Phạm Diễm Hoa: Trở thành "phù thủy phố Wall"? - Tạp chí Đẹp

Phạm Diễm Hoa: Trở thành “phù thủy phố Wall”?

Sống

Bắt đầu từ một sinh viên đại học Luật Hà Nội, Phạm Diễm Hoa có điều kiện may mắn gặp gỡ nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam. Lên đường sang Úc theo học chuyên ngành tài chính – chứng khoán khi chưa tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, lúc đó, quả thực là một quyết định rất khó! Tốt nghiệp văn bằng chuyên ngành chứng khoán, ước mơ của Diễm Hoa đã phần nào thành hiện thực.

Không được xúc động trước các con số

Những năm tháng làm việc và được đào tạo trong môi trường kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp đã mang lại điều gì cho chị?

Khi còn ở bên Úc, ba năm đi học là ba năm làm “after hour”. Sau đó, tôi tiếp tục có hai năm làm việc tại Công ty chứng khoán lớn thuộc Tập đoàn tài chính lớn Commonwealth Bank. Sau đó, tôi đã quyết định học tiếp Cao học về Tài chính Ứng dụng và Quản lý Đầu tư.

Đặc biệt, luận án “phát triển thị trường phái sinh tại thị trường tài chính đang phát triển” (trong đó có Việt Nam) đã khiến tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và những bài học thực tế. Quan trọng hơn, những bài học này đã được phát huy tối đa tác dụng trong các chiến lược với đối tác châu Á của công ty chúng tôi sau đó.

Cho đến bây giờ, bước ngoặt lớn nhất cuộc đời chị là gì?

Quyết tâm trở thành một chuyên gia chứng khoán! Tôi cảm thấy mình đã rất may mắn được học và làm việc theo đúng mong muốn và trong các môi trường hàng đầu của nghề, nơi đào tạo những chuyên gia chứng khoán! Tôi nhớ mãi “lời chúc” của một người bạn thân khi biết tôi tốt nghiệp chuyên ngành chứng khoán “Chúc mừng nhé! Hẹn 30 năm nữa gặp nhau ở thị trường chứng khoán Việt Nam!”.

Quan điểm của chị trong chứng khoán là gì thưa chị?

Nghề chứng khoán rất nhạy cảm và đòi hỏi sự tôi luyện một bản lĩnh. Tôi thường nghĩ tới câu: “không được xúc động trước những con số”. Thị trường lúc lên, lúc xuống nên nghề này cũng lắm thử thách và nhiều vinh quang.

Tôi nhớ bố tôi thường dạy chúng tôi câu tục ngữ: “Lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm cành” hay “có nhân có đức, mặc sức mà ăn”. Vì vậy, “chữ tín” là gốc rễ của những người làm nghề chứng khoán nói riêng và tiền tệ nói chung. Đây cũng chính là phương châm sống, làm việc và lãnh đạo của tôi. Tuy nhiên, với “đặc quyền là phụ nữ” nên tôi có lợi thế của sự tinh tế hơn, mềm dẻo hơn và nồng nàn hơn.

Không xúc động trước các con số, còn điều khác thì sao?

Tôi có đầy đủ cảm xúc của một nhà đầu tư: Vui, buồn, hy vọng, chấp nhận và hơn hết là niềm tin.

Biết điểm dừng để giữ "lửa" trong nhà

Kinh doanh chứng khoán đang được các bà các cô tham gia rất mạnh mẽ. Theo chị, họ có ưu và nhược điểm gì nên lưu ý?

Bản tính của người phụ nữ Việt Nam là nhẫn nhịn hơn. Do đó, họ có phần kìm chế được những trạng thái quá xúc động trong đầu tư dẫn đến mất tỉnh táo! Hơn nữa, đặc tính của người phụ nữ châu Á vẫn là hướng nội. Điều này phần nào hạn chế sự tham gia thị trường của các bà các cô.

Dường như khả năng “mua bán thông tin” của chị em thường là khá nhanh nhưng cũng rất tài tử ở chỗ… đầy cảm tính?

Rất tự nhiên, người phụ nữ có khả năng nhớ nhiều chi tiết, dù là rất nhỏ. Ví như người phụ nữ cần thời gian ít hơn khi tìm một vật gì đó trong một chiếc tủ lạnh đầy ắp đồ. Trong khi người đàn ông mất nhiều thời gian hơn để tìm một vật trong tủ lạnh dù rằng vật đó ở một vị trí rất dễ nhìn.

Thị trường chứng khoán ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố tâm lý hay cảm tính cá nhân. Với sự nhạy cảm đặc biệt của người phụ nữ họ đã tối đa hóa tốc độ của những quyết định giao dịch hàng ngày. Như vậy, có thể nói, người phụ nữ đã đóng góp tích cực vào tính thanh khoản, đặc tính quan trọng nhất cho sự thành công của thị trường chứng khoán!

Nhưng công ty của chị cũng đã… “va vấp” với một vài nhà đầu tư… nữ. Vụ này khá đình đám, thậm chí tai tiếng, và cái gì đã xảy ra, thưa chị?

Những thắc mắc của khách hàng, luôn được công ty trân trọng, lắng nghe và giải quyết thỏa đáng và triệt để. Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với sự mất mát của khách hàng trong các quyết định đầu tư nhất thời.

Điều cốt lõi và nhiệm vụ chính của những công ty chứng khoán, những pháp nhân chuyên nghiệp và hoạt động kinh doanh với các tiêu chuẩn, điều kiện cao là tạo dựng và nuôi dưỡng một thị trường chứng khoán lành mạnh ở Việt Nam chứ không phải “làm ăn” trên sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư.

Việc thành – bại của một công ty chứng khoán không chỉ nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh mà còn là mức độ uy tín và thương hiệu của Công ty đó trên thị trường. Tham gia thị trường với cam kết lâu dài và trọn vẹn, chúng tôi luôn đồng hành với sự thăng trầm của kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán nói riêng.

Chị phải quản lý bao nhiêu nhân viên nữ? Và dường như đó cũng là từng ấy nhà đầu tư?

Quá nửa trong gần 100 nhân viên chứng khoán Phố Wall là các “nữ đầu tư”. Đa phần họ là những người trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết nhưng cũng tất nhiên cũng “nhiều đam mê”. Tuy nhiên, thiên chức của người vợ, người mẹ luôn nhắc họ biết điểm dừng để giữ “lửa” trong nhà.

Chị em phụ nữ thường có đời sống tâm lý phong phú hơn nếu không muốn nói là phức tạp hơn. Vì vậy, những biểu hiện tâm lý của các “nữ đầu tư” này phải được quan tâm sát sao nhằm đưa ra những hỗ trợ hoặc can thiệp kịp thời, tránh tình trạng gây tác dụng tiêu cực lên cuộc sống gia đình và công việc.

Chị tránh ảnh hưởng công việc tới gia đình của mình bằng cách nào?

Việc tổ chức quỹ thời gian sao cho hài hòa giữa công việc và sắp xếp khoa học các việc trong gia đình để “giảm thiểu các sự cố nghiêm trọng” luôn là mong muốn của mỗi người. Tôi có quy tắc là cuối tuần không công việc và tôi luôn ráng giữ quy tắc này.

Công việc kinh doanh, nhất là kinh doanh trong ngành tài chính, tiền tệ không bao giờ hết, đòi hỏi mình phải có sức khỏe tốt và sự minh mẫn, tỉnh táo. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều lúc công việc đã “lấn sân” và đành phải giải quyết hậu quả bằng “những nụ cười xòa” thôi.


Cổ phiếu là kỳ vọng, chứng khoán là niềm tin

Theo chị, liệu người ta có thể hy vọng gì vào chứng khoán, trong khi ông Jonathan Pincus (một nhà kinh tế của LHQ) nói: “Thật điên rồ, tất cả những ồn ào ở Hà Nội đều xoay quanh chuyện đầu tư thị trường chứng khoán. Tôi không biết liệu có bất kỳ người nào hiểu cái gì là giá trị của những công ty nhưng họ vẫn đang mua bán những tờ giấy?”

Điều này đều diễn ra ở bất kỳ thị trường nào trong giai đoạn đầu của sự hình thành. Trải qua các quá trình phát triển, chúng ta đúc rút được kinh nghiệm và tiến đến những điều tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Nhìn tổng thể, qua thị trường chứng khoán, kinh tế Việt Nam và cũng chính là những người dân Việt Nam được nhiều hơn mất! Việt Nam là một nền kinh tế trẻ và đang hội nhập sâu hơn với toàn cầu.

Thị trường chứng khoán đã giải quyết được bài toán thời gian và chi phí cho việc huy động và trao đổi vốn. Một lượng tiền rất lớn của dân chúng đã chuyển sang thị trường vốn. Điều này đã khiến rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bức phá ngoạn mục trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tạo ra nhiều công ăn, việc làm.

Quan trọng hơn, với chi phí vốn thấp hơn và nhanh hơn, hiệu quả hơn, Việt Nam sẽ có thêm nhiều các mặt hàng chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Điều này cũng cải thiện tổng thể mặt bằng tiêu dùng cho chính người dân Việt Nam.

Hetty Green – với biệt danh “phù thủy phố wall” cũng là một thiên tài đầu tư, một trong những chiêu thức của bà là “đầu tư kền kền”, còn chị thì sao?

Hetty Green nổi tiếng vì tài kinh doanh với óc phán đoán nhanh nhạy siêu phàm. Một trong những khả năng của Hetty là lối suy nghĩ ngược với đám đông. Chính bà đã tổng kết bí quyết thành công của chính mình: “Tôi mua vào khi chứng khoán rẻ và chẳng ai muốn mua chúng.

Tôi giữ chúng lại cho tới khi giá chúng tăng cao và ai cũng muốn mua chúng”. Tôi học tập được nhiều từ những bài học kinh doanh của Hetty Green và cố gắng vận dụng chúng một cách linh hoạt. Trở thành một "Phù thủy phố Wall” ở Việt Nam ư? Tại sao không? Bất kỳ ai cũng có tham vọng và muốn khẳng định mình trong nghề nghiệp đang hướng tới.

Tôi không ngoại lệ nhưng bạn muốn “nhúng đũa thần làm phép” thì trước hết phải xây dựng được một” thế giới cổ tích” đã nhỉ?

Quan niệm thật ngắn gọn của chị về tiền tệ, cổ phiếu, chứng khoán, hạnh phúc, gia đình, tuổi trẻ, tình yêu, bạn bè, stress, nhan sắc, người bạn đời, sở thích…?

Đối với tôi: Tiền chỉ là một đơn vị qui ước; Cổ phiếu là kỳ vọng; Chứng khoán là niềm tin; Hạnh phúc là mong muốn; Gia đình là nền tảng; Tuổi trẻ cần giữ gìn; Bạn bè nên thông cảm; Nhan sắc cần chăm sóc; Stress dĩ nhiên rồi; Người bạn đời nên giao hòa; Sở thích là thời trang!

Bài: Thi Anh – Ảnh: Quang Bảo

Thực hiện: depweb

04/01/2010, 12:34