Thời trang đường phố luôn tồn tại và là một phần không thể tách rời của văn hóa đương đại. Nó đã bắt rễ và phát triển nhờ bộ môn trượt ván và dòng nhạc hip-hop từ thập niên 80. Thế nhưng, trong một cú chuyển mình không tưởng của thập niên vừa qua, sự trỗi dậy của phong cách đường phố trong thời trang cao cấp đã thay đổi toàn bộ định nghĩa về sự xa xỉ và thời trang hiện đại.
Đột nhiên, những nhà mốt couture như Balenciaga bắt đầu cho ra mắt áo khoác chần bông quá khổ, hoodies và những đôi giày “ông già” thô kệch. Logo xuất hiện mọi nơi, trở thành điểm nhấn và tuyên ngôn cho những thiết kế đơn giản và ít tính thời trang nhất như một chiếc áo thun trắng. Việc những gã khổng lồ của ngành thời trang xa xỉ cũng cộng tác với những thương hiệu trẻ tuổi nhiều đến mức trở thành chuyện thường tình: Louis Vuitton cộng tác cùng Supreme, Dior kết hợp với Nike cho ra mắt “Dior Air” và gần đây nhất là bộ sưu tập capsule gồm 2 thiết kế kết hợp những gì tinh túy nhất giữa adidas và Prada.
Sự trỗi dậy của street style trong thập kỷ qua được nhiều người đồng nhất với cái tên Virgil Abloh. Mười năm trước, anh là cộng sự sáng tạo của Kanye West nhưng đã gây được tiếng vang bởi phong cách thời trang đặc biệt khi chụp ảnh street style tại tuần lễ thời trang Paris. Trải qua nhiều dự án cá nhân, cú đột phá đầu tiên của Virgil Abloh chính là Off-White – thương hiệu được quan tâm nhất trên các kênh bán hàng trực tuyến. Với nhiều người, Virgil Abloh là kẻ bốc phét, nhưng với số khác, anh chính là người tiên tri nhìn thấy được tầm quan trọng của streetwear và sức ảnh hưởng từ những nhóm thiểu số.
“Hạ cánh” tại Louis Vuitton sau quyết định bổ nhiệm đầy tranh cãi biến anh thành giám đốc sáng tạo da màu đầu tiên của nhà mốt xa xỉ này, Virgil Abloh quyết định: “Streetwear sẽ trở thành đặc trưng của thời đại này, và tôi muốn được định nghĩa nó hơn là để nó định nghĩa ngược lại mình”. Tuy vậy, câu trả lời của Virgil về tương lai của streetwear chắc hẳn sẽ gây bất ngờ cho nhiều người: “Tôi nghĩ nó sẽ chết thôi. Thời của streetwear đã hết rồi!”.
“Bạn nghĩ xem, một người có thể mua bao nhiêu chiếc áo thun, bao nhiêu chiếc hoodie và bao nhiêu đôi giày thể thao?”, Virgil Abloh chia sẻ về quan điểm bất ngờ của mình. Nhiều người trong ngành cũng đồng tình với Virgil về điều này. Julia von Boehm, một stylist ngôi sao nổi tiếng cho rằng streetwear sẽ phải sớm dừng lại trong một phỏng vấn gần đây với tờ InStyle: “Mọi thứ trong thời trang sẽ mang âm hưởng quá khứ nhiều hơn là tương lai. Cổ điển mang lại cảm giác chắc chắn, còn tương lai thì quá mơ hồ”. Chính Virgil Abloh cũng đưa ra một nhận định tương tự: “Có quá nhiều thứ hấp dẫn trong các cửa hàng vintage, và đó sẽ là những gì mọi người mặc trong tương lai”.
Với bộ sưu tập Thu Đông 2020, những gì diễn ra trên sàn diễn dường như cũng trùng khớp với nhận định đậm tính tiên đoán của Virgil Abloh. Tại show diễn của Off-White, sự xuất hiện của một bộ suit chỉn chu khiến các khán giả hoàn toàn bất ngờ. Và tại Louis Vuitton, kỹ thuật may đo trở thành tâm điểm của cuộc đàm thoại trên phông nền mang đậm cảm hứng hội họa. Ngay cả thiết kế đậm chất đường phố nhất là chiếc hoodie cũng trở nên tinh xảo với kỹ thuật cắt ráp mảnh phức tạp, tái hiện lại mẫu monogram trứ danh của nhà mốt một cách đầy thời thượng và thuyết phục.
Kim Jones tiếp tục hoàn hảo hóa kỹ thuật và câu chuyện menswear của mình tại Dior. Mọi thứ tập trung vào may đo, và được nâng tầm lên cả couture với những sáng tạo thêu đính bằng tay tinh xảo. Clare Waight Keller của Givenchy mang lại những bộ suit phom dáng ôm sát – một trong những xu hướng mới của mùa thay cho kiểu cắt quá khổ đã định hình thời trang nam nhiều năm nay dưới sự ảnh hưởng của streetwear. Tại Valentino, suit đứng đắn nhưng vẫn trẻ trung nhờ vào họa tiết và màu sắc lạ mắt. Có thể khẳng định sự thanh lịch và cổ điển đã trỗi dậy để giành lại vị trí xứng đáng của mình.
Nhưng nguồn năng lượng của streetwear không hề biến mất mà chỉ chuyển thành những xu hướng khác với hiệu ứng không hề kém cạnh. Những mảng màu nổi bật đặc trưng của streetwear khiến bộ suit trở nên mới mẻ. Ngay cả một chiếc thắt lưng màu neon nhỏ bé cũng khiến cục diện một thiết kế quay ngoắt 180 độ. Sự phóng khoáng và bóng bẩy của thập niên 70 mang lại góc nhìn khác về phong cách đời thường tại Tom Ford và Dries Van Noten. Và chất liệu da từ đầu đến chân là tuyên ngôn gợi cảm và đậm chất rock cho bộ trang phục streetwear thông thường.
Có vẻ như một lần nữa, Virgil Abloh lại đúng. Ý tưởng về một thế giới “hậu sneakers” có thể khiến nhiều tay chơi giày không vui vẻ lắm, nhưng Virgil Abloh vẫn giữ vững tinh thần lạc quan. “Tôi rất mong đợi thập niên 2020. Tôi hào hứng nghĩ về những gì sẽ được làm, bởi chúng ta đã có những bước tiến quá lớn trong thập niên vừa qua”.