Ngày 10/3 vừa qua, lễ trao giải Oscar 2024 danh giá đã diễn ra trong sự mong chờ của những người yêu điện ảnh trên toàn thế giới. Những cái tên được xướng lên trên sân khấu triệu đô đã đem đến vinh dự tuyệt đối cho đoàn làm phim, đồng thời cũng là sự “bảo chứng” tốt nhất về chất lượng của bộ phim đó. Nếu bạn đang tìm những tác phẩm xuất sắc để “nhâm nhi” những khi rảnh rỗi, danh sách phim giành chiến thắng sau đây có thể sẽ hữu ích!
Bộ phim chiến thắng đậm nhất ở Oscar năm nay gọi tên “Oppenheimer”. Xoanh quanh cuộc đời của J. Robert Oppenheimer – người phát minh ra bom nguyên tử, bộ phim không chỉ là sự tái hiện của thời kỳ lịch sử nhuốm màu máu lửa của Thế chiến Thứ Hai. Đạo diễn Christopher Nolan lựa chọn mạch phim phi tuyến tính bằng cách chạy song song hai sự kiện: Dự án Manhattan và phiên điều trần khi Oppenheimer bị điều tra an ninh. Chính bằng cách này, phim tô đậm những đối lập trong cuộc đời của Oppenheimer: Nhà khoa học vĩ đại hay kẻ hủy hoại thế giới, anh hùng quốc gia hay gián điệp phản quốc, khoa học hay đạo đức,… Câu trả lời phụ thuộc vào giá trị và thế giới quan của chính khán giả.
Điểm sáng của bộ phim không chỉ nằm ở nội dung và lối kể chuyện. “Oppenheimer” quy tụ hơn 30 diễn viên trong đó có nhiều sao hạng A: Cillian Murphy, Emily Blunt, Robert Downey Jr, Josh Harnett,… Ngay cả những nhân vật phụ dù ít đất diễn, nhưng luôn có đủ không gian để thể hiện cá tính và cho thấy vai trò quan trọng trong mỗi nút thắt phim. Ngoài dàn diễn viên là linh hồn của bộ phim, các hiệu ứng chiến tranh cũng như hình ảnh ẩn dụ cũng là yếu tố góp phần giúp “Oppenheimer” trọn vẹn. Ánh sáng chói gắt của quả bom nguyên tử hay những tiếng dậm chân liên hồi,… thể hiện được thế giới nội tâm đầy phức tạp và giằng xé của nam chính.
Chính sự trọn vẹn và đầy cảm xúc đã giúp “Oppenheimer” giành về 13 đề cử tại Oscar 2024 và không bất ngờ khi chiến thắng tại nhiều hạng mục quan trọng: “Phim hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Nam chính – phụ xuất sắc nhất”, “Dựng phim xuất sắc nhất”, “Nhạc phim và Quay phim xuất sắc nhất”.
Là đối thủ hàng đầu của phim về “cha đẻ bom nguyên tử”, “Poor things” có nhiều điểm cộng không thể bỏ qua. Được dán nhãn 18+, nhưng “Poor things” không phải chỉ toàn dục vọng xác thịt. Bằng chứng là không chỉ chinh phục Oscar, bộ phim đạt được nhiều hơn sự công nhận từ nhiều giải thưởng khác như Quả Cầu Vàng 2024, BAFTA 2023, AACTA 2023,…
Bộ phim bắt đầu từ một nhân vật thú vị, Bella Baxter, một tâm hồn trẻ thơ bị ép buộc ở trong hình hài của người phụ nữ trưởng thành. Nhà khoa học Dr. Godwin (Willem Dafoe) tạo ra cô bằng cách cấy não của một đứa trẻ vào cơ thể người trưởng thành. Từ điểm nhìn của Bella đầy tò mò trong hành trình khám phá thế giới, đạo diễn Yorgos Lanthimos vẽ ra một thế giới siêu thực đầy cuốn hút với những khung cảnh choáng ngợp của sự diệu kỳ: những tòa lâu đài độc đáo, những chiếc xe bay trên khung trời hồng pastel, mặt biển xanh thẫm trải rộng…
Bộ phim đi theo quá trình khám phá bản thân ngập tràn cảm xúc phong phú của Bella, từ sự tò mò, thích thú khám phá mọi thứ xong, đến ngờ vực, học hỏi như một đứa trẻ và dần dần trưởng thành khi biết tôn trọng, tiếc thương, tức giận, báo thù,… Với “hoàn cảnh ra đời” không giống ai, nữ chính dẫn dắt khán giả đến câu chuyện “cổ tích lộn ngược”, và suy ngẫm về những vấn đề xã hội như bản chất con người đến từ giáo dục hay tự nhiên vốn có, nữ quyền, tình duc,… “Poor things” trên màn ảnh rộng đem tới chính xác những cảm xúc trong lời review của London Review of Books về nguyên tác “Tuyệt vời, vui nhộn, nhớp nhúa và thông minh”.
Đánh bại nhiều đối thủ nặng ký như “Elemental”, “Nimona”, “Spider-Man: Across the Spider Verse”, “The Boy and the Heron” (Thiếu niên và chim diệc) được xướng tên tại giải “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”. Không cần truyền thông rình rang, bộ phim hoạt hình của họa sĩ là “linh hồn” nhà Ghibli, Miyazaki Hayao, đã lập kỷ lục bán vé trong ba ngày mở màn ở Nhật Bản.
Nếu đã chán ngấy với những bộ phim kịch tính biến cảm xúc như “tàu lượn siêu tốc”, thì sự nhẹ nhàng trong “The Boy and the Heron” sẽ chữa lành tâm hồn của bạn. Dù khởi đầu bằng sự mất mát và đau buồn của cậu bé Mahito bởi sự ra đi của mẹ sau vụ cháy lớn, nhưng bộ phim vẫn giữa được nét dịu dàng, bình yên như màu sắc đặc trưng của xưởng Ghibli. Tác phẩm lấy bối cảnh hậu chiến ở Nhật Bản, mở ra hành trình khám phá thế giới đầy phép màu của nhân vật chính và chú chim diệc xanh trong vùng đất linh hồn để gặp lại người mẹ quá cố, từ đó giúp Mahito trưởng thành.
Thông qua nhân vật chính, “The Boy and the Heron” gửi gắm thông điệp chữa lành về nỗi đau: Con người trưởng thành qua nỗi đau, vậy nên kiên cường đối diện với nó. Sau mọi khổ đau, điều cần làm là hướng đến tương lai, tạo ra giá trị đẹp đẽ cho cuộc sống. Mât tới hơn 7 năm để hoàn thiện, từng thước phim vẽ tay tỉ mỉ trong phim cùng phần âm nhạc cổ điển, sâu lắng, cộng hưởng để thể hiện sâu sắc sự đồng cảm với nhân vật chính và cũng là thương hiệu của xưởng Ghibli.
Nếu là “mọt phim” của thể loại lịch sử, “The Zone of Interest” chắc chắn là một tựa phim đáng để theo dõi. Lấy bối cảnh là những năm 1940 với cuộc diệt chủng người Do Thái, bộ phim không trực tiếp mô tả sự khốn cùng và chết chóc trong những trại giam mà lấy điểm nhìn từ cuộc sống của gia đình người chỉ huy trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan – Rudolf Höss (Christian Friedel) – và vợ, Hedwig (Sandra Hüller). Nơi giam giữ sự sống và lối chơi xa hoa hòa lẫn trong những thước phim đã tô đậm sự bất công đến cùng cực trong chủ nghĩa phát xít, cũng chính là lời mỉa mai, châm biếm sâu cay nhất mà Jonathan Glazer gửi gắm.
Những phân cảnh nhợt nhạt bằng tông màu lạnh lẽo gợi cho khán giả cảm giác của thể loại kinh dị, cũng báo hiệu cho hình ảnh cái chết oan ức len lỏi trong từng khoảnh khắc của cuộc sống vốn đầy hưởng thụ của gia đình tên chỉ huy: tro cốt của người Do Thái hòa lẫn với nước mưa, đôi bốt của Rudolf Hoss dính máu tử tù,… Âm thanh nền càng đẩy cảm xúc của khán giả lên cực điểm của u ám, ngột ngạt như tiếng súng, chim kêu, tiếng trẻ em và phụ nữ than khóc,… Sự xuất sắc trong lối kể chuyện đã giúp “The Zone of Interest” giành chiến thắng 2 giải Oscar ở 2 nội dung “Hòa âm hay nhất” và “Phim quốc tế hay nhất”.
Với “Anatomy of a Fall”, khán giả sẽ được chứng kiến một kết quả của tình yêu đẹp bị chôn vùi trong phòng xử án. Thuộc thể loại trinh thám, bộ phim đã “giải phẫu” cuộc hôn nhân giữa Samuel (Samuel Theis) và Sandra (Sandra Hüller) để tìm ra cái chết của người chồng: niềm tự ái của người đàn ông buộc anh ta tự tử hay sự bốc đồng của người vợ đã ngộ sát người chung chăn gối?
Tác phẩm khơi gợi những vấn đề trong xã hội nam trị như bình đẳng giới, tình yêu, lựa chọn đam mê hay kinh tế gia đình,… “Anatomy of a Fall” còn khai thác một góc nhìn với về bạo lực qua nhân vật nữ, một điểm mới khi hầu hết vấn đề này được gắn với phái mạnh. Bằng sự khéo léo trong triển khai mạch truyện, đạo diễn Justine Triet đã cài cắm nhiều câu hỏi buộc người xem phải chiêm nghiệm và tự trả lời.