Performance: Luôn luôn thích xem, luôn luôn khó hiểu

Nghệ thuật trình diễn là một loại hình nghệ thuật "được trình bày bằng cơ thể nghệ sĩ trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, trong đó sự giao lưu tương tác giữa những nghệ sỹ và khán giả là yếu tố chủ chốt", một loại hình nghệ thuật "có thể bao gồm những yếu tố vốn được coi là thuộc nghệ thuật bỉểu diễn như sân khấu, múa, âm nhạc". (Định nghĩa về nghệ thuật trình diễn của Ban Giám khảo – Lương Xuân Hà).

Đa phương tiện

Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống. Nghệ thuật trình diễn đôi khi không cần quá nhiều và quá cầu kỳ các dụng cụ cần thiết để thực hiện. Bởi chính mỗi cơ thể người nghệ sỹ đã là chất liệu có sẵn. Ở Việt Nam, nghệ thuật trình diễn đang phát triển mạnh mẽ nhưng cũng vấp phải khá nhiều dư luận không khuyến khích.

Thực tại, nó đang dần đi ra khỏi phạm trù các không gian có tính kiểm soát như gallery, hay những không gian như nhà sàn, và các trung tâm văn hóa của nước ngoài đặt tại Việt Nam như Viện Goethe, L’Espace, Hội đồng Anh…

   
 Nghệ sỹ Trương Tân với tác phẩm "Wedding dress".  Lê Nguyên Mạnh và cuộc trình diễn.

Cuộc trình diễn sơ khai của hai chàng họa sĩ Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân (mùa xuân 1997) tại Văn Miếu (Hà Nội) gần như là một cuộc trình diễn công khai đầu tiên của Việt Nam. Bằng những tấm vải xô, chiếu được sơn đỏ loang lổ ngang dọc, những thân cây bị trói, những chậu sơn đỏ hứng những túi sơn đang rỉ máu… Không gian bao trùm Văn Miếu là một màu đỏ.

Hai họa sĩ trình diễn với băng keo dán chặt miệng, tự trói mình vào những gốc cây. Họ muốn tạo ra những yếu tố tâm linh với dụng ý nghệ thuật của mình, cùng với trăm chiếc chiếu, vài trăm mét vải xô màn, và họ chính là vật thể một phần không thể thiếu trong cuộc sắp đặt và trình diễn ấy.

Cuộc trình diễn đã gây sốc và tạo nên dư luận rất xấu về một loại hình nghệ thuật mới. Phía các tác giả đã bị buộc tội là bôi xấu khu Văn Miếu linh thiêng, học đòi trò suy đồi phương Tây có từ những năm 1960. Hai tác giả trẻ thì chỉ một mực cho rằng, họ đang làm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Họ không học đòi phương Tây, cái họ muốn nói đó là môi trường – Chúng ta đang sống trong một môi trường đầy những vết thương, hãy hàn gắn môi trường.

Như vậy, có hai thái cực. Phía các tác giả thì một mực bảo vệ ý kiến của mình rằng đó là ý tốt, tôi chỉ sử dụng các biện pháp “nghệ thuật” để lên tiếng với xã hội, nhằm bảo vệ môi trường. Phía công chúng thì phản bác, cho rằng, chính nó đã xâm phạm môi trường và không gian linh thiêng của Văn Miếu.

Dù sao đi nữa, “không gian nghệ thuật” của hai tác giả Tiến và Quân đã được đối thoại với một lớp công chúng chưa bao giờ được tiếp xúc với các nghệ thuật mới, và lần đầu tiên có lẽ người ta nên đặt lại vấn đề thưởng thức các loại hình nghệ thuật theo một thái độ mới.

Cho dù còn nhiều tranh cãi, nhưng ở Việt Nam, người ta đã biết đến nghệ thuật sắp đặt và trình diễn với những cái tên như Đào Anh Khánh, Vũ Dân Tân, Minh Thành, Trương Tân, Nguyễn Văn Cường… Các nghệ sỹ đã sử dụng những hình thức nghệ thuật Visual art, Installation, Performance, Land art, Body art để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Trước kia, nhà sàn Đức là một trong những địa chỉ quen thuộc thường diễn ra các cuộc trình diễn nghệ thuật.

Nổi bật và thu hút được nhiều công chúng nhất chính là những cuộc trình diễn đáo xuân của Đào Anh Khánh. Có những cuộc trình diễn của anh thu hút tới 2.000 người cho dù không gian trình diễn không ở trung tâm, và thường vào những ngày mưa lạnh nhưng không hề vắng khách tới… xem. Và trong số 2.000 người ấy, có lẽ chỉ có 3 loại: am hiểu thực sự, tỏ vẻ quan tâm đến nghệ thuật, và vì tò mò.

Đào Anh Khánh thường hay kết hợp với các nghệ sỹ trong lĩnh vực khác như Lê Minh Sơn, Sơn X, Vũ Nhật Tân, Trí Minh, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Mạnh Hùng… Hiện tại, Đào Anh Khánh đã xây dựng được cho mình một không gian nghệ thuật ở Lương Sơn – Hòa Bình với 5 cột linga sừng sững cao khoảng 25m và anh đã biểu diễn treo mình… làm các động tác hình thể kết hợp các loại hình khác.

Xem Đào Anh Khánh diễn, thường nhận thấy những gì bản năng sơ khai nhất… tuy quằn quại, hoang dã, nhưng tột cùng của sự đam mê. Nó cũng khơi gợi nên một sự cô đơn, một triết lý cuộc sống mà người nghệ sỹ ngầm gửi đến. Mặc cho những lời chê bai rằng toàn trò lòe, dở hơi rồ dại, toàn tính sân khấu chứ trình diễn nghệ thuật gì nhưng điều quan trọng là Đào Anh Khánh đã thực hiện được niềm đam mê của mình.

Trình diễn trên đường phố

Trực tiếp tương tác, đem nghệ thuật sát thực với đời sống, để minh chứng nghệ thuật là gần gũi và muốn phá tan ngôi đền thiêng của nghệ thuật, đó là những gì gần đây, các nghệ sỹ trẻ tìm tòi thể hiện.

Phan Đức Tùng với dự án “Sneaky Week” (Luồn lách) cùng với sự tham gia của đông đảo các họa sĩ trẻ, Ngô Lực với các dự án cộng đồng như “Vào chợ”, “Ra đường”… Sự góp sức trẻ trung, tâm huyết và sáng tạo của họ và những nghệ sĩ tiên phong, hoặc âm thầm khác, đã góp phần làm cho cuộc sống đương đại ngày càng trở nên sâu sắc, thực tế, xích lại khoảng cách của nghệ sĩ sáng tác với dòng chảy cuộc sống.

“Luồn lách” chính là một cuộc du ngoạn giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nó có mục đích gỡ bỏ những rào cản khái niệm, xóa nhòa các ranh giới phân biệt và chứng minh sự giao thoa, tương tác qua lại giữa cuộc sống và nghệ thuật, giữa cộng đồng nghệ sỹ và các cộng đồng khác trong xã hội. Hầu hết các dự án này đều hướng tới mục đích cộng đồng, và làm thế nào để đưa nghệ thuật tác động tới xã hội một cách tích cực nhất.

Theo Tùng: “Chúng tôi đã rất khó khăn khi tìm cách đưa performance vào một ngữ cảnh khác, nơi các nghệ sĩ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về hành vi và tác phẩm hay những gì muốn thể hiện trước số đông quần chúng! Thực hiện một dự án nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam, quả là một sự thách thức đáng kể với những nghệ sĩ, họa sĩ, những người yêu nghệ thuật.

Quá trình vận động mọi người là hành trình thật sự khó khăn. Số đông người làm nghệ thuật Việt Nam đã quen với cách làm việc độc lập, và rất xa lạ với cái gọi là cộng đồng, nếu không muốn nói là chẳng có hứng thú gì cả. Trường hợp đó xảy ra với Ngô Lực, trong suốt một tháng trời vận động, Lực đã gặp gỡ khoảng 80 người trong dự án “Ra đường”, và rút cuộc là có 4 người tham gia, đó là một kết quả chẳng lấy làm vui cho lắm, trong khi, mọi chi phí đều tự bỏ ra.

Sự thờ ơ vĩ đại

Với performance, cách xem tác phẩm có hai quan niệm: nghệ thuật như sự bộc lộ, nghệ thuật như sự nhận thức. Những tác phẩm đương đại cần đến xem với một sự quan tâm kỹ càng và nhận thức. Nhiều khi cũng không nên đổ lỗi cho nghệ sỹ, mà do một sự thờ ơ vĩ đại trong chính chúng ta đã làm cho chúng ta bỏ qua hay dè bỉu những chi tiết đắt giá, nó như những chìa khóa mở ra một hướng cảm nhận cuộc sống. Hơn nữa, khi chúng ta xem trong đầu chúng ta đầy định kiến. Đó là hai thứ làm cho không thể có công chúng lớn.

 Nhà văn Lê Anh Hoài làm cây cột điện.

Thường người ta hay cho rằng, đó là lỗi của tác giả, của người nghệ sỹ, nhưng ít người nhìn lại bản thân như một công chúng. Và mong sao, khi mọi người chê bai, hãy thử tìm hiểu thật kỹ, nếu không, hãy thử thả lỏng mình hết cỡ, hãy tới, để hòa mình vào tác phẩm một cách đáng tin cậy. Một nghệ sỹ lăn lộn với performance, “thổn thức” rằng: “Mọi người mới chỉ phản ảnh và nhìn nhận một cách rất hời hợt các vấn đề bên ngoài.

Đây là nghệ thuật ý niệm. Không nên dùng tư duy cũ khi nhìn nhận và đánh giá các cuộc trình diễn và tác phẩm nghệ thuật.” Hy vọng, một lúc nào đó, khi ta cùng hòa mình với tác giả, cảm nhận được điều tác giả muốn truyền tải… thì có lẽ lúc đó, nghệ thuật đã làm được chức năng của nó. Lê Anh Hoài, một nhà văn tham gia trình diễn, tự biến mình trong vị trí cây cột điện.

Điều gì đã đến với anh trong lúc anh “hóa thân” làm cái cột điện? Một số người qua đường ngoái lại nhìn, một số dán giấy quảng cáo lên người – cột – điện Lê Anh Hoài, một cháu bé “tè” vào người, và những cuộc tranh cãi sau đó về thế nào là nghệ thuật trình diễn hay một trò… điên rồ.

Bài: Tuệ Thư


From the same category