1. Đỉnh cao của bộ phim có lẽ nằm ở màn đồng ca bài hát kinh điển “Smells Like Teen Spirit” của nhóm Nirvana. Ca khúc được thực hiện bởi hàng trăm hải tặc với người cầm trịch là siêu sao Hugh Jackman trong vai Blackbeard tức Cướp biển râu đen. Vui nhộn và đầy hứng khởi, hơn hẳn phần trình diễn chính bài hát này trong phim ca nhạc “Moulin Rouge!” năm nào. Chắc chắn đó phải là sự khởi đầu lý tưởng cho rất nhiều thứ hấp dẫn tiếp theo.
Cậu bé Peter Pan lần này do Levi Miller thủ vai
2. Phim có những điều sách chưa viết: Cậu bé Peter Pan bay ra từ cuốn sách của nhà văn J.M. Barrie đã xuất hiện trên màn ảnh rộng không biết bao nhiêu lần, cho nên, viết ra một câu chuyện mới có lẽ là cách duy nhất để tái tạo lại sức sống, sức lôi cuốn cho nhân vật thuộc dạng “cũ kỹ” này. Lựa chọn kể lại hành trình của Peter trước khi trở thành Peter Pan là một quyết định hợp lý, bởi nó đánh trúng tâm lý tò mò về những gì nhà văn J.M. Barrie chưa viết trong tác phẩm của mình,như nguồn gốc của từ Pan, lý do vì sao cậu bé lại đến vùng đất Neverland và trở thành thủ lĩnh ở đó…
3. “Pan” đẹp: “Pan” được dàn dựng khá chỉn chu với nhiều khuôn hình đẹp đẽ, rực rỡ và mang đậm màu sắc phiêu lưu. Đạo diễn Joe Wright hoàn toàn biết cách làm cho hành trình của Peter Pan trở nên cuốn hút hơn bằng việc đẩy nhanh tốc độ của câu chuyện, dàn dựng các pha hành động đầy sáng tạo với thời lượng khá dài, tận dụng tối đa kỹ xảo cũng như hiệu ứng 3D để tăng thêm sức hấp dẫn. Tin chắc ai cũng sẽ thấy thỏa mãn với màn rượt đuổi độc đáo giữa đội máy bay Anh quốc với một con thuyền chở đầy hải tặc giữa bầu trời đêm ở thành phố London hay màn chiến đấu liên hoàn trên hai con thuyền trôi nổi trong vùng đất tiên giới. Ngay cả các màn cận chiến cũng rất gọn gàng, linh hoạt và có thêm một chút hài hước, điều này chắc chắn sẽ làm các khán giả nhí vừa lòng.
4. Nhưng “Pan” vẫn còn một vài điều đáng tiếc: Đó là phần nội dung thiếu chiều sâu, thiếu cao trào và không xuất hiện những bước ngoặt quyết định để tăng kịch tính cho cả bộ phim. Hay nói khác đi, khi xem phim, khán giả hầu như không có cảm giác hồi hộp, lo lắng hay phấn khích, chưa thể hòa theo từng bước đi của nhân vật chính. Các màn hành động dù xuất sắc đến mấy cũng như những mảnh ghép rời rạc trên tổng thể nhợt nhạt và vô cùng dễ đoán của câu chuyện. Không chỉ vậy, cậu bé Peter có tâm lý phát triển vội vàng và rất không hợp lý, đôi lúc nói năng và hành xử như một “ông cụ non”, chính điều đó đã làm Peter trở nên xa lạ với Peter Pan “nguyên bản” và rất khó thuyết phục được khán giả.
5. Diễn viên chính chưa xuất sắc: Cậu bé Levi Miller chưa lột tả trọn vẹn nhân vật Peter Pan, đặc biệt trong các màn thể hiện cảm xúc. Sở hữu khuôn mặt đậm chất điện ảnh nhưng Levi Miller lại diễn khá cứng nhắc và đơn điệu, bên cạnh một Rooney Mara trong vai Tiger Lily mờ nhạt đến khó tin. Ít ai hình dung nổi cô gái này đã từng xuất sắc thế nào trong “The Girl with the Dragon Tatto” cách đây 4 năm. Cũng may là còn một Hugh Jackman lão luyện phần nào gây được ấn tượng tốt với vai thuyền trưởng Blackbeard si tình, nhiều dã tâm nhưng chưa đủ độc ác.
Hugh Jackman lão luyện vào vai Thuyền trưởng râu đen
6. Một cái kết bỏ ngỏ: Bộ phim cũng mới khai thác được một nửa mối quan hệ giữa Peter Pan và kẻ thù truyền kiếp của cậu: thuyền trưởng Hook. Một cái kết bỏ ngỏ nhiều khả năng sẽ dẫn đến tập tiếp theo, nơi mọi thứ trở nên rõ ràng và có độ gắn kết nhiều hơn với câu chuyện gốc. Xét trên khía cạnh là bộ phim gia đình, “Pan” cũng gửi gắm một thông điệp khá thú vị đến cho các ông bố bà mẹ: hãy để cho đứa con của bạn tiếp tục mơ mộng và tin vào những điều kỳ diệu, bởi trí tưởng tượng chính là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên giúp trẻ trở thành người có đầu óc sáng tạo, biết hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống trao tặng.
“Pan” chính thức công chiếu tại Việt Nam từ ngày 9/10 với tên gọi “Pan & vùng đất Neverland”, có các định dạng 2D, 3D, 4DX và phiên bản lồng tiếng Việt.
Bài: Hoàng Cương
Ảnh: CGV cung cấp