"Perks of being a wallflower": Kẻ bị Oscar bỏ rơi - Tạp chí Đẹp

“Perks of being a wallflower”: Kẻ bị Oscar bỏ rơi

Giải Trí
Đã rất lâu rồi kể từ “Juno”, Hollywood mới cho ra đời một bộ phim tuổi teen đắng cay mà ngọt ngào đến thế, khiến người trẻ đồng cảm còn người già thì bồi hồi nhớ lại tuổi hoa niên. Vậy mà tất cả những gì “Perks” nhận được chỉ là vài giải “an ủi” của các hiệp hội phê bình cấp thành phố, mọc lên như nấm sau mưa ở Mỹ. Người duy nhất có thể trả lại sự công bằng cho bộ phim chính là khán giả và họ đã làm điều đó. “Perks” đạt điểm trung bình 4.3/5 của Rotten Tomatoes và lọt vào Top 250 phim hay nhất của IMDB tính đến thời điểm này – điều không nhiều bộ phim được đề cử Oscar năm nay làm được.

 

Ta bằng lòng với tình yêu mà ta thấy mình đáng nhận 

Vì sao câu chuyện về tình bạn giữa Charlie (Logan Lerman), một nam sinh trung học năm nhất tính tình nhút nhát với cô nữ sinh nổi loạn Sam (Emma Watson) và anh bạn đồng tính Patrick (Ezra Miller) lại chiếm được nhiều cảm tình của người xem đến thế? Đơn giản thôi: “Perks” là cuốn nhật ký ngập tràn thứ cảm xúc chân thật và trong vắt như pha lê của một cậu trai mới lớn mà bất kỳ độc giả nào cũng sẽ tìm thấy một phần của mình trong đó.

Chuyển thể cuốn tiểu thuyết của chính mình, Stephen Chbosky đã chuyển tải gần như trọn vẹn những nỗi ưu tư, những cơn phấn khích và tất nhiên cả những niềm rung động đầu đời của ba người bạn trẻ lên phim. “Perks” không né tránh bất cứ đề tài nhạy cảm nào, từ bạo lực học đường, ma túy, tình dục tuổi mới lớn, đồng tính luyến ái, tới lạm dục tình dục vị thành niên. Ngược lại, “Perks” nhìn trực diện vào tất cả những vấn đề này bằng một con mắt trong sáng, thấu hiểu, và thậm chí với cả sự bao dung hiếm có của tuổi trẻ, đúng như cách Patrick và Sam đã nói về Charlie: “Cậu thấy, và thấu hiểu. Cậu là một bông hoa xấu hổ.” Câu nói ấy có lẽ cũng là sự tóm tắt ngắn gọn và đầy đủ nhất cả bộ phim, bởi đây là một quá trình Charlie quan sát thế giới học đường, có những trải nghiệm mới mẻ, thậm chí dữ dội và hoang dại, để hiểu hơn bạn bè và chính bản thân mình, vượt qua những rụt rè và ám ảnh quá khứ để trở thành con người hoàn toàn mới, để “thành nhân”.

Không mảy may vẩn gợn đắng cay hay oán giận, “Perks”, tuyển tập các bức-thư-nhật-ký mà Charlie viết hàng ngày gửi một người bạn hư cấu, mang đến cho ta sự thấu cảm đặc biệt chỉ có thể từ tuổi vị thành niên. Có thể câu chuyện và bộ phim chưa vươn tới tầm cỡ như “Bắt trẻ đồng xanh”, song dư vị ngọt ngào thanh khiết mà Chbosky và Salinger đã để lại trong lòng khán giả và độc giả thì tuy hai mà chỉ một. Và ông chỉ có thể làm được điều này với bộ ba đặc biệt xuất sắc.

Sau vai diễn không lấy gì làm ấn tượng trong “The Three Musketeers” phiên bản 2011, Logan gây bất ngờ lớn khi hóa thân thành một Charlie rụt rè và hướng nội, với óc quan sát tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương. Hiếm ai nghĩ rằng Emma Watson sẽ vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của mười năm thủ vai Hermione, nhưng gương mặt đại diện của Burberry 2009 đã làm điều này một cách phải nói là khá dễ dàng. Sam của cô vừa mạnh mẽ, vừa yếu đuối, vừa cực kỳ bướng bỉnh, vừa rất mực ôn nhu khi ở bên cạnh Charlie. Cách cô dịu dàng dẫn lối cho cậu trai kém mình ba tuổi cả trong tình bạn lẫn tình yêu không khỏi khiến ta nuối tiếc khi thời trẻ đã không có may mắn được biết một người con gái nào như thế. Và bên cạnh cô, Ezra Miller đã không hề kém cạnh khi vào vai một Harvey Milk thời trẻ, với những dằn vặt, mâu thuẫn và khát vọng yêu đương đáng trân trọng và đồng cảm.

Trong khi nhiều tác phẩm về tuổi vị thành niên của phương Tây khó gây được sự rung cảm nơi khán giả Việt do sự khác biệt quá sâu về văn hóa, “Perks” có hai yếu tố chắc chắn sẽ tìm thấy sự đồng điệu ở người xem, đặc biệt là thế hệ 7X và 8X. Bởi thứ nhạc Charlie nghe cũng là thứ nhạc chúng ta từng nghe: The Smiths, U2, Beatles, Genesis, Fleetwood Mac; thứ mix tape mà Charlie làm cũng là thứ chúng ta từng làm; và những cuốn sách Charlie từng đọc phần lớn là các tác phẩm kinh điển đã được dịch sang tiếng Việt: “Giết con chim nhại”, “Bắt trẻ đồng xanh”, “Đại gia Gatsby”, “Trên đường”, “Suối nguồn”… Khi nhắc đến những tác phẩm này, có lẽ cũng nên nhắc đến Anderson, người thầy dạy Anh ngữ và người bạn lớn đã giới thiệu chúng cho Charlie. Một vai phụ, nhưng vẫn có một câu thoại để đời. Với Charlie. Và với cả người xem: “Ta bằng lòng với tình yêu mà ta thấy mình đáng nhận.”

Bài: Nham Hoa


Thực hiện: depweb

03/04/2013, 15:25