Oscars 2020: Cú lội ngược dòng ngoạn mục của “Ký sinh trùng” và điện ảnh Hàn Quốc

Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 đã diễn ra vào hôm nay với kết quả chung cuộc là 4 tượng vàng cho hạng mục “Phim hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Kịch bản gốc hay nhất”, và “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” về tay “Parasite”. Như vậy, bộ phim của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho đã làm nên cuộc cách mạng lớn trên nhiều bình diện khi vượt qua những ứng cử viên sáng giá khác như “1917”, “The Irishman” và “Once Upon a Time… in Hollywood”,… để trở thành tác phẩm điện ảnh không nói tiếng Anh đầu tiên thắng lớn trong lịch sử 92 năm của lễ trao giải danh giá này.

“Parasite” đăng quang: Cuối cùng thì Viện Hàn lâm cũng “xuôi” theo đám đông
Dàn sao “Ký sinh trùng” nổi bật trên thảm đỏ Oscar.

Sau khi bất ngờ tiến vào cục diện chính của mùa lễ trao giải với việc mang về hai tượng vàng quan trọng cho hạng mục “Phim chính kịch hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Quả Cầu Vàng, “1917” – bộ phim lịch sử đầy tham vọng nhưng có phần “rượu cũ bình mới” của đạo diễn Sam Mendes tiếp tục chứng minh sức công phá mạnh mẽ với loạt chiến thắng tại BAFTA và Producers Guild Awards – những giải thưởng được đánh giá là liên đới chặt chẽ với kết quả Oscar hàng năm. Chính vì thế, trước thềm trao giải Oscar năm nay, hầu hết dự đoán của giới chuyên môn cho hạng mục “Phim xuất sắc nhất” đều gọi tên “1917“, dù không ít người trong số này bày tỏ mong muốn “được” sai trong dự đoán của mình, và rằng sẽ có bất ngờ xảy ra vào phút cuối của đêm trao giải.

“Parasite” làm nên lịch sử khi chiến thắng giải thưởng “Phim hay nhất” (Best Picture) danh giá của Viện Hàn lâm trong tràng vỗ tay kéo dài bất tận tại khán phòng đêm ấy. 

Và bất ngờ lớn, hay cách mà người dân Hàn ví von là “điều kỳ diệu”, quả thật đã xảy ra khi “Parasite” chính thức mang về không chỉ giải thưởng đã được dự đoán là “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” mà còn thêm 3 tượng vàng khác, trong số quan trọng nhất là hạng mục “Phim hay nhất”. Khác với phán đoán chung, “2017” chỉ ra về với một giải lớn là “Dựng phim xuất sắc nhất” cùng hai giải phụ cho “Kỹ xảo hình ảnh và âm thanh”. Chiến thắng của “Parasite” mang tính cột mốc không chỉ ở việc đây là một “perfect all-kill” của điện ảnh Hàn Quốc sau nhiều lần hụt đề cử, mà còn đánh dấu bước chuyển mình của Oscar sau nhiều thập kỷ vốn chỉ trao giải thưởng cao quý nhất cho các phim nói tiếng Anh.

“1917” – tác phẩm gạt bỏ chủ nghĩa anh hùng trong phim Hollywood mà tập trung vào sự khốc liệt đến trần trụi của chiến tranh.

Trên thực tế, sau 92 năm kể từ lần đầu Oscar lên sóng vào năm 1929, chỉ có vỏn vẹn 11 tựa phim nói tiếng nước ngoài được đề cử cho hạng mục “Phim hay nhất”, với lần gần đây nhất – không tính “Parasite” – là “Roma” (Alfonso Cuarón) vào năm 2018. Trong nhiều năm qua, giới phê bình và khán giả sành phim đã không ít lần than vãn về sự thống trị của những bộ phim nói tiếng Anh trong một lễ trao giải được “mặc định” là danh giá và toàn cầu. Dù chất lượng có tốt đến đâu, các bộ phim nói tiếng nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút truyền thông và cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi “sân nhà” tại Oscar. Thất bại năm ngoái của “Roma” trước một “Green Book” mang âm hưởng “tự xoa dịu” đầy quen thuộc đã dấy lên luồng phản ứng mạnh mẽ trước lối mòn công thức mà Viện Hàn lâm liên tục “sa vào” trong những đánh giá điện ảnh của mình.

Chiến thắng ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” sau khi đánh bại những đối thủ vô cùng nặng ký khác như Sam Mendes, Quentin Tarantino, Todd Phillips và Martin Scorsese, Bong Joon Ho nói đùa rằng ông tưởng mình đã “hết giải thưởng đêm nay rồi chứ”.

Và như vậy, ngay trong lần đề cử đầu tiên của Hàn Quốc tại Oscars, tác phẩm của Bong Joon-ho đã vượt qua những lão làng huyền thoại của Hollywood như Martin Scorsese và Quentin Tarantino trong cuộc đua năm nay để mở đường và gieo hy vọng cho các nhà làm phim quốc tế nói chung và châu Á nói riêng về một Oscar đa dạng, công bình hơn cho tất cả mọi người chơi. Theo một khía cạnh nào đó, đây có thể được xem là một bước đi có tính toán của Viện Hàn lâm sau loạt chỉ trích về một Oscar “quá-trắng” vào năm 2016, cũng như khi “Green Book” được xướng tên vào năm ngoái khi vượt qua “Roma” – một bộ phim nước ngoài đến từ đơn vị Netflix. Tuy nhiên, năm nay với sự thiếu vắng những người phụ nữ ở đề cử hạng mục đạo diễn mặc cho sự bùng nổ của Greta Gerwig (“Little Women”) và Lulu Wang (“The Farewell”) cũng khiến Oscar chưa hoàn toàn vượt ra được cái “dớp” chỉ trích của một bộ phận báo giới và khán giả.

“Marriage Story” và “The Irishman” gần như trắng tay – Netflix làm gì tiếp theo sau những cú ngã ngựa liên hoàn tại các lễ trao giải và ra về với chỉ hai chiến thắng?

Năm nay là một năm đáng nhớ đối với nền điện ảnh thế giới khi một những cái tên sừng xỏ được truyền thông trông đợi sẽ đối đầu nhau trực diện xuyên suốt loạt giải thưởng lớn nhỏ đều ngậm ngùi lùi về tuyến hai trong cuộc đua đến với những giải thưởng quan trọng.

Brat Pitt chiến thắng giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” với  “Once Upon a Time…in Hollywood” sau 30 năm miệt mài nghiệp diễn. 

Cụ thể hơn, “Once Upon a Time…in Hollywood” của Quentin Tarantino đã ra về với thành quả dưới mức kỳ vọng khi chỉ thu về một giải phụ cho hạng mục “Thiết kế sản xuất” bên cạnh giải diễn xuất của Brad Pitt dù nhận được 10 đề cử. “The Irishman”, cũng sở hữu 10 đề cử, chịu chung số phận khi thậm chí ra về trắng tay dù được nhào nặn bởi bàn tay thần của Martin Scorsese và có sự góp mặt của những cái tên kinh điển trong làng điện ảnh thế giới. Đáng nói, một bộ phim khác cùng đến từ đơn vị Netflix là “Marriage Story” cũng phải ra về với chỉ 1 chiến thắng nằm trong dự đoán dành cho nữ phụ Laura Dern dù gây bão trong dịp cuối năm 2019 vừa qua.

Laura Dern mang về cho Netflix một tượng vàng với chiến thắng ở hạng mục “Nữ phụ xuất sắc nhất”.

Trong vài năm trở lại đây, không quá khó để nhận ra tham vọng của Netflix trong việc tấn công các giải thưởng danh giá và nâng tầm thương hiệu khi dịch vụ phân phối phim ảnh trực tuyến này liên tục đầu tư vào những sản phẩm gốc nghiêm túc, tạo nhiều luồng dư luận ngay từ khâu phát thảo.

Việc bắt tay với huyền thoại Martin Scorsese để tạo nên siêu phẩm “The Irishman” đã khiến không ít người trông đợi rằng Netflix sẽ làm nên chuyện tại mùa lễ trao giải năm nay ở các hạng mục quan trọng nhất khi phim nhận được 10 đề cử. Bên cạnh “The Irishman”, studio này còn mang đến mùa trao giải năm nay một cái tên đầy triển vọng khác là “Marriage Story” với 6 đề cử lớn nhỏ. Việc tác phẩm của Scorsese lặp lại kết quả tại Quả Cầu Vàng và ra về trắng tay tại Oscar chắc chắn sẽ dấy lên nhiều luồng ý kiến, tranh luận về việc liệu đơn vị sản xuất này có đang vấp phải một số định kiến cố hữu trong cuộc đua đến với danh hiệu cao nhất.

“Marriage Story” và “The Irishman” gần như trắng tay tại lễ trao giải lớn nhất hành tinh dù là “con cưng” của giới chuyên môn lẫn khán giả.

Dù vậy, Netflix hoàn toàn có thể tự hào với những kết quả mình đã gặt hái được trong năm vừa rồi khi sở hữu một loạt tựa phim không những tiến thẳng vào các liên hoan phim và lễ trao giải lớn mà còn đạt được những thành công nhất định về mặt thương mại, cho thấy hướng đi hiện tại của ông lớn này là vô cùng hiệu quả khi đầu tư vào những tác phẩm art-house được yêu mến và nhìn nhận nghiêm túc bởi giới chuyên môn.

Ngoài một số cái tên kể trên thì loạt chiến thắng hạng mục diễn xuất của Joaquin Phoenix (“Joker“), Renée Zellweger (“Judy“), Brad Pitt (“Once Upon a Time… in Hollywood“) và Laura Dern (“Marriage Story“) đều là những kết quả nằm trong dự đoán của giới chuyên môn, đặc biệt là sau một loạt các giải thưởng và liên hoan phim diễn ra trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên ở các hạng mục khác, năm nay có thể được xem là một năm tương đối khó đoán đối với người yêu điện ảnh khi có quá nhiều cái tên sáng giá ra mắt dịp cuối năm, khiến không chỉ tin tức về người thắng cuộc mà những cái tên chịu thất bại cũng làm báo giới và người theo dõi không ngừng bàn luận.

Joaquin Phoenix và Renée Zellweger lần lượt mang về tượng vàng đầu tiên và thứ hai trong sự nghiệp.

Đây cũng là năm đánh dấu nhiều cột mốc đáng nhớ trong công cuộc nâng cao độ phủ sóng của người Á châu trên đường đua thế giới. Sau hai thập kỷ kể từ khi bắt đầu gây chú ý vào đầu những năm 2000, nền điện ảnh Hàn Quốc cuối cùng cũng được vinh danh tại các liên hoan phim và lễ trao giải lớn, cho thấy độ nhận diện ngày càng tăng cao tại kinh đô điện ảnh Hollywood nói riêng và trên thế giới nói chung.

Không quá khoa trương khi nói Oscar 2020 đánh dấu một cuộc cách mạng mang tính chuyển mình khi hình ảnh của một ekip hoàn toàn Á Đông được vinh danh và xuất hiện trên khắp các mặt báo toàn thế giới, giúp mang các tài năng châu Á đền gần hơn với trung tâm của điện ảnh thế giới. Ngoài ra, việc Oscar trao giải cho một bộ phim mang nhiều màu sắc giải trí như “Parasite” cũng cho thấy những dấu hiệu chuyển biến không nhỏ trong lựa chọn của Viện Hàn lâm.


From the same category