Không mấy bà nội trợ dành dụm được món tiền lại từ chối mua một chiếc máy rửa rau ôzôn với quảng cáo là diệt khuẩn, loại bỏ 99,9% thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác. Thế nhưng, khả năng của những loại máy này đến đâu thì người tiêu dùng không hề biết.
Ôzôn là gì?
Trước hết, nó là một loại khí có ít trong khí quyển, gần như không tồn tại trong điều kiện tự nhiên thông thường, chỉ trong những môi trường đặc biệt như ở tầng cao của khí quyển trái đất, thậm chí còn tập trung thành một lớp bao quanh trái đất, được biết đến với tên gọi là tầng ôzôn. Tác dụng "bảo vệ con người" đầu tiên của tầng khí này là ngăn ngừa các tia cực tím từ mặt trời có thể gây ung thư da và có hại với hầu hết các loài động vật khác.
Cũng trong tự nhiên, loại khí này được sản sinh tự nhiên trong cơ thể người thông qua hệ thống bạch cầu. Bạch cầu – còn gọi là máu trắng – sản xuất ra các i-on Hypoclorit và ôzôn để tiêu diệt các vi khuẩn, các chất hữu cơ và các vật thể lạ xâm nhập cơ thể.
Nguyên tử làm nên "điều kỳ diệu"
Khác với khí ôxi có ký hiệu là O2, phân tử khí ôzôn có ký hiệu là O3 và sự khác biệt này làm nên "điều kỳ diệu", tính năng thường được quảng cáo trong các sản phẩm công nghệ ôzôn. Phân tử ôxi là do 2 nguyên tử ôxy hợp lại, còn phân tử ôzôn là do 3 nguyên tử ôxi hợp lại. Cấu trúc O3 không bền vững, nên trong thực tế O3 luôn tách ra thành một phân tử ôxi và một nguyên tử ôxi: O2 + O.
Chính nguyên tử ôxi bị tách ra này tác động mạnh tới môi trường vì nó có tính ôxi hóa rất cao. Do vậy, nó ôxi hóa lớp vỏ các tế bào vi khuẩn làm chúng bị chết. Vì thế, một tác dụng rất hữu ích của ôzôn là diệt khuẩn. Tính năng khác nữa của ôzôn là gây đứt mạch liên kết của các phân tử hữu cơ, làm tính chất của chúng biến đổi, như làm mất mùi hôi ở những nơi bị ô nhiễm, làm giảm nồng độ nhiều chất có hại cho sức khỏe.
Đặc biệt, khi ôzôn được sản sinh ra, người ta sẽ bớt đi một mối nguy hiểm có từ loại khí CO (carbonic oxide) có thể gây ngạt thở hoặc gây độc chết người, vì lúc đó, nguyên tử ôxi sẽ kết hợp với khí CO để trở thành khí CO2 (Carbon Dioxide), kết quả là khí CO2 vô hại.
Tạo ra khí ô zôn không khó
Tuy nhiên, để tạo ra khí ôzôn lại không khó. Rất tự nhiên, một lượng lớn khí ôzôn được sinh ra khi có sấm sét. Con người cũng dễ dàng tạo ra loại khí này khi tạo được những tia lửa điện. Trong đời sống, ngoài các máy tạo khí ôzôn thì một số loại máy móc cũng xuất hiện điện cao thế, tạo ra lượng nhỏ khí ôzôn như máy photocopy, tivi. Vì thế, có thể kết luận rằng, con người có thể chế tạo ra máy móc để tạo ra khí
Mấy năm gần đây, người tiêu dùng trong nước đã khá quen tai với Công nghệ ôzôn. Rất nhiều loại máy gia dụng và chăm sóc sức khỏe được quảng cáo có ứng dụng công nghệ ôzôn.
Chỉ có điều, do thiếu hiểu biết dẫn đến ngộ nhận hoặc do cố tình, công nghệ này được nhiều nhà phân phối quảng cáo như một công nghệ "thần diệu", cái gì cũng giải quyết được. Ô zôn là gì và thực sự có tác dụng ra sao, phần lớn những khách hàng tiêu dùng trong nước đã bỏ tiền ra mua cũng chưa hiểu. Không loại trừ cả những khách hàng có học hàm học vị trong ngành khoa học công nghệ. "Tôi là nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ nhưng chuyên về vật liệu nên muốn hiểu sâu, hiểu kỹ về công nghệ ôzôn thì phải hỏi những chuyên gia thực thụ mà tôi lại không có thời gian, chỉ kịp bỏ tiền ra mua cho gia đình dùng thôi" – đó là tâm sự rất thẳng thắn của một nhà khoa học. Vậy thì lại càng khó đối với người tiêu dùng bình thường! |
ôzôn.
Các sản phẩm tiêu dùng
Vì có thể chế tạo ra máy ôzôn không khó cho nên những năm gần đây, các loại máy ôzôn được chào mời với nhiều tác dụng khác nhau. Người ta được nghe nhiều đến máy sục khí ôzôn, tức là loại máy sản xuất khí ôzôn và cho "sục" trong môi trường nước. Loại máy này thường được quảng cáo diệt tất cả các loại vi khuẩn vì thế có thể sử dụng để rửa tất cả các loại rau củ.
Nguyên lý diệt khuẩn trong môi trường nước không có gì khác ngoài việc lợi dụng khả năng ôxi hóa rất mạnh của ôzôn để diệt vi khuẩn. Vì thế, khí ôzôn có tác dụng diệt khuẩn khi sục trong môi trường nước là có thật. Bằng chứng, nó đã được sử dụng trong công nghiệp để lọc nước ở các nhà máy nước và diệt khuẩn trước khi đóng chai nước uống tinh khiết nhưng đó là những loại máy có công suất lớn và được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng.
Lý do cần công suất cao vì nồng độ ôzôn càng lớn thì hiệu quả càng cao, nhất là trong ứng dụng công nghiệp. Nếu nồng độ ôzôn không đủ lớn thì trong môi trường nước phần lớn nguyên tử ôxi sẽ nhanh chóng kết hợp với nhau thành phân tử ôxi, hiệu quả diệt khuẩn thấp.
Trong đồ gia dụng, dùng để diệt vi khuẩn khi rửa rau củ quả hay rửa sạch các loại bát đĩa cũng có ít nhiều công dụng. Tuy nhiên, sau khi "bóc ruột" một số máy sục ôzôn, một số chuyên gia đã không khỏi ngạc nhiên vì tính lừa bịp của chúng. Nó chỉ đơn giản gồm một bộ nguồn cảm biến và một dụng cụ kích phóng điện.
Về nguyên lý thì không sai nhưng hiệu năng tạo khí ôzôn rất thấp và khi đưa vào sục thì nó nhanh chóng "mất tích" bởi sự kết hợp với nguyên tử ôxi và các tạp chất khác có trong nước. Vì thế, hiệu quả diệt khuẩn gần như là con số không.
Và bịp bợm
Không dừng lại ở tính năng ban đầu này, nhiều loại máy còn được "thổi" lên với khả năng vô hiệu hóa tới 100 loại thuốc trừ sâu (loại chất độc phổ biến trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ám ảnh các bà nội trợ). Thực tế, bằng các phản ứng hóa học thì khó nói là ôzôn có khả năng này. Nó có khả năng (không nhiều trong điều kiện như rửa rau) và chưa ai phân tích sau khi nó phá hủy thuốc trừ sâu, các chất hình thành có ít độc hơn bản thân thuốc trừ sâu hay còn độc hại hơn nữa.
Không dừng lại ở sự quảng cáo, đã từng có những điểm bán máy ôzôn lừa bịp đến mức làm thí nghiệm cho một con cá sống vào thùng nước có pha thuốc trừ sâu sau đó đưa con cá này sang ngâm trong thùng nước sục khí ôzôn. Sau một hồi ngâm, nước ôzôn chuyển màu đen sì và con cá được thuật lại là… quẫy đuôi vui vẻ. Họ kết luận, máy sục ôzôn có khả năng hóa giải mọi loại thuốc trừ sâu. Còn các nhà khoa học kết luận là sự bịp bợm.
Thứ nhất, màu nước đen sì có thể do một tác nhân khác "ẩn" trong máy làm nên chứ không phải hiệu quả của khí ôzôn. Còn việc con cá quẫy đuôi, nếu điều này là có thật, thì đó là phản xạ trước khi chết. Lúc đó, con cá gặp được một lượng ôxi tươi mới bổ sung trong nước do máy sục tạo nên và nó "tỉnh" lại trong chốc lát, còn chất độc đã ngấm vào máu, vào cơ thể cá sẽ giết chết nó sau đấy.
Công nghệ ôzôn "xịn"
Trên thị trường nước ta, khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng về các ứng dụng công nghệ cao gần như chỉ kiểm soát trên giấy nên người tiêu dùng dễ bị lợi dụng. Lược bỏ những điều bịp bợm, nếu hãng sản xuất chú ý đến uy tín của mình khi cạnh tranh với hãng khác (dễ bịp khách hàng nhưng khó bịp hãng cạnh tranh cùng loại) thì ứng dụng của ôzôn thực sự đem lại nhiều tốt đẹp cho cuộc sống.
Phải khẳng định rằng, những hãng sản xuất có uy tín sẽ vẫn tạo ra những máy rửa rau, củ và hoa quả bằng công nghệ sục khí ôzôn đảm bảo diệt khuẩn rất tốt chứ không phải giải độc thuốc trừ sâu. Máy sục khí ôzôn đã từng và đang được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt như nuôi tôm.
Công nghệ ôzôn còn ứng dụng trong máy điều hòa nhằm làm sạch và làm tươi mới không khí (không phải loại điều hòa nào cũng làm được dù họ có quảng cáo về công nghệ này, gần như không thể kiểm tra tính đúng đắn của các lời quảng cáo). Gần đây nhất, tại Việt Nam, đèn huỳnh quang diệt khuẩn, khử mùi và làm sạch khói (nhất là những phòng cho phép hút thuốc lá hoặc bếp ăn…) cũng là dựa trên hiện tượng ánh sáng huỳnh quang có tác dụng tạo ra nguyên tử ôxi từ không khí.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, cụ thể là tại các bệnh viện, ôzôn được nhiều nơi cho phép sử dụng như một biện pháp diệt trùng, tẩy khuẩn hiệu quả. Thậm chí các nghiên cứu còn cho thấy, ôzôn có tác dụng loại trừ các chất cholesterol vốn là tác nhân gây bệnh tim, xơ cứng động mạch. Dù có nhiều ứng dụng nhưng chưa nước nào cho phép công nghệ ôzôn được ứng dụng trong y học như một loại thuốc.
Lời khuyên
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng các loại máy ôzôn trong gia đình, đặc biệt với loại máy rửa rau được bày bán rộng rãi hiện nay. Một chiếc máy rửa rau ôzôn sẽ tác dụng với các chất trong rau, một số chất độc được loại bỏ và một số chất khác lại chuyển hóa do phản ứng hóa học, gây ra những chất độc hại khác. Một nguyên nhân khác là do không ít các loại máy được bày bán không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Một chiếc máy ôzôn phải hội tụ đủ các điều kiện: tạo ra ôxi sạch, ôxi khô, loại bỏ được khí độc NO2. Một chiếc máy ôzôn công nghiệp phải đạt công suất 50KW và có bộ xử lý làm lạnh. Để thực hiện được các “nhiệm vụ” trên, một chiếc máy ôzôn có giá thành đắt hơn 20 lần so với đa số các loại máy tạo ôzôn đang có mặt trên thị trường. Do đó, chất lượng của máy ôzôn hiện nay đa phần không đảm bảo. Một số gia đình mua máy tạo khí ôzôn đặt trong nhà để làm sạch nước, làm trắng vải hay khử trùng, khử khuẩn… đã bị ho. Nguyên nhân (theo TS Khải) là bởi máy tạo ôzôn đạt chuẩn phải có công suất lớn, phải có bộ lọc hơi nước, đưa được ôxi sạch vào nhà. Nguyên nhân nữa là khí ôzôn cũng làm hại phổi chứ không hoàn toàn tốt tuyệt đối như mọi người lầm tưởng. Chưa kể, máy tạo khí ôzôn kém chất lượng không loại bỏ được khí NO2 nên tạo ra nguồn khí không sạch. Do đó, khi mua một sản phẩm máy ôzôn cần lưu ý đến: |
Trợ giúp thông tin: TS Vật lý Nguyễn Văn Khải