Phần nhãn chai mới sẽ đề rõ là sản xuất từ “nguồn nước công cộng,” tức là có chung nguồn gốc với nước ở vòi thông thường. Loại nước này sau đó sẽ trải qua 7 bước lọc để loại bỏ các chất khoáng và các hợp chất khác thường thấy trong nước lã, trước khi được đóng chai và dán nhãn Aquafina.
Ảnh minh họa. (Nguồn: aquafina.com)
Sản phẩm Aquafina của Pepsico, Dasani của Coca-Cola và Pure Life của Nestle là ba tên tuổi lớn nhất trên thị trường nước đóng chai. Năm 2013, Coca-Cola đã thừa nhận sản phẩm Dasani của mình được sản xuất từ nước lã, nhưng khẳng định rằng quá trình lọc đã giúp Dasani khác hẳn so với nước từ vòi thông thường.
“Chúng tôi không thể tin là người tiêu dùng lại nhầm lẫn về nguồn gốc của nước Dasani. Trên bao bì có ghi rõ ràng rằng đó là nước lọc,” người phát ngôn Diana Garza Ciarlante cho biết.
Về phần mình, hãng Nestle cho hay rằng sản phẩm nước đóng chai của mình được lọc qua 12 bước, bao gồm cả bước thẩm thấu ngược và chưng cất. Nestle đã vấp phải chỉ trích khi dùng nguồn nước từ Vườn quốc gia San Bernardino ở California để sản xuất, bất chấp việc bang California phải đối mặt với đợt hạn hán chưa từng có tiền lệ dẫn đến thiếu hụt nước dùng.
Nestle cho biết quyền sử dụng nguồn nước của hãng tại khu vực đã có từ trước khi Vườn quốc gia được xây dựng, và 95 triệu lít nước hãng sử dụng trong năm 2014 chỉ chiếm chưa tới 10% trữ lượng nước tại đây.
Trước việc doanh thu từ các loại đồ uống có gas giảm do lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng, các hãng đồ uống đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ nước đóng chai.
Theo khảo sát của Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế (IBWA), tổng doanh thu bán buôn nước đóng chai tại Mỹ năm 2014 là 13 tỷ USD, tương đương hơn 45 tỷ lít nước.
Tuy nhiên, theo IBWA, tổng lượng nước đóng chai được tiêu thụ ở Mỹ trong một năm chỉ ngang bằng lượng nước được lấy từ vòi trong 9 tiếng liên tục trong một ngày.
Rác thải nhựa cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo ước tính của nhóm hoạt động vì môi trường Food & Water Watch, các chai đựng nước bằng nhựa chiếm tới 1,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, và tiêu tốn tới gần 178 triệu lít dầu để sản xuất./.
Theo VietnamPlus