#Oscar2024 – 9 điều hay ho về giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh

Chỉ còn ít ngày nữa, giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar sẽ diễn ra để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của ngành nghệ thuật trong năm vừa qua. Là lễ trao giải lâu đời nhất thế giới trong ngành nghệ thuật, Oscar có những sự thật thú vị mà có thể bạn chưa biết. 

1. Oscar không thực sự là Oscar: Tên chính thức của giải thưởng điện ảnh danh giá này là Giải thưởng Viện Hàn lâm (tiếng anh: Academy Awards). Đã có 3 giả thuyết được đưa ra về cái tên Oscar, nhưng lý giải phổ biến nhất lại vô cùng giản đơn – bà Margaret Herrick, thư ký điều hành AMPAS (Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ Thuật và Điện ảnh), cho rằng bức tượng khiến bà nhớ tới người bác Oscar Pierce.
2. Tượng Oscar “hàng thật giá thật”: Vào năm 1928, người được giao nhiệm vụ thiết kế chiếc cúp dành cho người chiến thắng là Cedric Gibbons – Giám đốc nghệ thuật của hãng MGM. Qua lời gợi ý của vợ, ông đã thuyết phục đạo diễn/diễn viên Emilio El Indio Fernandez tạo dáng trong tư thế “không mảnh vải che thân” và từ đó, tượng vàng Oscar được ra đời. Được làm từ kim loại britannia mạ đồng, niken, bạc và vàng 24 karat, chi phí sản xuất mỗi chiếc tốn khoảng 500 USD (khoảng 12 triệu đồng).
3. Từng có phim bị loại vì dùng kỹ xảo: Thời nay, việc tạo hiệu ứng kỹ xảo trong phim bằng những phần mềm chuyên dụng là không hề xa lạ, và nó trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra những thước phim mãn nhãn trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, “TRON” (1982) đã bị loại khỏi danh sách đề cử Oscar cho “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất” vì Viện Hàn lâm cho rằng việc dựng bối cảnh phim bằng máy tính là gian lận.
4. Chi phí tổ chức xa xỉ: Vấn đề chi phí tổ chức buổi lễ là chủ đề được những người yêu điện ảnh trên khắp thế giới quan tâm. Không còn nghi ngờ gì nữa, lễ trao giải quy tụ dàn sao nổi tiếng bậc nhất màn ảnh chắc chắn sẽ tốn không một khoản tiền không hề nhỏ. Theo trang web tài chính cá nhân Wallethub, Lễ trao giải Oscar 2023 trị giá khoảng 56,8 triệu USD (khoảng 1.420 tỷ đồng). Theo ước tính, thảm đỏ của lễ trao giải đã có giá lên tới 24.700 USD (khoảng 610 triệu đồng), riêng mỗi bức tượng Oscar trị giá khoảng 400 – 500 USD và có tới 24 hạng mục trao giải.
5. Những ngôi sao thực sự đi đâu?: Buổi lễ trao giải Oscar nổi tiếng là một sự kiện “siêu lâu”, với thời gian dài nhất từ ​​​​trước đến giờ tới 4 tiếng rưỡi. Làm thế nào mà tất cả người nổi tiếng đều “ngồi yên” như vậy? Câu trả lời đơn giản là họ không. Tại Oscar, sẽ luôn có những “người lấp chỗ ngồi” (seat-filler) được thuê với giá 125 đô la (khoảng 3 triệu đồng) một đêm. Bất cứ khi nào một người nổi tiếng rời đi, sẽ luôn có người ngồi thế chỗ để khung hình không trống trải khi máy quay lia tới. Có lẽ vì vậy, một số người nổi tiếng có thể “giết thời gian” tại quán bar nào đó và vội vàng chạy về chỗ ngồi sau khi hạng mục của họ được công bố.
6. Lớn hay bé đều “có quà”: Tatum O’Neal là diễn viên nhỏ tuổi nhất đoạt giải trong lịch sử Oscar ở hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” với bộ phim “Paper Moon” (1973) khi vừa tròn 10 tuổi. Ở chiều ngược lại, Christopher Plummer là người lớn tuổi nhất giành giải Oscar cho vai diễn trong “Beginners” (2011) khi đã 82 tuổi.
7. Phần quà người chiến thắng gồm những gì? Với sức hút của lễ trao giải Oscar, quà tặng dành cho người chiến thắng cũng thu hút sự tò mò của giới mộ điệu. Không chỉ người chiến thắng, những người được đề cử đều nhận túi quà đắt đỏ với giá trị thể lên tới trên 100.000 USD (khoảng 2.5 tỷ đồng). Quà tặng của Oscar bao gồm gói du lịch hạng sang, bữa tiệc riêng xa hoa cùng nhiều món đồ có giá trị như đồng hồ, vòng tay, rượu vodka…
8. “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”: Là một giải thưởng danh giá, nhận cúp Oscar những tưởng sẽ đem đến vinh dự đáng tự hào cho bất kỳ người nào  làm việc trong ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, trong lịch sử tổ chức có hai diễn viên từng từ chối giải Oscar. George C. Scott với vai diễn trong phim “Patton” (1970) đã chiến thắng ở đề cử “Nam chính xuất sắc nhất”. Tuy nhiên, vì cho rằng mình đóng chưa đủ thuyết phục, ông đã từ chối. Người thứ hai không nhận cúp là Marlon Brando, giành giải với vai Bố già Vito Corleone trong phim “Bố già” (1972). Lý do là bởi Brando muốn phản đối ngành công nghiệp điện ảnh đã đối xử bất công với người Mỹ da đỏ.
9. Ai là người biết trước kết quả? Câu trả lời là rất ít thôi! Trong những ngày đầu của Oscar, thông tin về kết quả đã được thông báo trước 3 tháng để người chiến thắng có thời gian chuẩn bị. Nhưng kể từ dịp trao giải năm 1941, kết quả được giữ kín trong phong bì và không một ai biết được kết quả ngoại trừ giám đốc và phó giám đốc công ty sản xuất Tượng vàng Oscar R. S Owen.

From the same category