“Penthouse”: Một drama độc hại hay đang phơi bày đến tận cùng mặt tối của tầng lớp thượng lưu?

Người hâm mộ phẫn nộ với loạt tình tiết gây sốc trong phần 2 của “Penthouse: War in Life” (Cuộc chiến thượng lưu) và cái chết của Bae Ro Na (Kim Hyun Soo) đã đẩy căng thẳng leo thang khi cô là nhân vật lương thiện nối gót Shim Su Ryeon (Lee Ji Ah) và Min Seol A (Jo Soo Min) bị hãm hại. Đến đây, phần đông người xem tự hỏi bộ phim muốn truyền tải điều gì và còn có lý do nào để tiếp tục theo dõi khi mà người hiền thường không gặp lành?

Gây phẫn nộ với những tình tiết khó chấp nhận 

Có không ít bộ phim thách thức sự chịu đựng người xem thế nhưng trường hợp của “Penthouse” có lẽ là “khó nuốt” nhất. Nhưng cảm xúc không mấy dễ chịu của khán giả lại không phải vì một cốt truyện hời hợt, tình cảm ủy mị, đầu voi đuôi chuột hay nhiều sạn mà đến từ nội dung được kể thẳng thắn đến mức khiến người xem phải choáng ngợp. “Penthouse” xoay quanh tầng lớp tinh hoa, những gia đình giàu có và quyền lực sống tại tòa Hera Palace 100 tầng. Tại đây, người xem chứng kiến tội ác của những kẻ lắm của nhiều tiền, những mối quan hệ bất chính, thói hư tật xấu của những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, sự mê hoặc của tiền bạc và danh vọng.

Kịch bản của “Penthouse” ngày càng nằm ngoài sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của phần lớn khán giả.

Từ tập đầu tiên dễ dàng nhận thấy phim không dành cho người yếu tim thế nhưng qua mỗi một tập, người xem vẫn tự hỏi rốt cuộc người ác đến khi nào mới bị trừng trị thích đáng? Và chúng ta đã quá nóng lòng mà quên một thực tế, rằng muốn tội ác phơi bày dưới ánh sáng đã không dễ, nay những kẻ thủ ác lại thuộc tầng lớp tinh hoa thì mọi chuyện nào có thể đơn giản? Nhìn vào đã thấy, “Penthouse” không gói gọn về một vấn đề như các siêu phẩm truyền hình khác. Nếu “Sky Castle” (Lâu đài trên không) tập trung chuyện học hành của con cái, “Graceful Family” (Gia đình đức hạnh) xoay quanh đấu đá gia tộc, “The World of the Married” (Thế giới hôn nhân) khai thác muôn mặt của ngoại tình, series “School” lên án bạo lực học đường, thì phim của đài SBS bao hàm tất cả các vấn đề nói trên.

Mối quan hệ tình cảm phức tạp nhiều điều tiếng của các nhân vật.

Với một câu chuyện phức tạp rối rắm, bao trùm các vấn đề nhạy cảm về đạo đức, nhân sinh quan, ranh giới giữa thiện và ác, tầm quan trọng của việc giáo dục con trẻ… chúng ta không thể kỳ vọng một câu trả lời chỉ mang tính chất xoa dịu từ biên kịch Kim Sun Ok. Trái lại, nếu phim đi một đường thẳng và mọi thứ khá dễ chịu, hoá ra lại như một trò đùa giễu cợt khán giả.

Kết cục nào dành cho hội những đứa trẻ ngậm thìa vàng là điều người hâm mộ thi nhau đồn đoán.

Cũng giống như các tựa phim tình cảm nhẹ nhàng, trung thành với cốt truyện dễ đoán, tình tiết ướt át pha chút hài hước hút người xem, “Penthouse” chọn con đường oái ăm khó đi hơn và chỉ đang thể hiện đúng màu sắc của mình. Điều này lý giải vì sao sự căng thẳng của “Penthouse” liên tục đẩy lên không có điểm dừng, bày ra một bữa tiệc hấp dẫn nhưng thực khách thèm lắm cũng chỉ dám nhìn chứ không tiêu thụ nổi.

“Penthouse” chỉ đang làm đúng vai trò của mình

Có thể bạn chưa biết nhưng kiểu phim có tình tiết phóng đại, được cường điệu hóa và đôi khi là phi logic đến lố bịch chính là đặc sản của dòng phim Makjang. “Makjang” là một thuật ngữ tiếng lóng được sử dụng để chỉ các yếu tố cực đoan của một câu chuyện mà có thể không có khả năng xảy ra trong đời thực, chứa đựng nhiều plot twist đòi hỏi khả năng sáng tạo đến mức thượng thừa của khán giả. Makjang từ lâu đã món ăn được yêu thích, hợp gout người xem phim châu Á, đặc biệt là với những ai thích thể loại phim không thể đoán trước.

Sự xuất hiện của Lee Ji Ah trong tập mới nhất nhất của “Penthouse” càng làm tăng thêm phần kịch tính.

Nên các chi tiết nhìn có vẻ ngoài sức tưởng tượng như nhân vật mẹ ruột bí ẩn của cặp song sinh Joo Seok Hoon và Joo Seok Kyung có gương mặt giống với Shim Su Ryeon, Logan Lee có máy mô phỏng chữ viết tay tinh vi hay Cheon Seo-Jin (Kim So Yeon) cắn nát sim điện thoại và nuốt vào bụng là một “gia vị” hết sức bình thường của dòng phim này. Nên việc tranh luận về tính thực tế với một vài chi tiết cường điệu trong phim là điều không cần thiết.

Hơn nữa, những kiểu tình tiết như vậy khơi gợi trí tò mò nơi người xem. Hành động này tạo ra hiệu ứng tranh luận sôi nổi, giúp phim duy trì sức nóng ngay cả khi đã kết thúc. Mặt khác, diễn biến bất ngờ đến khó hiểu cũng là cách dọn đường khôn khéo cho phần tiếp theo. Với một số lượng nút thắt quá nhiều và mùa 2 chỉ có 12 tập, khả năng cuộc chiến thượng lưu này sẽ tiếp tục với mùa 3 là điều dễ hiểu. Trái lại, yêu cầu một Makjang drama như “Penthouse” phải hài hước, dễ thở, ngắn gọn nghe mới vô lý làm sao.

Mỗi một nhân vật trong phim đều có những bí mật cũng như vai trò riêng của mình.

Quan trọng hơn cả, điều làm nên sức hút của “Penthouse” không chỉ đến từ kịch bản xoắn não, mà từ dàn diễn viên là những ngôi sao hạng A đến sự đầu từ khủng về trang phục và bối cảnh. Một điểm cộng khác của phim phải kể đến tính chặt chẽ giữa các tình tiết thắt-mở và hệ thống nhân vật. Mỗi người đều đóng vai trò nhất định và kết nối với các sự kiện của phim, chứ không thừa thãi hay gượng ép.

Sự ra đi của Bae Ro Na đẩy sự phẫn nộ của người xem lên đỉnh điểm.

Cái chết (gần như chắc chắn nếu không có cú twist nào) của Bae Ro Na không phải là dấu chấm hết cho sự nhân văn của “Penthouse”. Bởi những chuyện kém may mắn diễn ra với mẹ con Yoon Hee và Ro Na nói riêng và các nhân vật của phim nói chung đều không phải ngẫu nhiên. Dù có nhiều tình tiết cực đoan xuyên suốt chuyện phim nhưng mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân.

Oh Yoon Hee sẽ trả thù cho con gái như thế nào trong phần còn lại của “Penthouse”?

Từ việc thẳng thắn, không khoan nhượng hay có ý giảm nhẹ mức độ khi lên án cái ác, “Penthouse” cho thấy những kẻ đứng ở đỉnh cao danh vọng nếu sống trái với luân thường đạo lý sẽ hứng chịu bất hạnh tột cùng. Bất kể là tội ác có được che đậy, lấp liếm như thế nào cũng để lại manh mối, “lưới trời tuy thưa mà khó lọt” là thông điệp mà bom tấn của SBS đang nỗ lực tuyền tải.


From the same category