Như hầu hết mọi người, tôi đã do dự và băn khoăn về quyết định đến Pakistan vào cuối tháng 4 vừa rồi vì những xung đột liên quan đến đất nước này. Thế nhưng khi đặt chân tới Hunza, một thung lũng biệt lập nằm ở phía Bắc Pakistan, và cả vùng Gilgit-Baltistan, tất cả những nghi ngại trong tôi đều tan biến, chỉ còn lại sự mê đắm và choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ.
Peer, một người con của Hunza, là người lên kế hoạch cho tôi trong chuyến đi này. Chúng tôi đã trải qua chặng đường kéo dài hai ngày với hàng loạt chốt kiểm soát của cảnh sát cũng như các khu vực tập trung người Hồi giáo cực đoan. Trái ngược hoàn toàn với phần lãnh thổ bất ổn đó của đất nước, Hunza lại là một khu vực an toàn để du lịch. Thung lũng ở độ cao gần 2.500 mét so với mực nước biển, ẩn mình giữa những đỉnh núi tuyết phủ, bên dưới là dòng sông màu ngọc bích uốn lượn. Vùng đất này cũng có ngôn ngữ, sắc tộc và những nét văn hóa riêng. Đến với Hunza là đến với những pháo đài lịch sử, sông băng vĩnh cửu hay những con người hiền hậu. Nơi đây còn được mệnh danh là “thung lũng trường thọ” bởi nguồn nước tinh khiết, không khí trong lành, thực phẩm sạch và người dân tôn thờ lối sống lành mạnh.
Fairy Meadows (đồng cỏ thần tiên) nằm cách Hunza hơn 100km, là một trong những điểm leo núi được yêu thích nhất ở phía Bắc Pakistan, nơi giao nhau của ba dãy núi lớn là Himalaya, Karakoram và Hindu Kush. Đây cũng là nơi gần nhất có thể ngắm ngọn núi cao thứ chín thế giới: Nanga Parbat.
Tôi có chút lo lắng khi biết để đến đây cần trải qua một chuyến xe Jeep gần hai tiếng đồng hồ trên cung đường được coi là nguy hiểm thứ hai thế giới. Cung đường ngoằn ngoèo, cheo leo với một bên là vách núi, một bên là vực thẳm khiến tay tôi bám cứng vào thành xe, mắt nhắm chặt. Peer trấn an tôi rằng chỉ hơn 100 tài xế có bằng lái chuyên dụng mới được cấp phép lái xe trên cung đường này, và dĩ nhiên, họ đã quen thuộc lắm với từng đoạn cua, từng con dốc.
Để tiếp tục di chuyển tới Fairy Meadows, tôi chọn đồng hành cùng người quản ngựa Sher Ullah và chú ngựa Badal. Hơn hai tiếng đi ngựa, tôi thu vào tầm mắt toàn bộ vẻ hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Tôi còn được lắng nghe câu chuyện của Sher Ullah, chàng trai 20 tuổi với ước mơ thật đẹp là kiếm đủ tiền để xây một trại ngựa của riêng mình và chu du khắp thế giới. Có lẽ vì vậy mà chú ngựa được Sher đặt tên là Badal, theo tiếng Urdu có nghĩa là “thay đổi”.
Ở lại Fairy Meadows một đêm trong căn nhà gỗ đơn sơ, nhìn ngắm ngọn Nanga Parbat, đi dạo giữa rừng thông, có lúc ngồi uống cà phê và trò chuyện với những người dân địa phương ở độ cao 3.300 mét, tôi cảm thấy bình yên và ngỡ như thời gian đã ngưng lại tại đây.
Theo thống kê, Pakistan có hơn 7.500 sông băng, nhiều hơn bất kỳ nơi nào ngoài vùng cực. Trong số hàng ngàn sông băng ấy, sông băng đen ở Hopper và sông băng trắng ở Passu là hai địa điểm dễ tiếp cận đối với khách du lịch hơn cả. Trải qua hành trình dài đi bộ, vượt qua những ngọn núi để tận mắt ngắm nhìn sông băng kỳ vĩ, cảm nhận những mạch nước ngầm vẫn róc rách chảy bên trong tảng băng là một trải nghiệm mà tôi không thể quên. Chuyến đi đến Hunza lần này, tôi đã lưu lại trong tầm mắt và tâm trí không biết bao nhiêu những con sông, ngọn núi.
Được bao quanh bởi thiên nhiên hùng vĩ, pháo đài Altit và Baltit là hai công trình lịch sử nổi bật của vùng đất Hunza. Pháo đài Altit tồn tại từ thế kỷ XI với lối kiến trúc độc đáo, pha trộn giữa phong cách truyền thống Hunza và Tây Tạng. Pháo đài Baltit được xây dựng vào thế kỷ VIII, phản ánh ảnh hưởng của Phật giáo trên những họa tiết được chạm khắc cầu kỳ như hoa sen. Năm 2004, pháo đài Baltit được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Nép mình dưới những dãy núi hùng vĩ của Hunza là khoảng 20 ngôi làng bình lặng. Làng Passu nổi tiếng với những cảnh đẹp như tranh: đỉnh Passu Cone ngạo nghễ, thị trấn Gulmit với rất nhiều lễ hội văn hóa, hay Eagle’s Nest – điểm nhìn cao nhất của thung lũng, nơi có thể ngắm trọn các đỉnh núi nổi tiếng xung quanh như Rakaposhi, Lady Finger, Golden Peak….
Nối liền hai làng Zarabad và Hussaini là cây cầu treo lớn thứ hai thế giới với độ dài 200m. Những ngôi làng ở Hunza được thay áo mới qua từng mùa hoa. Những cây hoa mơ, hoa đào, hoa táo… bung nở khắp nơi trong thung lũng, trải dài quanh sườn núi tạo nên một “thiên đường nơi hạ giới”, đẹp và thơ mộng không lời nào tả xiết.
Peer dẫn tôi về làng của anh, ngôi làng Ghulkin được bao quanh bởi các sông băng. Ghulkin đóng vai trò lịch sử trong sự hình thành của Hunza, nơi người dân có trình độ học vấn cao, chính quyền quan tâm đến thiên nhiên và con người. Bữa ăn trưa tại nhà với cà ri dê, khoai tây nghiền cùng cơm trắng và bánh nan do mẹ của Peer nấu khiến tôi cảm động về sự hồn hậu và hiếu khách của người dân Hunza.
Tại Ghulkin, tôi còn có cơ hội gặp bác Rehmat Ullah Baig, người nghệ sĩ chơi đàn Ghizek (một loại nhạc cụ truyền thống gần giống violin) duy nhất của Hunza. Thưởng thức âm thanh đầy mê hoặc từ cây đàn do chính tay bác làm là một trải nghiệm mà tôi cho rằng sẽ hiếm có trong đời. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi này chắc chắn là bức ảnh lưu niệm chụp gia đình bác Rehmat Ullah Baig với những sản phẩm văn hóa Việt Nam mà tôi mang theo như đôn ghế của Bát Tràng Museum Atelier, áo dài của LeapArt, túi và trang sức của Hanoia. Một sự giao thoa vô cùng thú vị.
Những ngày ở Hunza, tôi để đầu óc mình thật thảnh thơi, cố gắng tận hưởng một cuộc sống chậm rãi, lành mạnh như người dân ở đây. Tôi thầm biết ơn bản thân đã vượt qua những khó khăn và định kiến ban đầu về một đất nước đầy hỗn loạn để có được những trải nghiệm quý giá này, và biết chắc rằng mình sẽ còn quay lại Pakistan thêm nhiều lần nữa.
Hiện tại chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Pakistan nên bạn phải mua vé của hãng bay nước ngoài và quá cảnh ở Thái Lan hoặc Indonesia, sau đó bay nội địa từ Islamabad đến Gilgit hoặc Skardu.
Thời điểm thích hợp để đi Pakistan và thung lũng Hunza là mùa xuân (hoa nở vào tháng 3, tháng 4) và mùa thu (cây thay lá vàng vào tháng 9, tháng 10).
Ảnh: Vũ Bách Lâm