Phạm Cao Đông – Càng thất bại càng kích thích - Tạp chí Đẹp

Phạm Cao Đông – Càng thất bại càng kích thích

Sống


Cao Đông 16 – Háo thắng, liều lĩnh và đầy đam mê

– Kinh doanh trong lĩnh vực trang trí nội thất, lại là người am hiểu về nghệ thuật và thời trang, người ta sẽ liên tưởng Phạm Cao Đông là một thiếu gia con nhà quyền quý?

Nếu nói tôi xuất thân từ một gia đình lao động bình dân thì chị có tin không? Nhà tôi không giàu, thu nhập chỉ vừa đủ, thậm chí bữa đói bữa no. Ngay cả bản thân tôi cũng phải ra đời sớm nhưng chưa bao giờ miếng cơm manh áo là cản trở cho những tham vọng trong tôi, kể cả đó có là những lĩnh vực ngoài tầm với.
Có năng khiếu về hội họa, thủ công cộng với kinh nghiệm làm việc cho xưởng in trước đó, năm 1996 tôi bắt đầu nghiêm túc xây dựng cơ nghiệp riêng của mình với ước mơ táo bạo là thay đổi vận mệnh bản thân – Cao Đông Design dành cho những ai yêu nghệ thuật và thưởng thức cái đẹp. Dĩ nhiên thời điểm ấy mà bàn về chuyện ăn ngon mặc đẹp thì quả là xa xỉ, chưa kể phần đông người Việt Nam lúc bấy giờ còn khá lạ lẫm với chữ “design”. Những người xung quanh cho rằng tôi đang làm chuyện “điên rồ”, “viễn vông” nhưng tôi lại nghĩ khác. Tại sao không cho phép bản thân mình cái quyền mơ ước về một điều gì đó hoàn toàn có thể thực hiện được trong tầm tay và trong niềm đam mê của tuổi trẻ? Chưa kể thông qua đó lại thỏa mãn đam mê cá nhân, giải quyết tình trạng tài chính cho gia đình và có một viễn cảnh tiềm năng ở phía trước? Với suy nghĩ như thế tôi bắt đầu những viên gạch đầu tiên cho Cao Đông Design.

– Quả là không an toàn khi một chàng trai 16 tuổi lại nhen nhóm một tham vọng quá lớn trong khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa lại không đứng về phía anh ta. Điều gì khiến Phạm Cao Đông quyết tâm đến vậy?

– Háo thắng. Tuổi 16 mà (cười). Nếu lúc đó tôi 30 hay 40 (tuổi) thì mọi chuyện sẽ khác nhưng tuổi trẻ cho tôi cái háo thắng, liều lĩnh cộng với một đam mê mãnh liệt và một ước mơ đủ lớn để đâm đầu vào con đường mà chưa một ai đi trên đó hay tất cả đều cho rằng đó là ý tưởng viễn vông của một cậu thiếu niên. Tôi nghĩ tôi không phải là trường hợp cá biệt bởi nếu đặt bất kỳ ai vào hoàn cảnh của tôi lúc ấy thì họ cũng chỉ có duy nhất một lựa chọn là phải bước về phía trước để tự giải thoát mình khỏi giai đoạn khó khăn. Dĩ nhiên một khi đã lựa chọn như vậy chắc chắn sẽ gặp không ít thử thách, khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã bước trên con đường này.


Tuổi trẻ thì thừa nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và tôi tin chắc anh đã nếm trải không ít trái đắng…

– Trong 20 năm kinh doanh biểu đồ sự nghiệp của tôi chưa bao giờ là một đường thẳng, lúc thì lên rất cao gần như chạm nóc lúc thì rơi vào hố sâu không đáy rất mịt mù. Nhưng có thể nói tôi may mắn khi sở hữu một khả năng thay đổi tài tình (tạm gọi như vậy) là hễ càng thất bại thì tôi lại càng hưng phấn và kích thích, cứ rơi vào bế tắc là lại bật ra nhiều ý tưởng, hướng đi và chính những hố sâu ấy lại đưa tôi đến với những tư duy mới, kế hoạch mới và tầm nhìn mới.

Ai đó bắt đầu một công việc cứ e ngại sẽ gặp rắc rối hoặc thất bại còn tôi thì rất đơn giản. Kể cả xung quanh anh có là một màu đen đi chăng nữa thì ít nhất trong một ngõ ngách nào đó vẫn có những gam màu sáng giúp xoay chuyển bế tắc thành những khe hở để anh bước ra. Do đó tôi đón nhận thất bại với tâm lý rất thoải mái dẫu rằng đôi lúc nó có thể giết chết tôi một cách bất ngờ.

– Vậy giai đoạn khủng hoảng nhất xảy đến với anh như thế nào?

Đó là vào khoảng năm 1999-2001 khi tôi đầu tư thêm vào ngành dịch vụ Foods & Beverage (F&B – thức ăn và đồ uống – PV) bên cạnh thiết kế in ấn đã ít nhiều có được thành tựu kể từ khi khởi nghiệp vào năm 1996. Lúc ấy tôi đơn thuần chỉ muốn tạo nên một không gian thuận tiện cho công việc của mình mỗi khi gặp gỡ đối tác đồng thời đó sẽ là nơi để sở thích về thiết kế và nghệ thuật được hiện thực hóa. Đặc biệt dịch vụ F&B này sẽ nhắm vào đối tượng cao cấp, khách hàng sang trọng vốn chưa được chú ý nhiều tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Tôi đầu tư nhiều lắm, dồn bỏ hết mọi tâm huyết của mình vào dự án mới với niềm tin rằng là một trong những người tiên phong thì tôi sẽ nắm chắc phần thắng. Nhưng mọi thứ không theo lộ trình mà tôi đã đề ra. Chỉ trong 6 tháng ngắn ngủi tài chính thâm hụt, nhân sự sụt giảm, doanh thu gần như không có dẫu rằng tòa nhà tích hợp vừa nhà hàng vừa quán café với lối thiết kế độc đáo ấn tượng do một tay tôi xây dựng tạo được cảm xúc mạnh về thị giác và thật sự trở thành biểu tượng xa xỉ của giới thượng lưu.
Vì sai thất bại ư? Vì tôi đã quá nhạy cảm khi dấn thân vào lĩnh vực này mà thiếu kinh nghiệm chuyên ngành, không tìm hiểu kỹ thị hiếu khách hàng, nghiên cứu thị trường cũng như nắm rõ về quan điểm tiêu dùng và vị trí của ngành dịch vụ F&B tại Việt Nam lúc bấy giờ. Quan trọng hơn cả chính là phần quản lý con người trong ngành này mà tôi thì còn quá trẻ, non kinh nghiệm về xử lý độ phức tạp nhân sự trong F&B. Tất cả “trộn” lại và “đánh” tôi một trận tơi tả đến sứt đầu mẻ trán. Nặng nè nhất là tôi phải đóng cửa nhà hàng CD Flowers, dự án lấy đi của tôi không biết bao nhiêu tiền của công sức, đến độ phải bán luôn ngôi nhà chung của đại gia đình để thanh toán nợ nần. Tôi không hối tiếc vì thất bại mà chỉ hối tiếc vì bế tắc của mình đã tổn thương đến những người mình yêu thương nhất. Khoảnh khắc nhìn thấy ba mẹ, anh chị em vì mình mà phải lao lực, khổ tâm khiến tôi rất áy náy và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để chuyện này xảy ra một lần nào nữa.

– Sau đó anh từ bỏ và chuyển sang trang trí nội thất?

– Không. Tôi vẫn tiếp tục chứ. Tôi không từ bỏ nhanh thế đâu (cười). Sau khi đóng cửa CD Flowers tôi còn cho ra đời các chuỗi nhà hàng và quán café khác, một vài trong số đó khá thành công và để lại dấu ấn độc đáo về thiết kế. Tuy nhiên lúc ấy tôi ôm đồm quá nhiều cộng với vấn đề quản lý nhân sự là lỗ hỏng lớn nhất khiến tôi không thể bao quát trọn vẹn mọi thứ. Bên cạnh đó sức khỏe không cho phép tôi làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày. Đến năm 2010 tôi dừng đầu tư vào F&B và cũng từ đây tôi đến với một lĩnh vực mới gần gũi với sở thích và đam mê của mình hơn, đó chính là kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất và thiết kế.

Tuy nhiên tôi không trực tiếp thi công hay lên các ý tưởng thiết kế (điều mà tôi đã làm với các dự án nhà hàng và café của mình) mà chọn cách trở thành cầu nối giữa các thương hiệu nội thất danh tiếng trên thế giới với người tiêu dùng Việt. Điều này ngoài việc xuất phát từ thế mạnh của bản thân thì còn vì tôi khao khát muốn đem tất cả những gì đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất của nghệ thuật thế giới về đất nước của mình. Đó không nhất thiết phải là một bức tranh của một danh họa nổi tiếng hay một chiếc bình cổ trị giá hàng trăm ngàn USD, mà đó có thể chỉ đơn thuần là một cái bàn được tạo ra từ người nghệ sĩ có đôi tay tài hoa hoặc một chiếc ghế với từng tiểu tiết hoàn hảo đến không ngờ. Tất cả sẽ là những nhân tố tạo nên không gian riêng tư đầy sáng tạo, khác biệt và độc đáo cho người yêu cái đẹp.


“Tôi tôn thờ cái đẹp”

– Anh nhấn mạnh nhiều đến cái đẹp đến mức tôi có cảm giác anh bị ám ảnh bởi nó thì phải?

– Tôi tôn thờ cái đẹp là đằng khác (cười) và đây cũng là kim chỉ nan trong cách sống của tôi. Thứ nhất ta hãy bàn về cái “đẹp” trong kinh doanh. Đối với tôi “đẹp” trong chuyện làm ăn là “đẹp văn minh” thông qua lao động nghiêm túc, và cách hành xử với đối tác, đồng nghiệp, nhân viên một cách tinh tế và công bằng, đặc biệt là sự trung thực. Đừng đánh đồng giữa trung thực với mánh khóe. Vì bất kỳ doanh nhân nào cũng phải thủ sẵn cho mình vài mánh lới để bảo vệ tốt công việc kinh doanh nhưng trường tồn được với thời gian hay không lại nằm ở sự trung thực. Nếu anh không tạo dựng được uy tín, niềm tin với khách hàng, đối tác thì xin chúc mừng anh sẽ sớm bị đào thải.

Còn về cái đẹp trong lĩnh vực nội thất thì thoải mái hơn vì tôi không đóng khung nó. Lúc thì tôi bị “đổ gục” bởi những thiết kế tối giản, lúc thì từ những điều gì đó rất mỹ miều, xa hoa, lộng lẫy. Có khi thì lại bị cuốn hút bởi những phong cách vintage hoài cổ. Trong đời sống thường nhật thì cái đẹp đối với tôi gần gũi dễ chịu hơn vì tôi tìm thấy nét duyên ngầm từ những điều rất nhỏ nhặt như viên sỏi bên đường, cái nắng dịu của hoàng hôn hay hình ảnh một cụ già hoài niệm về thời vang bóng bên tách trà chiều… Tuy nhiên dù là cái đẹp như thế nào thì nó cũng phải đẹp từ tiểu tiết cho đến tổng thế.

– Vậy khách hàng khi đến với anh, họ buộc phải thay đổi cái “đẹp” của họ hay anh phải điều tiết cái “đẹp” của mình để hai bên tìm được tiếng nói chung?

– Dĩ nhiên trên cương vị là người kinh doanh thì ai mà chẳng thích khách hàng theo ý mình thế nhưng đó không phải là một việc dễ dàng. Tôi và khách hàng của mình đều đứng ở hai vòng tròn khác nhau và ai cũng cảm thấy cái “đẹp” của mình là đúng trong không gian ấy. Tuy vậy thông thường tôi phải là người bước ra khỏi vòng tròn của mình để đứng chung với các vị khách khó tính. Sau đó sử dụng kiến thức, kinh nghiệm và tài thuyết phục để mời họ sang vòng tròn của tôi hoặc tự tôi phải tạo ra một vòng tròn lớn hơn để cả hai cùng cộng hưởng. Đó là bài toán hóc búa mà bất kỳ một nhà thiết kế kiêm doanh nhân nào cũng phải đối mặt và giải quyết.

– Nếu vậy thì khái niệm “đẹp” của anh dành cho các quý ông sẽ được định nghĩa như thế nào?

– Tôi nghĩ trước tiên là phải từ ngoại hình lịch sự, chỉn chu. Không nhất thiết phải là suit hàng hiệu, đồng hồ đắt tiền, phụ kiện xa xỉ nhưng phải gọn gàng, lịch thiệp phù hợp ngữ cảnh. Ngoài ra cái “đẹp” của đàn ông còn đến từ cách hành xử của anh ta với những người xung quanh. Tôi nghĩ chị hẳn cũng không thích thú nổi một người đàn ông vẻ ngoài bảnh bao nhưng nghèo nàn về nhân cách thông qua cách đối xử tệ hại của anh ta với nhân viên phục vụ, cậu bé bán vé số hay người qua đường. Cuối cùng người đàn ông “đẹp” là khi anh ta thành đạt trong công việc hay kinh doanh, có hiểu biết với văn hóa sống, và tinh tế với mọi người xung quanh.

Bài: Phạm Huyền
Ảnh: Trung Đông

Thực hiện: depweb

25/09/2016, 11:54