Để trở thành bạn đồng hành, người hướng dẫn đáng tin cậy cho con, chị cầu viện đến bản năng làm mẹ, cùng với kinh nghiệm sống của bản thân và tinh thần học hỏi từ cuộc sống, từ chính những va chạm giữa mẹ và con.
– Chị có cảm thấy vất vả khi làm mẹ của ba cô con gái?
– Mẹ nào cũng yêu con nên chẳng mấy ai thấy vất vả trong việc nuôi, nhưng việc dạy thì khá là khó khăn bởi chẳng có sách vở nào có thể dạy làm mẹ thành công 100% cả. Cùng một cách giáo dục trong gia đình nhưng mỗi đứa trẻ lại có phản ứng khác nhau nên người mẹ phải biết mềm nắn rắn buông với từng trường hợp. Các con mình lại được học trường Pháp từ nhỏ, được thừa hưởng nền văn hóa phương Tây từ gia đình bên nội, nên tư duy của chúng cũng không giống bạn bè. Vì thế việc gìn giữ, cân bằng văn hóa Việt và Pháp không hề đơn giản.
– Chị giải quyết các mâu thuẫn mẹ – con bằng cách nào khi khoảng cách thế hệ là nguyên nhân lớn nhất?
– Trẻ con, càng bị ép uổng, càng nghe nhiều câu trả lời “không” sẽ càng muốn nổi loạn, muốn làm cho bằng được. Nếu mâu thuẫn xảy ra, trước tiên là lắng nghe nhau: mẹ phân tích vấn đề, lý giải tại sao, như thế nào và con cũng được quyền bảo vệ chính kiến của mình. Sau đó, những điều mẹ không biết thì phải nghe con, ngược lại, con vẫn phải theo mẹ trong những việc con chưa hiểu. Mình không áp đặt suy nghĩ của mình lên con, không từ chối con vì sợ con đau, sợ con vấp ngã. Mình học từ mẹ chồng cách gạt sang một bên những trải nghiệm của bản thân, không áp lên con những lo lắng. Dẫu gia đình có người mất vì tai nạn máy bay nhưng bà vẫn gạt lệ mà đồng ý cho con trai tham gia khóa học lái máy bay. Với bà, nỗi đau của mình không liên quan đến con cái, không được phép cướp đi cơ hội được sống, được trải nghiệm của con, dẫu có phải nuốt nước mắt vào trong, nín thở theo dõi con.
– Bản năng làm mẹ sẽ khiến chị muốn che chở, bảo bọc con. Nếu con gạt tay mẹ để chạy đi, chị vẫn để yên dù bé có thể ngã?
– Con ngã mẹ làm sao không đau được? Mình cũng không tránh khỏi những lúc sốt ruột và buột miệng trách cứ “Con không nghe mẹ thì ráng chịu” như mẹ mình đã từng. Mẹ mình muốn con cái có một cuộc sống bình an, yên ổn và mình cũng đã thử nhưng không thể, mình vẫn muốn sống một cuộc sống khác. Điều này đã làm mẹ không hài lòng, và hai mẹ con dần xa nhau. Từ kinh nghiệm đó, mình cố gắng không nói với con như vậy nữa, vì chẳng có gì đảm bảo con sẽ nghe mẹ lần sau, ngược lại, còn làm cho trẻ không mở lòng chia sẻ nữa.
– Con gái đầu của chị đã 17 tuổi, chị có chuẩn bị cho sự ra riêng của cháu?
– Trước sau gì thì điều này cũng đến và người mẹ nào cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, bởi vậy mà phải chuẩn bị trước sự ra riêng này cho cả mẹ và con. Đây cũng là thời điểm mình phải bước lùi lại, vẫy tay, mỉm cười với con và không quên dặn dò: mẹ luôn mở rộng vòng tay chào đón con, mẹ là chốn an toàn, tràn đầy tình yêu mà bất cứ lúc nào con cũng có thể quay về.
– Trẻ vị thành niên thường muốn được chinh phục thế giới, khám phá bản thân. Chị làm sao để giúp con không đi sai đường, lệch hướng?
– Làm bạn với con và trang bị những kiến thức cơ bản là cách tốt nhất. Mình cho các con thử rượu từ khi lên 5. Khi đã được làm quen ngay lúc còn nhỏ, bé sẽ biết rượu nào ngon, rượu nào dở, biết cách thưởng thức, biết uống loại nào trước, loại nào sau, biết những loại nào không được đi cùng nhau… Khi ra ngoài cùng bạn bè, tiệc tùng không phải là cơ hội để bé lén lút uống rượu bởi có thể uống ở nhà thoải mái. Ngược lại, bé biết tự lựa chọn thức uống cho mình, thưởng thức bữa tiệc và không để xảy ra tình trạng say xỉn.
Mình cũng thường rủ con đi bar nhưng mẹ rủ ba lần thì con chỉ tham gia một lần. Con lắc đầu từ chối mẹ mừng lắm nhưng vẫn rủ vì muốn tạo cảm giác thoải mái, gần gũi, không có khoảng cách thế hệ, không có chuyện mẹ là người lớn thì được phép, còn con còn nhỏ thì không.
– Là bạn với con đến thế, vậy nếu chị sai, chị có sẵn sàng xin lỗi con như hai người bạn?
– Dù có tư tưởng thoáng thế nào đi nữa, mình vẫn là một người mẹ Việt Nam. (Cười) Mình không bao giờ xin lỗi con và cũng không muốn con xin lỗi bởi đúng sai trong cuộc đời này vô chừng lắm, nhìn góc này thì đúng, xoay góc khác, chưa chắc đã đúng. “Xin lỗi” là từ được dùng cho người khác, còn giữa hai mẹ con cần phải hiểu đó là sự đáng tiếc và cả hai không bao giờ muốn xảy ra. Thay vì xin lỗi, mình thường cho con biết: mẹ rất tiếc vì điều đã xảy ra nhưng mẹ phải đưa ra quyết định ấy vào thời điểm đó. Quan trọng hơn, bé biết ai cũng có thể mắc sai lầm và chúng cũng vậy nhưng cần phải biết ngã ở đâu đứng lên ở đấy và vượt qua.
– Trách nhiệm của mẹ là phải chỉ ra những điểm chưa được ở con dù người ngoài khen ngợi nhiều thế nào đi nữa. Chị sẽ làm gì nếu có lúc bé tự hỏi: không biết mẹ có yêu mình không?
– Đúng là mẹ thường phải đóng vai phản diện và ngày xưa mình cũng nhiều lần tự hỏi như thế khi mẹ quá nghiêm khắc với mình. Do vậy, bên cạnh việc “cho roi cho vọt”, mình thường xuyên khẳng định với con tình yêu mình dành cho chúng luôn tràn đầy. Tình yêu không bao giờ là quá nhiều, không nên là sự tưởng tượng, cha mẹ phải nói ra, phải cho con trẻ đo lường được, chạm – nắm được tình cảm của mình và chúng cũng khẳng định với mình tình yêu dành cho cha mẹ. Có một vài thời điểm mình phải nuốt những điều muốn nói với con theo kiểu phân tích, lý luận, thay vào đó, mình chỉ nói ngắn gọn: Mẹ yêu con! Khi một đứa trẻ biết mình được yêu thương, được đặt niềm tin, chúng sẽ tìm được cách làm tốt nhất có thể.
Chị Thanh Hà là Giám tuyển của BST Post Vĩ Đại (www.postvidai.com). Chị là mẹ của 3 cô con gái 7-10-17 tuổi
Bài: Phan Lương
Ảnh: Hellos
Chuyên đề Hai thế hệ Bài đã đăng: |