Mới đây, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 – Đoàn Thiên Ân vừa dừng chân ở top 20 chung cuộc cuộc thi Miss Grand International 2022 và để lại nhiều tiếc nuối với người hâm mộ. Vì thế, không ít câu hỏi được đặt cho ông Nawat – chủ tịch cuộc thi và cách trả lời có phần “miệt thị ngoại hình” của ông gây nhiều tranh cãi.
Trong đoạn clip được đăng tải xoay quanh cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nawat về lý do Thiên Ân không thể vào được top 10, chủ tịch Miss Grand International giải thích rằng: “Tôi có thể thẳng thắn trả lời vì sao không vào top 10 được, vì đó là thí sinh duy nhất phần thân trên dài hơn thân trên. Nhìn thấy rất rõ. Phần hông cũng hơi to. Top 20 là thành tích ổn cho Việt Nam rồi!”. Câu trả lời của người đứng đầu cuộc thi mang tính toàn cầu rõ ràng cho thấy, dù hướng đến chọn ra gương mặt hòa bình và hội tụ cả nhan sắc lẫn sự thông minh, điều cốt lõi là tính công bằng lại vốn dĩ không tồn tại.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Nawat đưa ra những bình phẩm đáng chê trách về thân hình phái đẹp. Cụ thể, nếu như ông loại Thiên Ân vì cho răng “hông quá to” với số đo 88,5-66-98, người đẹp khác đến từ Iceland cũng không đẹp lòng ông dù sở hữu số đo là 86-58-86. Theo đó, vào năm 2016, ông từng đích thân nhắn tin cho Hoa hậu Iceland 2015 – Arna Ýr Jónsdóttir yêu cầu cô cắt giảm thực đơn, chỉ nên hấp thụ salad vì ông cảm thấy đó là điều nên làm đối với gương mặt có tiềm năng tiến đến chung kết như cô. Vì thế, nàng hậu đã quyết định bỏ cuộc thi mang tính “hòa bình” nhưng chỉ biết “ngắm” ngoại hình.
Qua những sự việc trên, sự miệt thị ngoại hình dường như được diễn ra công khai với tiêu chí chấm điểm chỉ tập trung vào vẻ đẹp, vóc dáng của người thi mà không bàn đến các yếu tố khác. Nếu vậy, có lẽ ông Nawat chỉ nên tổ chức cuộc thi Hoa hậu dành cho các búp bê, để “90 60 90, mười phân vẹn mười, hay em sắm cho anh búp bê với ba vòng đều khỏi chê” như lời bài hát của nữ ca sĩ Tóc Tiên.
Sự bảo vệ phái đẹp đến từ chính phụ nữ Việt Nam
Trước sự việc trên, một vài nhân vật về mảng làm đẹp ở Việt Nam đã chia sẻ những nhận định riêng của cá nhân và nhận được nhiều sự đồng tình từ khán giả. Theo đó, đẹp về hình thể gọi tên siêu mẫu Hà Anh với những chia sẻ rằng: “Dẫu biết cuộc thi sắc đẹp và chấm sắc đẹp gương mặt (50%), hình thể (30%) và trí tuệ (20%) nhưng với cương vị chủ tịch 1 cuộc thi, ông công khai chỉ trích nhược điểm của thí sinh và ví như món hàng hóa thì hoàn toàn không ổn. Ông có thể nói vì cô ấy chưa đáp ứng đủ tiêu chí nên không thể đi sâu hơn là được, cớ sao phải hạ thấp như vậy?”.
Bên cạnh đó, một trong những nhân vật bước ra từ cuộc thi sắc đẹp – Á hậu Quốc tế Thúy Vân cũng bày tỏ sự tiếc nuối và động viên tinh thần Thiên Ân, rằng “Không cô gái nào đáng nghe những lời như vậy, đặc biệt lại đến từ chính những người mình đã tin tưởng và kính trọng”.
Ngoài ra, beauty blogger Trinh Phạm cũng chia sẻ về suy nghĩ của mình đối với sự việc của Thiên Ân qua 1 bài đăng ngắn trên trang mạng xã hội cá nhân. Cụ thể, cô cho rằng sự miệt thị ngoại hình đối với đại diện sắc đẹp của 1 quốc gia cũng giống như đang đụng chạm đến lòng tự tôn của chính quốc gia, dân tộc ấy. Mỗi người mỗi sắc vóc, mỗi vẻ đẹp riêng, dù họ có ra sao hay không hoàn hảo như thế nào, họ chính là niềm tự hào, là đại diện cho bản sắc dân tộc của quốc gia ấy. Vì thế, cô hoàn toàn ủng hộ người Việt lên tiếng, đấu tranh để bảo vệ cho tiếng nói, cho hình ảnh của quốc gia mình.
Hiện tại, sau sự cố “vạ miệng” của ông Nawat, số lượng người theo dõi Miss Grand trên Instagram đã giảm xuống từ 4 triệu chỉ còn 2 triệu. Với riêng chủ tịch cuộc thi, ông Nawat đang hứng chịu sự khiển trách từ dư luận và hiện giữ im lặng, song khán giả đang hợp sức yêu cầu ông phải xin lỗi công khai Thiên Ân, như cách ông đã công khai miệt thị cô để lấy lại công bằng và đánh 1 hồi chuông cảnh tỉnh cho vấn nạn body shaming vẫn còn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống, nhất là đối với những người phụ nữ.