PGS.NS Thế Bảo: "Hơi nặng nề khi kết luận Sơn Tùng đạo nhạc" - Tạp chí Đẹp

PGS.NS Thế Bảo: “Hơi nặng nề khi kết luận Sơn Tùng đạo nhạc”

Giải Trí


Câu chuyện ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP, người đang có lượng fan trẻ hùng hậu ở Việt Nam bị nghi đạo nhạc làm nóng dư luận thời gian qua. Hiện Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sau khi thẩm định đã đưa ra kết luận: ca khúc này là một sản phẩm đạo nhạc. Đơn vị này cũng đồng thời gửi công văn đến Cục Bản quyền tác giả, đề nghị: “không cho lưu hành ca khúc này”. Để rộng đuờng dư luận, Đẹp Online sẽ đưa ra ý kiến nhiều chiều về phán quyết của đơn vị đại diện có chuyên môn này.(Đây chỉ là kiến nghị, chưa có ý nghĩa như một quyết định từ đơn vị có thẩm quyền)

Chúng tôi mong nhận được đóng góp ý kiến của những người có chuyên môn để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều về sự việc này.


 PGS.NS Thế Bảo: “Hơi nặng nề khi kết luận Sơn Tùng đạo nhạc”

(Mọi ý kiến, bài vở gửi về địa chỉ e-mail: sennt.editor@lemediavn.com

Theo chủ trương của Hội Nhạc sĩ, yêu cầu bắt buộc với một người viết nhạc là phải chịu toàn bộ trách nhiệm về cả ba phần: phần đệm, phần giai điệu và phần lời của một ca khúc. Tôi ủng hộ cách làm này!

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP, đồng thời là tác giả ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”.


“Sử dụng các phần nhạc nền (hay phần phối khí, còn gọi là beat nhạc) có sẵn, để viết giai điệu và lời ca khúc của mình. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp”


Nhưng theo dõi đời sống âm nhạc nước nhà lâu nay, tôi thấy rõ, ở Việt Nam, có nhiều nhạc sĩ chỉ viết phần lời và giai điệu cho bài hát, gửi đến đài truyền hình hoặc các nhà sản xuất, để các đơn vị này tự lo phần đệm cho các ca khúc. Phần đệm hay còn gọi là phần phối khí, ở ta, trong một thời gian rất dài được làm miễn phí, và đa số người làm phối khi không có tên trên tác phẩm âm nhạc ấy. Sau này, những người làm phối khí được nhận thù lao cho công việc sáng tạo đó, nhưng hầu như vẫn không đứng tên đồng tác giả của ca khúc.

Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, khi công nghệ phát triển, những người viết trẻ và cả những người không còn trẻ có xu hướng sử dụng các phần nhạc nền (hay phần phối khí, còn gọi là beat nhạc) có sẵn, để viết giai điệu và lời ca khúc của mình. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp.

Riêng về ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng, tôi đã đọc bản nhạc này, so sánh với ca khúc mà dư luận cho rằng, Sơn Tùng đã “đạo” là “Because I miss you” của Hàn Quốc. Tôi cho rằng, phần lời và giai điệu của ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”  là do Tùng sáng tác, chỉ giống ca khúc “Because I miss you”  là cùng sử dụng nhịp 6/8. Riêng phần đệm và vòng hòa âm, ca khúc của Sơn Tùng giống với ca khúc “Because I miss you”. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, phần hòa âm kiểu như hai ca khúc này tương đối phổ biến. Chưa kể, nhạc pop là dựa dẫm vào nhau, điều này phổ biến trên toàn thế giới, chứ không riêng châu Á hay Việt Nam. Tất nhiên tôi không loại trừ có những người viết nhạc pop nhưng vẫn tự làm hòa âm, phối khí cho riêng ca khúc của mình, với sự sáng tạo độc đáo.

Từ khi công nghệ phát triển, trên đàn organ còn viết sẵn phần đệm để người muốn viết nhạc có thể viết. Tôi vẫn cho rằng, cách làm này đối với người tập viết hoặc yêu thích âm nhạc có thể sử dụng. Nhưng đối với những người làm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt là người đã nổi tiếng, viết nhạc và thu được lợi nhuận từ âm nhạc rồi thì không nên làm theo cách này, hoặc nếu sử dụng phần hòa âm phối khí có sẵn phải mua, hoặc trả tiền cho người đã viết nó.

Phân tích như vậy để thấy, trong trường hợp ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”, kết luận rằng, Sơn Tùng đạo nhạc là hơi nặng nề với chàng trai ấy. Cho dù tôi không cổ vũ và đồng tình với cách Sơn Tùng đã làm, nhưng tôi cho rằng, anh ta đã có sáng tạo trong ca khúc của mình, cụ thể là ở phần lời và giai điệu.

“Tôi nhìn Tùng như một cậu bé, mà một đứa trẻ khi còn nhỏ, muốn bước đi nó cần phải được mẹ dẫn dắt hoặc vịn vào thứ gì đó. Việc Tùng đã sử dụng beat nhạc có sẵn để viết một số ca khúc trước đây, có thể nhìn nhận là cậu ấy đang “vịn” vào thứ gì đó để tập đi.”

Tiện đây tôi muốn nói thêm, ở Việt Nam, có nhiều nhạc sĩ sử dụng thơ của người khác viết nhạc. Có người sử dụng ý thơ, có người sử dụng một số câu trong bài thơ, nhưng ca khúc ấy chỉ có tên người viết nhạc. Nhưng trong trường hợp này chúng ta không gọi người viết ấy là “đạo lời”. Vậy cách Sơn Tùng đang viết trên beat nhạc chưa xin phép này là không đúng, nhưng chưa đủ căn cứ để  kết luận Sơn Tùng “đạo nhạc”.

Tôi đã nghe các ca khúc Tùng đứng tên tác giả, tôi thấy cậu ấy là một người có khả năng nhất định, tuy rằng đang được tung hô quá. Tôi nhìn Tùng như một cậu bé, mà một đứa trẻ khi còn nhỏ, muốn bước đi nó cần phải được mẹ dẫn dắt hoặc vịn vào thứ gì đó. Việc Tùng đã sử dụng beat nhạc có sẵn để viết một số ca khúc trước đây, có thể nhìn nhận là cậu ấy đang “vịn” vào thứ gì đó để tập đi. Nhưng bây giờ, khi đi được rồi, cần phải khuyên cậu ấy, phải tự đi toàn bộ bằng đôi chân của mình. Cách nhìn đó, tôi cho rằng hợp lý trong đánh giá với Sơn Tùng hơn.

Chúng ta cần cổ vũ những người viết trẻ đừng làm theo cách đã từng làm: viết giai điệu và lời trên nền beat nhạc sẵn mà hãy làm theo cách ngược lại, viết lời và giai điệu trước sau đó tự tìm cách hòa âm và phối khi cho ca khúc của mình.

Bài: Nhạc sĩ Thế Bảo

Ảnh: Galaxy


logo

Thực hiện: depweb

12/11/2014, 15:20