“Oppenheimer”: 180 phút có đủ phác họa chân dung về “cha đẻ” của vũ khí huỷ diệt nguy hiểm nhất thế giới?

Được ấn định lịch công chiếu chính thức tại Việt Nam vào ngày 11/8 tới đây, bộ phim mới nhất của đạo diễn Christopher Nolan – “Oppenheimer” có gì đặc biệt mà khiến các mọt phim phấn khích đến vậy?

Là tác phẩm của Christopher Nolan sau khi “Tenet” ra mắt vào năm 2020, “Oppenheimer” tái hiện câu chuyện có thật về quá trình tạo ra bom nguyên tử – thứ vũ khí huỷ diệt đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào năm 1945. Bộ phim đặt ra những câu hỏi, cũng chính là những băn khoăn mà các nhà khoa học đã đưa ra vào thời điểm đó về quyền lực, đạo đức và tham vọng. Với chủ đề đặc biệt và dàn diễn viên thực lực, phim được kỳ vọng rất cao cả về chất lượng lẫn doanh thu.

Và không ngoài mong đợi, “Oppenheimer” nhận về nhiều đánh giá tích cực cho cả kịch bản, kỹ xảo lẫn diễn xuất. Trên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes, phim đạt điểm “cà chua tươi” với 93% nhận xét tích cực từ các nhà phê bình. Doanh thu toàn cầu của phim đã lên đến 522 triệu USD chỉ sau 17 ngày ra mắt, vượt cả “Tenet” ở mức 366 triệu USD. Với ngân sách ước tính khoảng 100 triệu USD, mức doanh thu này của “Oppenheimer” thực sự rất khả quan, đặc biệt nếu xét về tính kén người xem của thể loại tiểu sử/chính kịch cũng như việc phim bị dán nhãn “R” (giới hạn đối với người dưới 17 tuổi).

Vậy “Oppenheimer” có gì đặc sắc mà khiến Hollywood phải “săn đón”, thậm chí nhiều người đã nhận định đây là bộ phim hay nhất 2023? Để trải nghiệm điện ảnh của bạn trọn vẹn hơn, hãy cùng Đẹp tìm hiểu một số thông tin xoay quanh bộ phim này nhé.

Oppenheimer – “Cha đẻ” của bom nguyên tử

Nhân vật chính của “Oppenheimer” là Julius Robert Oppenheimer sinh năm 1904 tại New York. Ông là con trai của một người Đức gốc Do Thái nhập cư , có mẹ là họa sĩ và cha là nhà nhập khẩu dệt may. Thời niên thiếu, ông sở hữu thành tích học tập xuất sắc, liên tục học vượt lớp. Sau này Oppenheimer theo đuổi ngành Hóa học tại Đại học Harvard, rồi chuyển sang Đại học Cambridge để học tiếp. Ông từng công tác tại Đại học Leiden, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) và trở thành Phó giáo sư tại Berkeley khi trở về Mỹ. Ở độ tuổi 32, ông chính thức trở thành một Giáo sư. Vào thời điểm đó, ông cũng hợp tác chặt chẽ với nhà Vật lý học từng đoạt giải Nobel – Ernest O Lawrence. Oppenheimer lập gia đình vào năm 1940, có hai người con và qua đời ở tuổi 62 vì bệnh ung thư vòm họng.

Bản thân Oppenheimer không phải là một người hướng ngoại, thậm chí còn khá tiêu cực, và cũng cực kỳ vụng về khi làm việc trong phòng thí nghiệm. Đó là một trong những lý do khiến ông quyết định theo đuổi vật lí lý thuyết thay vì vật lí thực nghiệm. Vào  tháng 5/1942, một trong những giáo sư ở Harvard của Oppenheimer, lúc đó đang là Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng, đã mời ông đến để nghiên cứu cách tính toán neutron cho một quả bom nguyên tử mới. Chỉ 1 tháng sau đó, “Dự án Manhattan” đi vào hoạt động, với Oppenheimer trở thành Giám đốc đầu tiên của phòng thí nghiệm Los Alamos, và những gì xảy ra sau đó đã đi vào lịch sử nhân loại.

Việc tham gia chế tạo bom nguyên tử đã dẫn đến nhiều sự xung đột trong thế giới quan của Oppenheimer. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 1965, ông cho biết rằng sau Thử nghiệm Trinity, một câu trong tác phẩm “Bhagavad Gita” của đạo Hindu đã vụt qua tâm trí ông: “Tôi trở thành thần chết, kẻ hủy diệt thế giới”. Tuy nhiên, trước đó, ông đã khẳng định: “Lương tâm của tôi không có gánh nặng nào… Các nhà khoa học không phải là những kẻ phạm pháp… Công trình của chúng tôi đã thay đổi điều kiện sống của con người, nhưng việc sử dụng những thay đổi này là vấn đề của các chính phủ, không phải của các nhà khoa học”. Mặt khác, dù là một trong số những bộ óc đã tạo ra bom nguyên tử, Oppenheimer vẫn tham gia kêu gọi hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân.

Có gì trong “Oppenheimer” của Christopher Nolan?

Trước năm 2023, Oppenheimer là chủ đề của một mini series bảy phần do BBC sản xuất vào những năm 80, với Sam Waterston đóng vai Oppenheimer. Sau đó, vào năm 2014, loạt phim giả tưởng về cuộc sống của các nhà khoa học đang làm việc tại Phòng thí nghiệm Los Alamos mang tên “Manhattan” được công chiếu lần đầu trên WGN America. Cùng năm đó, nhà khoa học kỳ khôi tiếp tục trở thành chủ đề cho một vở kịch tại Royal Shakespeare Company.

Christopher Nolan – đạo diễn lừng danh từng mang đến cho khán giả các siêu phẩm đình đám như “Inception”, bộ ba “Dark Knight”, “Interstellar”,… nay đã trở lại với phiên bản điện ảnh cho câu chuyện về cuộc đời của Oppenheimer. Kịch bản phim được xây dựng dựa trên cuốn sách “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J Robert Oppenheimer” (2005) của nhà báo từng đoạt giải Pulitzer – Kai Bird và nhà sử học Martin J Sherwin. Phim có sự tham gia của nam diễn viên đình đám Cillian Murphy trong vai Oppenheimer; Emily Blunt trong vai Katherine – nhà sinh vật học người Đức và là vợ của Oppenheimer; Matt Damon trong vai sĩ quan Hoa Kỳ và cũng là giám đốc của “Dự án Manhattan” – Leslie Grove; “người Sắt” Robert Downey Jr trong vai Lewis Strauss, một người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nữ diễn viên trẻ Florence Pugh sẽ trở thành Jean Tatlock – một bác sĩ tâm thần kiêm nhà báo, đồng thời cũng chính là người tình của Oppenheimer,…

Christopher Nolan luôn được biết đến là người rất tham vọng cũng và vô cùng chi tiết cũng như công phu mỗi khi tạo dựng bối cảnh phim. Và “Oppenheimer” được cho là dự án tham vọng nhất của ông cho đến nay. Trong một cuộc phỏng vấn với Total Film, vị đạo diễn nổi tiếng cho biết: “Việc tạo lại Thử nghiệm Trinity mà không sử dụng đồ họa máy tính là một thử thách lớn… Đó là một câu chuyện có phạm vi và quy mô vô cùng lớn… Và là một trong những dự án thách thức nhất mà tôi từng thực hiện xét về quy mô cũng như bề dày trong câu chuyện của ‘Oppenheimer’. Chia sẻ về nội dung của phim, Nolan cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng kể câu chuyện về cuộc đời của một ai đó thông qua lịch sử cá nhân lẫn lịch sử thế giới… Vì vậy, tính chủ quan của câu chuyện là cốt yếu nhất. Chúng tôi muốn xem những sự kiện này qua con mắt của Oppenheimer.”

Về kỹ xảo phim, công nghệ IMAX đã tạo ra một thể loại phim đen trắng mới cho riêng “Oppenheimer”. “Chúng tôi đã ‘thách thức’ các kỹ thuật viên thực hiện công việc này… Và họ đã đồng thuận. Lần đầu tiên, chúng tôi có thể quay phim IMAX đen trắng. Kết quả thì thật ly kỳ và phi thường!” – Christopher Nolan cảm thán.

Với những đánh giá tích cực từ phần lớn giới chuyên môn cũng như công chúng xem phim, “Oppenheimer” đang được đề cập đến như một ứng cử viên tiềm năng cho mùa giải thưởng điện ảnh sắp tới. Phim sẽ chính thức ra rạp tại Việt Nam vào ngày 11/8.


From the same category