau khi rời máy bay là “phê” nhất, bởi sau đó (sau khi mở dù) chỉ bay được tối đa 1 phút là đã hạ cánh.

 Dù lượn có thể bay lượn như chim, cho nên lâu hơn, và có điều kiện nhìn trời đất từ một vị trí cao hoàn toàn khác so với thường thấy ở mặt đất, có nhiều thời gian để thưởng ngoạn và có thể chụp ảnh, quay phim những gì thấy trên mặt đất.

 Dù lượn bay càng lâu, càng cao càng tốt. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, gió tốt, có thermal (cột khí nóng) thì dù sẽ bốc lên đến 1.000m là bình thường. Như vậy có thể bay xa khoảng vài chục cây số, thậm chí cả trăm cây số, kỷ lục thế giới bây giờ là gần 300km.

Nếu con cái chị thích loại hình giải trí này, chị có đồng ý không?

Con gái 13 tuổi của tôi cũng đã bắt đầu mơ mộng và yêu môn nhảy dù của mẹ rồi. Cháu gần như thuộc làu những tấm ảnh đen trắng cũ kỹ ghi lại một thời đam mê của mẹ nó, cứ nằng nặc đòi tôi tìm cho cháu một nơi để chơi.

 May mà gần đây câu lạc bộ Hàng không phía Bắc ra đời đem đến cơ hội chơi môn nhảy dù cho những người mê bay (Câu lạc bộ Hàng không của Cung Thiếu nhi Hà Nội đã không còn hoạt động từ vài năm nay). Hơn nữa nhóm Dù lượn ra đời, vậy là mẹ và con gái sẽ có cơ hội cùng cất cánh!

 Codet
Ảnh: SFL

Thực hiện: depweb

13/09/2007, 11:17