– Ái chà chà, Tùng Dương đi xe đạp! Vì đây là Đại sứ Giờ Trái đất hay vì … sợ phải đóng phí lưu hành thế hả?
– Phí lưu hành thì ta đây không sợ nhé, vì lâu nay “đi ké” xe của “ông già”. Giờ đang định bon chen làm quả “bốn bánh” cho oách thì may quá, vẫn còn kịp sửa sai! Thôi, đi xe đạp cho lành, lại “nhất cử lưỡng tiện”: vừa không “hổ mặt” Đại sứ Giờ Trái đất lại vừa “một người khỏe, hai người vui”!
– Tưởng phải “tắt đèn, bật ý tưởng” thì “hai người mới vui” được chứ?
– Nhưng biết đâu, “lắm mối tối nằm không” thì sao?
“Nằm không” thì khỏi tắt đèn?
– Lại càng phải tắt sớm, dù thường thì tôi đi ngủ rất muộn…
-Làm sao mà phải sống đời Vạc thế nhỉ?
– Tại cuộc sống về đêm, tôi thấy nó thú vị lắm! Còn gì tuyệt hơn khi màn buông, đèn tắt và hát váng lên! Chỉ duy nhất tiếng hát của mình là ngự trị!
– Sống bằng ánh đèn mà giờ lại đi tắt đèn sao?
– Nhưng phải tắt đèn đi thì người nghệ sĩ mới có cơ hội giật mình vì có những điều, chỉ có bóng tối mới dạy được họ. Ăn nhau là lúc đèn sáng trở lại, họ có dám sống khác, làm khác, hay đi đến cùng con đường họ đã lựa chọn hay không…
– Khi nhìn thấy hình ảnh Bi Rain mặc áo lính sang Việt Nam, anh (cũng như nhiều nghệ sỹ Việt) có giật mình?
– Điều đó làm tôi nhớ lại, hồi tôi còn ngồi trên ghế Nhạc viện, cũng đã từng có giấy gọi nhập ngũ, đã từng có một cơ hội để thử thách mình… Nhưng thôi thì, tùy từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà người ta có thể có những cách cống hiến khác nhau cho xã hội, lúc này hay lúc khác, nơi này hay nơi khác, dù có thể chỉ bằng những đóng góp “li ti”. Nhiều “li ti” cộng lại thì sẽ thành việc lớn!
– Hết “Một mùa xuân nho nhỏ”* lại đến “Li ti”** – Để làm việc lớn mà sao cả ông lẫn cháu đều thích làm người “tí hon” thế nhỉ?
– Chẳng phải những điều vĩ đại nhất cũng như khủng khiếp nhất mà con người có thể tạo ra hay gây ra đều là bắt nguồn từ những điều rất nhỏ sao?
– Nhưng ông khác cháu ở chỗ là thời của ông, có thể yên tâm làm “một nốt trầm” “lặng lẽ dâng cho đời” và “tan biến trong hòa ca” (cũng được) nhưng thời của cháu thì lại không thể sống thiếu… PR?
– PR, bản thân nó không có gì là xấu cả! Chỉ xấu chăng khi người ta cố tình tạo dựng scandal để hét lên: “Ai gọi đó (dù không ai gọi cả!), có tôi đây!”
– Sống chậm (chẳng hạn như việc anh đi xe đạp) thì dễ, nhưng sống sạch thì nghe chừng khó hơn nhiều đấy!
– Sống chậm mà dễ thì tôi đã đi xe đạp cả tuần để đỡ phải lăn tăn vụ phí lưu hành! Và sống chậm, trong một khía cạnh nào đấy, cũng đồng thời là sống sạch. Mà một nghệ sỹ muốn được coi là sống sạch, thì cần phải tránh xa scandal, vì không gì giết chết hình ảnh của họ nhanh bằng scandal và để lại những tỳ vết rất khó xóa…
– Không ngoại trừ những scandal từ trên trời rơi xuống sao – như một nghiệp chướng?
– Tất nhiên, với những scandal không do mình tự tạo ra, thì trong một chừng mực nào đó, cũng có thể cảm thông và châm chước. Nhưng cũng giống như khi đi đường, bạn đừng đâm vào người khác nhưng cũng phải để ý hết sức để người ta đừng đâm vào mình nữa…
– Không để người ta đâm thì làm sao lấy được… tiền bồi thường?
– Có cú đâm nào nghiệt ngã bằng mình tự đâm mình không, mà lại còn bằng một nhát dao không đáng là scandal? Đức Phật dạy rồi: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”…
– Sao Việt nói về đạo Phật ngày càng nhiều là thế nào nhỉ! Nhưng Đạo Phật đâu chả thấy, chỉ toàn thấy đạo ý tưởng, đạo… thời gian và “đạo… mạo”!
– Đúng là đâu đó, ít nhiều, đã có những giá trị bị đảo lộn hay nói cách khác, là có những giá trị đã bị “cầm nhầm” chỉ để cho người ta mượn làm “đất diễn”… Thế nên, quả là, “ngộ” đâu chả thấy, chỉ thấy “ngộ… nghĩnh”!
– Túm lại, là vẫn cần phải… tắt đèn?
– Phải rồi, vì chỉ khi mình đối diện với mình thì sự thật mới được phản chiếu rõ hơn bao giờ hết…
* Một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn – ông trẻ của ca sĩ Tùng Dương, phổ thơ Thanh Hải.
** Album từng giúp Tùng Dương giành giải “Cống hiến”.